SAIGÒN -- Một buổi sáng, tôi nhận được cái thiệp rất trân trọng của Nhà Nước mời tham dự buổi họp mặt giữa những công chức đã có bề dầy công tác từ hơn 23 năm qua, và trong quá trình làm việc “không có tỳ vết” (những sai lầm đáng tiếc). Điều gì đã khiến cho những người cộng sản công nhận chúng tôi là những công chức tốt? Phải chăng đó là sức mạnh của Tin Mừng?

Hôm nay, trước giờ khai mạc, trong hội trường rộng lớn, ngoài những cán bộ tôi còn thấy có nhiều khuôn mặt giáo dân, ai cũng trang phục lịch sự. Có một linh mục ngồi ở hàng đầu cùng với các vị sư, ni cô. Bên cạnh tôi là một bà sơ thường cho rước lễ ở nhà thờ Sao Mai. Chương trình diễn ra cũng bình thường như bao cuộc hội nghị, lễ lạc khác. Đến phần trao khánh vàng, tôi càng thấy rõ những khuôn mặt giáo dân ở đây: có mấy người ở giáo xứ Lộc Hưng, vài người thuộc giáo xứ Tân Sa Châu, rồi là Mẫu Tâm, Nghĩa Hòa, Tân Châu, Tân Việt, An Lạc, Đa Minh … kẻ nói người cười. Bấy nhiêu đó cũng đủ hình thành trong đầu tôi những ý nghĩ rất riêng tư.





Nhìn đôi tay của những người Kitô hữu, thường làm dấu thánh giá để tuyên xưng danh Chúa, cầm khánh vàng do những người cộng sản trao tặng, tôi nghĩ thầm: chắc hẳn các anh chị đó phải chọn cho mình một cách phục vụ để bước đi qua chặng thời gian hơn một phần tư thế kỷ, thể hiện “chất Kitô hữu” dựa trên sức mạnh của Tin Mừng thì mới có thể trở thành nắm men ẩn dấu trong thúng bột to lớn kia.

Ngày trước, khi đất nước Việt Nam có sự thay đổi lớn, tôi và những người cùng độ tuổi buộc phải có sự lựa chọn: người ra đi kẻ ở lại; người về quê kẻ trụ lại chốn thị thành; có ai đó bỏ cộng đoàn, tu viện trở về nhà, nhưng cũng có những người bỗng dưng lại đi tu (có người ngay năm đó lại vào Đại Chủng Viện để rồi bây giờ trở thành Giám mục…) bao cuộc đời đổi thay mà chỉ có chính đương sự mới hiểu rõ vì sao chọn con đường này hay chọn con đường khác!

Giữa sự thay đổi ấy, tôi vẫn tiếp tục học và được đào tạo chính qui trong một trường sư phạm giữa cơn thiếu thốn của gia đình. Ngày đó, tôi tươi trẻ và khá bướng bỉnh lý sự. Sự phản kháng đầu tiên của tôi là khi thầy giáo trong trường sư phạm đó gọi tôi và một Đoàn viên Thanh niên Cộng Sản lên trả bài. Tôi nói: “Thưa thầy, cả hai chúng con đều không thuộc bài, sao thầy lại cho con hai điểm, còn bạn ấy là năm điểm?”. Thầy giáo giải thích cho tôi một cách bối rối, không thuyết phục. Tôi đem cả sự bực tức đó đi vào nhà thờ. Thánh lễ buổi chiều làm tôi được bình an. Rồi tôi nhận ra tiếng Chúa bảo tôi là phải làm men làm muối giữa đời, dù cuộc đời có nhiều bất công, tắc trách… phải góp phần làm giảm bớt đi những điều chưa tốt.

Dù nhủ lòng như thế, và sống với một trong ba nghề mà tôi rất thích (giáo viên, phóng viên, ca sĩ) thế mà tôi vẫn chán ngấy vì đường hướng giáo dục và những suy nghĩ của tôi hoàn toàn khác nhau. Một sự bế tắc diễn ra trong lòng tôi. Nhờ thánh lễ hằng ngày, dò dẫm mãi và rất khó khăn tôi mới nhận ra hướng đi của mình để có thể phục vụ Giáo hội và quê hương. Tôi đã đặt cược với Đức Giêsu khi chọn cách phục vụ. Kết quả là đời sống độc thân và môi trường giáo dục làm tôi có nhiều điều kiện để bộc lộ khuôn mặt Chúa Kitô cho nhiều người hơn: tôi thương học trò, cư xử đúng với đồng nghiệp và làm lây nhiễm tình yêu thương trong cơ quan…

Có lần, một đảng viên cộng sản đã nói với tôi trước mặt mọi người: “Tôi công nhận cô rất thương người, nhưng cách thương của cô ủy mỵ quá!” Vâng, làm sao người cộng sản đó hiểu được cách yêu thương của người Kitô hữu rất khác với người đời: ai vả má này thì cho vả tiếp má kia, tha thứ đến bảy mươi lần bảy, yêu cả kẻ thù. Tôi thường IM LẶNG trước sự bon chen, tranh chấp quyền lợi; một thái độ làm cho những người thích chà đạp người khác để tiến thân phải ngượng ngùng, những người có quyền hành quen nhũng nhoiễu người khác phải thầm xấu hổ, người coi trọng vật chất bỗng thấy mình tầm thường. Khi CẦN LÊN TIẾNG thì biết cẩn thận, múc lấy ơn khôn ngoan nơi Chúa để đấu tranh cho CÔNG BẰNG - SỰ THẬT. Song tôi vẫn không bị lạc điệu giữa nhịp sống của đời.

Tôi ngắt dòng tư tưởng hỏi đùa bà sơ ngồi cạnh:

_ Sơ là đảng viên phải không? Sơ cười:

_ Không, còn chị thì sao?

Tôi đùa tiếp:

_ Con cũng không, nhưng con là cháu dâu của bà vợ ông Chủ tịch Mặt trận…

_ Được mấy con rồi?

_ Dạ đông lắm, con lo không xuể, nên cho tụi nó đi lượm rác ve chai đầy đường phố.”

Bà sơ xúc động còn tôi quay đi chỗ khác cười rung cả người!

Nếu Đức Giêsu chỉ thực hiện chương trình cứu rỗi cho một số người thì có thể Ngài chỉ là một lãnh tụ hiểu theo nghĩa hẹp nhưng Ngài đến để cứu độ “muôn dân muôn nước”, đón nhận tất cả những ai sống có mục tiêu tốt lành hướng đến CHÂN - THIỆN - MỸ. Tôi thầm nghĩ: nếu thực hiện Lời của Chúa thì trở thành “cán bộ ” (tông đồ) của Ngài. Một dạng cán bộ không bao giờ về hưu, luôn được tha thứ lỗi lầm, chẳng bao giờ cô đơn ( vì chẳng có vua, lãnh tụ nào ở với thần dân của mình mọi ngày cho đến tận thế! ) hưởng hạnh phúc khi về cõi vĩnh hằng, thành tích xuất phát từ lòng mến lại chẳng bao giờ mục nát, hoa huân chương chẳng bao giờ tàn… Ai cũng là cán bộ của Chúa từ ngày được rửa tội trước khi nhận những danh xưng nào đó của đời ban tặng. Thật là tuyệt vời cho người Kitô hữu hôm nay.