1. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Tân Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh

Giữa những lời đồn thổi ngày càng nhiều của các phương tiện truyền thông tại Ý liên quan đến Đức Hồng Y Angelo Becciu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một vị tổng trưởng mới của Bộ Phong Thánh. Biến cố này diễn ra hôm thứ Năm 15 tháng 10, sau khi Đức Hồng Y Angelo Becciu từ chức đầy kịch tính hôm 24 tháng 9 vừa qua.

Cho đến nay, Đức Hồng Y Becciu vẫn nhất mực kêu oan. Tuy nhiên, việc Đức Thánh Cha buộc Đức Hồng Y Becciu từ chức Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y, và nhanh chóng bổ nhiệm người thay thế, cho thấy chắc chắn phải có một lý do nào đó giải thích cho thái độ quyết liệt của ngài.

Thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Cha Marcello Semeraro, là người cho đến nay vẫn đang giữ chức thư ký của Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn kể từ khi Hội Đồng này được thành lập vào năm 2013. Quyết định bổ nhiệm này có hiệu lực tức khắc, nghĩa là bắt đầu từ ngày 15 tháng 10.

Đức Cha Marcello Semeraro, người Ý, sinh tại Monteroni di Lecce, miền nam nước Ý, vào ngày 22 tháng 12 năm 1947. Ngài được thụ phong linh mục năm 1971 và được phong giám mục giáo phận Oria, ở Apulia, năm 1998. Ngày 1 tháng 10, 2004, ngài được bổ nhiệm Giám Mục giáo phận Albano.

Ngài từng là thư ký đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2001, về vai trò của các giám mục giáo phận.

Ngài cũng là thành viên của ủy ban giáo lý của Hội Đồng Giám Mục Ý, cố vấn của Thánh bộ Vatican về các Giáo hội Phương Đông và là thành viên của Bộ Truyền thông. Trước đây ngài cũng đã từng là thành viên của Bộ Tuyên Thánh.

Vào ngày 13 tháng 4 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm thư ký của Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn. Với tư cách là thư ký của Hội Đồng này, Đức Cha Semeraro đã giúp phối hợp các nỗ lực để tạo ra một tông hiến của Vatican, thay thế tông hiến “Pastor bonus” tức là “Mục Tử Nhân Lành” được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố năm 1998.

Hiện tại ngài là Giám quản Tông Tòa của đan viện Esarchico Ðức Maria ở Grottaferrata và là Ðại diện của Ðức Giáo Hoàng tại dòng Basiliano của Ý.


Source:Catholic News Agency

2. Cecilia Marogna bị cảnh sát tài chính Ý bắt giữ

Theo các phương tiện truyền thông tại Ý, người phụ nữ ở trung tâm của vụ tai tiếng tài chính ở Vatican liên quan đến Hồng Y Angelo Becciu đã bị bắt giữ.

Một số hãng thông tấn Ý đã đưa tin rằng Cecilia Marogna đã bị giới chức tài chính Ý bắt giữ vào tối thứ Ba tại Milan theo lệnh quốc tế do Vatican ban hành thông qua Interpol.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết đã không thể chứng thực một cách độc lập các báo cáo rằng các nhà điều tra Vatican đã ban hành lệnh bắt giữ. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan thực thi pháp luật Ý hợp tác với Vatican trong việc điều tra. Vào tháng 7, thương gia người Ý Rafaelle Mincione, đã bị nhà chức trách Ý ở Rome tống đạt lệnh khám xét và tịch thu. Lệnh này được thẩm phán Ý đưa ra sau yêu cầu từ văn phòng Công tố của Vatican.

Đầu tháng này, có tin cho rằng cô Cecilia Marogna, 39 tuổi, đã nhận được hơn 500,000 euro từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh dưới sự chỉ đạo của Tổng Giám Mục Angelo Becciu, lúc ấy là phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Sau khi các báo cáo xuất hiện, Marogna nói với các phóng viên rằng cô ấy đã làm việc với tư cách là cố vấn an ninh cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và công việc của cô ấy liên quan đến việc xây dựng “mạng lưới an ninh cao cấp” ở các quốc gia và khu vực có nguy cơ như Trung Đông và Châu Phi.

Một người phụ nữ chân yếu tay mềm lại có khả năng làm “cố vấn an ninh” và xây dựng “mạng lưới an ninh cao cấp” xem ra có vẻ khó tin.

Các cáo buộc lần đầu tiên được đưa ra vào ngày 5 tháng 10 trên chương trình truyền hình Ý Le Iene, trong đó họ tuyên bố có trong tay tài liệu cho thấy Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã trao nửa triệu euro cho công ty Slovenia của Marogna và cô có “mối quan hệ tin cậy” với Đức Hồng Y Becciu.

Trong các cuộc phỏng vấn sau đó với báo chí, Marogna, 39 tuổi, cũng đến từ Sardinia, quê hương của Đức Hồng Y Becciu, đã phủ nhận bất kỳ mối quan hệ gia đình hoặc không phù hợp nào với Đức Hồng Y Becciu.

Le Iene cũng tuyên bố có tài liệu cho thấy Marogna đã sử dụng tiền của Vatican để mua những chiếc túi xách đắt tiền của Prada và Chanel, cũng như những món hàng xa xỉ khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Domani của Ý ngày 6 tháng 10, Marogna cho biết cô bị chỉ trích “chỉ vì tôi làm tốt công việc của mình và tôi luôn duy trì sự thận trọng và bí mật.”


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha bổ nhiệm thêm một thành viên của Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn

Hôm thứ Năm 15 tháng 10, Đức Thánh Cha đã bổ sung một thành viên mới vào Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn. Đó là Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu của Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo. Đức Hồng Y Capuchin, năm nay 60 tuổi, đã lãnh đạo tổng giáo phận, bao gồm hơn sáu triệu người Công Giáo, kể từ năm 2018.

Đức Thánh Cha cũng đã bổ nhiệm Đức Cha Marco Mellino, hiện là Giám Mục Chính Tòa của Cresima, làm thư ký của Hội Đồng thay cho Đức Cha Marcello Semeraro vừa được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh. Trước đây, Đức Cha Marco Mellino đã từng là phụ tá thư ký Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng xác nhận rằng Đức Hồng Y Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga, người Honduras, sẽ vẫn là điều phối viên của Hội Đồng và xác nhận rằng năm vị Hồng Y khác sẽ vẫn là thành viên của cơ quan tư vấn cho Đức Giáo Hoàng về việc điều hành Giáo hội Hoàn vũ.

Năm vị Hồng Y này là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; Seán O’Malley, tổng giám mục Boston; Oswald Gracias, tổng giám mục Bombay; Reinhard Marx, tổng giám mục của Munich và Freising; và Giuseppe Bertello, Thống đốc Quốc gia Thành Vatican.

Sáu thành viên của Hội Đồng đã tham gia một cuộc họp trực tuyến vào ngày 13 tháng 10, trong đó các ngài thảo luận về cách tiếp tục công việc trong bối cảnh đại dịch.

Hội Đồng Các Hồng Y Cố Vấn, cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, thường tập trung tại Vatican ba tháng một lần trong khoảng ba ngày.

Ban đầu Hội Đồng có chín thành viên và được mệnh danh là “C9”. Nhưng sau sự ra đi của Đức Hồng Y người Úc George Pell, Đức Hồng Y người Chile Francisco Javier Errázuriz Ossa, và Đức Hồng Y Laurent Monsengwo người Congo vào năm 2018, Hội Đồng được gọi là “C6”.

Một tuyên bố của Vatican hôm thứ Ba nói rằng Hội Đồng đã làm việc vào mùa hè này về tông hiến pháp mới và trình bày một bản dự thảo cập nhật cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Các bản sao cũng được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để cho biết ý kiến.

Cuộc họp ngày 13 tháng 10 dành để tổng kết công việc của mùa hè và nghiên cứu cách hỗ trợ việc thực thi tông hiến mới một khi được ban hành.

Theo tuyên bố, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết “công cuộc cải cách đang được tiến hành, cả ở một số khía cạnh hành chính và kinh tế”.

Hội đồng sẽ họp lần sau vào tháng 12.


Source:Catholic News Agency

4. Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ bỏ phiếu đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào ngày 22 tháng 10

Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ bỏ phiếu về việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao vào ngày 22 tháng 10, Thượng nghị sĩ Lindsay Graham thông báo vào hôm thứ Năm, sau ba ngày điều trần.

“Bây giờ tôi quyết định rằng biểu quyết về việc Ủy ban đề cử Amy Coney Barrett làm Thẩm Phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào lúc một giờ, ngày 22 tháng 10 năm 2020”, Thượng nghị sĩ Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện tuyên bố.

Thông báo này được đưa ra bất chấp sự phản đối từ Thượng nghị sĩ Dick Durbin của đảng Dân Chủ đơn vị Illinois, là người cho rằng cuộc bỏ phiếu nên được trì hoãn thêm vì không có hai thành viên của đảng Dân Chủ hiện diện vào thời điểm đó. Đảng Dân chủ, là thành phần thiểu số tại Thượng viện, có quyền đình hoãn cuộc bỏ phiếu trong thời gian tối đa là một tuần.

Các thành viên đảng Dân chủ Thượng viện, bao gồm cả ứng cử viên phó tổng thống Kamala Harris, đã lập luận rằng quy trình xác nhận Barrett là “bất hợp pháp” vì nó gần với cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới. Đảng Cộng hòa, do Graham lãnh đạo, đã nhấn mạnh rằng việc tiến hành xác nhận là phù hợp với hiến pháp và rằng Barrett đặc biệt đủ tiêu chuẩn để phục vụ tại Tòa án Tối cao.

“Sử dụng bất kỳ tiêu chuẩn hợp lý nào các bạn cũng không bao giờ có thể thuyết phục tôi rằng Amy Coney Barrett không đủ điều kiện,” Graham nói.

Các thượng nghị sĩ đã thảo luận về thời gian biểu xác nhận trong phiên điều hành sáng thứ Năm, trước khi ủy ban tiến hành điều trần các nhân chứng về ứng cử của Barrett. Các thượng nghị sĩ đã chất vấn thẩm phán trong các phiên họp kéo dài cả ngày từ thứ Hai đến thứ Tư, mà Barrett phải đối mặt với những câu hỏi lặp đi lặp lại về phá thai, tránh thai và các tiền lệ tư pháp từ các đảng viên Dân chủ trong ủy ban.

“Nếu tôi cũng áp dụng các tiêu chuẩn mà mấy người áp đặt cho mọi ứng cử viên của Đảng Cộng hòa kể từ khi tôi có mặt ở đây, tôi đã không bỏ phiếu tán thành các Thẩm Phán Sotomayor và Kagan,” Thượng nghị sĩ Graham nói vào sáng thứ Năm.

Ông Graham nói: “Tôi muốn công bằng, nhưng thật ngớ ngẩn khi chơi một trò chơi mà không ai khác đang chơi,” Thượng nghị sĩ Graham nói, cho thấy rằng cách đối xử của Đảng Dân chủ đối với Barrett và những người được đề cử trước đó có thể ngăn cản sự hợp tác trong tương lai về việc bổ nhiệm các thẩm phán của một tổng thống Dân chủ.

Thượng nghị sĩ Graham tuyên bố rằng sau khi xem phiên điều trần xác nhận của Thẩm Phán Brett Kavanaugh, bị gián đoạn và gần như loại bởi những lời cáo gian về tấn công tình dục trong quá khứ, ông ấy sẽ “không ngồi bên lề và xem một trong những ứng viên của chúng tôi bị tiêu diệt sau khi chúng tôi đã thể hiện sự tôn trọng đối với hai ứng viên của Đảng Dân chủ.”

“Điều đó là không đúng, và tôi sẽ không làm như thế,” ông Graham nói.

Sau cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Tư pháp, xác nhận của Barrett sẽ chuyển đến sàn của Thượng viện. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông tin rằng có đủ số phiếu bầu để xác nhận Barrett.


Source:Catholic News Agency