HOÀN CẦU HÓA VÀ TIẾN BỘ MÀ KHÔNG CÓ BẢN ĐỒ CHỈ ĐƯỜNG CHUNG

29. Với Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb, chúng ta không làm ngơ các tiến bộ tích cực đạt được trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y học, kỹ nghệ và phúc lợi, nhất là ở các nước phát triển. Tuy nhiên, “chúng ta muốn nhấn mạnh rằng, cùng với các tiến bộ lịch sử này, các tiến bộ rất vĩ đại và có giá trị, đang có một sự suy thoái đạo đức ảnh hưởng đến hành động quốc tế và đang làm suy yếu các giá trị và trách nhiệm tinh thần. Điều này góp phần vào cảm giác thất vọng, cô lập và tuyệt vọng nói chung”. Chúng ta thấy “căng thẳng bùng phát và tích lũy vũ khí và đạn dược trong bối cảnh hoàn cầu bị chi phối bởi sự bất trắc, vỡ mộng, lo sợ cho tương lai, và bị kiểm soát bởi các lợi ích kinh tế hạn hẹp”. Chúng ta cũng có thể chỉ ra “những cuộc khủng hoảng chính trị lớn, những tình huống bất công và thiếu sự phân phối công bằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Đứng trước những cuộc khủng hoảng như vậy, những cuộc khủng hoảng dẫn đến cái chết của hàng triệu trẻ em – hốc hác vì đói và nghèo – hiện có sự im lặng không thể nào chấp nhận được trên bình diện quốc tế ” [27]. Bức tranh toàn cảnh này, dù với những tiến bộ không thể phủ nhận của nó, dường như không dẫn đến một tương lai nhân đạo nào hơn.

30. Trong thế giới ngày nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại đơn nhất đang mờ dần, và ước mơ làm việc với nhau vì công lý và hòa bình dường như là một điều không tưởng lỗi thời. Thay vào đó, điều đang thống trị là sự thờ ơ lạnh lùng, thoải mái và có tính hoàn cầu, phát sinh từ sự vỡ mộng sâu xa được che giấu phía sau một ảo tưởng lừa dối: nghĩ rằng chúng ta là toàn năng, trong khi không nhận ra rằng tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền. Ảo tưởng này, không quan tâm đến những giá trị huynh đệ cao cả, dẫn đến “một kiểu hoài nghi. Vì đó là cơn cám dỗ chúng ta phải đối đầu nếu chúng ta đi vào con đường chán nản và thất vọng… Cô lập và tự thu mình vào lợi ích của chính mình không bao giờ là cách để khôi phục hy vọng và mang lại sự đổi mới. Đúng hơn, phải là sự gần gũi; phải là nền văn hóa của sự gặp gỡ. Cô lập, không; sự gần gũi, đúng. Xung đột văn hóa, không; văn hóa gặp gỡ, đúng” [28].

31. Trong thế giới chạy đua phía trước nhưng lại thiếu bản đồ chỉ đường chung này, chúng ta ngày càng cảm thấy rằng “hố phân cách giữa sự quan tâm đối với phúc lợi bản thân của người ta và sự thịnh vượng của gia đình nhân loại lớn hơn dường như đang trải dài đến mức gây chia rẽ hoàn toàn giữa các cá nhân và cộng đồng con người… Cảm thấy buộc phải sống chung là một điều, nhưng biết trân quí sự phong phú và vẻ đẹp của các hạt giống sống chung đang cần được tìm kiếm và vun đắp lại là một điều hoàn toàn khác hẳn” [29]. Kỹ thuật không ngừng phát triển, tuy nhiên “sẽ tuyệt vời biết bao nếu sự phát triển của việc canh tân khoa học và kỹ thuật có thể xuất hiện cùng với việc có nhiều bình đẳng và hòa nhập xã hội hơn. Thật tuyệt vời biết bao, khi, cùng với việc khám phá ra những hành tinh xa xôi, chúng ta tái khám phá nhu cầu của những người anh chị em đang bao quanh chúng ta” [30].

CÁC ĐẠI DỊCH VÀ CÁC TAI HỌA KHÁC TRONG LỊCH SỬ

32. Quả thực, một thảm kịch toàn thế giới như đại dịch Covid-19 trong giây lát đã làm sống lại cảm thức chúng ta là một cộng đồng hoàn cầu, tất cả cùng chung một con thuyền, trong đó các vấn đề của một người là vấn đề của mọi người. Một lần nữa chúng ta hiểu ra rằng không ai một mình được cứu vớt; chúng ta chỉ có thể được cứu vớt cùng với nhau. Như tôi đã nói trong những ngày đó, “cơn bão đã bóc trần tính dễ bị tổn thương của chúng ta và để lộ ra những điều chắc chắn giả tạo và phù phiếm mà xung quanh chúng, chúng ta đang xây dựng lịch trình sinh hoạt hàng ngày, các dự án, các thói quen và ưu tiên của chúng ta… Giữa cơn bão táp này, mặt tiền của những khuôn mẫu mà chúng ta đã dùng để ngụy trang cho cái tôi của chúng ta, luôn lo lắng về vẻ bề ngoài, đã rớt xuống, để lộ một lần nữa ý thức không thể tránh được và đáng chúc phúc này: chúng ta là thành phần của nhau, chúng ta là anh chị em của nhau” [31].

33. Thế giới đang không ngừng tiến tới một nền kinh tế, nhờ tiến bộ kỹ thuật, tìm cách giảm “phí tổn nhân bản”; có những người làm chúng ta tin rằng tính tự do của thị trường đủ để giữ cho mọi sự được an toàn. Tuy nhiên, đòn tàn bạo và không lường trước được của cơn đại dịch không thể kiểm soát này đã buộc chúng ta hồi phục mối quan tâm của chúng ta đối với các hữu thể nhân bản, đối với mọi người, thay vì lợi ích của một số ít người. Ngày nay chúng ta có thể nhận ra rằng “chúng ta tự nuôi mình bằng những giấc mơ lộng lẫy và cao cả, và kết cục là việc mất tập trung, hẹp hòi đóng kín và cô độc đầy ám ảnh. Chúng ta ngấu nghiến liên mạng và đánh mất hương vị của tình huynh đệ. Chúng ta tìm kiếm các kết quả nhanh chóng và an toàn, chỉ để thấy mình bị áp đảo bởi sự thiếu kiên nhẫn và lo lắng. Trở thành tù nhân cho thực tại ảo, chúng ta đã đánh mất mùi và vị của điều thực sự có thực” [32]. Nỗi đau, sự không chắc chắn và nỗi sợ hãi, và việc nhận ra các giới hạn của bản thân, do đại dịch đem tới, chỉ khiến việc chúng ta phải suy nghĩ lại phong cách sống, các mối liên hệ của mình, cách tổ chức các xã hội và trên hết, ý nghĩa của việc chúng ta hiện hữu, càng trở nên cấp bách hơn.

34. Nếu mọi thứ được nối kết với nhau, thì thật khó mà tưởng tượng rằng thảm họa hoàn cầu này không liên quan gì đến cách tiếp cận thực tại của chúng ta, việc chúng ta cho rằng mình là người làm chủ tuyệt đối cuộc đời của chính mình và của tất cả những gì đang hiện hữu. Tôi không muốn nói đến việc thần thánh báo oán, cũng như không đủ lý lẽ để nói rằng tác hại chúng ta gây ra cho thiên nhiên chính là hình phạt cho các vi phạm của chúng ta. Thế giới đang kêu la nổi loạn. Chúng ta được nhắc nhớ câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Virgil vốn gợi lên "những giọt nước mắt của sự vật", những bất hạnh của cuộc đời và của lịch sử [33].

35. Tuy nhiên, chúng ta quên mất những bài học của lịch sử, vốn là “người thầy của cuộc đời”, một cách quá nhanh chóng [34]. Một khi cuộc khủng hoảng sức khỏe này qua đi, phản ứng tồi tệ nhất của chúng ta sẽ là lao đầu sâu hơn nữa vào chủ nghĩa tiêu dùng điên loạn và các hình thức bảo toàn bản thân vị kỷ mới. Nhờ ơn Chúa, sau tất cả những điều này, chúng ta sẽ không còn nghĩ theo chiều “bọn chúng” và “những người ấy”, mà chỉ theo chiều “chúng ta”. Ước chi điều này có thể chứng minh không những một bi kịch khác của lịch sử mà từ đó chúng ta không học được gì. Ước chi chúng ta luôn ghi nhớ tất cả những người cao niên đã chết vì thiếu mặt nạ phòng độc, một phần là do việc phá bỏ, năm này qua năm khác, các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ước chi nỗi buồn mênh mông này có thể không trở nên vô ích, nhưng giúp chúng ta tiến thêm một bước nữa hướng tới một phong cách sống mới. Ước chi chúng ta có thể dứt khoát khám phá lại việc chúng ta cần đến nhau, và bằng cách này, gia đình nhân loại của chúng ta có thể trải qua một sự tái sinh, với mọi khuôn mặt, mọi bàn tay và mọi giọng nói của nó, vượt trên các bức tường mà chúng ta đã dựng lên.

36. Trừ khi chúng ta khôi phục được niềm đam mê chung trong việc tạo ra một cộng đồng thống thuộc và liên đới xứng đáng với thời đại, với năng lực và các nguồn lực của chúng ta, ảo tưởng hoàn cầu từng lừa dối chúng ta sẽ sụp đổ và để nhiều người ở lại trong sức kìm kẹp của xao xuyến lo lắng và trống rỗng. Chúng ta cũng không nên ngây thơ bác bỏ việc thừa nhận rằng “nỗi ám ảnh về lối sống duy tiêu thụ, nhất là khi ít người có khả năng duy trì nó, chỉ có thể dẫn đến bạo lực và hủy diệt lẫn nhau” [35]. Khái niệm “mỗi người vì chính mình” sẽ nhanh chóng biến chất thành một thứ tự do muốn làm gì thì làm, một điều còn tồi tệ hơn bất cứ đại dịch nào.

THIẾU NHÂN PHẨM TẠI CÁC BIÊN GIỚI

37. Một số chế độ chính trị theo chủ nghĩa dân túy, cũng như một số phương thức kinh tế tự do, chủ trương rằng phải ngăn chặn dòng người di cư bằng mọi giá. Các lập luận cũng được đưa ra bênh vực tính đứng đắn của việc hạn chế viện trợ cho các nước nghèo, để họ khánh kiệt và thấy mình buộc phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Người ta không nhận ra rằng đằng sau những tuyên bố như vậy, trừu tượng và khó hỗ trợ, rất nhiều mạng sống đang bị đe dọa. Nhiều di dân đã chạy trốn chiến tranh, bách hại và thảm họa thiên nhiên. Những người khác, rất đúng, “đang tìm kiếm cơ hội cho bản thân và gia đình họ. Họ mơ ước một tương lai tốt đẹp hơn và họ muốn tạo điều kiện để đạt được điều đó ” [36].

38. Đáng buồn thay, một số người trên “bị thu hút bởi văn hóa phương Tây, đôi khi với những kỳ vọng không thực tế khiến họ thất vọng nặng nề. Những kẻ buôn người vô lương tâm, thường có liên hệ với các băng đảng ma túy hoặc vũ khí, đang khai thác điểm yếu của di dân, những người thường xuyên phải trải qua bạo lực, buôn người, lạm dụng tâm lý và thể lý và những đau khổ không kể xiết trên hành trình của họ” [37]. Những người lên đường di cư đều “kinh qua sự xa cách với nơi xuất xứ của họ, và thường mất cả gốc rễ văn hóa và tôn giáo. Sự phân mảnh cũng được cảm nhận bởi các cộng đồng họ để lại, nơi mất đi các phần tử mạnh mẽ và dám nghĩ dám làm nhất của họ, và bởi các gia đình, nhất là khi một hoặc cả hai cha mẹ phải di cư, để lại con cái ở quê hương” [38]. Vì lý do này, “cũng cần phải khẳng định lại quyền không di cư, nghĩa là, quyền ở lại quê hương của người ta” [39].

39. Cũng thế, “ở một số quốc gia chủ nhà, di dân gây ra nỗi sợ hãi và báo động, thường được thúc đẩy và khai thác cho các mục đích chính trị. Điều này có thể dẫn đến não trạng bài ngoại, khi người ta tự khép mình vào chính mình, và điều này cần được giải quyết một cách dứt khoát” [40]. Các di dân không được coi là có quyền, như những người khác, được tham gia vào đời sống của xã hội, và người ta quên rằng họ có phẩm giá nội tại như bất cứ người nào khác. Do đó, họ phải là “các tác nhân trong việc tự cứu chính họ” [41]. Không ai có thể công khai phủ nhận rằng họ là những hữu thể nhân bản, nhưng trên thực tế, bằng quyết định của chúng ta và cách chúng ta đối xử với họ, chúng ta có thể chứng tỏ rằng chúng ta xem họ ít xứng đáng hơn, kém quan trọng hơn, kém nhân bản hơn. Đối với các Kitô hữu, lối suy nghĩ và hành động này là điều không thể chấp nhận được, vì nó đặt một số sở thích chính trị nhất định lên trên các niềm xác tín sâu xa về đức tin của chúng ta: phẩm giá bất khả chuyển nhượng của mỗi con người bất kể nguồn gốc, chủng tộc hay tôn giáo, và luật tối cao của tình yêu thương huynh đệ.

40. “Những cuộc di dân, hơn bao giờ hết, sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong tương lai của thế giới chúng ta” [42]. Tuy nhiên, hiện nay, việc di dân bị ảnh hưởng bởi “việc mất cảm thức trách nhiệm đối với các anh chị em của chúng ta mà mọi xã hội dân sự vốn dựa vào” [43]. Châu Âu, chẳng hạn, đang có nguy cơ nghiêm trọng đi theo con đường này. Tuy nhiên, “được hỗ trợ bởi di sản văn hóa và tôn giáo vĩ đại của nó, nó có các phương thế để bảo vệ tính trung tâm của con người và tìm được sự cân bằng đúng đắn giữa trách nhiệm đạo đức kép của mình là bảo vệ quyền của công dân và bảo đảm việc hỗ trợ và chấp nhận di dân” [44].

41. Tôi nhận ra rằng một số người còn do dự và sợ hãi đối với di dân. Tôi coi điều này như một phần trong bản năng tự vệ tự nhiên của chúng ta. Tuy nhiên, điều cũng đúng là một cá nhân và một dân tộc chỉ sinh hoa kết trái và có hiệu năng nếu họ có khả năng khai triển tính cởi mở sáng tạo với người khác. Tôi yêu cầu mọi người vượt ra khỏi những phản ứng ban sơ đó vì “có vấn đề khi những nghi ngờ và sợ hãi điều khiển cách suy nghĩ và hành động của chúng ta đến mức khiến chúng ta trở nên bất khoan dung, khép kín và thậm chí phân biệt chủng tộc mà mình không biết. Theo cách này, nỗi sợ hãi lấy mất nơi chúng ta ước nguyện và khả năng gặp gỡ người khác” [45].

Kỳ tới: ẢO TƯỞNG CỦA TRUYỀN THÔNG