Tabassum Yousaf là luật sư đại diện cho cha mẹ của cô gái trẻ Công Giáo, Huma Younus, năm nay 15 tuổi, bị bắt cóc vào tháng 10 năm 2019 và buộc phải theo đạo Hồi. Nói chuyện với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, cô đã đưa ra một bản cập nhật thật bi thảm về tình hình cá nhân và pháp lý của cô gái vị thành niên này, là người bị buộc phải kết hôn với người bắt cóc cô.

Người bắt cóc cô gái là tên Abdul Jabbar. Hắn có một người anh trai tên là Mukhtiar, là một cảnh sát viên. Luật sư Yousaf cho biết tên này đã liên lạc với cha mẹ của Huma, qua các cuộc gọi điện thoại video và trực tiếp đe dọa họ, cho họ xem vũ khí của mình và nói với họ rằng hắn ta sẽ giết chết họ nếu họ đến tìm con gái mình. Tên khốn nạn này còn nói thêm là nếu tất cả các Kitô hữu hợp lại để biểu tình đòi mang Huma trở lại, hắn ta sẽ giết cả cha mẹ cô và bất cứ ai cố gắng giúp đỡ họ.

Huma đã gọi điện cho bố mẹ cô, nói với họ rằng hiện nay cô đã mang thai do bạo lực tình dục mà cô phải chịu. Khi được cha cô hỏi liệu cô có thể rời khỏi nhà của kẻ bắt cóc và trở về nhà của cha mẹ cô không, cô nói với ông rằng cô không được phép rời khỏi nhà và cuộc sống của cô đang trở nên khó khăn hơn, vì hiện tại cô đang bị giam cầm trong bốn bức tường của một căn phòng nhỏ hẹp.

Về mặt pháp lý, luật sư của gia đình Huma, giải thích rằng tòa sơ thẩm Đông Karachi, đã khép lại vụ án với lý do thiếu bằng chứng. Luật sư đã kháng cáo lên tòa trên và phiên tòa tiếp theo đã được ấn định vào ngày 13 tháng 7 năm 2020.

Trong phiên tòa luật sư Yousaf đã trình bày hai tài liệu chính thức chứng minh rằng cô gái chưa đủ tuổi kết hôn. Một tuyên bố của trường học và giấy chứng nhận rửa tội từ giáo xứ Công Giáo Thánh Giacôbê Tông Đồ ở Karachi đều nêu rõ ngày sinh của Huma là ngày 22 tháng 5 năm 2005. Như thế, cô gái mới 15 tuổi và dưới 18 tuổi là tuổi được phép kết hôn.

Luật sư đại diện cho Huma, đang làm những gì có thể để chạy đua với thời gian, bởi vì trong ba năm nữa, cô gái sẽ 18 tuổi và rất có khả năng vụ án sẽ được hoãn lại vô thời hạn.

Tình cảnh bi thảm của Huma Younus là rất phổ biến tại Pakistan. Luật sư Yousaf, trích dẫn một nghiên cứu cho biết khoảng 2000 trường hợp như vậy mỗi năm. Có các trường hợp được báo cáo cho cảnh sát, và có các trường hợp gia đình nạn nhân sợ người Hồi Giáo đến mức không dám báo cáo.

Luật sư Yousaf nhận xét rằng cay đắng rằng nếu một trường hợp tương tự xảy ra liên quan đến một cô gái Hồi giáo chưa đủ tuổi, chính quyền sẽ hành động ngay lập tức. Còn đối với các tín hữu Kitô, luật pháp ở quốc gia này chỉ coi họ là công dân hạng hai.


Source:Aid To Church In Need