CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 10, 37-42)
HIẾU KHÁCH


Thương người mến Chúa là sao?
Yêu Thầy trên hết, biết bao phúc lành.
Dù là con cái chính danh,
Yêu thương con cháu, vì danh Chúa Trời.
Thánh Danh cao trọng tuyệt vời,
Phượng thờ kính mến, muôn lời ngợi khen.
Con người thụ tạo mọn hèn,
Hy sinh mạng sống, muối men cho đời.
Kẻ nào đón tiếp Ngôi Lời,
Họ đang tiếp đón, Chúa Trời trên cao.
Tiên tri sứ giả mời vào,
Tiếp người công chính, Cha trao ơn lành.
Công lao phần thưởng đã dành,
Đẹp lòng tốt tánh, để danh muôn đời.
Những ai tiếp nhận con người,
Khó nghèo bé mọn, sống đời lầm than.
Dù là bát nước sẻ san,
Vì Thầy, danh nghĩa, tỏa lan sáng ngời.
Chính Thầy hạ giới vào đời,
Sống chung chia sẻ, gọi mời yêu thương.

Chúa phán: “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy”. Thật là vinh dự cho chúng ta, được Chúa cho ưu quyền đại diện Chúa. Chúa đã đồng hóa chính Ngài với những người nghèo đói, khổ sở và thấp hèn nhất. Vì thế ai đón tiếp họ, cũng là đón tiếp Chúa.

Truyện kể: Có một lần, một bà cụ được Chúa hẹn đến thăm nhà. Bà chuẩn bị mọi thứ để đón tiếp Chúa. Sáng sớm có một người đến xin ăn, bà không tiếp. Trưa đến lại có một người bệnh lê gót tới nhà, bà từ chối giúp đỡ. Chiều tối, lại một người nghèo đến xin ở trọ qua đêm, bà đóng cửa không cho. Bà chờ cho tới đêm, cũng không thấy Chúa đến. Bà đành đóng cửa đi ngủ, trong giấc mơ, Chúa nói với bà rằng: Cha đến thăm con ba lần, mà con không tiếp.

Đón tiếp Chúa là như thế đó. Làm sao chúng ta nhận diện ra Chúa giữa muôn người? Đâu là khuôn mặt thật của Chúa? Chúa luôn ẩn dấu nơi những người bị khinh miệt và bỏ rơi. Có lẽ chúng ta đã từ chối đón tiếp Chúa vào nhà và vào tâm hồn ta nhiều lần. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, sống tại nhà quê, mỗi lần có người ăn xin mù lòa hay bất toại đi qua nhà. Tôi ngồi trong nhà ngó qua cửa sổ và tôi thấy từng nhà vội khép chặt cửa và kéo màn che xuống. Người ăn xin kiên nhẫn đợi chờ, đi gõ cửa từng nhà, nhưng chẳng mấy ai thèm cho. Không thấy ai mời họ vào nhà uống ly nước hay ly trà nóng. Không ai muốn trao đổi truyện trò với họ. Rồi ông/bà xấu số ấy cứ tiếp tục đi khu này sang khu khác tìm kiếm lòng quảng đại.

Chúng ta thử nghĩ, nhà chúng ta luôn rộng cửa để đón nhận ánh nắng mặt trời và không khí trong lành, nhưng chúng ta đâu muốn mở cửa đón nhận người lạ mặt, nhất là những người ăn mặc dơ dáy bẩn thỉu và nghèo đói. Sống trong một xã hội đầy nghi ngờ và luôn phải đề phòng những bất trắc xảy ra, chúng ta đã đánh mất đi sự nhạy cảm của lòng người. Ngày nay, trong các ngôi nhà, các cửa đều có khóa, có lỗ nhỏ để nhìn, có hệ thống báo động, có chó giữ nhà.. càng làm chúng ta xa cách nhau.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đón tiếp và giúp đỡ những kẻ khốn cùng. Tiếp họ một chén cơm, một ly nước, một lời chào hỏi, chúng ta sẽ được phần thưởng. Sự đón tiếp không chỉ là mở cửa ngôi nhà, nhưng quan trọng là mở cửa tâm hồn. Hãy mở rộng cửa đón Chúa, có Chúa, chúng ta sẽ có niềm vui và hạnh phúc thật.

TUẦN 13 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 8: 18-22


Chúa Giêsu nói với một người luật sĩ muốn theo Ngài: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu. Chúa chẳng có sỡ hữu của cải, vườn tược ruộng đất hay nhà cửa gì cả. Chúa đã trút bỏ mọi sự để xuống trần, tất cả của cải thế gian có là chi đối với Chúa. Chúa sinh ra trần trụi trong máng cỏ và Chúa chết trần truồng trên thập giá. Cuộc sống trần gian cũng không có gối đầu. Chúa hoàn toàn vô sản.

Không phải Chúa không cần chi hết, vì làm người Chúa cũng cần ăn uống, ngủ nghỉ và nơi cư ngụ. Chúng xử dụng các nhu cầu cần thiết nhưng Chúa không sỡ hữu nó. Luật sĩ muốn đi theo Chúa, ông nói: Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy. Ông ước muốn được nên trọn lành bên Chúa. Chúa cho ông biết đời sống cụ thể của Chúa để ông rộng đường chọn lựa.

Chúa Giêsu có thái độ dứt khoát với những người đi theo, họ không thể ngập ngừng hay bắt cá hai tay. Có người muốn theo nhưng xin Chúa: Xin cho phép con chôn cha con trước đã. Nghĩa là Chúa cứ chờ, khi nào cha của con chết, con sẽ đi theo Chúa. Chúa nói: Hãy theo Ta, hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Không biết người môn đệ đó có còn muốn theo Chúa nữa không. Theo Chúa là một sự chọn lựa dứt khoát. Chúng ta không thể làm tôi Chúa và làm tôi tiền bạc hoặc ma qủy. Chúng ta biết rằng có Chúa, chúng ta sẽ có tất cả. Đừng lo!

THỨ BA
Mt. 8: 23-27


Các môn đệ đến bên đánh thức Chúa và van xin: Thưa Thầy, xin cứu chúng con, kẻo chúng con chết mất. Chúa nói với họ: Hỡi những kẻ yếu lòng tin. Chẳng phải chỉ có các tông đồ yếu lòng tin đâu, chúng ta gặp trường hợp giông bão như thế, chúng ta còn sợ hãi và la hét hơn nhiều.

Cuộc đời như biển cả mênh mông, sóng gió có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Sóng gió có nhiều loại, sóng gió từ bên trong và sóng gió bên ngoài. Sóng gió với bản thân, với gia đình, với con cái và với công ăn việc làm. Nhiều khi sóng gió dập dồn, làm chúng ta hoảng sợ và chán nản. Là Kitô hữu, chúng ta học nơi các tông đồ, hãy biết mà chạy đến với Chúa, van xin: Lậy thầy, xin cứu con.

Sóng gió niềm tin đôi khi cũng nổi lên dằn vặt cuộc đời chúng ta. Những thách thức của giới răn, của luật lệ luân lý, của những chỉ dạy của Giáo hội làm cho chúng ta cảm thấy thua thiệt người đời, chúng ta giận dữ và ồn ào lên tiếng chống đối Giáo Hội. Trong tất cả mọi sự, chúng ta hãy chạy đến với Chúa để xin ơn trợ giúp. Chúa sẽ truyền cho bão lòng lặng yên và chúng ta sẽ được củng cố niềm tin nơi Chúa.

Lạy Chúa, sóng đời nhiều lúc làm chúng con quay cuồng, chúng con hầu như đã ngã ngục. Xin Chúa thêm đức tin cho chúng con để chúng con kiên vững trước những sóng gió của những cơn cám dỗ thời đại.

THỨ TƯ
Mt. 8: 28-34


Chúa Giêsu đến miền đất Gađara, có hai người bị qủy ám từ mồ mả đi ra hô lên rằng: Lạy Con Thiên Chúa, chúng tôi và Ngài co liên can gì đâu. Ngài đến đây để hành hạ chúng tôi trước thời hạn sao? Khi bị qủy ám thì người ta không còn tự mình điều khiển mà do chính qủy ám lên tiếng. Người bị qủy ám la lên lạy Con Thiên Chúa. Ma qủy biết Chúa đã xuất hiện nhưng tự ra nộp mình. Chúa đã xua đuổi chúng và cho nhập vào đàn heo.

Mồ mả là nơi chôn cất kẻ chết. Mồ mả là hình ảnh của thế giới sự dữ và ma qủy. Hai người bị qủy ám từ nơi mồ mả đi ra. Người bị qủy ám vẻ mặt hung dữ, người ta sợ không dám đi qua lại khu đó. Chúa Giêsu đến để giải thoát con người khỏi sự kiềm chế của quyền lực tối tăm. Chúa đã cứu hai người bị qủy ám nhưng Chúa cho qủy nhập vào đàn heo. Như thế, Chúa đã tỏ lòng thương xót với con người hơn cả một đàn heo.

Những người trong thành nghe tin Chúa đến đã ra đón Chúa nhưng khi gặp được Chúa họ mời Chúa ra khỏi vùng đất của họ. Có lẽ họ tiếc đàn heo đã bị nhào xuống biển chết hết. Hay họ sợ Chúa quyền phép vô quyền còn làm nhiều điều thiệt hại tài sản của họ. Lạy Chúa, Chúa đến cứu dân thành khỏi ma qủy quấy phá nhưng dân chúng vì ham muốn của cải trần gian đã không muốn tiếp nhận Chúa. Xin Chúa đừng chấp tội chúng con.

THỨ NĂM
Mt. 9: 1-8


Người ta đem đến cho Chúa một người bị bại liệt, thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bại liệt: Hỡi con, hãy vững tin, tội con đã được tha. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên Ngài có quyền tha tội. Những người luật sĩ thì thắc mắc trong lòng rằng tại sao ông này lại nói như thế. Ông ấy phạm thượng.

Mỗi lần Chúa Giêsu làm phép lạ chữa bệnh, Chúa muốn dạy chúng ta một điều nào đó. Chúa gói ghém mầu nhiệm nước trời và giáo lý của Ngài trong đó. Ngài từ từ bộc lộ uy quyền của Ngài bằng nhiều cách. Qua những thắc mắc đối thoại với những luật sĩ và biệt phái, Chúa bày tỏ chân lý nước trời. Thiên Chúa có quyền tha tội và muốn ủy thác quyền đó cho Giáo hội.

Tội lỗi ràng buộc con người trong sự dữ. Tội lỗi cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa và con người tội lỗi sống trong tối tăm. Bệnh hoạn cũng là hậu qủa của tội lỗi. Bệnh hoạn làm con người yếu đuối, mất đi hết năng lực không còn tự sức mình phấn đấu mà phải nhờ vả người khác. Khi chúng ta bệnh hoạn và tội lỗi, chúng ta cần ơn Chúa giúp để thoát vuợt khỏi sự lệ thuộc của sự dữ. Chúa sẽ giúp chúng trở lại tự do làm con cái của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa dùng quyền tối thượng để tha thứ tội lỗi và chữa lành các bệnh tật. Xin Chúa tha tội cho chúng con.

THỨ SÁU
Mt. 9: 9-13


Chúa Giêsu nói với các người biệt phái: Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng kêu gọi người tội lỗi. Chúa Giêsu đi ngang qua thấy Matthêô, ngồi ở bàn thu thuế. Chúa đã gọi ông: Hãy theo Ta và ông đứng dậy theo Chúa. Theo Chúa một cách dứt khoát và đơn giản. Matthêô không hỏi tại sao? Ông cũng không biết phải làm gì hay sẽ được gì? Ông chỉ đơn giản bỏ mọi sự đi theo Chúa.

Trước khi từ giã bạn bè, ông đã làm tiệc đãi bà con cô bác và từ giã nghề cũ đi theo Chúa làm nghề chài lưới người. Chúa thấu tỏ tâm hồn ông, Chúa gọi ông làm môn đệ. Nhiều người cảm thấy khó chịu khi Chúa cùng đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi. Các người biệt phái không dám trực tiếp nói với Chúa nhưng qua các môn đệ, họ phàn nàn thái độ của Chúa. Chúa đã trả lời họ rằng: Người đau ốm mới cần đến thầy thuốc.

Dưới cái nhìn của người biệt phái, những người thu thuế là những người tội lỗi cần phải tránh xa. Biệt phái là những người lãnh đạo nhưng họ không biết thương dân. Những người thu thuế là người tội lỗi giống như những người bệnh hoạn cần thầy thuốc cứu chữa họ và đưa họ trở về nẻo chính đường ngay. Chúa đã đối xử rất nhân hậu với kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa, đôi khi chúng con đẩy những người tội lỗi ra ngoài bìa, không cho họ cơ hội sám hối. Xin Chúa tha tội cho con.

THỨ BẢY
Mt. 9: 14-17


Các môn đệ của các nhóm phê bình, chỉ trích và so sánh cách sống đạo. Có nhóm thì chủ trương ăn chay trường, có nhóm thì lo cầu nguyện và có nhóm thì lo thực hành bác ái. Điều nào cũng tốt, nếu họ biết sống là thực hành điều mình tin. Môn đệ Gioan và môn đệ biệt phái thì ăn chay đều, môn đệ của Chúa thì không. Nhưng không phải không ăn chay là không đạo đức hay thiếu thánh thiện. Ăn chay phải có mục đích riêng.

Chúa Giêsu ra rao giảng một cách sống đạo nội tâm. Chúa đã khai mở một con đường mới giúp chúng ta đến gần với Thiên Chúa và con người hơn. Chúa Giêsu dùng ẩn dụ nói rằng: Rượu mới thì đổ vào bầu da mới. Giáo lý mới của Chúa phải được sống theo tinh thần mới. Không thể chắp vá nửa cũ nửa mới. Chúa muốn mọi người có tinh thần mới trong cách sống đạo. Con người sẽ tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý chứ không phải trong hình thức bề ngoài.

Sống đạo với tinh thần mới trong yêu thương. Chúa không muốn con người thờ Chúa bằng môi miệng nhưng bằng chính tấm lòng. Cầu nguyện cũng thế, không phải dài dòng kinh kệ mà phải hướng tâm hồn lên và kết hợp với Chúa. Chúa không phải là tượng đá vô hồn mà là Thiên Chúa sống động yêu thương và nhân hậu. Lạy Chúa, đã nhiều lần chúng con thực hành sống đạo chỉ là hình thức bề ngoài. Xin Chúa cho chúng con thật tâm đến với Chúa.