1. Tổng thống Donald Trump thăm Đền thánh Quốc gia Gioan Phaolô II trước khi ký ban hành luật bảo vệ tự do tôn giáo

Như chúng tôi đã đưa tin, Thượng viện đã phê chuẩn phiên bản một dự luật bảo vệ tự do tôn giáo mới nhằm quy trách nhiệm và đưa ra các trừng phạt cá nhân đối với các quan chức Trung Quốc vi phạm tự do tôn giáo và bách hại người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan và các nhóm thiểu số tôn giáo khác tại Hoa Lục.

Trong một cuộc bỏ phiếu vào chiều ngày 27 tháng Năm, Hạ viện Hoa Kỳ cũng đã tán thành một cách áp đảo các biện pháp được nêu trong dự luật này.

Hôm thứ Ba 2 tháng Sáu, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật này. Trước khi ký văn kiện quan trọng này, ông và đệ nhất phu nhân đã đến kính viếng đền thánh quốc gia Gioan Phaolô II.

Trong bối cảnh đang có những tranh luận liên quan đến phản ứng của tổng thống đối với các cuộc bạo loạn trên khắp đất nước, việc Tổng thống Donald Trump đến thăm Đền thánh Quốc gia Gioan Phaolô II ở Washington, D.C. đã gây ra các phản ứng trái chiều ngay trong giới Công Giáo.

Một phát ngôn viên của ngôi đền nói rằng chuyến thăm này đã được lên kế hoạch từ lâu như một phần trong buổi lễ ký kết sắc lệnh hành pháp về tự do tôn giáo quốc tế. Trong khi đó Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington lại ra một tuyên bố không hài lòng với chuyến viếng thăm ngôi đền của tổng thống.

Hướng dẫn báo chí hàng ngày của Tòa Bạch Ốc xác nhận từ hơn một tuần trước là Tổng thống Trump sẽ có chuyến thăm theo lịch trình đến Đền thánh Quốc gia Gioan Phaolô II ở phía đông bắc thủ đô lúc 11:20 sáng thứ Ba.

Chuyến thăm của tổng thống diễn ra ngay trước khi ông ký một sắc lệnh hành pháp để thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế.

Người phát ngôn của ngôi đền cũng xác nhận vào hôm thứ Ba rằng Tòa Bạch Ốc đã lên kế hoạch từ trước như một phần trong lễ ký sắc lệnh tự do tôn giáo quốc tế.

Tuyên bố của đền thờ nhấn mạnh rằng:

“Điều này thật phù hợp vì Thánh Gioan Phaolô II là người ủng hộ không mệt mỏi cho tự do tôn giáo trong suốt triều đại giáo hoàng của Ngài. Tự do tôn giáo quốc tế đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, bao gồm cả việc đồng tâm nhất trí thông qua dự luật nhằm bảo vệ các Kitô hữu bị bắt bớ và các nhóm thiểu số tôn giáo trên khắp thế giới.”

Người phát ngôn của ngôi đền nói thêm rằng ngôi đền thờ chào mừng tất cả mọi người đến và cầu nguyện và tìm hiểu về di sản của Thánh John Paul II, bất kể là có dự trù trước hay không.

Chuyến viếng thăm của tổng thống, diễn ra sau những đêm bất ổn vì bạo động tại Washington, đã gặp phải sự chỉ trích từ Đức Tổng Giám Mục Washington.

Trong một tuyên bố đưa ra sáng thứ Ba, Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của Washington, DC cho biết “Tôi thấy khó hiểu và đáng trách khi một cơ sở Công Giáo lại để mình bị lạm dụng và thao túng một cách nghiêm trọng đối với các nguyên tắc tôn giáo của chúng ta, là điều kêu gọi chúng ta bảo vệ các quyền của tất cả mọi người ngay cả những người mà chúng ta có thể không đồng ý với họ.”

“Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một người bảo vệ nhiệt tình cho quyền lợi và nhân phẩm của con người. Di sản của ngài đưa ra một chứng tá sống động cho sự thật đó. Ngài chắc chắn sẽ không nhượng bộ cho việc sử dụng hơi cay và các biện pháp ngăn chặn khác để làm câm nín, giải tán hoặc đe dọa họ, để đổi lấy cơ hội chụp ảnh trước một nơi thờ phượng và một chốn bình an”.

Những lời chỉ trích này của Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory liên quan đến một biến cố khác. Thật vậy, vào tối thứ Hai, Tổng thống Trump đã viếng thăm Nhà thờ Anh giáo Thánh Gioan kế bên Tòa Bạch Ốc, nơi mà mọi tổng thống Hoa Kỳ tại chức, bắt đầu với James Madison, đều đã từng viếng thăm.

Tổng thống Trump đứng bên ngoài nhà thờ trước ống kính cầm một quyển Kinh thánh. Trước đó, ngôi nhà thờ đã bị thiệt hại do hỏa hoạn trong các cuộc biểu tình vào tối Chúa Nhật.

Vào thời điểm tổng thống đứng bên ngoài nhà thờ, thủ đô Washington đang bước vào thời khắc 7 giờ tối là giờ giới nghiêm. Đám đông lúc đó đang đứng đối diện quảng trường Lafayette phía sau Tòa Bạch Ốc, để phản đối cái chết của anh George Floyd và sự tàn bạo của cảnh sát.

Theo Washington Examiner, cảnh sát đã giải tán đám đông bằng hơi cay và các vũ khí không gây chết người khác trên đường H phía sau công viên và bên cạnh nhà thờ, nhưng không đá động gì đến khu phố trên Đại lộ Vermont, nơi các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra bất chấp giới nghiêm. Việc giải tán đám đông trên đường H rõ ràng đã được thực hiện để dọn đường cho tổng thống đến thăm ngôi nhà thờ này chứ không phải là nhằm thực thi lệnh giới nghiêm trong thành phố.

Đền thánh Quốc gia Gioan Phaolô II chứa một thánh tích hạng nhất là máu của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng như một phòng triển lãm có thể tương tác về cuộc đời, những thành tựu và các sự kiện lịch sử quan trọng của ngài. Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã chỉ định đền thờ này là một đền thánh quốc gia vào năm 2014.

Một nhóm khoảng 200 người biểu tình đã tập trung vào sáng thứ Ba gần đền thờ. Một số người biểu tình hô vang các khẩu hiệu như “mạng sống của người da đen có giá trị” và “không có công lý, không có hòa bình”, trong khi một nhóm nhỏ những người biểu tình cầu nguyện với tràng chuỗi Mân Côi.

Eugene F. Rivers là giám đốc của Viện nghiên cứu chính sách William J. Seymour tại Boston thì nghĩ khác với Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory, người da đen đầu tiên giữ chức Tổng Giám Mục Washington.

Rivers nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm thứ Ba rằng “chuyến viếng thăm của tổng thống đã được sắp xếp trước và tập trung vào một vấn đề đã vượt qua được hố ngăn cách giữa hai đảng trong những năm gần đây, đây là một tình huống rất khó khăn.”

“Tôi không thể thấy được làm sao một đền thờ hoặc một nơi thờ phượng có thể từ chối một chuyến viếng thăm của bất cứ ai muốn tỏ lòng thành kính hoặc cầu nguyện ở đó - chứ đừng nói đến tổng thống. Những người gọi tổng thống là một người tội lỗi nên nhớ rằng Chúa Giêsu thường xuyên gây ra các tranh cãi khi Ngài ăn uống và chào đón những người được coi là không được ưa chuộng hay không phù hợp trong suốt cuộc đời Người. Tôi nghĩ rằng Chúa Giêsu chào đón bất cứ ai – trong đó có Tổng thống Trump.”

Theo một quan chức chính quyền, sắc lệnh hành pháp về tự do tôn giáo quốc tế do Tổng thống Trump ký vào hôm thứ Ba là sự kế tục lời kêu gọi trước đó của ông là các quốc gia khác phải chấm dứt ngay việc đàn áp tôn giáo. Nó sẽ tích hợp lời kêu gọi này vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.


Source:Catholic News Agency

2. Cầu nguyện chung với nhóm xài bùa, thiếu nữ Công Giáo Côte d'Ivoire mất mạng

Năm người, bao gồm cả thủ lĩnh của một nhóm cầu nguyện tự xưng là Công Giáo, đã bị bắt tại Bờ biển Ngà, một quốc gia trong vùng Tây Phi, sau khi một cô gái 16 tuổi chết trong một “lễ trừ tà”.

Các bị cáo đã bị điệu ra ra trước văn phòng công tố viên vào ngày 28 tháng Năm với cáo buộc “tấn công có chủ đích và thao túng tâm lý” liên quan đến cái chết ngày 18 tháng Năm của Grace Alexandra Yao tại San Pedro, thành phố lớn thứ hai của Bờ Biển Ngà.

Thiếu nữ này đã bị đánh đập bằng chuỗi tràng hạt, gậy, chày và nhiều đồ vật khác vào đêm trước khi chết trong một buổi lễ trừ tà.

Thảm kịch diễn ra tại nhà của Florence Adaï, thủ lĩnh của một nhóm cầu nguyện Rosa Mystica, nghĩa là Hoa hồng Mầu nhiệm. Adaï là một thầy bói. Bà này tự xưng là được Đức Mẹ ban cho nhiều đặc sủng.

Grace và chị gái mình là Victoire, đã tham gia một buổi cầu nguyện nhằm chữa bệnh cho Victoire. Victoire mắc nhiều chứng bệnh mà cô cho là thần bí. Trong buổi cầu nguyện này, thầy bói Adaï phán buộc tội Grace là phù thủy và phải chịu trách nhiệm về bệnh tật của chị gái mình.

Họ đánh đập Grace dữ dội trong buổi cầu nguyện và cô qua đời vào ngày hôm sau trước khi đến được Bệnh viện San Pedro.

Vụ việc đã gây ra một tác động lớn trong thành phố và sau đó được lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội. Các nhóm bài Công Giáo cho rằng Adaï và nhóm của bà thuộc về Giáo Hội Công Giáo.

Tuy nhiên, giáo phận San Pedro ra một tuyên bố chính thức phủ nhận các báo cáo cho rằng nhóm của Adaï là Công Giáo.

“Để tránh nhầm lẫn, đây là lúc để khẳng định lại rằng nhóm có tên Rosa Mystica chưa bao giờ tồn tại như một hiệp hội tư nhân trong bất kỳ giáo xứ nào của giáo phận San Pedro, ” Cha Jerome Kato, phát ngôn viên của giáo phận và là cha sở của một trong những giáo xứ lớn trong thành phố viết.

“Nó thậm chí không có sự tồn tại về thể chất hoặc pháp lý. Hơn nữa, nó đã không nhận được bất kỳ sự công nhận hay thậm chí là sự khoan dung nào từ giáo quyền Hội Thánh Công Giáo”, ngài nói.

Ngài cáo buộc nhóm sử dụng danh xưng Công Giáo để cố tình lừa dối mọi người.

“Trong thực tế, nhóm này không có chút gì là Công Giáo, cả trong thực tiễn lẫn nội dung của nó”.

Ngài yêu cầu các tín hữu cầu nguyện cho Grace và gia đình cô.

Một số người trên internet cho rằng nhóm này là một nhánh của Maria Rosa Mystica, nghĩa là Đức Maria Hoa hồng Mầu nhiệm, dưới sự lãnh đạo của một người phụ nữ xưng mình là “Mẹ Pauline”.

Pauline trở nên nổi tiếng ở Bờ Biển Ngà sau khi một trong những “môn đệ” của cô tuyên bố trong một chương trình truyền hình vào tháng 4 năm 2019 rằng “Mẹ Pauline” là Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chính nhóm của bà Pauline cũng phủ nhận có liên quan đến nhóm cầu nguyện của người đàn bà vừa bị bắt Adaï.


Source:La Croix