c) Các vấn đề hiện thời

118. Không thiếu những người tự coi mình là người Công Giáo nhưng tin rằng việc thường xuyên tham dự Thánh Thể Chúa nhật là điều quá đáng. Nhiều người khác giữ thói quen rước lễ thường xuyên hoặc bất cứ khi nào tham dự Thánh lễ, mà không bao giờ lãnh nhận bí tích hòa giải. Không ít người coi Bí tích Thánh Thể như một việc sùng kính bản thân, có sẵn cho họ theo nhu cầu hoặc cảm xúc của riêng họ. Trong các ngày lễ phụng vụ lớn, đặc biệt là Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh hoặc một số lễ lớn tại địa phương, cũng như trong một số lễ kỷ niệm độc đáo (như đám cưới và đám tang), có một số thành viên bất thường trong hàng tín hữu đến tham dự Thánh Thể, kể cả rước lễ, mà không có bất cứ day dứt lương tâm nào; và sau đó họ biến mất cho đến năm sau hoặc dịp đặc biệt sau đó. Những thực hành này, dù không nhất quán về mặt thần học, vẫn phản chiếu ảnh hưởng không ngừng của đức tin Kitô giáo nơi cuộc sống của những người không thực hành hoặc xa cách với đạo. Phần rơi rớt này của ảnh hưởng Kitô giáo, dù có những sai lệch, vẫn có thể là khởi điểm cho một cuộc tái hòa nhập vào giáo hội một cách có ý thức hơn và đem lại khả thể hồi sinh một đức tin đang hấp hối. Tuy nhiên, trong tính lưỡng nghĩa của chúng và xét về nhiều phương diện, chúng cũng cho thấy có một hố phân cách giữa điều Giáo hội tin được cử hành trong Bí tích Thánh Thể, các đòi hỏi phải có để tham gia đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể, các hậu quả mà nó giả thiết phải có trong cuộc sống bình thường, và điều nhiều tín hữu tìm kiếm trong các buổi cử hành thỉnh thoảng hoặc lẻ tẻ bí tích Thánh Thể.

d) Ánh sáng từ Thánh truyền

119. Các điều kiện để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể đã được thiết lập từ thời kỳ rất xa xưa. Như chúng ta đã nói rõ, Thánh Phaolô vốn cảnh báo những người tiếp cận Bí tích Thánh Thể: “Thật vậy, ai ăn và uống mà không biện phân được Thánh Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11:29); câu nói này làm nổi bật một số yêu cầu không thể thiếu. Từ Tin Mừng Gioan, ta có thể suy ra rằng việc lãnh nhận các hình bí tích mà không có đức tin, nghĩa là không có Chúa Thánh Thần, sẽ không sinh lợi ích nào cả, vì việc này vốn đòi phải có đức tin (x. Ga 6: 63-69). Thánh Giustinô Tử đạo nhắc đến những điều sau đây như những đòi hỏi cần thiết: tin rằng các của lễ là những gì chúng biểu thị; người lãnh nhận phải đã chịu phép rửa và không được bác bỏ tín lý của Chúa Kitô qua suốt cuộc sống của mình [130]. Lời huấn giáo vừa trích dẫn của Thánh Phaolô một lần nữa được vang vọng trong Didache: “Ai thánh thiện, hãy để họ tới; ai không thánh thiện, hãy để họ hoán cải!” [131], và tương tự như thế cả trong Hiến chế Tông đồ [132]. Nó cũng được phản ảnh trong lời mời phụng vụ “của thánh dành cho các vị thánh” [133], từng được Theodore thành Mopsuestia bình luận. Như Thánh Phaolô nói, ở đây, “Các thánh”, trước hết, chỉ những người đã được rửa tội, những người đã sống với Giáo hội. Lối suy nghĩ này được biểu lộ cả trong các bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu [134] và nơi Thánh Cyprianô: Việc hiệp thông với Chúa Kitô không thể tách rời việc hiệp thông với Giáo hội [135]. Vị tiến sĩ của Bí tích Thánh Thể yêu cầu các linh mục của mình, nếu cần, từ chối một số người [136]. Cũng vậy, một cách cũng rõ ràng như vậy, Thánh Augustinô đã cảnh cáo rằng thức ăn bí tích chỉ tạo ra kết quả và sự sống cứu rỗi khi nó được ăn “một cách thiêng liêng” bằng cách tin vào nội dung vô hình của nó và bằng một lương tâm ngay thẳng [137]. Điều này có nghĩa: bằng một cuộc sống tương hợp với tình yêu Chúa Kitô và các chi thể của Người.

120. Thần học Kinh viện gọi định hướng này là “đức tin được đào luyện” (fides formata), một đức tin được tình yêu lên khuôn [138] (x. § § 62-64). Theo nghĩa này, Thánh Tôma Aquinô phân biệt như sau: nội dung của bí tích này chỉ có thể được lãnh nhận trong đức tin, vì đó là “bí tích của đức tin” (mysterium fidei) [139]. “Tính bất tín” (Infidelitas) làm cho người ta không có khả năng lãnh nhận bí tích một cách rất cao độ, vì việc không tin “đã tách người ta ra khỏi sự hợp nhất của Giáo Hội” [140]; sự hiệp nhất mà Bí tích Thánh Thể vốn biểu thị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi người ta “muốn lãnh nhận điều Giáo hội ban cho”, thì trong trường hợp này, người ta đã nhận được bí tích, mặc dù đức tin của họ có thiếu sót trong nội dung của nó [141]. Một ai đó tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, nhưng không ở trong tình trạng ơn thánh, vẫn đã lãnh nhận bí tích, nhưng phạm tội nặng [142]. Thánh Tôma lập luận rằng họ đã phạm tội nói dối (falsitas): điều bí tích phát biểu, tức tình yêu kết hợp Chúa Kitô với tín hữu của Người, đã không xảy ra nơi người lãnh nhận [143]. Thánh Tôma nhận ra rằng một việc tham dự hữu hiệu vào bí tích rửa tội và Bí tích Thánh Thể, trong mỗi trường hợp, đều đòi một mức độ chuẩn bị (disposition) khác nhau do đức tin tạo ra. Đối với bí tích rửa tội, ý định lãnh nhận điều Giáo hội ban cho đã đủ. Tuy nhiên, trong việc rước lễ, điều cần là phải hiểu bí tích như nó là và tin [144].

121. Trong các truyền thống phụng vụ, đặc biệt là ở Đông phương, mối liên kết qua lại này giữa đức tin, đức ái và việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể được tri nhận một cách rõ ràng. Chẳng hạn, khi mời giáo dân rước lễ, phụng vụ nói: “hãy đến gần bằng đức tin, đức ái và kính sợ Thiên Chúa” [145]. Trong phụng vụ của Thánh Gioan Kim Khẩu và trong phụng vụ Thánh Basilêô, phó tế, linh mục và giáo dân đọc lời tuyên xưng đức tin Kitô học, được bày tỏ trước Chúa Kitô, đang hiện diện trong Mình và Máu Thánh, ngay trước khi rước lễ. Ngài đọc: “Lạy Chúa, con tin, và tuyên xưng rằng Chúa là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến thế gian để cứu các tội nhân. Con cũng tin rằng đây là Mình Thánh không tì vết của Chúa và đây là Máu quý giá của Chúa” [146]. Truyền thống Syriac, được Thánh Ephrem làm chứng, vốn hiểu rằng những lời hứa liên quan đến hai cây trong vườn Địa đàng (St 2:17; 3: 2) phải được ứng nghiệm thực sự. Lỗi nguyên thủy trong việc ăn “cây biết thiện và ác” đã tạo ra việc sa ngã, một điều cần được giải quyết cho bằng phẳng. Ăn trái của “cây sự sống” trở thành một thực tại trong sự hiệp thông Thánh Thể với việc dâng Thánh Thể của Chúa Kitô trên Thập Giá [147]. Trong cử hành Thánh Thể, phụng vụ Lời Chúa trở thành việc ăn hữu hiệu và chỉnh sửa “cây biết thiện và ác”. Sau bữa ăn thích đáng đó, mọi người được mời ăn trái của “cây sự sống” trong Hiệp thông Thánh Thể.

e) Đề xuất mục vụ: Đức tin cần cho bí tích Thánh Thể

122. Phép rửa là khởi đầu của một cuộc hành hương, mà đỉnh cao của nó chỉ đạt được ở Eschaton (cõi cánh chung). Vì lý do này, các Kitô hữu cứ lãnh nhận đi lãnh nhận lại Thánh Thể, là thức ăn cho cuộc hành trình. Vì lý do này, Giáo hội chưa bao giờ ngừng tụ tập để cùng nhau cử hành mầu nhiệm Lễ Vượt Qua, để đọc trong bối cảnh này “điều nhắc đến Người trong mọi Sách thánh” (Lc 24:27) và để cử hành bàn tiệc mà tại đó việc tự hiến của Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh và phục sinh được truyền đạt trong thời hiện tại của các tín hữu. Tuy nhiên, người ta không thể lãnh nhận cách thỏa đáng hồng ân mà sự hy sinh hiện sinh của Chúa Kitô ngụ hàm nếu họ không sẵn lòng để bản thân đồng hình đồng dạng về hiện sinh với hồng ân đức tin này. Không có đức tin, cả Philatô lẫn binh lính La Mã và dân chúng đều không hiểu làm thế nào trong cái chết trên Thập giá của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải thế giới với chính Người (2 Cr 5:19); không có đức tin, người ta không thể tri nhận được rằng người treo trên cây thập giá chính là Con Thiên Chúa (Mc 15:39). Cái nhìn chăm chú của người tin nhìn thấy không những máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm, mà cả Giáo hội, được thành lập bằng bí tích rửa tội và Bí tích Thánh Thể (x. Ga 19:34). Máu và nước chảy ra từ đó là nguồn và sức mạnh của Giáo hội [148]. Con Thiên Chúa thực sự trở thành “Emmanuel” trong mỗi Kitô hữu thông qua việc tham dự Mình và Máu Chúa Kitô [149].

123. [Đức tin bí tích và bí tích Thánh Thể]. Không có đức tin bí tích, việc tham dự Thánh Thể, nhất là việc rước lễ, là điều vô nghĩa. Bí tích Thánh Thể không nói đến mối tương quan không dị biệt hóa hoặc chung chung với thiên tính. Đức tin bí tích can dự vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể là một đức tin Ba Ngôi. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta tuyên xưng mối tương quan sống động với Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cảm tạ Chúa Cha vì hồng ân cứu rỗi chúng ta đã nhận được. Hồng ân cứu rỗi đã được hiện thực hóa qua hồng ân Chúa Con của Người trong quyền năng của Chúa Thánh Thàn, nay được nhắc lại và làm cho hiện diện trong cử hành.

124. Đức tin bí tích giả thiết phải nhìn nhận một hành động như vậy của Thiên Chúa Ba Ngôi, và bữa tiệc Thánh Thể phải được coi như một dự ứng xác thực của bữa tiệc cánh chung trong tương lai. Quyền năng của Thiên Chúa đã thấm nhập, biến đổi và thánh hóa các tín hữu, biến họ thành đồng công dân với các thánh (Eph 2:19) và công dân của Giêrusalem trên trời (x. Dt 12:22; xem Kh 21-22; Dt 11 : 13).
125. Đàng khác, đức tin bí tích còn được bày tỏ trong sự tự gắn bó bất phản hồi của Chúa Giêsu Kitô với bí tích (ex opere operato) với các hình bánh và rượu được truyền phép thông qua lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần trong kinh khẩn cầu Người trong kinh epiclesis, với kết quả là người nhận không những chỉ có thể hy vọng, mà còn biết rằng trong một thời điểm nhất định, họ sẽ lãnh nhận điều mà các hình đã được truyền phép biểu thị.

126. Đức tin bí tích cũng bao hàm việc bí tích hóa chính người lãnh nhận. Họ không chỉ lãnh nhận một bí tích, mà chính họ cũng trở thành một “bí tích” theo nghĩa, một việc nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô một cách mãnh liệt đã diễn ra nhờ hành động của Chúa Thánh Thần; và giờ đây, họ sống kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô và Giáo hội, một cuộc kết hợp giúp họ có khả năng dâng mình cho Thiên Chúa như của lễ hy sinh sống động và thiêng liêng (x. Rm 12: 1) và làm chứng cho đời sống Kitô hữu. Nói một cách tượng hình, họ được biến đổi trở thành một viên đá sống của cộng đồng tuyên tín, mà Vatican II cho rằng là phương thế và là công cụ để đưa mọi người về nhà của Người.

127. [Đức tin bí tích và hiệp thông giáo hội trong bí tích Thánh Thể]. Từ quan điểm trên, việc hiện thực hóa đức tin bản thân của cá nhân không thể tách rời khỏi đức tin của cộng đồng cử hành bí tích. Có sự thống nhất và liên tục giữa điều được cử hành (lex orandi), điều được tin (lex credendi) và điều được sống (lex vivendi), mà trong khuôn khổ của chúng, đời sống Kitô hữu, việc cầu nguyện bản thân và việc cử hành bí tích cùng diễn tiến. Vì sự thật được các Kitô hữu tuyên xưng là một ngôi vị, tức Chúa Giêsu Kitô, nên nó cũng phải được đích thân đại diện bởi các tông đồ và những người kế vị của các ngài. Sự hiệp thông Thánh Thể với Chúa Kitô của mỗi cá nhân phải được xác minh qua sự hiệp thông đức tin với Đức Giáo Hoàng và giám mục địa phương, được nhắc đích danh trong mỗi lần cử hành Thánh Thể. Người lãnh nhận rước lễ không chỉ tuyên xưng một mình Chúa Kitô, mà còn hiệp thông với việc tuyên xưng đức tin của cộng đồng trong đó, họ tham dự Bí tích Thánh Thể.

128. Diễn dịch sang các phạm trù khác, điều này có nghĩa gắn bó rõ ràng và có ý thức với đức tin của Giáo hội, một đức tin minh nhiên bao gồm những điều sau đây: Đức tin Ba Ngôi thể hiện trong Kinh Tin Kính; Đức tin Kitô học tập trung vào ý nghĩa cứu chuộc của cái chết của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Chúa Tể, “chết cho nhiều người” và “cho tôi” và sự phục sinh của Người; đức tin thần khí học, đặc biệt hoạt động và hiện diện qua hai lần khẩn cầu Chúa Thánh Thần (epiclesis), vốn có tính nền tảng trong việc cử hành; và đức tin vào điều Bí Tích Thánh Thể biểu thị như bí tích của thân thể Chúa Kitô và thân thể giáo hội. Tất cả những điều này được đóng khung trong cuộc hành trình đức tin, một hành trình, trong khi tin tưởng vào sức mạnh mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần và sự giúp đỡ thường trực của Người, luôn mong làm cho cuộc sống mình phù hợp với mầu nhiệm Chúa Kitô và làm chứng cho nó một cách hân hoan giữa những thăng trầm của cuộc sống. Trên hành trình này, các Kitô hữu thường chạy đến của ăn Thánh Thể, lãnh nhận hồng ân hiệp thông với Chúa Kitô, để tiếp tục lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến cho đến lúc được hưởng sự sống đời đời.

129. [Sự không nhất quán của việc tham dự Thánh Thể mà không tin điều nó cử hành]. Tham dự đầy đủ vào Bí tích Thánh Thể có nghĩa là hiệp thông với thân thể Chúa Kitô (x. LG 3) và Giáo hội. Dường như không thể tiếp cận bí tích này một cách nhất quán, nếu người ta không nhìn nhận ý nghĩa của sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể; nếu người ta bác bỏ đức tin Ba Ngôi của Giáo hội, được nhắc nhiều lần trong lúc cử hành, được chính thức xác nhận qua việc đọc Kinh Tin Kính; nếu thiếu sót đức ái Kitô giáo một cách nghiêm trọng trong cuộc sống bản thân; nếu phạm bất cứ hành động có ý thức và có chủ ý nào trong một vấn đề làm tổn hại nghiêm trọng đến điều đức tin và luân lý của giáo hội dạy (tội trọng [150]).

130. [Các cách lớn lên]. Bất cứ ai đang hành trình với Chúa Kitô đều tới tham dự Bí tích Thánh Thể Chúa nhật không phải vì đó là một nghĩa vụ do Giáo hội thiết lập, nhưng do lòng mong ước được củng cố bởi lòng thương xót đầy yêu thương của Chúa. Lòng mong ước này bao gồm việc sẵn sàng chịu hòa giải bí tích với Chúa Kitô và Giáo hội, nếu cần. Giờ đây, dù không có lòng mong ước có tính xúc cảm, những người tham gia vào đức tin Công Giáo biết rằng họ đã gia nhập một cộng đồng có cơ cấu bí tích. Vì lý do này, họ cũng ý thức được rằng việc họ tham gia bí tích và, đặc biệt, Bí tích Thánh Thể là một phần của việc làm chứng công khai mà họ đã tự do dấn thân vào. Họ dấn thân làm chứng cho thực tại bí tích đức tin, để làm rõ tính hữu hình của ơn thánh và do đó củng cố tính bí tích của Giáo hội, cộng đồng họ thuộc về.

131. Vì tính nhân quả hỗ tương giữa đức tin và Bí tích Thánh Thể, ở những nơi không có hoặc thường không có việc cử hành Thánh lễ và dạy giáo lý bí tích, do các giới hạn của định chế giáo hội, ngày càng khó khám phá hơn ý nghĩa của việc thực hành Thánh Thể Chúa nhật. Đồng thời, việc thiếu tham dự thường xuyên vào bàn tiệc Lời Chúa và Thánh thể Chúa Kitô, vì các thất bại bản thân hoặc mục vụ, là một thiếu sót làm cản trở sự phát triển hướng đến một đức tin bí tích trọn vẹn hơn. Ngoài việc săn sóc các cuộc cử hành Thánh Thể trong tất cả các mục đích của chúng, phù hợp với ý nghĩa của chúng, điều thích đáng là đề ra các cách để tái hòa nhập vào đức tin giáo hội, khi nó bị đánh mất, một việc hòa nhập đạt tới đỉnh điểm trong Bí tích Thánh Thể, vốn làm trọn việc trở về này; và điều cũng thích đáng là đề ra các loại cử hành không có Thánh Thể khác và các không gian gặp gỡ, cầu nguyện và dạy giáo lý Kitô giáo mở rộng cho những người mà việc truyền giảng Tin Mừng chưa được chín mùi để tham gia vào Bí tích Thánh Thể một cách có ý thức.

Kỳ sau: 4. TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ BÍ TÍCH HÔN NHÂN