Denver, ngày 28 tháng 4 năm 2020 ( CNA ).- Đại dịch coronavirus đã làm tăng thêm những khó khăn lương thực ở nhìều khu vực bên Hoa Kỳ, thường được phân loại là vùng sa mạc thực phẩm, tức là những nơi mà người dân không đủ khả năng để có đủ thức ăn bổ dưỡng.

Ông Dave Barringer, Giám đốc toàn quốc cuả Hiệp hội Thánh Vincent de Paul, cho biết các ngân hàng thực phẩm của hội đã chứng kiến nhu cầu tăng lên gấp bốn lần.

Hội Th.Vincent de Paul là một tổ chức Công Giáo quốc tế mà các thành viên lo điều hành các kho chứa thực phẩm, giúp cung cấp nhà ở, và nhiều khi đi đến từng nhà để giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Ông Barringer cho biết: "Điều đang diễn ra trước mắt, đặc biệt bắt đầu từ các khu thiếu vắng sự kinh doanh thực phẩm cho tới các khu Da Đen và nghèo khó, là những nơi khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất".

"Những người đầu tiên bị sa thải thường là những người có đồng lương tối thiểu... công việc mà họ phải có mặt mỗi ngày để được trả tiền. Lương theo giờ chứ không phải lương tháng. Vì vậy, họ nghỉ việc, không thể đến cửa hàng và không có thu nhập," ông nói.

Trong khi vấn đề an ninh lương thực ở quy mô toàn cầu xẩy ra nghiêm trọng nhất là ở vùng cận Sahara bên châu Phi, nhiều khu vực ở Hoa Kỳ như trong nội thành hoặc ở những vùng đất rộng miền tây cũng là sa mạc thực phẩm.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, khoảng 11% gia đình Mỹ đã không có an toàn thực phẩm một thời gian trong năm 2018, trong đó 4,3% được liệt kê là “rất thấp” theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Hội Th.Vincent DePaul có khoảng 4.400 chi nhánh trên khắp Hoa Kỳ, chia ra hai loại chính là những chi nhánh liên kết với giáo xứ, được gọi là hội đoàn (conference); và các hội đồng (council) hoạt động trên toàn giáo phận, lớn hơn và có nhiều quan hệ đối tác hơn.

Các hoạt động của một nhóm Th.Vincent de Paul ở cấp hội đoàn thì phụ thuộc vào sự đóng góp cuả giáo dân trong giáo xứ.

"Bởi vì chúng tôi ở ngay trong khu phố... chúng tôi thường là cấp phản hồi đầu tiên cho những người thiếu thốn", Barringer nói.

Ngày nay với các Thánh lễ công cộng bị đình chỉ, hầu hết các hội đoàn đã gặp khó khăn lớn trong việc quyên góp.

Còn các hội đồng, vì có quan hệ đối tác thường xuyên lâu dài với các ngân hàng thực phẩm cuả chinh quyền địa phương hoặc với các hãng tạp hóa, cho nên vẫn có tài nguyên dồi dào, nhưng cũng bắt đầu phải căng kéo (stretched.)

Thông thường, một người đến kho thực phẩm cuả Th.Vincent de Paul, người ấy có cơ hội "lựa chọn" loại thực phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Nhưng với các biện pháp phân ly xã hội được áp dụng trên toàn quốc, các nhà kho đã phải thích nghi.

"Những gì chúng tôi đang thử làm là đóng gói các hộp thực phẩm dựa trên số người cuả một gia đình, hoặc ghi nhận một yêu cầu và giao hàng bên lề đường", Ông Barringer thêm rằng các kho thực phẩm cũng phải đảm bảo rằng những người xếp hàng chờ đợi phải đứng cách nhau sáu feet.

"Một loại tình huống không được tiếp xúc với nhau, mất nhiều công sức, nhưng an toàn," ông nói.

Ước tính có 2,3 triệu gia đình Mỹ, tương đương với 2,2% dân số, sống xa một cửa hàng tạp hóa hơn một dặm, lại không có phương tiện đi lại, theo thống kê cuả bộ thực phẩm USDA, có nghĩa là những người đó phải dựa vào giao thông công cộng hoặc đi bộ.

Trung tâm thành phố St. Louis, là nơi ông Barringer ở, là một trong những khu vực đặc biệt cần sự giúp đỡ, ông nói. Đây là một khu vực đa dạng, về kinh tế và nhân khẩu, với nhiều người thất nghiệp, người nhập cư và những gia đình đông con.

Phòng thực phẩm cuả hội ở khu vực này đang gặp khó khăn vì nhu cầu lớn gấp bốn đến năm lần so với thông thường, ông Barringer nói, mà lại không có thể quyên góp ở giáo xứ một cách bình thường, cho nên hội đồng (cấp giáo phận) St. Louis đã phải chuyển tới các khoản tiền thường được sử dụng cho các việc thăm viếng tại gia.

Cách tốt nhất để giúp hội Th.Vincent de Paul, ông nói, là đóng góp cho một hội đồng hoặc một hội đoàn ở địa phương. Tiền mặt thì tốt hơn là thực phẩm, ông nói, bởi vì nhiều nhóm ở địa phương rất sành sõi trong việc thu mua thực phẩm với giá cả phải chăng nhất ở trong vùng.

"Họ sẽ đưa số tiền đó thẳng đến những nơi có nhu cầu lớn nhất", ông nói.

Ông Barringer kêu gọi cầu nguyện cho những người đau khổ vì mất an ninh lương thực trong đại dịch này.

"Nhiệm vụ chính của hội là đưa mọi người đến gần với Chúa hơn", ông nói.

"Có lẽ đây là cơ hội để cho mọi người nhận ra một cách để tham gia với Giáo hội hoặc tham gia với các tổ chức như chúng tôi, bởi vì nhu cầu thì lúc nào cũng có, dù là có khủng hoảng hay không cũng vậy."