Lúc 7 sáng thứ Hai 27 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những nghệ sĩ là những người mà sự sáng tạo của họ có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, đặc biệt trong đại dịch coronavirus kinh hoàng này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho các nghệ sĩ, những người có khả năng sáng tạo rất lớn, và cầu nguyện cho con đường thẩm mỹ do họ đưa ra cho chúng ta trong tương lai. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng sáng tạo trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã đưa ra các suy tư về bài Tin Mừng trong đó Chúa khiển trách đám đông chỉ lo toan tìm kiếm những của ăn hay hư nát, mà không màng đến những của ăn dẫn đến cuộc sống đời đời.

Phúc Âm: Ga 6, 22-29

“Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Dân chúng đã lắng nghe lời Chúa Giêsu suốt cả ngày, và sau đó họ còn được chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều. Khi nhìn thấy quyền năng của Chúa Giêsu, họ muốn tôn Người lên làm vua. Trước đó, họ đến với Chúa Giêsu để nghe lời Người và để cầu xin sự chữa lành cho các bệnh nhân. Họ ở lại cả ngày để nghe Chúa Giêsu mà không thấy chán, không mệt mỏi, hay bắt đầu thấy mệt mỏi, nhưng họ đã ở đó, hạnh phúc. Nhưng rồi khi họ thấy rằng Chúa Giêsu có thể cho họ ăn, là điều mà họ không ngờ tới từ đầu, họ nghĩ: “Đây sẽ là một người cai trị tốt cho chúng ta và ông ta chắc chắn có thể giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của người La Mã và đưa đất nước tiến lên”. Họ đã vui mừng với ý tưởng đưa Ngài lên làm vua. Ý định của họ đã thay đổi, bởi vì họ đã thấy và nghĩ rằng: “Chà... đây là một người làm phép lạ, là người có thể nuôi sống mọi người, có thể là một người cai trị giỏi.” Và ngay lúc đó, họ đã quên mất nhiệt tình mà Lời Chúa đã sinh ra trong lòng họ.

Chúa Giêsu ra đi và cầu nguyện. Đám đông ở lại đó và ngày hôm sau họ tìm kiếm Chúa Giêsu, “bởi vì Ngài phải ở đây”, họ nói, vì họ thấy không có thuyền nào khác, ngoài một chiếc duy nhất của các môn đệ Ngài, mà Chúa Giêsu lại không có mặt trên chiếc thuyền đó. Khi thấy có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến, họ liền xuống các thuyền này và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu. Và khi họ nhìn thấy Người, lời đầu tiên họ nói là: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?”, như thể nói: “Chúng tôi không hiểu, đây có vẻ là một điều kỳ lạ.”

Và Chúa Giêsu đưa họ trở lại cảm giác đầu tiên, với những gì họ có trước khi chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, tức là khi họ chăm chú lắng nghe lời Chúa: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ - như lúc ban đầu, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê và các ngươi đã hài lòng”. Chúa Giêsu tiết lộ ý định của họ và nói: “Nhưng như thế, các ngươi đã thay đổi ý định ban đầu”. Và dân chúng thay vì tự biện minh: “Không, Chúa ơi, không có đâu”, họ khiêm tốn nhìn nhận. Chúa Giêsu tiếp tục: “Các ngươi hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi.” Đám đông dân chúng, là những người tốt, đã nói: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”. Đây là một trường hợp, trong đó Chúa Giêsu sửa chữa thái độ của mọi người, của đám đông, bởi vì giữa cuộc hành trình, họ đã rời xa ý định ban đầu, là tìm kiếm niềm an ủi tinh thần, và đã đi theo một con đường không đúng, một con đường trần tục chứ không phải là con đường Tin Mừng do Chúa Giêsu vạch ra.

Điều này khiến chúng ta phải tự xét mình, chúng ta bắt đầu với một con đường đi theo Chúa Giêsu, đằng sau Chúa Giêsu, theo đuổi các giá trị Tin Mừng, và nửa chừng chúng ta có một ý tưởng khác, chúng ta thấy một số dấu chỉ và chúng ta di chuyển theo hướng đó và chúng ta theo đuổi một cái gì đó có thể là tạm thời hơn, vật chất hơn, trần tục hơn, và chúng ta mất đi ký ức về nhiệt tình đầu tiên mà chúng ta có, khi nghe Chúa Giêsu nói. Chúa luôn trở lại cuộc gặp gỡ đầu tiên, và giây phút đầu tiên khi Ngài nhìn chúng ta, nói chuyện với chúng ta khiến chúng ta nảy sinh ước muốn theo Ngài. Đây là một ân sủng chúng ta phải cầu xin Chúa, bởi vì trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn có những cám dỗ lầm đường lạc lối. Chúng ta tự nhủ “Nhưng điều đó là OK, ý tưởng đó cũng tốt, không sao đâu” rồi chúng ta rẽ sang một bên. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng luôn luôn quay trở lại ơn gọi đầu tiên, giây phút đầu tiên, và đừng quên, đừng quên câu chuyện của tôi, khi Chúa Giêsu nhìn tôi với tình yêu và nói với tôi: “Đây là con đường của con”

Tôi luôn nghĩ đến một trong số những điều mà Chúa Giêsu nói vào buổi sáng Phục sinh: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông” (Mc 16:7), Galilê là nơi gặp gỡ đầu tiên. Ở đó các môn đệ đã gặp Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng ta đều có một “Galilê” của riêng mình, trong khoảnh khắc đó Chúa Giêsu đến gần chúng ta và nói: “Hãy theo Thầy”. Trong cuộc sống, những gì xảy ra với đám đông dân chúng ở đây là tốt, bởi vì sau đó họ hỏi Ngài: “Chúng tôi phải làm gì?”, và khi Chúa bảo họ, họ lập tức tuân theo - điều đó xảy ra khi chúng ta rời xa Chúa và tìm kiếm các giá trị khác, những thứ khác, và chúng ta mất đi sự mới mẻ của ơn gọi đầu tiên. Tác giả của thư gởi cho người Do Thái cũng đề cập đến chúng ta về điều này: “Hãy nhớ những ngày đầu tiên”. Đừng quên ký ức về cuộc gặp gỡ đầu tiên, ký ức về “Galilê của tôi”, khi Chúa nhìn tôi với tình yêu và nói: “Hãy theo Thầy”.


Source:Vatican News