Trong các kế sách chống trả đại dịch Covid-19, người ta ít đề cập đến vai trò của các tôn giáo. Những người như Brian Adams, giám đốc Trung Tâm Đối Thoại Liên Tôn và Văn Hóa của Đại Học Griffith và là Giám Mục một cộng đoàn Các Thánh Ngày Sau Hết ở Brisbane, vì thế, nêu câu hỏi trên Đài ABC như sau “Tại sao các cộng đồng tôn giáo là các đối tác chủ chốt trong việc đặt kế hoạch chống việc bùng phát của coronavirus?”.



Bài của ông viết từ ngày 12 tháng Ba, nhưng cho đến nay, nhiều điều vẫn còn giá trị. Theo ông, các cộng đồng tôn giáo là những điểm nối kết quan trọng giữa Covid-19 và xã hội rộng lớn hơn, và họ là những chủ thể chủ chốt đối với việc chuẩn bị và đáp ứng thành công chống lại việc bùng phát của Covid-19.

Theo ông, ngày 11 tháng Ba, 2020, tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) chính thức coi Covid-19 là một trận toàn dịch (pandemic). Giống việc thay đổi khí hậu, thứ coronavirus này không kiêng nể ai cả. Nó là một thách thức đa tín ngưỡng, đa văn hóa trong xã hội chúng ta, một thách thức chỉ có thể bị đánh bại nhờ một cộng đồng hợp nhất. Cho nên nay là lúc để các nhà lãnh đạo chính trị, cộng đồng và dịch vụ cấp cứu duy trì, thậm chí thâm hậu hóa các mối tương quan với các cộng đồng tín ngưỡng và các tổ chức phục vụ có cơ sở đức tin như là phần chủ chốt trong việc chuẩn bị và đặt kế hoạch ứng phó.

Theo Ông Adams, xã hội của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ở ba phạm vi giao nhau giữa Covid-19 và các cộng đồng đức tin. Phạm vi thứ nhất là tác động đối với chính các cộng đồng đức tin và là điều việc chuẩn bị và lên kế hoạch ứng phó nên xem xét.

Trước nhất, điều xem ra chắc chắn là một số thực hành tôn giáo sẽ bị thách thức. Thí dụ, trong một số buổi lễ thờ phượng của các cộng đồng Kitô giáo, các người tham gia có thói quen uống từ cùng một chén thánh. Còn các tín hữu Hồi giáo thì có thói quen cầu nguyện vai sát vai nhau.

Đã đành việc lây lan virút trong xã hội rõ ràng sẽ dễ dàng hơn bởi các thực hành tôn giáo không hẳn chỉ là việc nhiều người cùng tụ họp tại một chỗ. Các thực hành này không hẳn chỉ là những sắp xếp hậu cần để có nhiều người đông đảo tụ họp với nhau; chúng còn là những biểu lộ đức tin được tín lý nâng đỡ và phải được nhìn nhận như là những vấn đề quan trọng trong diễn trình hoạch định.

Liên quan đến vấn đề trên là hậu quả do virút gây ra cho những nơi thờ phượng. Dễ nhận diện và định lượng hơn cả là số người tham dự sẽ giảm sút khi người ta tránh các cuộc tụ tập công cộng, hay các nơi thờ phượng bị đóng cửa lâu dài.

Tuy nhiên, các nơi thờ phượng không hẳn chỉ là những nơi thờ phượng; chúng còn là những nơi tụ họp về phương diện xã hội, nơi nương náu và là điểm cung cấp các dịch vụ không chính thức, nhưng hết sức chủ yếu.

Giáo sư Ram Cnaan tại Đại Học Pennsylvania tính ra mỗi cộng đồng đức tin mỗi năm đóng góp $150,000 vào các nơi thờ phượng. Deloitte Access Economics báo cáo rằng các cộng đoàn tôn giáo tại Úc đóng góp gần 500 triệu dollars mỗi năm qua việc thiện nguyện và quyên góp. Những con số này không bao gồm các đóng góp rất có ý nghĩa về kinh tế và xã hội qua trợ giúp hôn nhân và gia đình, săn sóc trẻ em, huấn đạo, ngăn ngừa và ứng phó bạo lực gia đình, chăm sóc người vô gia cư và các dịch vụ nhân dụng, và nhiều dịch vụ khác có thể có nhờ các nơi thờ phượng.

Như thế, hậu quả của Covid-19 dối với xã hội qua các hậu quả của nó đối với cộng đồng tôn giáo chắc chắn quan trọng về phương diện kinh tế và xã hội, nhưng khó có thể nhận dạng và đề cập. Do đó, điều khôn ngoan là lồng việc liên hệ với các cộng đoàn tôn giáo vào việc chuẩn bị và qui hoạch ứng phó.

Điểm giao nhau thứ hai giữa Covid-19 và các cộng đồng tôn giáo là người cao niên. Một cách tình cờ, tuổi dễ lây nhiễm Covid-19 cũng là tuổi người ta có lòng đạo hơn cả. Các dữ kiện của Phòng Thống Kê Úc cho hay: quá 73 phần trăm những người 65 tuổi hay cao hơn coi mình là người có tôn giáo. Và trong khi tỷ lệ tử vong nói chung được ước tính là 2.6 phần trăm, tỷ lệ này đã tăng lên 3.6 phần trăm cho những người ở tuổi 60, và 8.0 phần trăm cho những người 70 tuổi, và 14.8 phần trăm cho những người 80 tuổi.

Điều trên có nghĩa các cộng đồng tôn giáo nằm trong số các cộng đồng có liên hệ với những người dễ bị thương tổn nhất đối với đại dịch Covid-19. Các cộng đồng đức tin vì thế có đủ điều kiện biết người cao niên là ai, biết họ sinh hoạt ra sao và đáng tin tưởng để cung cấp việc chăm sóc và nâng đỡ. Do đó, việc chuẩn bị và ứng phó với các hậu quả của Covid-19 trên ngưòi cao niên chắc chắn được củng cố bởi việc cộng tác với các cộng đồng đức tin, bắt đầu ngay từ giai đoạn chuẩn bị.

Điểm giao nhau cuối cùng giữa Covid-19 và các cộng đồng đức tin là qua các cơ quan cung cấp các dịch vụ cộng đồng có cơ sở đức tin. Tại Úc, các cơ quan này: cung cấp các dịch vụ liên quan đến trợ giúp cấp cứu, nhà ở và vô gia cư, y tế, sức khỏe tâm thần, giáo dục, phát triển cộng đồng, bênh vực, tìm tòi, nâng đỡ thu nhập và “các dịch vụ xã hội” khác bao trùm một loạt rộng lớn các nhu cầu an sinh cộng đồng.

Trong đại dịch Covid-19, nhiều dịch vụ cộng đoàn sẽ bị khánh kiệt, không thể tiếp tục hoạt động. Sở dĩ như thế, vì nhiều cơ sở có rất ít khả năng trả tiền thuê hay linh động đủ trong việc sắp xếp việc làm. Nhiều cơ sở thiếu kinh nghiệm và nguồn tài chánh để thiết kế và thi hành việc lập kế hoạch tái tục hoạt động vốn rất phức tạp. Và quá nhiều cơ sở thiếu khả năng đối phó với các chi phí to lớn và đầy bất ngờ...

Dù thế nào, việc chuẩn bị và hoạch định ứng phó của xã hội nói chung cũng phải tính đến chiều kích tôn giáo vì họ vốn có nhiều giao thoa trong đại dịch này.