GIU-ĐA, CON NGƯỜI ‘ĐÁNG THƯƠNG’ HAY ‘ĐÁNG GHÉT’?

Jos. Đồng Đăng

Trên hành trình sứ vụ của Chúa Giê-su ở thế gian, có rất nhiều câu chuyện về những con người nhỏ bé bước theo Ngài. Có những “bước chân” rất kiên gan, mạnh mẽ, hồ hởi và trung thành bên Chúa Giê-su nhưng cũng có những bước chân lần xa vào bóng tối, rơi vào ngõ cụt của cuộc đời. Một trong những câu chuyện tiêu biểu nhất, bi thảm nhất đó là câu chuyện về cuộc đời và số phận của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ phản bội Đức Giê-su. Hình ảnh Giu-đa hẳn gây cho quý độc giả nhiều cảm tưởng khác nhau. Riêng tôi, Giu-đa là hiện thân của hạng người đầy đam mê tiền bạc và quyền lực; một môn đồ phản trắc, bội nghĩa vong ân, nhưng đồng thời cũng là một con người đáng thương.

Thứ nhất, Giu-đa là một con người bị mê hoặc bởi ma lực của đồng tiền. Ông được Chúa Giê-su chọn từ rất sớm để trở nên một trong nhóm Mười Hai. Khi liệt kê Giu-đa trong danh sách các tông đồ, tác giả Tin mừng Lu-ca cho biết, “Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội” (Lc 6, 16). Như vậy, Giu-đa bẩm sinh không phải là tên phản bội, cũng chẳng phải là kẻ phản bội khi Chúa Giê-su chọn, nhưng y đã “trở thành kẻ phản bội”! Chi tiết này đưa chúng ta vào tấn kịch đen tối của kiếp người tự do. Tại sao Giu-đa trở thành kẻ phản bội? Thưa vì ông đã lạm dụng tự do, làm nô lệ cho những lợi lộc trần thế mà đồng tiền là tiêu biểu. Còn nhớ tại Bê-ta-ni-a, Giu-đa đã phản đối việc cô Ma-ri-a đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá mà lau chân Đức Giê-su. Ông cho rằng nên để tiền mua dầu đó mà cho người nghèo thì hơn. Thực ra, y không phải là kẻ thương người nghèo thực sự nhưng như Thánh sử Gio-an nói: “vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (X. Ga 12,6). Lời đề nghị của y với các vị thượng tế cũng cho thấy y là một con người đầy tà tâm: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc” (Mt 26,15). Thế là hắn ẵm lấy túi tiền và tìm dịp thuận tiện mà nộp Chúa Giêsu. Và từ đó, y bước vào một quãng đời đầy đen tối. Tới đây, ta mới thấm thía lời Chúa Giê-su: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24). Tiền như là một “thần minh” hữu hình hoàn toàn đối lập với Thiên Chúa chân thật vô hình. Quả thế, “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6, 10). Chính tôi nhiều lúc cũng chẳng khác nào Giu-đa, chỉ biết nhắm mắt chạy theo ma lực của đồng tiền mà quên Chúa và hờ hững với anh em. Thật đáng hổ thẹn! Vì thế, tôi phải biết đấm ngực ăn năn tội lỗi của mình.

Động cơ tiếp theo khiến Giu-đa phản bội Chúa Giê-su có lẽ vì Giu-đa ham hố quyền lực và danh vọng. Có thể Giu-đa chưa từng có rắp tâm giết hại Chúa Giê-su hay đẩy Chúa Giê-su vào chỗ chết nhưng vì ông cho rằng Chúa Giê-su tiến hành quá chậm chạp tiến trình thành lập vương quốc của Đấng Mê-si-a. Vì thế, ông muốn thúc ép Người bằng cách gài bẫy Người. Ông không chịu chấp nhận một vị Thiên Chúa mà lại chịu cảnh bắt bớ tù đày hay bị người ta lăng nhục xỉ vả… Thiên Chúa trong tâm trí ông chắc phải là một người oai hùng, bá chủ thiên hạ, đánh đuổi ngoại bang, rồi các ông sẽ được thăng quan tiến chức… Trước mắt ông, tham vọng quyền lực như tấm sương mù giăng lối. Tới lúc Chúa bị bắt ông hoàn toàn thất vọng hay nói cách khác ông đã vỡ mộng. Nhưng than ôi, ông đã không hiểu được Thầy mình, không biết được sứ mệnh cứu độ của Ngài.

Thứ hai, Giu-đa là một môn đồ phản trắc, bội nghĩa vong ân. Chính ông là người cùng chấm chung một đĩa với Chúa Giêsu lại là kẻ phản bội Người bằng một nụ hôn đểu giả: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!” (Mt 26, 48) Như vậy, nụ hôn vốn là một nghĩa cử đẹp, bày tỏ tình cảm của con người thì Giu-đa lại dùng để làm ám hiệu chỉ điểm để nộp Thầy mình. Thảm kịch này khiến ta nhớ lại những lời đầy thống thiết của Thánh Vịnh: “Cả người thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con” (Tv 41). Giu-đa phản bội Chúa bằng một cái hôn đểu cáng, chẳng khác nào đã “đạp” gót chân vào mặt Thầy mình. Phần tôi, bao lần tôi rước lấy Thịt và Máu Chúa vào lòng thế mà tôi lại cả lòng phạm tội mất lòng Chúa ấy là tôi đã “đạp” Chúa nhiều lần. Tôi cần suy xét lại bản thân mình, cần ăn năn khóc lóc về tính giả hình của mình.

Sau cùng, theo thiển ý, Giu-đa cũng là một kẻ đáng thương. Kinh Thánh mô tả kết cục của Giu-đa thật là kinh khủng: “Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” Nhưng họ đáp: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” Giu-đa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ” (Mt 27, 3-5). Kết cục đau thương là vậy. Tuy nhiên chúng ta khoan vội kết án Giu-đa ở đây. Có ai dám chắc rằng, sau khi Giu-đa thắt cổ treo trên cành cây, ông đã kết thúc cuộc sống trong tay Sa-tan hay là trong tay Chúa? Có ai biết được Giu-đa đã suy nghĩ gì khi ông sắp tắt thở hay tâm hồn ông hướng về đâu trong giờ phút lâm chung? Biết đâu ánh mắt hiền hậu của Chúa Giê-su đã chiếu thẳng vào tâm hồn ông và ông đã biến đổi? Chỉ có lòng thương xót Chúa mới có thể trả lời cho vận mạng của ông. Phần tôi, tôi là ai mà dám kết án người khác.

Suy niệm

Sự phản bội của Giu-đa còn tiếp diễn suốt chiều dài lịch sử nhân loại và của chính bản thân tôi. Biết bao lần tôi cũng nhắm mắt làm nô lệ cho đồng tiền; biết bao lần tôi cũng bất chấp tất cả để có được những thứ hư danh; biết bao lần tôi rước lấy Chúa vào lòng rồi lại giơ chân “đạp” Chúa nơi tha nhân. Tôi dùng những lời nói yêu thương ở đầu môi chót lưỡi như thanh la phèng phèng nhưng rồi lại thờ ơ trước những đau khổ của những người khốn khổ. Đó như thể là một nụ hôn đểu cáng để bán Chúa vậy! Và biết bao lần tôi thất vọng, có khi đến tuyệt vọng không cậy nhờ lòng thương xót Chúa, hồ nghi lòng thương xót của Ngài rồi lìa xa mái ấm Giáo hội, trở thành một kẻ đi hoang để rồi tôi cũng bước vào đêm tối mịt mùng của Sa-tan, tiến vào ngõ cụt của cuộc đời. Tôi trở thành một kẻ đáng thương hại.

Vậy, hơn lúc nào hết, tôi cần phải quyết tâm thay đổi con người Giu-đa cũ kỹ của tôi để bước vào một chặng đường mới. Tôi cần trải lòng ra để lòng thương xót của Chúa rọi vào. Bởi vì Chúa không mệt mỏi để tha thứ, tôi cũng không được mệt mỏi chán nãn để chạy đến và nấp dưới bóng cánh tình yêu của Ngài. Cuối cùng, là người Ki-tô hữu, tôi cần nhớ đừng bao giờ lìa bỏ Giáo hội, vì nếu lìa bỏ Giáo hội tôi sẽ giống như Giu-đa, sẽ bước vào đêm tối, vào ngõ cụt cuộc đời.