Ít nhất ở Úc và Việt Nam, Đại dịch Covid-19 đã khiến không còn thánh lễ công cộng nữa. Riêng Úc, cả các nhà thờ cũng đã đóng cửa và theo thư mục vụ mới nhất của Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, thậm chí đến việc cầu nguyện riêng ở đó cũng không được phép.

Ở Hoa Kỳ, tình thế chắc không sáng sủa hơn gì, trong khi quốc gia này hiện đứng hàng đầu con số mắc Covid-19 hơn bất cứ quốc gia nào khác, kể cả Trung Hoa, nếu chỉ căn cứ vào các con số của nhà nước.

Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh đen tối, óc sáng tạo Công Giáo đã đem đến nhiều sáng kiến giúp biểu lộ mầu nhiệm hiệp thông giữa Dân Thánh của Thiên Chúa.



Như ở Hoa Kỳ, chẳng hạn, theo Marnie McAllister, thuộc Catholic News Service, tại giáo phận Louisville, Kentucky, các linh mục cung ứng việc chầu Thánh Thể và xưng tội bằng cách chạy xe qua cũng như phát hình trực tuyến các buổi phụng vụ. Một vài giáo xứ rung chuông nhà thờ hàng ngày vào lúc 10 giờ sáng theo lời yêu cầu của Thống đốc tiểu bang Andy Beshear, như một nhắc nhớ người dân rằng họ không đơn độc. Các giáo dân tham gia “phone trees”, gọi điện thoại thăm hỏi các thành viên dễ bị tổn thương trong giáo xứ. Nhiều người khác tặng thẻ mua đồ tạp hóa, giúp đỡ các gia đình túng thiếu. Với lời kêu gọi của giáo xứ Thánh Bernard, trong vòng mấy giờ, giáo xứ đã thu được $500 thẻ loại này, mấy ngày sau, số tiền này lên đến $2,000.

Các nhà dưỡng lão ở khu vực Louisville cũng tìm ra nhiều cách để giúp các cư dân của họ, những người không thể ra ngoài. Các Nữ Tu Dòng Tiểu Muội Người Nghèo tổ chức các buổi “nửa bingo nửa mân côi” cho các cư dân. Ngoài ra các nữ tu còn có một con chó tới thăm họ thường xuyên. Cha Charles D. Walker, chánh xứ Nhà Thờ Thánh Bernard phát tuyến trực tiếp thánh lễ cho giáo dân, trên bàn thờ, cha đặt cuốn niên giám của nhà trường và cuốn niên giám của giáo xứ “để nhắc nhở tôi rằng anh chị em luôn ở với tôi trong lời cầu nguyện, tôi ở với anh chị em trong lời cầu nguyện. Hàng ngày tôi cầu nguyện cho anh chị em và tôi muốn anh chị em biết điều ấy”.

Nhập thể Thánh Lễ trực tuyến

Colleen Dulle của tạp chí America cũng đề cập đến nhiều sáng kiến tuyệt vời, nhất là liên quan đến việc tham dự Thánh Lễ trực tuyến. Dù đây là phương thế duy nhất hiện nay để “thông công” Phép Thánh Thể, Colleen cho rằng “tôi ít có được bất cứ cảm thức tham gia nào vào Mình Thánh Chúa Kitô... Tôi thấy có một hố phân cách lớn lao giữa việc đi lễ và việc ngồi xem thánh lễ kiểu người ta ngồi xem phim Netflix. Một điều là nếm trước thiên đàng, một điều không là như thế".

Bởi thế, cô tự hỏi “Phải làm sao làm cho các lời cầu nguyện của phụng vụ nhập thể vào căn hộ của chúng ta?”.

Theo cô, câu trả lời có thể tìm thấy trong “sáng kiến” của Nữ Tu Bernadette Reis, F.S.P., vị nữ tu chuyên phiên dịch các Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng sang tiếng Anh. Theo nữ tu này, ngoài việc “nhập thể” các cử chỉ của Thánh Lễ bằng cách ngồi, đứng, qùy và rước lễ thiêng liêng, ta nên tạo ra bầu khí giống như nhà thờ ngay trong nhà mình bằng cách đốt nến, trưng bày ảnh tượng hay tượng chịu nạn, Sách Thánh.

Làm như thế, nữ tu cho hay, ta đã phỏng theo cách Chúa Kitô lấp đầy hố phân cách giữa trời và đất. Bà nói: “chị cần thân xác chị. Và đó chính là đặc ân tuyệt vời đối với tôi, vì đó là nhập thể. Đó là điều Chúa Giêsu đã làm khi trở nên phàm nhân. Người làm thế với một thân xác”.

Nữ tu nói thêm “Các giáo phụ thực sự đã dạy rằng sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí Tích Cực Thánh cũng đơn thuần có thực chất như thế trong Lời của Người. Và tôi nghĩ chúng ta cần đem thực hành đó trở lại, nhất là trong thời buổi này lúc người ta không những không tới dự Thánh Lễ được mà đến việc tới nhà thờ để cảm nhận Sự Hiện Diện Đích Thựa cũng không được”.

Culleen trích dẫn một người khác, đó là Catherine Addington, một phụ nữ Công Giáo ở tuổi 20, hàng ngày tham dự Thánh Lễ trực tuyến của Đức Phanxicô. Cô này cũng có một ưu tư như Culleen: làm thế nào dị biệt hóa thánh lễ trực tuyến khỏi việc coi các cuốn phim Netflix?

Và giải đáp của Addington là: thay đổi tư thế (disposition) thể lý sẽ thay đổi tư thế tâm linh! Xem phim Netflix, cô ngồi trên sàn nhà và làm nhiều việc khác cùng một lúc (multitasking). Với thánh lễ trực tuyến, cô ngồi trên ghế, tắt điện thoại tự động và đứng lên qùy xuống cùng với cộng đoàn trực tuyến. Làm cùng các cử chỉ thể lý trong lúc cầu nguyện như các người Công Giáo khắp thế giới mang lại cho cô một cảm thức hợp nhất với họ.

Culleen còn tường trình một cảm nghiệm tham dự thánh lễ trực tuyến khác dưới hình thức “hội thoại video Zoom” (video-conference zoom) với một “cộng đoàn” ở Canada. Theo lời khuyên của Nữ Tu Reis và Catherine Addingotn, Culleen tắt điện thoại, đốt 2 cây nến đặt gần laptop, và dành ít phút hồi tâm trước khi thánh lễ bắt đầu. Cô tưởng thánh lễ chỉ diễn ra với một “cộng đoàn” chừng dăm, ba người, không có âm nhạc, đối đáp chắc lôi thôi vì những chậm trễ thông thường của điện thoại. Thế nhưng thực tế không phải vậy, có đến hơn 50 người tham dự, một số đi với gia đình hoặc bạn chia phòng, tụ nhau ở một hộp (box) trên màn ảnh... Các người tham dự thay phiên nhau đọc và “bắt hát”; một phó tế còn công bố Tin Mừng từ phòng khách nhà ông với vợ đứng phía sau.



Culleen dĩ nhiên đứng tại căn hộ của cô ở khu Bronx, New York, và thưa “Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô” đồng nhịp với hàng tá người cách cô đến cả hàng trăm dặm và cô cảm thấy mối nối kết cô hằng mong đợi, một thứ hợp nhất bằng lời, bằng cử chỉ, bằng cầu nguyện và bằng thời gian.

Về tuần thánh sắp tới, Culleen nhắc lại chỉ thị của Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích. Điều các chỉ thị này nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc các người thờ phượng cầu nguyện cùng một lúc: nếu các cử hành phụng vụ được phát hình, tín hữu nên được thông báo giờ phát hình để họ cùng cầu nguyện một lúc.

Tại sao lại cần phải cầu nguyện cùng một lúc? Cha John O’Brien, Dòng Tên, một linh mục chuyên nghiên cứu các giao thoa giữa thần học và các lý thuyết truyền thông và từng cử hành Thánh Lễ trực tuyến cho “Muối Đất Và Ánh Sáng”, một đài truyền hình Công Giáo tại Toronto, giải thích: chúng ta biết có sự khác nhau giữa kairos—thời gian của Thiên Chúa hay vĩnh cửu, và chronos, thời gian đong đếm được, nhưng hai thứ này giao thoa ở điểm nhập thể, khi Thiên Chúa vĩnh cửu quyết định chịu lệ thuộc dòng thời gian của kiếp nhân sinh.

Giáo Hội ưu tiên hóa việc cầu nguyện cùng một lúc trong các thực hành có liên hệ với thời gian, như kinh truyền tin buổi trưa, lễ Vọng Phục Sinh và phụng vụ các giờ kinh. Cha O’Brien cho hay: Mặc dù các buổi cầu nguyện thay đổi theo múi giờ, vẫn “có việc vĩnh cửu nhập vào kiếp nhân sinh khi người ta đến với nhau để cầu nguyện, nhất là theo lối phụng vụ” cùng một lúc. Nói cách khác, các buổi tụ tập để thờ phượng cùng một lúc của chúng ta là một cách thế khác để phản ảnh Mầu Nhiệm Nhập Thể trong việc chúng ta cầu nguyện tại nhà riêng của chúng ta.

Vai trò của hàng ngũ giáo dân

Culleen cũng nhắc lại quan điểm của Katherine G. Schmidt về thánh lễ trực tuyến, một tác giả đã được chúng tôi nhắc đến hôm qua (xem Không gian ảo – môi trường mới để thờ phượng tại http://www.vietcatholic.net/News/Html/255430.htm). Theo Schmidt, “suy nghĩ có hệ thống về việc tham gia của giáo dân vào các thánh lễ trực tuyến sẽ phá vỡ tiềm năng nhị phân trong đó linh mục trở thành nhà sản xuất nội dung còn các tham dự viên giáo dân chỉ đóng vai trò người tiêu thụ thụ động”.

Nhị phân ấy, theo Schmidt, không phải là đặc điểm của phụng vụ, mà cũng không phải là đặc điểm của lãnh vực kỹ thuật số của chúng ta, trong đó, mọi người đều vừa là nhà sản xuất vừa là người tiêu thụ. Cách duy nhất tránh nhị phân này là bao gồm giáo dân vào các vai trò phụng vụ kỹ thuật số, giống như Thánh Lễ Zoom Culleen tham dự trên đây.

Culleen cho hay nhiều nhà chuyên môn cô nói chuyện với đồng ý nay là lúc “tạo cơ hội cho hàng ngũ giáo dân trở nên tự tin trong việc hướng dẫn phụng vụ và cầu nguyện cộng đoàn. Nữ tu Reis cho rằng “tôi tin vào lúc này đây, Chúa chỉ cho chúng ta cần phải sống ra sao cách sống của Giáo Hội sơ khai”. Các Kitô hữu hồi đó không có nhà thờ để đi, chỉ biết tụ họp tại các tư gia để “bẻ bánh”.

Trở lại Tuần Thánh, cả Cha O’Brien lẫn Nữ Tu Reis đều hy vọng người Công Giáo sẽ nghĩ cách để hội nhập các biểu tượng và hành vi của phụng vụ vào việc thờ phượng của họ tại nhà. Dù các thánh lễ trực tuyến Thứ Năm Tuần Thánh sẽ không có phần rửa chân, nhưng các gia đình có thể rửa chân cho nhau. Cha O’Brien cho biết: đây sẽ là trải nghiệm khó quên, rất mạnh mẽ. Không phải ai tham dự Thánh Lễ cũng được rửa chân, nhưng nay, thì ai cũng có thể. Cũng thế việc hôn kính Tượng chịu nạn hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, đốt lửa hay cầm nến trong phòng đêm Vọng Phục Sinh cũng nên được tổ chức tại nhà, thậm chí, đốt cả cây nến kỷ niệm ngày cưới, ngày rửa tội hay thêm sức.

Nhưng những người chỉ có một mình như chính Culleen thì sao? Nguyên tắc phụng vụ vốn giả thiết 2 hay 3 người nhân danh Chúa! Cha O’Brien cho hay Chúa đã dự liệu cả: “khi anh em cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện với Cha anh em nơi kín đáo, và Cha anh em nơi kín đáo, Đấng nhìn thấy nơi kín đáo sẽ tưởng thưởng anh em”. Tuy thế, Culleen cho rằng phụng vụ có khác, nhưng ta vẫn có thể hiệp thông với các thánh trên trời và dưới đất khi ta một mình tham dự Thánh Lễ trực tuyến.