Một không gian cư ngụ có Thiên Chúa ở cùng

Cả thế giới đang phải gánh chịu và đối phó với một tai họa rợn rùng: đại dịch Vũ Hán hay còn gọi là Covit 19.

Để đối phó với đại họa này, nhiều nhà bác học đang nghiên cứu để tìm ra phương thuốc điều trị. Nhiều chính phủ đã đưa ra các biện pháp, nếu không muốn nói là các đạo luật để giúp người dân tránh bỊ lây nhiễm bởi con siêu vi trùng quái ác này, hầu bảo toàn sinh mạng. Bởi vậy từ Nhà Nước cho đến Nhà Thờ, hai bên đều ra lệnh và khuyên nhủ mọi người giảm bớt các cuộc vui chơi hội họp, thậm chí ngay cả các sinh hoạt tôn giáo như đi lễ, đi nhà thờ cũng được giảm bớt và thu gọn lại. Mỗi người được khuyên về nhà và ở lại đó trong thời gian cơn dịch đang hoành hành dữ dội.

Gần dây có một bài báo nhỏ bằng tiếng Pháp trên mang, đề là: L’humanité ébranlée et la société effondrée par un petit machin, ký tên Moustapha Dahleb, người nước Tchad (xin tạm dịch: Nhân loại bị rung chuyển và xã hội sụp đổ vì một cái con con nhỏ bé). Bài này vắn tắt nhưng sâu sắc, nên đọc và suy nghĩ.

Tình cảnh chung quanh lúc này có một vẻ gì thật yên lặng trầm tĩnh. Đối với nhiều người, tình cảnh này xem ra tiêu điều ảm đạm. Mà thật thế. Trước kia, thành phố ồn áo sinh động, nhịp sống tưng bừng náo nhiệt bao nhiêu thì bây giờ buồn thiu, ai nấy ở trong nhà, ra đường phố cũng bị hạn chế. Buồn thật. Nhưng trong cái buồn cũng có cái vui. Người ta buồn vì không biết làm gì hay không có cái gì để làm. Còn vui là thấy có nhiều việc để làm như dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa chổ này chỗ kia, chăm sóc vườn tược, đọc kinh, đọc sách, đối xử với nhau trong tình tương thân tương ái trọn hảo hơn vv… trong khi chờ đợi cho tai qua nạn khỏi.
Đây là cơ hội tốt cho mỗi người có thể tạo ra một không gian cư ngụ, trong đó có Chúa ở cùng. Thật thì đức tin dạy các người Công Giáo rằng Đức Chúa Trời ở khắp mọi nơi, chẳng có nơi nào mà chẳng có Đức Chúa Trởi, Nhưng Chúa là Đấng vô hình thể, cách ở của Người không giống như cách ở của chúng ta. Chúng ta ở chỗ nào là thân xác ở chỗ đó, nhưng Chúa thì không vì Người là Thần Khí. Vì thê, khi nói có Chúa ở cùng là có ý nói về cách thế Chúa ở nơi chúng ta, như khi Người nói: “Thầy ở lại cùng anh em mọi ngày cho đến tận thê. Anh em hãy ở lại trong Thầy”.

Trong giai đoạn này, không gian cu ngụ của mỗi người là nhà mình. Mỗi người nên dùng thời gian này để sống trong không gian cư ngụ của mình với Chúa cách mật thiết hơn. Bằng cách nào? Thưa bằng cách nhớ rằng mình đang có cơ hội đặc biệt được Chúa ở cùng, trong sự thinh lặng. Có thể là mình đang lo sợ bị lây nhiễm dịch bệnh. Vậy, hãy tin cậy vào Chúa vì Người là núi đá, là thuẫn đỡ khiên che cho dân con Người trong lúc lúc gian nan khốn khó. Có lời thánh vịnh chép rằng:

“Khi tôi trung cầu cứu đến Ta, Ta liền đáp lại.
Lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên.
Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự
Cho sống lâu, tuổi thọ an nhàn”


Lúc này tương đối chúng ta có nhiều thời giờ hơn để ở gần bên Chúa. Mỗi người có thể dùng quãng thời gian này dể đọc Kinh Thánh, Các Giờ Kinh Phụng Vụ, lần hạt. Đây không chỉ là những việc dành cho các tu sĩ hay linh mục mà chính là của những người nghĩa thiết hay muốn nên nghĩa thiết với Chúa. Mà là nghĩa thiết thì được Chúa ở cùng và ban ơn phù trì che chở, như chính Người nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thấy.” (Ga 15,11)

Đây cũng còn là dịp để mỗi người cầu nguyện nhiều hơn hay tập cầu nguyện nếu chưa biết, đồng thời có cơ hội để nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy và nếm thử Chúa ngọt ngào xiết bao. Chỉ người có kinh nghiệm mới cảm và tin được như thế. Nhân dịp này, chúng ta thử tập cho có kinh nghiệm ở với Chúa và ở gần bên Người. Người sẽ gõ cửa và sẽ vào dùng bữa tối với chúng ta trong tình thân mật: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy.” (Ga 3, 20)

Nói tóm lại, giai đoạn này tạm gọi như thời kỳ “cấm cung” hay “cấm vận” với những hạn chế và bất tiện, nhưng cũng là thời cơ có thể giúp căn phòng hay ngôi nhà của mỗi người thành nơi cử ngụ, trong đó có Chúa ở cùng mà tỏ lòng tôn kính mến yêu, tâm sự với Người như với một người cha hay một bạn thân tình, không còn xa cách, không còn lạnh nhạt..