Lúc 7 sáng thứ Bẩy 21 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các gia đình để họ có thể tìm ra cách giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ yêu thương.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, tôi muốn nhớ đến những gia đình không thể rời khỏi nhà của họ. Có lẽ chỗ xa nhất họ có thể đi là ban công của nhà mình. Xin cho họ biết cách tìm ra phương thế giao tiếp tốt, xây dựng mối quan hệ yêu thương trong gia đình. Và cầu xin cho họ có thể biết cách vượt qua nỗi thống khổ của khoảnh khắc này cùng với nhau như một gia đình. Chúng ta cầu xin Chúa ban bình an cho các gia đình ngày hôm nay, trong cuộc khủng hoảng này, và xin Ngài ban cho họ óc sáng tạo trong hoàn cảnh thê thảm hiện nay.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung vào hai phong cách đến với Chúa khác nhau được trình bày trong ngày Phúc âm (Luca 18: 9-14).

Phúc Âm: Lc 18, 9-14

“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Khi lời mời gọi “trở về nhà” từ bài đọc ngày hôm qua chạm đến con tim, câu trả lời là “Hãy trở về với Chúa”. Đứng lên, chúng ta hãy trở về với Chúa, Ngài đã xé chúng ta ra từng mảnh, nhưng Ngài sẽ chữa lành chúng ta; Ngài đã hạ gục chúng ta, nhưng Ngài sẽ băng bó vết thương cho chúng ta. Chúng ta hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa. Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông, và sẽ đến cùng chúng ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất (Hs 6: 1-6).

Với hy vọng này, mọi người bắt đầu hành trình trở về với Chúa. Một trong những cách để gặp gỡ Chúa là thông qua lời cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện với Chúa. Chúng ta trở về với Ngài.

Đức Thánh Cha đã trình bày sự tương phản trong hai phong cách đến với Chúa. Ngài nhắc đến ba ví dụ từ các sách Tin mừng: đó là câu chuyện người con trai lớn và đứa con trai hoang đàng, người đàn ông giàu có và Ladarô, và câu chuyện người Pharisêu và người thu thuế từ bài Phúc âm trong ngày.

Người Pharisêu trong Tin Mừng là hình ảnh thu nhỏ của phong cách tự phụ.

Ông ta đi cầu nguyện, nhưng để nói ông ta tốt đến mức nào - như muốn nói với Chúa, ‘Hãy xem tôi tốt là dường nào! Nếu Chúa cần bất cứ điều gì, hãy cho tôi biết và tôi sẽ giải quyết vấn đề của Chúa. Cách ông ta giao tiếp với Chúa có thể tóm tắt là “tự phụ”. Có lẽ ông ấy đã thực thi mọi điều luật buộc phải làm: tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi. Tôi OK! Khi chúng ta đến với Chúa quá tự tin vào chính mình, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng tự phụ giống như con trai trưởng, hay người đàn ông giàu có không cần bất cứ điều gì.

Một phong cách khác, được diễn tả qua người thu thuế trong bài Phúc âm, cho chúng ta thấy cách đúng đắn để đến với Thiên Chúa. Anh ta không dám đến gần bàn thờ nhưng đứng từ xa, thậm chí không dám ngước mắt lên trời. Đấm vào ngực mình, người thu thuế nói: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.

Qua câu chuyện này, Chúa dạy chúng ta cách cầu nguyện, và làm thế nào để đến gần Chúa – Đó là hãy khiêm nhường. Hãy cầu nguyện với linh hồn của chúng ta được phơi bày, không trang điểm hay trang hoàng chúng ta với các đức hạnh của mình. Như chúng ta đọc vào đầu Thánh lễ, Ngài tha thứ cho chúng ta mọi tội lỗi. Nhưng Ngài cần chúng ta chỉ cho Ngài thấy những lỗi lầm của mình. Tôi phải cầu nguyện đối diện với một linh hồn phơi bày. Như thế chúng ta mới hạ thấp bản thân chúng ta. Hành trình này là thực tại của chúng ta. Người duy nhất hiểu được thực tại của mình trong câu chuyện này là người thu thuế. ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con chỉ là kẻ tội lỗi. Đó là thực tại.’ Nhưng tôi nói rằng tôi là kẻ tội lỗi không phải bằng miệng lưỡi mà bằng trái tim.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa dạy chúng ta hiểu thái độ này khi bắt đầu cầu nguyện.

Khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện bằng những lời biện minh của riêng mình, với những an ninh của chúng ta, thì đó không phải là lời cầu nguyện. Điều đó giống như nói chuyện với một tấm gương. Thay vào đó, khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với thực tại thực sự của mình - Tôi là một người tội lỗi – thì đây là một bước tiến tốt trong việc để cho Chúa nhìn vào chúng ta. Xin Chúa Giêsu dạy chúng ta điều này.


Source:Vatican News