Nay thì ai cũng biết rõ về đại dịch COVID-19, lo lắng vì nó, tìm cách phòng chống nó cho mình, cho người thân, cho cộng đồng và nói chung cho mọi người. Điều tiêu cực của COVID-19 là lo sợ phập phồng. Điều tích cực là mọi người nghĩ đến nhau, ngoại trừ một số tranh nhau để mua cho bằng được giấy đi cầu.



Còn về khía cạnh mục vụ. Có thể nói Giáo Hội Công Giáo đi hàng đầu trong đáp ứng đối với đại dịch này. Nhưng đáp ứng này đôi khi đi quá xa đến độ gây sững sờ.

Còn nhớ trước đây mỗi lần có đại dịch, việc đầu tiên người Công Giáo nghĩ tới là “ăn năn thống hối” làm việc “đền tạ” để nài xin lòng thương xót Chúa cứu vớt. Nay thì dường như người ta chỉ chú ý đến phòng ngừa, không rước lễ bằng miệng, không bắt tay lúc chào bình an, không cử hành thánh lễ công cộng, miễn chước tham dự thánh lễ Chúa Nhật, bãi bỏ các thánh lễ dù là thánh lễ Chúa Nhật, thậm chí đóng cửa cả các nhà thờ như quyết định của Đức Hồng Y De Donatis của giáo phận “mẹ” Rôma!

May mắn còn có Đức Phanxicô. Ngài nghĩ ngay đến việc chạy đến Đức Mẹ xin cứu giúp. Tiếc thay, ngài chỉ phó thác Rôma và toàn nước Ý cho sự phù trợ và che chở của Trinh Nữ Diễm Phúc. Tuy nhiên, lời cầu nguyện tha thiết của ngài cũng có thể có nghĩa bao trùm cả thế giới. Ta hãy nghe lại lời cầu nguyện ấy:

“Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng. Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.

Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.

Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần và chúng con chắc chắn rằng Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.

Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.

Ngài là Đấng đã gánh lấy trên mình Ngài các nỗi đau của chúng con và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.

Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu dưới sự che chở của Mẹ. Xin chớ chê chớ bỏ lời cầu xin của chúng con đang trong cơn thử thách, và thân lạy Đức Trinh nữ vinh hiển đầy ơn phúc, xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen”.


Đóng cửa các nhà thờ

Điều đáng tiếc là vị đại diện ngài cai quản giáo phận Rôma, trong phản ứng đối với đại dịch COVID-19, đã đi quá trớn đến độ ra lệnh đóng cửa tất cả các nhà thờ trong giáo phận. CNA, trong bản tin ngày 12 tháng 3, loan tin ngài ra lệnh “đóng cửa mọi nhà thờ trong giáo phận cho tới ngày 3 tháng 4”. Kể từ 9 tháng 3, các thánh lễ công cộng đã bị bãi bỏ khắp giáo phận, nhưng các nhà thờ vẫn tiếp tục mở cửa để cầu nguyện riêng, viếng Mình Thánh và xưng tội.

Nhưng kể từ ngày 12 tháng 3, cửa vào các nhà thờ giáo xứ và các nhà thờ khác ở Rôma bị cấm đối với công chúng và giáo dân Công Giáo. Việc cấm này cũng áp dụng cho cả công trường và chính nhà thờ Thánh Phêrô.

Lệnh cấm trên gặp phản ứng tiêu cực bởi một vị giáo phẩm thân cận với “xếp” của Đức Hồng Y De Donatis, tức Đức Hồng Y Krajweski, phụ trách công việc bác ái riêng của Đức Phanxicô.

Thực thế, tạp chí Crux ngày 13 tháng 3, tường trình rằng vị phụ tá nói trên của Đức Phanxicô đã bất tuân lệnh bằng cách mở cửa nhà thờ do ngài làm “cha sở theo tước hiệu”, tức Nhà thờ Santa Maria Immacolata thuộc khu Esquiline của Rôma với lời tuyên bố như sau: “Đây là một hành vi bất tuân, đúng, chính tôi đã đặt Bí Tích Cực Thánh ra ngoài và mở cửa nhà thờ của tôi. Nó [việc đóng cửa] không diễn ra thời phátxít, nó không diễn ra thời Nga hay Xôviết thống trị ở Ba lan- các nhà thờ đâu có đóng cửa”.

Ngài nói thêm “đây là một hành vi nên đem lại can đảm cho các linh mục khác... Tổ ấm luôn phải mở cửa cho con cái. Tôi không biết liệu người ta có tới hay không, bao nhiêu người, nhưng tổ ấm của họ mở cửa sẵn”.

Người ta thấy rõ lòng can đảm của Đức Hồng Y Krajweski đã được khuyến khích bởi chính “xếp” của ngài. Vì theo Crux, ngày 13 tháng 3, trong thánh lễ buổi sáng, Đức Phanxicô nói rằng "các biện pháp quyết liệt không luôn luôn tốt”. Ngài nói thêm “chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho các mục tử khả năng biện phân mục vụ, để các ngài tìm ra các biện pháp không bỏ dân trung thành của Thiên Chúa một mình, để Dân Thiên Chúa cảm thấy được đồng hành bởi các mục tử của họ và rút tỉa được sự cảm kích từ Lời Thiên Chúa, các bí tích, và lời cầu nguyện”.

Tạp chí Crux trước đó 3 ngày cũng đã nhắc lại lời kêu gọi của Đức Phanxicô ngỏ cùng các linh mục hãy " đi ra ngoài" để an ủi người bệnh và hỗ trợ các nhân viên y tế, trái với lời khuyên của chính phủ Ý là mọi người nên ở trong nhà.

Ngài nói: “Uớc mong các linh mục có can đảm đi ra ngoài, tới với người bệnh, mang đến cho họ sự an ủi của Thiên Chúa, và đem cho họ Mình Thánh Chúa” cũng như bầy tỏ tình liên đới với các nhân viên y tế đang vất vả đấu tranh với nạn dịch COVID-19.

Mở cửa lại các nhà thờ

Có lẽ vì những phản ứng trên, mà theo CNA, các nhà thờ ở Rôma có thể mở cửa lại cho các tín hữu đến cầu nguyện riêng. Thực vậy, sau non một ngày ra lệnh đóng cửa các nhà thờ khắp giáo phận Rôma, Đức Hồng Y De Donatis đã duyệt lại lệnh trên bằng cách để tùy các cha xứ quyết định việc này.

Ngài viết “mọi biện pháp phòng ngừa của Giáo Hội phải xét đến không những thiện ích chung của xã hội dân sự, mà còn cả thiện ích độc đáo và qúy giá là đức tin, nhất là đức tin của những người thấp bé nhất”.

Ngài giải thích rằng việc cấm vào mọi nhà thờ trong giáo phận trong 3 tuần lễ có thể tạo ra “cảm thức mất an toàn lớn lao hơn” nơi người Công Giáo trong thời khủng hoảng này.

Bởi thế, lệnh trên “đã được sửa đổi, đặt trách nhiệm cuối cùng của việc vào các nơi thờ phượng trong tay các linh mục và mọi tín hữu, để không đặt dân chúng vào bất cứ nguy hiểm lây nhiễm nào nhưng đồng thời tránh dấu hiệu ngăn cấm thể lý vào các nơi thờ phượng bằng cách đóng cửa nó, một điều có thể gây hoang mang và một cảm thức bất an lớn lao hơn”.

Tóm lại tình thế hiện nay là các tín hữu được miễn tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật (cho tới 3 tháng 4), nhưng họ có thể đến các nhà thờ giáo xứ để cầu nguyện riêng. Các nhà thờ không phải của giáo xứ và các cơ sở tôn giáo khác vẫn đóng cửa đối với công chúng.

Miễn đi lễ Chúa Nhật

Còn về thánh lễ công cộng, điều rõ ràng là tại Ý, đã có quyết định miễn cho các tín hữu khỏi bổn phận tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Tại Hoa Kỳ, mặc dù có khuyến cáo không nên có những cuộc tụ họp đông quá 250 người, nhưng theo tạp chí The America, chỉ một số giáo phận như Seattle, Providence và mọi giáo phận tại Pensylvania đã chính thức ngưng việc cử hành các thánh lễ công cộng nói chung. Tại Úc, dù chính phủ khuyên không nên có những cuộc tụ tập nào quá 500 người, nhưng chưa có quyết định nào ngưng cử hành các thánh lễ cả. Đức Tổng Giám Mục Anthony của Sydney mới ra thông cáo cho hay trong vòng tuần tới, ngài sẽ công bố các biện pháp mới để đáp ứng lời khuyên của Chính Phủ Úc.

Nhân dịp này, nhà giáo luật học Edward Peters giải thích nghĩa vụ tham dự Thánh Lễ lúc có các dịch bệnh. Theo ông, nghĩa vụ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật được các điều 1246-1248 Bộ Giáo Luật qui định (xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo các số 2180-2183). Nghĩa vụ này buộc lương tâm tín hữu.

Tuy nhiên, Giáo Luật dự liệu 3 trường hợp tín hữu không buộc phải tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật: bất khả, miễn chước, hay đủ lý do bào chữa (excuse).

Không ai buộc phải làm điều không thể làm được. Nếu thánh lễ bị hủy bỏ ở nơi mình cư ngụ, người ta không buộc phải vất vả đi tìm và tham dự thánh lễ ở một nơi khác. Chỉ cần mình thực hành một hình thức phụng vụ nào khác thay thế như đọc Kinh Thần Vụ (điều 1174) hoặc dành một số giờ thích đáng để cầu nguyện (điều 1248).

Dù Peters cho rằng xem lễ truyền hình có thể là điều tốt nhưng tự nó không thay thế nghĩa vụ tham dự Thánh Lễ. Tuy nhiên, các nhà thờ Ý và cả Đức Phanxicô cũng đang cho chiếu trực tiếp các thánh lễ cho công chúng.

Về miễn chước, Peters cho hay: nghĩa vụ thờ phượng Thiên Chúa hàng tuần phản ảnh thiên luật trong Mười Điều Răn, nhưng nghĩa vụ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật thuộc chức năng luật Giáo Hội, nên có thể được miễn chước bởi Giám Mục giáo phận theo điều 87. Thêm vào đó, giáo luật điều 1245 còn ban quyền cho cha xứ được miễn chước nghĩa vụ này đối với những người thuộc giáo xứ hay đang hiện diện trong giáo xứ.

Điều 90 khuyên các vị có thẩm quyền phải xem xét cẩn thận thiện ích thiêng liêng của bề dưới, tính trầm trọng của luật được miễn chước và các hoàn cảnh khác khi nghị bàn việc miễn chước. Tuy nhiên, các hoài nghi về việc đủ lý do đứng đàng sau việc miễn chước được giải quyết bằng cách cho miễn chước.

Đủ lý do bào chữa thì cần giải thích nhiều hơn. Phần lớn điều này liên quan đến các cá nhân. Trong số các lý do lâu nay từng được nhìn nhận để đủ lý do bào chữa (khác với miễn chước) việc khỏi phải tham dự Thánh Lễ bắt buộc là chính mình mắc bệnh. Việc lượng định lý do này hoàn toàn thuộc cá nhân trước mặt Thiên Chúa và trong tương quan với người khác. Nhiều bệnh có tính lây lan, gây nguy hiểm cho người khác. Không hẳn vì bác ái cho bằng vì công bằng, ta nên tránh không tham dự thánh lễ dù là thánh lễ bắt buộc.

Tóm lại nếu mắc bệnh nặng đến nỗi không tham dự Thánh Lễ hay bệnh lây lan có thể gây nguy hiểm cho người khác, tín hữu có đủ lý do bào chữa việc không tham dự thánh lễ bó buộc.

Nhưng trường hợp COVID-19 có khác, theo Peters. Vì trong trường hợp này, người ta có thể nhiễm vi khuẩn này từ lâu nhưng không biết là mình mắc bệnh. Trong trường hợp này cá nhân phải phán đoán ra sao trong việc thấy mình đủ lý do bào chữa việc không tham dự thánh lễ bắt buộc. Không hẳn thuộc dạng thứ nhất vì không thấy mình bị bệnh mà chỉ lo mình bị bệnh; cũng không phải dạng thứ hai là biết mình có thể lây cho người khác.

Theo Peters, nếu chỉ lo mình bị lây bởi người khác, thì không đủ lý do bào chữa. Nhưng nếu mối lo này được “hỗ trợ” bởi các nhân tố khác như tuổi già hay có những biến chứng y khoa tiềm tàng (tiểu đường, thai nghén), thì đủ lý do bào chữa, dù mình không mắc bệnh.

Nếu không có lý do đặc biệt để nghĩ mình sẽ lây cho người khác, thì không đủ lý do để bào chữa. Nhưng các nhân tố làm gia tăng cơ hội gây bệnh cho người khác như có người nhà mắc bệnh hay làm việc với hoặc cạnh người mắc bệnh có thể khiến đủ lý do để bào chữa, mặc dù hiện mình vẫn khỏe.

Rước lễ thiêng liêng

Đối với Patti Armstrong, bãi bỏ Thánh Lễ là điều hết sức hệ trọng vì Thánh lễ vốn là "nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu. Những bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó. Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội, đó là chính Chúa Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta" (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1324).

Nhưng trong hoàn cảnh COVID-19, nếu không thể tham dự Thánh Lễ, bà khuyên nên rước lễ thiêng liêng. Nhờ việc này, ta biểu lộ đức tin của ta vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể và xin Người kết hợp với chúng ta.

Sau đây là lời kinh rước lễ thiêng liêng của Thánh Anphonsô thành Liguori:

Lạy Chúa Giêsu của con,
Con tin rằng Chúa hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh.
Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và ước ao được rước Chúa vào linh hồn con.
Vì lúc này con không thể tiếp rước Chúa về phương diện bí tích, xin Chúa ít nhất hãy vào linh hồn con cách thiêng liêng.
Con ôm lấy Chúa như thể Chúa đang ở đó và con xin kết hợp trọn thân con với Chúa.
Xin Chúa đừng để con rời xa Chúa.
Amen
.



Khía cạnh tâm linh

Linh mục Nguyễn Trung Tây (http://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/254991: Covid -19 Biến Hình) và linh mục Nguyễn Ngọc Sơn (http://vietcatholic.net/Media/Taysachbuitran.pdf) đã liên kết đại dịch COVID-19 với việc tẩy rửa tâm hồn nhân dịp Mùa Chay 2020 do sự kiện nhờ đại dịch này, chúng ta có thói quen tốt lành là rửa tay một cách thành khẩn và kỹ càng. Nếu cũng thành khẩn và kỹ càng như thế đối với linh hồn, chắc chắn Thiên Chúa xót thương sẽ đoái nhìn nhân loại tội lỗi.

Có người nhận xét thêm: không có những buổi phạt tạ như xưa, nhưng ngày nay, không riêng người Công Giáo mà gần như khắp thế giới đều đã đang tự thực hành một thứ “phạt tạ” nào đó qua việc tự hạn chế đi lại, tham gia hội hè đình đám, tự hạn chế tiêu dùng dù là các nhu yếu phẩm. Nhiều cuộc tụ tập vui chơi lớn như các cuộc thi đấu thể thao, trình diễn âm nhạc đã được hủy bỏ dù gây rất nhiều thiệt hại cho ban tổ chức. Nước nào cũng thắt lưng buộc bụng, dồn hết tài nguyên lo đối phó với đại dịch này... Một hy sinh lớn đang được mọi người “hoan hỉ” đón nhận. Phải chăng đây cũng là một dấu chỉ tích cực nẩy sinh từ một nền văn hóa tôn thờ tiêu thụ xưa nay. Chính vì thế không lạ gì, giữa bầu khí lo âu của đại dịch COVID-19, Đức Hồng Y Krajewski, người thân tín của Đức Phanxicô, cho rằng nhờ đại dịch này, người ta biết tôn trọng sự sống hơn.