Thiên Chúa Của Kẻ Sống

(Chúa Nhật XXXII TN C)

“Cuộc đời con người không phải là một hành trình đi từ chiếc nôi đến ngôi mộ mà là một quá trình đi từ hữu hạn đến vĩnh hằng”. Trên đây là câu nói của một bạn trẻ Công Giáo trong một dịp hội thảo về ý nghĩa của cuộc đời. Chắc hẳn để có được câu nói này thì các bạn trẻ, cách riêng các bạn trẻ Việt Nam, những người dù đang gặp nhiều khó khăn khi hướng về tương lai, nhưng một cách nào đó vẫn có một khát khao cháy bỏng vươn lên và tồn tại.

Có cuộc sống đời sau hay không? Một nhóm người phái Sađốc đã đặt ra cho Chúa Giêsu một vấn nạn qua một câu chuyện tưởng chừng như bịa, nhưng không phải là không thể xảy ra. Đâu cần đến cả thảy bảy anh em trai cùng cưới một phụ nữ theo tập tục vốn đã thành luật của người Do Thái thời bấy giờ, ngay hôm nay vẫn có đó nhiều người tái hôn cách hợp pháp khi người phối ngẫu trước đã qua đời. Thế thì đến ngày sau giải quyết tình trạng hôn nhân của họ ra sao đây?

Xét về mặt luận lý thì chúng ta không thể phủ nhận một điều gì đó khi trí khôn chưa rõ hoặc hầu như khó mà hiểu biết thấu đáo. Chẳng hạn khi chưa hiểu rõ cấu trúc vận hành của một thiên thể nào đó hay một loại virus nào đó thì không thể tiên thiên khẳng định là chúng không hiện hữu. Một số người chủ trương rằng cái gì hợp lý hay hữu lý mới hiện hữu, thì chỉ có thể hiểu sự hữu lý theo khía cạnh nội tại của chính hữu thể chứ không phải theo lôgich của luận lý con người. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần chân nhận một thực tế này: Nhiều người phủ nhận một sự thật nào đó không phải vì chính sự thật ấy xem ra không hữu lý nhưng vì sự thật ấy đụng chạm đến lối sống của mình, và rất nhiều khi sự thật ấy một cách nào đó tố cáo lối sống chưa chính đáng và phải đạo của mình.

Nhóm Sađốc vốn là những người thuộc hàng tư tế chủ trương thỏa hiệp với chính quyền thời bấy giờ. Thời nào cũng thế, khi thỏa hiệp, thân thiện với chính quyền thì sẽ hưởng được nhiều danh vị, lợi lộc mà có khi là bất minh và bất chính. Một khi lòng đã dính bén với của tiền, danh vọng đời này thì ít có ai dám nghĩ đến ngày phải xa, phải mất chúng. Không tin vào sự sống lại, không tin vào sự sống ngày sau, thực ra nhiều khi chỉ là một cách biện bạch cho lối sống tham danh, hám lợi cách bất chính mà thôi. Nếu chết là hết, nếu không có đời sau thì cớ sao chúng ta không tìm mọi cách vơ vét của tiền, danh vị để hưởng thụ ở đời nầy?

Thế nhưng, những người chủ trương rằng không có đời sau thì dường như lòng họ vẫn mãi không yên. Ngay sự kiện họ cố tìm cách biện minh cũng đủ minh chứng cho sự thật này. Và đặc biệt những khi họ đối diện với sự dữ, nhất là với nấm mộ gần kề thì sự băn khoăn ấy càng mãnh liệt bội phần. Không, không một ai có thể dập tắt khát vọng sống mãi nơi lòng mình. Ngay cả những người tìm đến cái chết bằng sự tự vẫn thì cũng là một hình thái của khát vọng được sống tốt đẹp và vĩnh tồn mà không có lối thoát.

Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Một câu khẳng định rõ ràng về các hiện hữu, nhất là về sự hiện hữu của con người. Công cuộc của Đấng hằng sống phải là những gì mãi tồn tại. Dĩ nhiên hình thức tồn tại có thay đổi theo thời gian và theo quy luật Thiên Chúa đặt định. Ánh sáng đức tin qua Lời mạc khải cho chúng ta thấy sự chết chỉ là cánh cửa để bước qua một cõi sống khác mà chúng ta gọi là sự sống đời sau. Đã có sự sống đời sau thì hẳn có sự sống lại, không phải là lấy lại sự sống như ở đời này nhưng được biến đổi và theo một quy luật khác. Chúa Kitô dùng kiểu nói “như các Thiên Thần” để ám chỉ hình thái hiện hữu này. Khi đã tin có đời sau thì chắc hẳn phải tin có sự xét xử và thưởng phạt công minh.

Giữa cuộc sống, cách sống và niềm tin có mối tương quan hữu cơ và cách nào đó có thể gọi là tương quan biện chứng. Vì tôi tin chỉ có đời này mà thôi nên tôi phải tìm cách để tận hưởng các thiện hảo đời này bất chấp mọi phương thế, cho dù nhiều khi là bất chính. Trái lại khi quá dính bén với những thiện hảo đời này và sẵn sàng chiếm hữu chúng cách phi pháp thì tôi sẽ chủ trương rằng không có đời sau. Vì nếu có đời sau thì hệ lụy tất yếu đó là tôi phải trả lẽ về những gì tôi đã làm ở đời này.

Kitô hữu vẫn hằng tuyên xưng trong các thánh lễ Chúa Nhật và Lễ trọng:“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”(Kinh Tin Kính các thánh Tông Đồ) hay “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”(Kinh Tin kính Nicêa-Constantinôpôli). Giữa lời tuyên xưng đức tin và cuộc sống chúng ta đã có sự tương hợp thống nhất như thế nào? Cuộc đời các thánh, cách riêng các vị tử đạo là một lời tuyên xưng đức tin khả tín. Cả bảy anh em thời Macabêô và người mẹ đã anh dũng tuyên xưng đức tin về sự sống đời sau, khi chấp nhận trả giá bằng mạng sống của mình để trung thành với Thiên Chúa qua việc tuân giữ lề luật (x.2 Mcb 7). (Bài đọc thứ nhất).

Có thể nói rằng một dấu chỉ không thể thiếu của niềm tin về sự sống đời sau đó là can đảm đón nhận mọi gian khổ, sống tự do với những thiện hảo đời này, sẵn sàng từ bỏ chúng khi sự thật, công lý và tình yêu đòi hỏi.

Một cuộc sống mà ngôn hành bất nhất thì chắc chắn thiếu sự khả tín và dĩ nhiên là không đáng kính mà nhiều khi còn bị dè bĩu, không trước mặt thì cũng sau lưng. Phải thú nhận rằng đang tồn tại hiện tượng nghịch lý và nghịch thường trong xã hội chúng ta: Những người chủ trương “duy vật” thì sống rất duy ý chí và cả “duy tâm” trong nhiều hình thái mê tín lầm lạc, còn người tuyên xưng có linh hồn bất tử, thân xác sẽ sống lại, tuyên xưng có sự sống đời sau thì lại sợ khó, ngại khổ, không dám mạnh mẽ rao truyền chân lý, chưa can đảm bảo vệ công lý, chưa sẵn sàng từ bỏ chút danh vị hay quyền lợi để sống giới luật mới, giới luật yêu thương mà Chúa Kitô đã truyền (x.Ga 13,34-35).

Xin thử hỏi rằng chúng ta đã can đảm đón nhận mọi gian khổ để rao truyền chân lý, để bảo vệ công lý chưa? Xin thử hỏi rằng chúng ta đã sẵn sàng từ bỏ những quyền lợi, danh vị của mình để sống yêu thương phục vụ tha nhân, phục vụ người nghèo, người khốn khổ, bất hạnh, bị áp bức, bị bỏ rơi… trong xã hội và trong Giáo Hội như thế nào? Thành thực trả lời những câu hỏi này thì chúng ta sẽ biết mức độ của lòng tin chúng ta vào Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống như thế nào và sẽ biết niềm tin của chúng ta về sự sống ngày sau ra sao.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột