Trong phiên họp thứ 16 và cũng là phiên họp cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Toàn Vùng Amazon, ngày 26 tháng 10 năm 2019, Tài Liệu Cuối Cùng đã được toàn thể Thượng Hội Đồng thông qua. Hiện nay, Tòa Thánh mới chỉ công bố Tài Liệu bằng nguyên bản Tiếng Tây Ban Nha. Hãng Tin Zenit đã có công dịch sang tiếng Anh và lần lượt công bố từ ngày 30 tháng 10. Chúng tôi lấy bản tiếng Anh của Zenit để chuyển sang Việt Ngữ.



DẪN NHẬP

1. “Và Đấng ngự trên ngai phán : ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’. Rồi Người phán : ‘Ngươi hãy viết : Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật’” (Kh 21: 5)

Sau một chặng đường dài đồng nghị lắng nghe dân Chúa trong Giáo Hội Amazon, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở màn trong chuyến viếng thăm Amazon vào ngày 19 tháng 1 năm 2018, Thượng hội đồng đã được tổ chức tại Rôma trong một cuộc hội họp huynh đệ 21 ngày vào tháng 10 năm 2019. Bầu khí ở đây là một bầu khí trao đổi cởi mở, tự do và tôn trọng của các Giám mục Mục tử ở Amazon, các nhà truyền giáo nam nữ, giáo dân nam nữ, và đại diện các dân tộc bản địa Amazon. Chúng tôi là những nhân chứng tham dự một biến cố giáo hội được đánh dấu bởi sự khẩn cấp của chủ đề, một chủ đề kêu gọi mở ra những nẻo đường mới cho Giáo hội trong vùng lãnh thổ. Công việc nghiêm túc đã được chia sẻ trong một bầu khí xác tín lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần đang hiện diện.

Thượng hội đồng được tổ chức trong một môi trường huynh đệ và cầu nguyện. Các can thiệp được kèm theo nhiều lần bằng tiếng vỗ tay, ca hát và tất cả đều có những khoảnh khắc im lặng chiêm nghiệm sâu sắc. Bên ngoài Hội trường Thượng Hội Đồng, có sự hiện diện đáng chú ý của những người từ thế giới Amazon, những người tổ chức các biến cố hỗ trợ nhiều hoạt động, đám rước khác nhau, như lễ khai mạc với những bài hát và điệu nhảy cùng đồng hành với Đức Thánh Cha, từ mộ Thánh Phêrô đến Hội trường Thượng hội đồng. Đàng Thánh giá các vị tử đạo vùng Amazon rất gây ấn tượng, bên cạnh sự hiện diện rộng lớn của các phương tiện truyền thông quốc tế.

2. Tất cả các tham dự viên bày tỏ ý thức sâu sắc về tình thế bi đát đang ảnh hưởng đến Amazon. Điều này có nghĩa việc biến mất lãnh thổ và cư dân của nó, đặc biệt là người dân bản địa. Rừng Amazon là “trái tim sinh học” đối với trái đất, một trái tim ngày càng bị đe dọa. Nó thấy mình rơi vào một cuộc chạy đua tới cái chết một cách không tài nào kiềm chế được. Nó đòi hỏi những thay đổi triệt để một cách hết sức khẩn cấp, một hướng đi mới giúp nó được cứu vớt. Người ta đã chứng minh một cách khoa học rằng sự biến mất sinh quần Amazon sẽ có tác động thảm khốc trên toàn hành tinh!

3. Hành trình đồng nghị của dân Chúa trong giai đoạn chuẩn bị đã có sự tham gia của toàn thể Giáo hội trong lãnh thổ, các Giám mục, các nhà truyền giáo nam nữ, các thành viên của các Giáo hội thuộc các tín phái khác, giáo dân nam nữ, và nhiều đại diện của các dân tộc bản địa quanh việc tham khảo tài liệu từng gợi hứng cho Tài liệu Làm việc. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng nói của Amazon, được thúc đẩy bởi hơi thở lớn lao hơn của Chúa Thánh Thần trong tiếng kêu của trái đất bị thương và các cư dân của nó. Đáng chú ý là sự tham gia tích cực của hơn 87,000 người, của các thành phố và nền văn hóa khác nhau, ngoài ra còn có nhiều nhóm thuộc các giáo hội khác và sự đóng góp của các học giả và tổ chức của xã hội dân sự vào các chủ đề chuyên biệt chính.

4. Việc tổ chức Thượng hội đồng có thể làm nổi bật việc tổng hợp tiếng nói của Amazon với tiếng nói đầy suy nghĩ của các Mục tử tham dự. Chính kinh nghiệm mới của việc lắng nghe để biện phân tiếng nói của Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt Giáo hội đến những cách hiện diện mới, việc truyền giảng tin mừng và đối thoại liên văn hóa ở Amazon. Lập trường, phát sinh trong diễn trình chuẩn bị, rằng Giáo hội là đồng minh của thế giới Amazon, đã được khẳng định một cách mạnh mẽ. Việc cử hành đã kết thúc bằng một niềm vui lớn lao và niềm hy vọng sẽ nắm lấy và thực hành mô hình mới của hệ sinh thái toàn diện, việc chăm sóc “ngôi nhà chung” và bảo vệ Vùng Amazon.

CHƯƠNG I, AMAZON: TỪ LẮNG NGHE ĐẾN HOÁN CẢI TOÀN DIỆN

“Rồi thiên thần chỉ cho tôi thấy một con sông có nước trường sinh, sáng chói như pha lê, chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên” (Kh 22: 1)

5. “Chúa Kitô chỉ tay về phía Amazon”, (Thánh Phaolô VI, attrib.). Ngài giải thoát mọi người khỏi tội lỗi và ban cho họ phẩm giá làm Con cái Thiên Chúa. Việc lắng nghe Amazon, đúng theo tinh thần riêng của người môn đệ và dưới ánh sáng của Lời Chúa và Truyền thống, đã thúc đẩy chúng ta đến một sự hoán cải sâu sắc các kế hoạch và cơ cấu của chúng ta hướng về Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.

Giọng nói và tiếng hát của Amazon như thông điệp sự sống

6. Ở Amazon, sự sống được lồng, liên kết và hòa nhập vào lãnh thổ, một lãnh thổ, trong tư cách một khu vực vật chất, có tính sinh tử và đầy dinh dưỡng, là khả thể, nguồn nuôi dưỡng và giới hạn của sự sống. Amazon, cũng được gọi là Vùng Toàn Amazon, là một lãnh thổ rộng lớn với dân số ước lượng khoảng 33,600,000 người, trong đó vào khoảng từ 2 đến 2,5 triệu người là người Bản địa. Khu vực này, được tạo thành bởi lưu vực sông Amazon và mọi nhánh sông của nó, được trải dài gồm chín quốc gia: Bôlivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Ba Tây, Guyana, Surinam và Guyana thuộc Pháp. Vùng Amazon rất chủ yếu cho việc phân phối nước mưa ở các khu vực Nam Mỹ và nó góp phần vào các chuyển vần lớn lao của không khí trên khắp hành tinh; hiện tại, đây là khu vực dễ bị tổn thương thứ hai trên thế giới, do hành động của con người, liên quan đến biến đổi khí hậu.

7. Nước và đất Vùng này nuôi dưỡng và duy trì thiên nhiên, sự sống và các nền văn hóa của hàng trăm cộng đồng bản địa, nông dân, hậu duệ gốc Phi, sắc dân mestizos (1), người lập cư, người sống ven sông và cư dân các trung tâm đô thị. Nước, nguồn sống, có ý nghĩa biểu tượng phong phú. Ở vùng Amazon, vòng tuần hoàn của nước là trục nối kết; nó nối kết các hệ sinh thái, các nền văn hóa và sự phát triển của lãnh thổ.

8. Có một thực tế đa sắc tộc và đa văn hóa ở vùng Amazon. Các dân tộc khác nhau đã có thể thích nghi với lãnh thổ. Họ xây dựng và tái xây dựng, trong mỗi nền văn hóa, viễn kiến vũ trụ của họ, các dấu chỉ và ý nghĩa của họ cùng viễn kiến về tương lai của họ. Trong các nền văn hóa và các dân tộc bản địa, các tập tục cổ xưa và các giải thích thần thoại cùng tồn tại với các kỹ thuật và thách đố hiện đại. Những khuôn mặt sống ở Amazon rất đa dạng. Ngoài các dân tộc bản địa, còn có những cuộc hôn nhân dị chủng khá lớn phát sinh từ việc gặp gỡ và giao tiếp gần gũi của các dân tộc khác nhau.

9. Việc các dân tộc bản địa của Amazon tìm kiếm sự sống dồi dào được cụ thể hóa trong điều họ gọi là “sống tốt”, và nó được thể hiện trọn vẹn trong Các Mối Phúc Thật. Đó là việc cố gắng sống hòa hợp với chính mình, với thiên nhiên, với con người và với Đấng tối cao, vì xét rằng có một sự thông đạt qua lại giữa toàn bộ vũ trụ, nơi không loại trừ một ai hoặc không ai bị loại trừ, và là nơi chúng ta có thể tạo nên một dự án sống viên mãn cho mọi người. Một sự hiểu biết về sự sống như vậy có đặc điểm ở sự nối kết và hài hòa trong các mối liên hệ giữa nước, lãnh thổ và thiên nhiên, đời sống cộng đồng và văn hóa, Thiên Chúa và các lực lượng tâm linh khác nhau. Đối với họ, “sống tốt” là phải hiểu tính trung tâm trong liên hệ siêu việt của con người và sáng thế, và nó ám chỉ “sự sống tốt”. Phương thức toàn diện này được phát biểu trong cách họ tự tổ chức, bắt đầu từ gia đình và cộng đồng, và bao gồm việc sử dụng có trách nhiệm mọi của cải của sáng thế. Các dân tộc bản địa mong ước đạt được các điều kiện sống tốt hơn, nhất là về y tế và giáo dục, để hưởng được sự phát triển bền vững do chính họ lãnh đạo và biện phân và giữ sự hài hòa trong các lối sống truyền thống của họ, đối thoại giữa sự khôn ngoan và kỹ thuật của các bậc tiền bối và các kỹ thuật sở đắc được.

Tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo

10. Tuy nhiên, Amazon ngày nay là một sắc đẹp bị đả thương và biến dạng, một nơi đau đớn và bạo lực. Các cuộc tấn công chống lại thiên nhiên đã gây ra những hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của người dân. Cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội độc đáo này đã được suy tư trong các phiên lắng nghe trước Thượng Hội Đồng; những phiên lắng nghe này cho thấy rõ các mối đe dọa sau đây chống lại sự sống: chiếm đoạt và tư nhân hóa của cải thiên nhiên, như nước, các nhượng quyền khai thác gỗ hợp pháp và việc du nhập cảnh khai thác bất hợp pháp; săn bắn và lưới cá kiểu trấn lột; các dự án khổng lồ không có tính bền vững (dự án thủy điện, nhượng quyền rừng, chặt hạ ồ ạt, độc canh, đường cao tốc, đường thủy, tàu hỏa và các dự án khai mỏ và dầu khí; ô nhiễm do các kỹ nghệ khai khoáng và đổ rác các thành phố và trên hết là biến đổi khí hậu. Chúng là những đe dọa thực sự đem theo các hậu quả xã hội nghiêm trọng: bệnh tật bắt nguồn từ ô nhiễm, buôn bán ma túy, các nhóm vũ trang bất hợp pháp, nghiện rượu, bạo lực chống phụ nữ, bóc lột tình dục, buôn bán nội tạng, du lịch tình dục, mất văn hóa gốc và bản sắc (ngôn ngữ, các thực hành tâm linh và phong tục), kết tội và giết hại các nhà lãnh đạo và bảo vệ lãnh thổ. Đằng sau tất cả những điều này là quyền lợi kinh tế và chính trị của các nhóm thống trị, với sự đồng lõa của một số nhà cai trị và một số chính quyền bản địa. Các nạn nhân là những nhóm đễ bị tổn thương nhất: trẻ em, người trẻ, phụ nữ và Chị cùng Mẹ Đất.

11. Về phần mình, cộng đồng khoa học cảnh báo về nguy cơ mất rừng, một việc đến nay đã phá hủy gần 17% tổng diện tích của rừng Amazon, và đang đe dọa sự sinh tồn của toàn bộ hệ sinh thái, gây nguy hiểm cho tính đa dạng sinh học và thay đổi chu kỳ quan trọng của nước vốn cần cho sự sống còn của rừng nhiệt đới. Ngoài ra, Amazon cũng có vai trò quan yếu như thiết bị giảm sốc chống lại biến đổi khí hậu; nó cung cấp các hệ thống vô giá và căn bản chống đỡ quan yếu cho không khí, nước, đất, rừng và sinh khối (biomass). Đồng thời, các chuyên gia nhắc nhở rằng nhờ sử dụng khoa học và các kỹ thuật tiên tiến vào một nền kinh tế sinh học đổi mới của rừng đứng và sông chảy, ta có thể giúp bảo vệ rừng nhiệt đới, bảo vệ các hệ sinh thái của Amazon và các dân tộc bản địa và truyền thống và, đồng thời, cung ứng các hoạt động kinh tế bền vững.

12. Một hiện tượng phải giải quyết là di dân. Trong các khu vực Amazon, có ba diễn trình di dân cùng một lúc. Đầu tiên, là các trường hợp ưa di chuyển của các nhóm bản địa trong các lãnh thổ lưu động truyền thống, phân cách bởi biên giới quốc gia và quốc tế. Thứ đến, việc di dân bắt buộc của người dân bản địa, nông dân và người sống ven sông bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ, và nơi đến cuối cùng của họ thường là những khu vực nghèo nhất và những khu vực đô thị hóa tồi tệ hơn trong các thành phố. Thứ ba, các cuộc di cư bắt buộc liên vùng và hiện tượng tị nạn, tức những người bắt buộc phải rời khỏi đất nước của họ (trong số những nước khác, phải kể Venezuela, Haiti, Cuba) phải băng qua Amazon như một hành lang di dân.

13. Sự rời cư của các nhóm bản địa bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ và bị thu hút bởi ánh sáng sai lầm của nền văn hóa đô thị nói lên tính đặc thù độc đáo của các phong trào di cư ở Amazon. Các trường hợp trong đó tính di động của các nhóm này diễn ra trong các lãnh thổ lưu thông bản địa truyền thống, cách nhau bởi biên giới quốc gia và quốc tế, kêu gọi phải có sự chăm sóc mục vụ xuyên biên giới có khả năng hiểu quyền được lưu chuyển tự do của các dân tộc này. Tính di động của con người ở Amazon cho thấy khuôn mặt bần cùng và đói khát của Chúa Giêsu Kitô (Xem Mt. 25:35), bị trục xuất và vô gia cư (Xem Lc 3: 1-3), và cả việc phụ nữ hóa việc di dân khiến hàng ngàn phụ nữ dễ bị tổn thương do nạn buôn người, một trong những hình thức bạo lực tồi tệ nhất chống lại phụ nữ và là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất. Nạn buôn người, khi được liên kết với việc di dân, đòi phải có mạng lưới chăm sóc mục vụ thường trực.

14. Cuộc sống của các cộng đồng Amazon chưa bị ảnh hưởng bởi làn sóng văn minh Tây phương, được phản ảnh trong niềm tin và các nghi lễ nói về hành động của các linh thần, được gọi tên bằng vô số cách, với và trong lãnh thổ, với và trong tương quan với thiên nhiên (Laudato Si’ 16, 91, 117, 138, 240). Chúng ta hãy nhìn nhận rằng hàng ngàn năm qua, họ đã chăm sóc trái đất, nguồn nước và rừng của nó, và đã thành công trong việc bảo tồn chúng cho đến ngày nay để nhân loại có thể vui hưởng các hồng phúc nhưng không trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Các nẻo đường truyền giảng tin mừng mới phải được xây dựng trên việc đối thoại với kiến thức căn bản này, trong đó nó được biểu lộ như những hạt giống của Lời Chúa.

Giáo Hội ở vùng Amazon

15. Trong diễn trình lắng nghe tiếng kêu của lãnh thổ và tiếng kêu của các dân tộc, Giáo hội phải nhắc nhớ các bước đi của mình. Việc truyền giảng tin mừng tại Châu Mỹ Latinh là một hồng phúc của Chúa Quan Phòng, Đấng vốn kêu gọi mọi người đến với sự cứu rỗi trong Chúa Kitô. Bất chấp việc thực dân hóa về quân đội, chính trị và văn hóa, và vượt lên trên lòng tham và tham vọng của những người thực dân, vẫn có nhiều nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống của mình để truyền rao Tin Mừng. Cảm thức truyền giáo không những gây cảm hứng cho việc hình thành ra các cộng đồng Kitô giáo mà cả việc lập pháp nữa như Các Đạo Luật Bản Địa, vốn bảo vệ phẩm giá của người Bản địa chống lại sự chà đạp người dân và vùng lãnh thổ của họ. Những lạm dụng như vậy đã gây ra nhiều vết thương nơi các cộng đồng và làm mờ đi thông điệp của Tin mừng. Thường thì việc loan báo Chúa Kitô được thực hiện trong mối thông đồng với các thế lực khai thác các tài nguyên và đàn áp dân chúng. Hiện tại, Giáo hội có cơ hội lịch sử để phân biệt mình với các thế lực thực dân mới, bằng cách lắng nghe các dân tộc Amazon để có thể thi hành một cách minh bạch trong hoạt động tiên tri của mình. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội đang mở ra nhiều cơ hội mới để trình bày Chúa Kitô trong mọi tiềm năng giải phóng và nhân bản hóa của Người.

16. Các vị tử đạo đã viết một trong những trang sử vinh quang nhất của Amazon. Sự tham gia của những người theo Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn, Sự Chết và Phục Sinh Vinh Quang của Người, đã đồng hành với cuộc sống của Giáo Hội cho đến ngày nay, nhất là trong thời và trong nơi, vì Tin Mừng của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống giữa mâu thuẫn gia trọng, như đang xảy ra hôm nay với những người vốn chiến đấu can đảm cho một hệ sinh thái toàn diện ở Amazon. Thượng hội đồng này nhìn nhận một cách đầy ngưỡng mộ những người chiến đấu bất chấp rủi ro lớn đối với mạng sống của họ, để bảo vệ sự tồn tại của lãnh thổ này.

Được kêu gọi hoán cải toàn diện

17. Lắng nghe tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo và của các dân tộc Amazon với những người cùng bước đi với chúng ta, đòi chúng ta phải thực sự hoán cải toàn diện, bằng một cuộc sống đơn giản và đạm bạc, tất cả được nuôi dưỡng bằng một nền linh đạo huyền nhiệm theo phong cách của Thánh Phanxicô Assisi, vốn là điển hình của sự hoán cải toàn diện, một cách hân hoan và vui hưởng Kitô giáo (Xem Laudato Si’20-120. Một việc đọc Lời Chúa theo cung cách cầu nguyện sẽ giúp chúng ta suy ngẫm và khám phá thêm những tiếng rên rỉ của Chúa Thánh Thần và sẽ khuyến khích chúng ta cam kết chăm sóc “ngôi nhà chung”.

18. Là Giáo hội, chúng ta, các môn đệ truyền giáo, cầu xin ơn hoán cải này, một ơn “hàm nghĩa để cho mọi hậu quả của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô nở rộ trong các mối liên hệ với thế giới xung quanh chúng ta (Laudato Si’ 217); một hoán cải bản thân và cộng đồng làm chúng ta cam kết liên hệ một cách hài hòa với công việc sáng tạo của Thiên Chúa, vốn là “ngôi nhà chung”, một việc hoán cải cổ vũ việc tạo ra các cơ cấu hài hòa với sự chăm sóc Sáng thế; một hoán cải mục vụ dựa trên tính đồng nghị, vốn thừa nhận sự tương tác của toàn bộ Sáng thế. Một sự hoán cải dẫn chúng ta trở thành một Giáo hội lên đường đi vào lòng của mọi dân tộc Amazon.

19, Như thế, chỉ duy nhất sự hoán cải quay về với Tin Mừng sống động, tức Chúa Giêsu Kitô, mới có thể mở ra các chiều kích nối kết qua lại để thúc đẩy việc lên đường đi ra các vùng ngoại vi hiện sinh, xã hội và địa lý của Amazon. Những chiều kích này có tính mục vụ, văn hóa, sinh thái và đồng nghị, sẽ được khai triển trong bốn chương sau đây.
___________________________________________________________________________________
(1) Ở Châu Mỹ Latinh, chỉ người có chủng tộc hỗn hợp, nhất là có tổ tiên gốc Tây Ban Nha và bản địa.

Kỳ tới: Chương Hai