Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trước các tin tức đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến Giáo Hội, cách riêng là Giáo Hội tại Úc Đại Lợi, chúng tôi là Như Ý và Kim Thúy xin mạn phép tạm ngưng chương trình thường lệ để trình bày với quý vị và anh chị em những tin tức rất hệ trọng.

Trước hết, Như Ý xin được kể hầu quý vị và anh chị em câu chuyện của Lindy Chamberlain. Lindy Chamberlain là một người phụ nữ Úc, nhưng chị chào đời tại Tân Tây Lan vào năm 1948 trước khi di cư sang Úc vào năm 1969 khi kết hôn với một mục sư Tin Lành Úc.

Năm 1980, sau khi đã có hai con trai, đứa con thứ ba của chị là một bé gái. Khi cháu gái được 8 tuần tuổi hai vợ chồng cùng các con đến cắm trại tại ven rừng Uluru vào ngày 16 tháng Tám, 1980. Trong đêm 17 rạng ngày 18, cháu bé mất tích. Hai vợ chồng chị báo cảnh sát. Cuộc tìm kiếm với sự tham gia của một lực lượng cảnh sát đông đảo và các tình nguyện viên sau đó không tìm được cháu gái, nhưng phát hiện ra chiếc áo của đứa bé dính đầy máu cách lều của họ 4km.

Hai vợ chồng bị bắt giữ. Lindy cho rằng cô thoáng thấy bóng dáng của một con dingo, là một loại chó rừng chỉ có tại Úc. Tuy nhiên, họ bị tình nghi là giết con.

Cuộc điều tra sơ khởi do cảnh sát tại Alice Springs, Northern Territory thực hiện vào tháng 12, 1980 và tháng Giêng, 1981 cũng như kết luận của pháp y đều tin rằng lời khai của hai vợ chồng là đúng. Tuy nhiên, giữa áp lực của các phương tiện truyền thông, Tòa Án Tối Cao bác bỏ ý kiến của cảnh sát và pháp y, và truyền thực hiện một cuộc điều tra thứ hai do một nhóm điều tra khác thực hiện.

Dù không có những bằng cứ chính xác, nhóm này cho rằng, theo họ nghĩ, hai vợ chồng mục sư Chamberlain biết là các con dingo hoạt động trong vùng nên mới đưa con đến cắm trại tại đó, và cố tình tạo hiện trường giả. Kết hợp với yếu tố khác là trong xe hơi của họ có vết máu không rõ lai lịch, nhóm này cho rằng hai vợ chồng Chamberlain có thể đã giết con.

Ngày 29 tháng 10, 1982, tòa ra phán quyết hai vợ chồng có tội bất kể các chứng cứ được khai trước tòa rằng hai vợ chồng mục sư Chamberlain là những người rất gương mẫu, không hề to tiếng với con cái và từ lâu Lindy rất mong có được một bé gái. Hai vợ chồng kháng cáo nhưng thất bại, kháng cáo lần thứ hai của họ lên Tòa Án Tối Cao vào năm 1984 cũng thất bại.

Trong một tình cờ, ngày 2 tháng Hai, 1986 những chứng cứ mới xuất hiện khi cảnh sát tìm thấy chiếc áo khoác của cháu bé bị chôn vùi trong một hang chó dingo. Khai quật khu vực, các xét nghiệm pháp y cho thấy cháu thực sự bị chó hoang giết chết. Còn vết máu trong xe cũng được chứng minh chẳng phải là máu gì cả nhưng chỉ là một vết sơn do người thợ sửa xe vô ý để lại.

Ngày 7 tháng Hai, 1986, hai vợ chồng được trả tự do. Năm 1992, chính phủ Úc bồi thường cho họ 1.3 triệu Mỹ Kim.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Câu chuyện của Lindy Chamberlain cho thấy áp lực của các phương tiện truyền thông và của đám đông phi lý có thể ảnh hưởng đến quyết định của bồi thẩm đoàn như thế nào.

Ngày 19 tháng Tư, 2005, trong bài giảng thánh lễ khai mạc Cơ mật viện bầu Giáo Hoàng sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, Đức Hồng Y Josheph Ratzinger nói:

“Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng … Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này - trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc(x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình “bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.”

Cái chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối ấy không chấp nhận được những ai như Đức Hồng Y George Pell, “một người Công Giáo bảo thủ, là kẻ thù không thể tránh khỏi, cứ đứng sừng sững đó cản trở ‘sự tiến bộ’ trong Giáo hội. Trong khi có những người Công Giáo tách ra và thỏa hiệp, ngài đã bảo vệ một cách dứt khoát các giáo lý của Giáo hội và từ chối thỏa hiệp về hôn nhân đồng tính, an tử và phá thai.”

Nó phải triệt hạ ngài để đưa ra một lời cảnh cáo cho những ai muốn bảo vệ đức tin tinh tuyền của Giáo Hội rằng họ cũng sẽ phải tử đạo như ngài với những bản án hết sức nhục nhã.

Chúng ta hãy nghe nhận định sau của Miranda Devine đăng trên tờ The Daily Telegraph hôm 27 tháng Hai với nhan đề “How Pell became the Vatican’s sacrificial lamb?” – “Hồng Y Pell trở thành chiên hy sinh cho Vatican như thế nào?”

Nhận định về phán quyết của một tòa án tại Melbourne vào hôm 26 tháng Hai, Miranda Devine viết:

Phán quyết này làm tan nát lòng người vì tôi không tin rằng Đức Hồng Y Pell, là người mà tôi biết một chút và ngưỡng mộ rất nhiều, có thể phạm tội tấn công tình dục hai ca viên nam trong một nhà thờ đầy chật người sau một thánh lễ Chúa Nhật khi ngài còn là Tổng giám mục Melbourne vào năm 1996.

Ngài luôn bác bỏ những lời cáo buộc này như “những lời dối trá điên loạn”. Được nâng đỡ bởi niềm tin vào Chúa, ngài tin rằng sự thật cuối cùng sẽ được sáng tỏ.

Nhưng bây giờ, ngài là nhà lãnh đạo cao nhất của Vatican phải vào tù hôm thứ Tư, chờ tuyên án vào tuần tới và kháng cáo. Ngài đã chuẩn bị cho sự kiện đó với chủ nghĩa khắc kỷ đã đánh dấu toàn bộ cuộc đời ngài.

Phán quyết này cũng làm tan nát lòng người vì nó nói lên sự sai lầm của hệ thống công lý của chúng ta, cho dù sau trường hợp của Lindy Chamberlain, chúng ta đã biết sức mạnh phá hoại công lý của đám đông phi lý.

Tất nhiên, chúng ta nên tôn trọng bồi thẩm đoàn Melbourne, là những người đã xem qua tất cả các bằng chứng và đưa ra phán quyết. Nhưng thật khó khăn biết bao để tìm thấy 12 linh hồn vô tư sau hàng loạt các chiến dịch phỉ báng chống lại Đức Hồng Y Pell trong hai thập kỷ qua; và nguồn cấp dữ liệu từng giọt một, được sắp đặt cẩn thận của cảnh sát Victoria cho các phương tiện truyền thông chọn lọc, trong một cố gắng gây công phẫn trong dư luận, giữa bối cảnh của các tiết lộ gây chấn động về lạm dụng tình dục trẻ em do hàng giáo sĩ gây ra trên khắp thế giới.

Vào hôm thứ Ba, khi lệnh áp đặt cấm đưa tin về phán quyết này được dỡ bỏ để giờ đây mọi người đều biết, và nhiều người đang chồng chất trong niềm vui sướng hả hê điên loạn.

Họ ghét ngài vì ngài là một người Công Giáo bảo thủ, là kẻ thù không thể tránh khỏi, cứ đứng sừng sững đó cản trở “sự tiến bộ” trong Giáo hội. Trong khi có những người Công Giáo tách ra và thỏa hiệp, ngài đã bảo vệ một cách dứt khoát các giáo lý của Giáo hội và từ chối thỏa hiệp về hôn nhân đồng tính, an tử và phá thai. Và bây giờ những kẻ đó nghĩ rằng họ đã thắng.

Khi ngài xuất hiện từ một phòng xử án ở Melbourne sau một loạt cáo buộc khác được bãi bỏ và lệnh cấm đưa tin được dỡ bỏ, một đám đông cuồng loạn gào lên đòi lấy máu của ngài.

Bạn không thể không cảm thấy rằng Hồng Y Pell đang bị trừng phạt vì những tội lỗi trong Giáo hội của ngài; những điều đó là lỗi lầm, chắc chắn rồi, nhưng không phải là việc do ngài làm.

Bất cứ ai biết phòng thánh tại nhà thờ chính tòa St. Patrick lúc nào cũng đông đúc và mở toang ra sau các thánh lễ Chúa Nhật thì đều biết những lời buộc tội là không thể nào tin nổi. “Chỉ có một kẻ điên mới cố gắng hãm hiếp các bé trai trong nhà thờ trong phòng thánh ngay sau thánh lễ,” nhóm luật sư biện hộ cho Hồng Y Pell nói.

Phán quyết của tòa án chống lại Đức Hồng Y George Pell chỉ dựa vào lời khai vô bằng vô chứng của một người duy nhất bí danh là AA.

Không có nhân chứng và bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh rằng người được cho là nạn nhân thứ hai, là người đã chết từ lâu, đã từng nói với mẹ mình rằng anh ta từng bị lạm dụng tình dục trong khi là một ca viên.

Cảnh sát Victoria đã bắt đầu một cuộc điều tra về Hồng Y Pell, trước khi nhận được bất cứ khiếu nại nào. AA đến với họ sau khi xem một câu chuyện trên đài truyền hình ABC vào năm 2016 có chứa những cáo buộc hoang tưởng, đã bị chính tòa án bác bỏ, rằng Hồng Y Pell khi còn là linh mục đã tấn công tình dục các chàng trai giữa thanh thiên bạch nhật trong một bể bơi công cộng đầy chật người vào những năm 1970.

Theo AA, sau thánh lễ, anh ta và một ca viên khác trong dàn hợp xướng trốn khỏi đám rước và lao vào nhà thờ để uống rượu lễ, thì lúc đó Tổng Giám Mục Pell bước vào, cởi một phần áo lễ ra và buộc họ thực hiện khẩu dâm.

Nhóm luật sư biện hộ cho Hồng Y Pell đã nói với bồi thẩm đoàn rằng có quá nhiều điểm vô lý trong lời khai này.

Đầu tiên, Tổng Giám Mục Pell luôn ở phía trước nhà thờ để bắt tay chào anh chị em giáo dân sau thánh lễ, sau đó ngài trở lại phòng thánh cùng với các vị giúp lễ là những người giúp ngài cởi bỏ áo lễ. Ngài không bao giờ đi một mình.

Đức Ông Charles Portelli, vị phụ trách các nghi lễ Phụng Vụ của ngài, đã làm chứng rằng những cuộc tấn công không thể xảy ra bởi vì “Tôi đã ở bên ngài suốt thời gian ngài mặc áo lễ trong những ngày đó.”

Ngoài ra, còn có những bằng chứng cho thấy phòng thánh của nhà thờ lúc nào cũng nhộn nhịp sau thánh lễ với ít nhất hàng chục người ra vào, dọn dẹp và thay áo.

Các phẩm phục phụng vụ mà Tổng Giám Mục Pell mặc không thể bị tách ra hoặc vén sang một bên để quan hệ tình dục bằng miệng có thể xảy ra, như mô tả của AA.

Không ai thấy các cậu bé ca viên rời khỏi vị trí của họ ở phía trước đoàn rước kiệu hay trở về phòng để diễn tập ngay sau đó vì phải có thẻ security quẹt vào khóa điện tử mới vào được.

Tòa án được cho biết không có cậu bé nào đã từng nói về cuộc tấn công này với nhau hoặc với bất kỳ ai khác.

Tuy nhiên, một bồi thẩm đoàn đã kết án Hồng Y Pell. Phán quyết được đưa ra trước Giáng sinh, trong một phiên tái thẩm sau khi bồi thẩm đoàn trong một phiên tòa trước đó không thể đưa ra quyết định. Một số bồi thẩm trong phiên tòa đầu tiên đó đã bật khóc khi kết quả của phiên tòa thứ hai được công bố.

Tôi rất tiếc nếu lời biện hộ của tôi dành cho Hồng Y Pell làm các nạn nhân bị lạm dụng tình dục trẻ em tức giận. Những gì đã xảy ra với họ là quái đản, và không có hình phạt nào là đủ cho những kẻ ấu dâm độc ác xâm nhập vào Giáo Hội, giả dạng thành người của Chúa để săn lùng những người vô tội.

Nhưng biến một người đàn ông vô tội thành một người tử vì đạo không sửa sai được những sai lầm đó đâu. Nó chỉ chồng chất thêm cái ác.