Những âm vang của Bài Vị Văn Tổ: c. Chính Trị Văn Hóa

Tình huynh đệ phổ biến! Ðó là lý tưởng mà nhân loại đang cố đạt tới. Xét về không gian, các phương tiện giao thông đã thành công đặt con người lại bên cạnh nhau, nghe cả tiếng nói, xem cả dáng hình điệu bộ, dầu là cách nhau vạn dặm. Nhưng đứng về mặt tinh thần thì đó mới là lý tưởng phần lớn còn trong mộng. Chưa có một mối tình nhân hậu chân thực. Xét tới cùng cực thì căn do tại triết lý chưa tìm được móng nền cho mối tình kia, thành thử nó chỉ là đối tượng của thi ca, của văn nghệ, của mong ước, của khát vọng. Nhưng bấy nhiêu chưa bao giờ đi đến căn-để, ít ra cách hệ thống nên vẫn không có hiệu lực bền vững chân thành. Ðấy là tại chưa tìm ra Văn Tổ theo nghĩa uyên nguyên là tổ tông của muôn vật, huống chi là của muôn người, suối nguồn của nghị lực. Thành ra lời đẹp có dư mà nghị lực thì nghèo khổ. Lý do là tại người ta vẫn dừng lại ở đợt tâm lý bộ lạc. Mà vì mỗi bộ lạc thờ một tổ tông riêng, nên chỉ có mở rộng nước bằng tiêu diệt bộ lạc khác, rồi chiếm đoạt đất đai. Chưa có một nền móng lý thuyết cho sự thống nhất nhiều bộ lạc thành một quốc gia, nhiều quốc gia thành thiên hạ trong đó tứ hải giai huynh đệ, nên bộ lạc thắng chỉ có tiêu diệt bộ lạc thua, hoặc bắt làm nô lệ, mà không thể coi là anh em. Âu Châu tuy vài thế kỷ sau rất tiến bộ trong văn minh đã thành quốc gia từ thế kỷ 17, 18 nhưng về đàng văn hóa thì vẫn tiếp tục triết học tiền Văn Tổ, có tiến cũng chỉ vượt không xa mấy tâm lý bộ lạc (psychologie tribale), nên thể chế tuy đã tới quốc gia nhưng tâm lý còn quá vấn vương giai đoạn bộ lạc nên quốc gia dễ đốc ra chủ nghĩa quốc gia quá khích (nationalisme) tức là chủ nghĩa quốc gia bài ngoại, chính nó đã là căn do sâu xa gây nên hai cuộc thế chiến làm suy yếu Âu Châu. Còn đối ngoại với các dân tiểu nhược là óc kỳ thị chủng tộc được các triết thuyết cũng như các nền đạo đức cổ súy và võ trang.

Hình thức khoa học nhất là thuyết bất bình đẳng trong các chủng tộc do Gobino nghĩ ra được Nietzche đưa vào triết học và được Ðức Quốc Xã thi hành. Chính óc kỳ thị này đã là một trong các động cơ đẩy việc thực dân trở thành chủ nghĩa thực dân của Âu Châu trong mấy thế kỷ trước. Thực dân là một truyện mở mang bờ cõi, di dân lập nghiệp thì đâu cũng có. Nước ta là một sự kiện thực dân, nhưng không là một chủ nghĩa thực dân. Ðể thành chủ nghĩa phải có một sự kỳ thị chủng tộc y cứ trên huyết thống mà không trên trình độ văn hóa.

Xét về phương diện này người Pháp tốt, nếu không nhất thì cũng vào hạng nhất. Do đó có một số người Pháp hiểu được giá trị văn minh Việt Nam tương đối đông hơn số người Anh hiểu được văn minh các thuộc dân của họ. Có lẽ đó là một trong những lý do số dân bị Pháp tiêu diệt tương đối ít đối với thực dân Anh, Iphanho đã tiêu diệt cả một Mễ Tây Cơ, cả từng miền Phi Châu hay Úc Châu v.v... nghĩa là tái bản tâm lý bộ lạc: tiêu diệt thay vì kết làm huynh đệ. Nhưng nói chung ra thì phần đông thực dân Pháp vẫn còn mang nặng tâm lý bộ lạc nên khinh miệt người Ðông Dương. Từ những lời nói bỉ báng như rằng Thiên Chúa dựng nên người Việt Nam với chút đất dùng làm giống vật, còn dư vất đi không đành nên nặn ra người Annam (Mus 206). Qua những truyện một bà Việt Nam vào phố Catinat mua hàng được trả lời: "tao không đến đây để phụng sự những đứa nhà quê" (je ne suis pas vennu ici pour servir des nhà quê" (Mus 222). Việc này xảy ra lối 1946.

Tuy đó chỉ là những trường hợp quá đáng mà nhắc lại có thể là nhỏ nhen, nhưng không may sự khinh miệt nòi giống đó lại đâm rễ sâu vào đầu óc một số trí thức cũng khá đông. Vì vậy cần phải nhắc đến cái tâm trạng miệt thị người Việt đó là một tâm trạng chung của người Pháp đối với nước ta, cho là chỉ có một mối lo âu duy nhất là bát cơm. Chính sự hiểu lầm đó đã là lý do cho sự thảm bại của họ trong mười năm tái chiếm Ðông Dương từ 1945-1955. Ngay trước đó thế giới đã chuyển mạnh vào giai đoạn nhả thuộc địa mà người Pháp còn quyêt tâm tái chiếm thuộc địa bằng danh hiệu "liên hiệp Pháp" của họ: đối với người Pháp thì các nước trong liên hiệp được nhiều quyền tự trị hơn trước, nhưng Việt Nam mất nước vì bị chia ba nước, bộ trưởng mỗi miền phải chịu trách nhiệm thẳng với toàn quyền. Liên Hiệp Ðông Dương lúc ấy có lối chừng 25 triệu dân thì người Việt Nam đã chiếm hơn 20 triệu còn Miên, Lào hai xứ ngót 5 triệu, thế mà người Pháp chặt ra ba giét vào liên hiệp, bất chấp nguyện vọng độc lập và thống nhất của cả một dân tộc thì đó là kỳ thị rõ rệt. Khi ông P. Mus đưa đề nghị đến với chủ tịch Hồ Chí Minh thì ông này hỏi: Liên Hiệp là cái chi, vuông hay tròn vậy!" Lúc trở về ông Mus kể lại lời đó, một nhà trí thức Việt Nam bình luận: nó tròn, làm bằng da có khoen lỗ và đeo bảng đồng đề câu sau: Ai bắt được dắt lại phố Paris sẽ có thưởng.

Nhắc sơ qua như thế đã đủ để nhận ra sự khác biệt giữa kỳ thị huyết thống và kỳ thị văn hóa. Người Tàu kỳ thị Di Dịch hoàn toàn vì trình độ văn hóa chứ không vì huyết thống. Cũng như một số người Việt kỳ thị dân Thượng cũng thế. Cho là kém văn hóa thôi. Hai quan niệm khác nhau cả một trời một vực. Người Việt Nam thi đậu có thể sang làm quan bên Tàu không sao. Một số Thiên Tử gương mẫu của Tàu xuất thân từ Di Dịch: vua Thuấn thuộc Ðông Di, Văn Vương Tây Di.

Ðó là sự kiện minh chứng cho những câu sách như Xuân Thu Công Dương truyện "Di Dịch tiến lên được chức tước của triều đình và Trung Quốc cũng là Di Dịch nay mới thành Trung Quốc: "Di Dịch tiến Chi vi tước. Trung Quốc Diệt tân Di Dịch. Chiêu công thập tam niên" (Ðại cương 459). Tất cả những điều đó bắt nguồn từ tâm trạng đã sáng tạo ra được nền triết lý Văn Tổ là nền triết đã xóa bỏ óc kỳ thị chủng tộc từ gốc rễ để coi tứ hải giai huynh đệ. Tứ hải được tiêu biểu bằng 4 bài vị: nỉ, tổ, tằng, cao. Cũng như cả 4 đều phát xuất từ Văn Tổ cũng là Thái Tổ tức là Thiên Ðịa làm tổ khắp hết mọi người trong mối tình huynh đệ phổ biến mà không một ai bị gảy ra ngoài làm nô lệ kiểu văn minh La Hi hoặc vô loại (tlemcha) kiểu Ấn Ðộ nữa. Nền huynh đệ đó bên Âu Châu tuy có nhưng mới trong hình thức tôn giáo, mà chưa có trong triết lý, nên cũng chưa có thể chế xã hội để thực thi. Vì thế người Mácxít tự hào là đã phát khởi lên. Ông P. Mus (342) kể lại kỳ mới tới Sàigòn năm 1945 khi tướng Leclerc hỏi cảm tưởng của nhóm người Pháp theo Mácxít ở đây về những người cộng sản Annam thì nhận được câu trả lời này: "Ở đây không có cộng sản Pháp hay Việt, mà chỉ có một đảng cộng sản và hiện đây chúng tôi đang ở tại Ðông Dương". Ðiều đó có thực. "Nguyễn Ái Quốc xưa khi còn bên Pháp cũng có thể cầm đầu phái đoàn cộng sản Pháp. Cho nên khi đã tẩy hết thượng tầng tư bản, quân phiệt, thì chủ thuyết cộng sản có thể trả về cho người sở tại được quyền xử dụng đất đai của họ... Tác giả bình luận đó là một phương thức chắc sẽ gây âm vang mạnh mẽ trong những xứ đã được hun đúc trong quan niệm "bình thiên hạ" tức là kiểu Quốc Tế xưa của Trung Hoa. Nền thái bình đó không phát xuất do sự thống trị của một xứ này hay một đế quốc kia, nhưng do một quan niệm phổ biến về lối sống bao dung khắp hết, mà hễ ai theo thì đều có một địa vị, một tổ quốc trong cái thiên hạ chung đó: người Mông Cổ có quê hương Mông Cổ, người Việt có quê hương Việt. Ðối với hệ thống cộng sản chưa tồn trường lâu đủ để kiện chứng giá trị của lý thuyết, mà chính ngay lý thuyết cũng tỏ ra những nhược điểm trong nhiều chữ như Ðại Ðồng. Chữ Ðồng nói lên tính cách vật chất: ích dụng ròng, thiếu hẳn yếu tố tâm linh. Chí như chữ thiên hạ của Viễn Ðông thì bao hàm yếu tố tâm linh nên không có sự kỳ thị phân biệt nào. Nếu trong thực tế ý niệm của người Tàu xưa không đi xa quá nước Tàu thì đó là một sự kiện: chưa biết xa hơn, y như tiếng Orbi (thế giới) của Tây Âu lúc ấy chưa vượt quá Ðịa Trung Hải vậy, nhưng trong chủ trương thì không có mốc giới nào hết. Tình huynh đệ không đặt điều kiện nào làm hẹp hòi lại. Ngay đến việc triều cống cũng đã là sa đọa, chính ra là triều sính nghĩa là khi chư hầu triều sính thiên triều một, thì thiên triều cho lại chư hầu nhiều hơn (Trung Dung 20): "Triều sính dĩ thì, hậu vãng nhi bạc lai": "Triều sính đúng lúc, đưa đến ít cho lại nhiều".

Tóm lại đó là một nền triết lý có nội dung chân thực được kiện chứng nhiều lần trong lịch sử: nước Tàu có những Triều đại ngoại bang như Mông Cổ, Mãn Châu... nhiều học giả đời nay cho như thế là điểm yếu của chính trị Nho Giáo, vì chịu cho ngoại bang đè đầu cưỡi cổ. Nói thế là mới có đoạn "chịu đấm" mà chưa kể tới đoạn "ăn xôi". Vì nếu nhìn rộng ra cả về thời gian cả về mặt thống nhất nhân loại thì lợi rõ rệt: Về đàng chính trị mỗi lần bị một triều đại ngoại quốc cai trị là mỗi lần nước Tàu mở rộng thêm: sau triều đại Mông Cổ thì bao gồm thêm xứ Mông Cổ, sau triều đại Mãn Châu thì bao gồm thên Mãn Châu. Cho nên xét ra thì Mông Mãn thiệt mà chính Tàu mới là người được cuộc. Nhưng nếu xét rộng nữa về phương diện nhân loại thì không nên nói người Tàu được người Mông Mãn mất, có mất chi đâu, chẳng qua góp chung đất lại làm một liên hiệp quốc và sau một giai đoạn bất tề thì tiếp đến giai đoạn bình đẳng trước pháp luật như nhau, không còn phân biệt kỳ thị chi nữa. Bởi thế không nên bắt chước vua Sở nói người nước Sở mất cung thì người nước Sở lại được, mất đi đâu mà phải tìm. Nói thế là còn hẹp, phải nói người mất cung thì người lại được, không cần phân biệt người nước Sở với người nước khác. Có vậy mới đủ rộng. Trong viễn tượng đó thì không phải người Mông người Mãn mất và người Tàu được, nhưng đó chỉ là "Dụng Hạ biến Di" dùng văn hóa Hoa Hạ để cải hoá Di Ðịch (Ðại Cương 458 và 459). Tức là một con đường vươn tới thống nhất thế giới bao gồm cả mặt ngoài cũng như mặt trong vậy, hơn hẳn lối Ðại Ðồng của Mácxít cả về lý thuyết lẫn hậu quả lâu dài.

Ðó chính là hậu quả triết lý Văn Tổ cùng một nền với lối xếp đặt ngũ hành. Tuy trong thực tế ít ai để ý tới, nhưng vì nó đã được đúc kết lối khác gọn hơn, đó là hai chữ Trung Thứ. Chữ Trung thay Văn Tổ, chữ Thứ thay cho Cao, Tằng, Tổ, Nỉ là đầu của tứ hải: Ðông Tây Nam Bắc một nhà.

Muốn được như thế thì cần phải Trung, nghĩa là phải thành tín trung thực được với nội ngã của mình. Khi tính của mình đã trọn, thì cũng trọn được tính của tha nhân hết thảy, cho nên coi nhân loại như anh em một nhà, mới đem những tiếng xưng hô trong gia đình "cha, mẹ, anh em, ông bà, cô chú..." mở rộng ra xưng hô với mọi người coi nhau như cùng một khúc ruột "đồng bào".

Ðó là một trong những phương thức thực thi cái triết lý "Trung Thứ" mà Mạnh Tử sẽ nói: "tôi yêu cha tôi để rồi yêu cha của mọi người, tôi yêu con tôi để rồi mở rộng ra tới con của mọi người, nhờ lòng yêu không hạn định đó mà có thể cai trị thiên hạ dễ như trở bàn tay: "Lão ngô lão dĩ cập nhơn chi lão ấu ngô ấu dĩ cập nhơn chi ấu thiên hạ khả vận ư chưởng" (I.6). Tự tề gia qua trị quốc cho tới bình thiên hạ một mạch đi ra mà chân không bị vướng vào một loại kỳ thị chi hết, là nhờ đã vào tới Văn Tổ, tức là tổ phụ trọn vẹn của con người: vì trọn vẹn nên bao dung khắp hết.

Ðó là đại khái mấy chân lý ẩn tàng sau lối xếp đặt bài vị trong việc thờ cúng tổ tiên bên Viễn Ðông. Tuy lâu đời không còn nhận ra thâm ý, nhưng cái triết lý đã được truyền bá rộng đến độ trở thành một nhân tố của hồn nước. Chính cái hồn đó đã ràng buộc lấy đoàn người Lạc Việt từ ngày lập quốc, trải qua bao giai đoạn thịnh suy, vinh nhục, cho tới thời đại này thì hồn nước mới bị bắt đem đi, và từ đó người dân xem vào nước chẳng còn thấy hồn đâu nữa. Kẻ sĩ dần dần biến ra trí thức; hết người thêm dầu cho ngọn đuốc thiêng. Lữa không thêm củi thì ngàn dần, hồn còn được ai nuôi dưỡng nữa đâu mà chẳng thoi thóp và thở hắt ra như cô hồn cháo lú.

Tóm:

Ta hãy dùng dạng chữ Vương để tóm lại cả bài. Chữ Vương có ba nét chỉ Ðất Người Trời.

Tầng đất ta có thể chỉ phần tâm linh dã biết vượt qua lý trí (ý hệ) nên cũng vượt qua được những dao động gây ra do những cuộc tranh luận giữa có với không (Hữu Vô) để an định tâm hồn vào tác động tinh tuyền. Cùng ở nét này ta có thể ghi cả thể chế bình sản: mỗi người có quyền được một phần điền thổ để An Tâm sinh sống thoát khỏi nạn vô sản. Ta đặt câu "an thổ" ở tầng này với cả hai ý tâm linh cũng như kinh tế chỉ điền thổ như vừa tóm ở trên.

Nét hai ta sẽ đặt câu "đôn hồ nhân" Ðôn có nghĩa là đôn đốc, đôn hậu= làm cho thâm hậu tình người đạo người (nhân) còn chữ hồ có nghĩa là ở trong. Thêm vào để cho mạnh có ý nói phải đôn hậu không phải tình trời hay tình đất nhưng là tình người. Chính nhờ "đôn hồ nhân" nên văn hóa Viễn Ðông mới đạt tình huynh đệ phổ biến.

Nét ba chỉ "cố năng ái".

Cố có nghĩa là bởi đó, bởi đôn hồ nhân nên mới năng ái, tức mới đạt khả năng, mới có thể ái là yêu thương, hiểu là yêu thương chân thực biểu lộ ra bằng giải phóng con người khỏi nô lệ đưa lên tham dự vào tình huynh đệ phổ biến cũng như có phần điền thổ (bình sản) để hưởng cả sự tự do kinh tế... và thứ ba là hòa hợp với nhau trong một nền văn hóa thống nhất.

Ðó là điều kiện căn bản cho sự yêu thương chân thực: vì yêu là hòa hợp, nên thống nhất là thiết yếu. Thiếu thống nhất trong văn hóa là sẽ thiếu yêu thương và chữ ái chỉ còn là thuyết với lý suông.

- cố năng ái : thống nhất văn hóa

- đôn hồ nhân : tình huynh đệ phổ biến

- an thổ : tâm linh phần điền

Ðó là ba nét căn bản của nền văn hóa Việt Nho, nên cũng là những đặc trưng. Vì thế muốn hiểu sâu xa từng điểm cần phải bàn rộng về sau. Thí dụ an thổ khi hiểu là bình sản sẽ bàn dài trong Nhân Luân, còn hiểu là tâm tư khác với lối lý luận duy lý ý hệ thì sẽ bàn trong quyển Tâm Tư. "Ðôn hồ nhân" sẽ bàn trong quyển Nhân Bản và Loa Thành Ðồ Thuyết.

Còn cố năng ái thì nên suy nghĩ kỹ về ba điểm căn bản vừa bàn trên. Sau này đọc thêm trong quyển Lạc Thư Minh Triết. Chỉ khi đã đọc bấy nhiêu quyển mới thấy sự sâu xa của câu nói: câu trước đặt nền tảng cho câu sau, và mỗi khi đi trật ở bất cứ đợt nào đều không thể đạt hậu quả là năng ái. Trật ở an thổ sẽ biến ra suy lý ý hệ lung tung; trật ở đôn hồ nhân sẽ đâm ra duy thiên hoặc duy địa. Bài này giúp rất nhiều đi vào triết lý nhân sinh là nền triết lý không chịu lý luận suông nhưng bám sát lấy hậu quả cụ thể. Ðể thấy rõ hơn những nét trên là căn bản chúng ta sẽ dùng làm khung để suy luận cho hai chương III và IV sau.

Chú thích: Nhiều sách nói Văn Tổ là Tổ của nhà Châu tức Văn Vương. Ðiều ấy nếu có thì là một sự lầm lẫn ngay tự nhà Châu đã quên mất ý nghĩa bao la của Văn Tổ hoặc vì óc sùng phụng đồng tộc mà chiếm công vi tư, chứ thực ra thì Văn Tổ đã có ngay từ đời Nghiêu Thuấn. Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn ở miếu thờ đức Văn Tổ (xem kinh thư Thuấn điển câu 3). Văn Tổ cũng là Nghệ Tổ (câu 8), Văn Tổ cũng là Thái Thất (kinh thư bản dịch của legge vol III 131).