Chúa Nhật VI THƯỜNG NIÊN B
Lv 13,1-2.44-46; 1 Cr 10,31-11; Mc 1,40-45
Lạy Ngài, xin làm cho con được sạch

Tiếp tục chủ đề về đau khổ và lòng thương xót của Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay đề cập đến một trong những nổi đau khổ nhất của con người, đó là bệnh phong cùi.
1- Bệnh phong cùi, nổi ám ảnh lịch sử
Ngay hôm nay, nhờ y khoa phát triển, bệnh phong cùi không còn là một bệnh nan y, bất trị nữa, nên nó không còn là nổi ám ảnh đáng sợ nhất của nhân loại. Nhưng trong lịch sử, bệnh phong cùi là một bệnh gây nên nhiều đau khổ nhất của con người từ hàng ngàn năm.
Hai yếu tố bên ngoài đã góp phần làm gia tăng nỗi kinh sợ khi đối diện với bệnh phong cùi. Yếu tố thứ nhất đó là người ta quan niệm rằng bệnh phong cùi là thứ bệnh nan y, không thể chữa trị, nhưng lại rất dễ lây lan. Nó có thể lan truyền đến bất cứ ai đã tiếp xúc với người bệnh. Yếu tố thứ hai đó là bệnh phong cùi được coi một hình phạt do tội, một sự chúc dữ của Thiên Chúa. Vì thế, bệnh phong cù được coi dấu chỉ bất hạnh nhất; người phong cùi bị cô lập, bị loại trừ khỏi cộng đoàn và xã hội. Họ phải sống trong một hoàn cảnh bi đát, phi nhân bản nhất.
Một người đã đóng góp lớn nhất cho sự thay đổi thái độ và lề luật liên quan đến những người bệnh phong cùi là ông Raoul Follereau (1903-1977), một nhà văn và một nhà báo người Pháp. Vào năm 1954, ông đã thành lập ngày Quốc tế chống bệnh phong cùi. Ông đã tổ chức các hội nghị khoa học để truyền bá mọi người hiểu rằng bệnh phong cùi là một bệnh giống như những bệnh khác có thể chữa trị và phục hồi hoàn toàn. Cuối cùng vào năm 1975, ông đã thành công trong việc đưa ra các đạo luật về việc phân biệt những người phong cùi đã bình phục.
Liên quan đến hiện tượng phong cùi, các bài đọc của Chúa Nhật này trình bày thái độ của Luật Môsê và thái độ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng.
Bài đọc I trích từ sách Lêvi cho biết khi một người bị nghi ngờ về những triệu chứng của bệnh phong cùi, họ phải được mang đến cho một tư tế để minh xác về bệnh này và để tư tế tuyên bố “người đó là ô uế.” Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi người phong cùi tội nghiệp này bị loại trừ khỏi cộng đoàn nhân loại, họ phải tránh xa mọi người, họ phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: Ô uế! Ô uế!. Bao lâu còn bệnh, người ấy phải ở riêng ra, bên ngoài trại (Lv 13,1-2.44-46).
2- Thái độ của Chúa Giêsu đối với người phong cùi
Chúng ta hãy xem Chúa Giêsu đã đối xử như thế nào với người phong cùi trong bài Tin Mừng: Anh đến quỳ xuống van xin Người để xin Người chữa cho anh: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh hãy được sạch. Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch.”
Chúa Giêsu không sợ mình bị lây nhiễm; Chúa cho phép người phong cùi đến với Người và quỳ gối trước mặt Người. Hơn thế nữa, khi người phong cùi đến gần, Chúa “giơ tay đụng vào anh.” Chúng ta không được phép nghĩ rằng tất cả những điều này được thực hiện một cách ngẫu nhiên và Chúa Giêsu không phải trả giá gì cả.
Với tư cách một con người, Chúa Giêsu cũng chia sẻ với mọi người và xã hội trong thời đại của Người về những quan niệm đối với bệnh phong cùi và cả những vấn đề khác. Nhưng trong Người, lòng cảm thương đối với người phong thì mạnh hơn nỗi sợ hãi đối với bệnh phong.
Trong hoàn cảnh này, Chúa Giêsu tuyên bố một câu đơn giản nhưng rất quan trọng: “Tôi muốn anh được sạch.” Khi người phong cùi nài xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể.” Anh bày tỏ niềm tin mạnh liệt của mình vào quyền năng của Đức Giêsu Kitô. Với niềm tin đó, Chúa Giêsu minh chứng cho anh biết rằng Người có thể làm cho anh được lành bệnh. Khi trình thuật phép lạ này, thánh Máccô muốn giới thiệu Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Độ quyền năng; Người là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa giữa nhân loại. Người đã chữa anh khỏi bệnh phong cùi và đưa anh trở lại hội nhập với cộng đoàn xã hội. Sau khi được chữa lành, anh chu toàn những điều luật đòi hỏi và trở thành người loan truyền lòng thương xót Chúa cho mọi người.

3- Chúng ta chọn thái độ nào?
Khi chúng ta phân tích và so sánh hai thái độ của luật Môsê và thái độ của Chúa Giêsu đối với người bị bệnh phong cùi, chúng ta tự hỏi: Trong hai thái độ đó, thái độ nào gợi cảm hứng cho tôi nhiều hơn?
Ngày nay, bệnh phong cùi không còn là bệnh nan y nữa. Nếu phát hiện đúng lúc thì bệnh này sẽ được chữa lành hoàn toàn. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triệt tiêu chúng một cách hoàn toàn. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn có khoảng 10 triệu người bị phong cùi, mỗi ngày có khoảng 10 trường hợp mới bị bệnh.
Trong lịch sử Giáo Hội, có những vị thánh đã yêu mến và hoàn toàn dấn thân phục vụ người phong cùi như thánh Phanxicô Assisi đã thay đổi hoàn toàn đời sống khi gặp người phong cùi; cha Damiano Kolbe, người Bỉ, ngài đã tự nguyện đến ở đạo Molakai, đã hy sinh trót cả đời sống với họ, phục vụ họ và chết giữa họ.
Mẹ Têrêxa Calcutta cũng là một trong những mẫu gương sáng chói về việc phục vụ người theo theo tinh thần Tin Mừng, cách riêng là phục vụ những người phong cùi. Mẹ đã đi chăm sóc các vết thương cho người phong cùi với một tấm lòng yêu thương của Chúa Giêsu.
Ở Việt Nam, một nhân vật nổi tiếng của người phong cùi đó là Đức Cha Jean Cassaigne (Cátxe), thuộc Hội Truyền Giáo Paris, đã đến truyền giáo ở Việt Nam và làm cha sở ở miền cao nguyên Di Linh. Tại đây, ngài đã thành lập trại phong Di Linh để quy tụ trên 400 người phong cùi. Ngày tình nguyện ở lại phục vụ những người bệnh phong cùi suốt 30 năm trời. Cuối đời, ngài cũng bị chứng phong cùi và chết giữa những người phong cùi vào năm 1973. Trong di chúc, ngài nói: “Tôi ao ước được yên nghỉ giữa những người anh em đau khổ. Tôi sung suống được hiến thân cho quê hương Việt Nam trọn đời tôi.”
Những mẫu gương trên đây là hiện thân của Chúa Giêsu đối với những ai đau khổ, nhất là đối với những người bị phong cùi. Thái độ và chứng tá sống động đó mời gọi chúng ta cũng hay biết thương xót, chia sẻ và phục vụ với những người bị bệnh tật, nhất là những người bị phong cùi…
Điều Raoul Follereau đã đề nghị với mọi người trên thế giới là cố gắng giảm bớt sự cô lập và loại trừ khỏi xã hội đối với bệnh phong cùi truyền thống. Đề nghị đó cũng có thể áp dụng cho những bệnh nan y hôm nay là chúng ta hãy cố gắng giảm bớt sự cô lập và loại trừ đối với các bệnh nhân nan y như bệnh sida, đồng thời mang đến cho họ sự quan tâm nâng đỡ về tinh thần cũng như vật chất để họ tìm được sự an ủi trong cuộc sống.
Nhưng sứ điệp lớn lao mà Lời Chúa hôm nay muốn gửi tới chúng ta khi nghỉ đến người phong cùi, chúng ta phải nghỉ đến chứng bệnh phong cùi thiêng liêng trong chúng ta. Đó là khi chúng ta bị những khuynh hướng xấu, môi trường xấu, những con người xấu và ma quỷ làm chúng ta trở nên ô uế vì đã phạm tội. Chúng ta cần được Đức Kitô cứu chữa cho lành. Chúng ta cần được người chạm đến qua các bí tích, đó là bí tích Rửa Tội, Giải Tội và Thánh Thể. Nơi đó, Chúa vẫn tiếp tục giang cánh tay yêu thương và quyền năng của Người để chữa lành cho chúng ta. Chúng ta hãy noi gương người phong cùi hôm nay, chạy đến với Chúa, quỳ gối xuống xin Người rằng: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin làm cho con được nên sạch.” Và cũng như người phong cùi, sau khi đón nhận được ơn chữa lành, chúng ta cũng hãy loan truyền lòng thương xót của Chúa cho những người xung quanh. Amen!