Còn siêu cường đang lên khác của thế giới, tức Trung Quốc, thì sao?

Các dữ kiện chắc chắn về thống thuộc tôn giáo là điều có tiếng khó kiếm tại Trung Hoa vô thần, nhưng các ước lượng được nhiều người trích dẫn hơn cả về dân số Công Giáo của Trung Hoa ngày nay thường được Trung Tâm Nghiên Cứu Chúa Thánh Thần ở Hồng Kông cung cấp. Trung tâm này đặt tổng số dân số Công Giáo Trung Hoa ở mức khoảng 12 triệu người. Số này được chia thành khoảng 5 triệu người Công Giáo thờ phượng tại các nhà thờ được “Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc” do chính phủ kiểm soát nhìn nhận, và khoảng 7 triệu người Công Giáo thuộc “giáo hội hầm trú” nghĩa là những người thờ phượng tại các địa điểm không được chinh phủ chính thức nhìn nhận. Nếu con số 12 triệu người này đáng tin, thì Đạo Công Giáo ở Trung Hoa quả giữ được nhịp gia tăng của đà gia tăng dân số toàn quốc. Năm 1949, năm có cuộc kiểm tra dân số tiền Cộng Sản lần cuối cùng, có 3.5 triệu người Công Giáo ở Trung Hoa. Dân số nói chung tăng gấp 4 lần giữa các năm 1949 và 2005, y hệt cộng đồng Công Giáo.

Ở Trung Hoa nói chung, tôn giáo và linh đạo khá phát triển. Thực thế, nhiều nhà quan sát tin rằng Trung Hoa là thị trường linh đạo vĩ đại cuối cùng trên mặt đất. Bản sắc quốc gia Trung Hoa chưa bao giờ bị cột cứng vào Khổng Giáo như cách nước Nhật đồng hóa với Thần Đạo hay Ấn Độ với Ấn Giáo, và dù sao, Khổng Giáo cũng chỉ là một hệ thống đạo đức hơn là một con đường linh đạo. Bẩy thập niên nhồi sọ lý thuyết Mác Lênin đã thất bại, không thỏa mãn được cơn đói khát linh đạo của xứ sở, và ngày nay, người ta vẫn đang đi tìm một phương thức thay thế. Một cuốn sách nổi tiếng tựa là Các Ghi Chú Khi Đọc Luận Ngữ (Notes on Reading The Analects), một loại sách “Cháo Gà Cho Linh Hồn (Chicken Sopup for the Soul) của Khổng Giáo, bán được giữa khoảng 3 và 4 triệu bản riêng trong năm 2007, làm cho nó trở thành sách bán chạy nhất ở Trung Hoa kể từ cuốn “Sách Đỏ Nhỏ” (Little Red Book) của Mao Trạch Đông. Hồi Giáo đang lớn mạnh ở tây bắc Trung Hoa, trong khi Phái Ngũ Tuần đang gặt hái rất lớn ở khắp nơi. Sở Dữ Kiện Kitô Giáo Thế Giới (World Christian Database) nói rằng tính đến năm 2005, có 111 triệu Kitô hữu ở Trung Hoa, trong đó, khoảng 90 phần trăm là Thệ Phản, phần lớn thuộc Phái Ngũ Tuần. Điều này có nghĩa: Trung Hoa trở thành quốc gia theo Kitô Giáo lớn thứ ba trên mặt đất, chỉ sau Hoa Kỳ và Ba Tây. Trung Tâm Nghiên Cứu Chúa Thánh Thần dự phóng tới năm 2050, sẽ có 218 triệu Kitô hữu ở Trung Hoa, chiếm 16 phần trăm tổng dân số, đủ để biến Trung Hoa thành quốc gia Kitô giáo lớn thứ hai. Theo Trung Tâm này, có khoảng 10,000 cuộc trở lại mỗi ngày.

Việc thay đổi tôn giáo ở Trung Hoa có tầm quan trọng địa chính trị nào không?

Sự việc kết thúc ra sao có thể có tầm chiến lược hết sức quan trọng, ngay cả đối với những ai không cảm thấy bất cứ hậu quả thiêng liêng nào. Hãy xem xét ba đường đi có thể có đối với Trung Hoa, mỗi đường đi, trong căn bản, đều có lý, dựa vào các thực tại hiện có.

Brussels tại Bắc Kinh: chủ nghĩa duy vật thực tế có thể trở thành triết lý sống căn bản của Tân Trung Hoa; trong trường hợp này, siêu cường mới nhất của thế giới có thể tăng cường các xu hướng duy tục hóa phát xuất từ Tây Phương, nhất là từ Liên Hiệp Âu Châu, làm cho đời sống từ từ khó khăn cho các cộng đồng đức tin, trong việc họ cố gắng đóng một vai trò trong sinh hoạt công cộng của thế kỷ 21.

Nigeria với vũ khí nguyên tử: các phong trào Hồi Giáo đầy năng động tính có thể tạo ra một biệt khu Duy Hồi Giáo ở giữa nửa phần phía tây của xứ sở, có thể có liên hệ về tài chánh và ý thức hệ với các hình thức cực đoan Hồi Giáo Wahhabi của Saudi Arabia. Một khai triển như thế có thể có nghĩa: một siêu cường giầu có và được vũ trang tốt đang trở thành bất ổn bởi tranh chấp nội bộ, tạo nguy cơ cho hoà bình và an ninh hoàn cầu…

Một siêu cường Đại Hàn: nếu Kitô Giáo kết cục đạt được 20 phần trăm dân số, thì Trung Hoa có thể trở thành một dịch bản Nam Hàn cực kỳ lớn lao hơn, trong đó, Kitô hữu chiếm khoảng từ 25 tới 50 phần trăm dân số, tùy thuộc cách đếm. Phần lớn các nhà phân tích tin rằng vết chân Kitô giáo rộng lớn ở Nam Hàn ít nhất cũng là lý do phần lớn cho việc tại sao nó là một xã hội dân chủ hơn, thượng tôn pháp luật hơn, và thân Tây Phương hơn người anh em họ phương bắc.

Đạo Công Giáo ở Trung Hoa có điều gì độc đáo?

Xét về lịch sử, Đạo Công Giáo ở Trung Hoa gần như hoàn toàn là một hiện tượng có tính làng quê. Các nhà chuyên môn ngày nay nói rằng dù bị việc đô thị hóa lôi cuốn, 70-75 phần trăm người Công Giáo vẫn tiếp tục tập trung ở các làng mạc phần lớn gồm người đồng đạo của họ, nhất là ở các tỉnh Heibei và Shanxi, tại các khu vực đông bắc quanh Bắc Kinh. Ngay các khu Công Giáo ở thành phố cũng thường bao gồm các dân làng di cư tới, và kinh nghiệm cho hay đôi khi họ thấy khó giữ đức tin trong môi trường mới lạ này.

Sự ngoan cường của những dân làng Công Giáo này đã trở thành dã sử. Tờ Người Công Giáo Trung Hoa kể lại câu truyện một làng kia thuộc tỉnh Shanxi, nơi, năm 1985, một đội kế hoạch hóa gia đình tới để phân phối phương tiện ngừa thai theo chính sách “một con” của nhà nước. Dân làng bao vây chiếc xe của họ, và khi đội này lui về nơi trú đêm, dân làng liệng đá qua cửa sổ. Cuối cùng đội này phải yêu cầu cảnh sát đến giải cứu. Thế nhưng, đặc tính thôn quê của Giáo Hội cũng có nghĩa khó phát triển truyền giáo vì việc duy trì các cộng đoàn Công Giáo được coi là ưu tiên hơn việc tạo các thành viên mới. Người Công Giáo ít có đại diện tại các khu vực đô thị, là những nơi đang tạo ra nhiều “thị trường lớn mạnh” hết sức sinh động cho các phong trào tân linh đạo.

Các nhà chuyên môn cho rằng tính ốc đảo của một số cộng đoàn ở nông thôn cũng có nghĩa nhiều cuộc cải tổ do Công Đồng Vatican II(1962-1965) phát động không bao giờ tới được các nơi này. Ngay ở thành phố đô hội là Thượng Hải, thánh lễ bằng tiếng Trung Hoa đầu tiên cũng mãi tới năm 1989 mới được cử hành. Oái oăm thay, đây lại là điểm duy nhất được cả người Cộng Sản lẫn những người Công Giáo duy truyền thống Trung Hoa đồng thuận. Cả hai đều thích Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh hơn: người Cộng Sản thì cho rằng phần lớn dân chúng chẳng hiểu gì thứ thánh lễ này, và do đó, việc thờ phượng của Công Giáo ít có sức lôi cuốn người giáo dân bình thường.

Có một số nhân vật Công Giáo Trung Hoa tiên đóan sẽ có một giai đoạn nở rộ. Đức Cha Jin Luxian ở Thượng Hải, chẳng hạn, vốn là một nhân vật gây tranh cãi vì ngài sẵn lòng đăng ký với chính phủ, nhưng sau đó, ngài đã âm thầm làm hòa với Đức Giáo Hoàng và hiện nay, ngài được sự tôn trọng của nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo cao cấp quốc tế. Là chủ đề một số báo tích cực năm 2007 của tờ Atlantic, Đức Cha Luxian gần đây đã cải tiến ngôi nhà thờ chính tòa của ngài, dựa vào khiếu thẩm mỹ cổ truyền Trung Hoa, một phần trong chương trình lớn hơn nhằm phát biểu đức tin Công Giáo bằng các biểu thức Trung Hoa chân chính. Ngài bảo: “nhà thờ cũ lôi cuốn 3 triệu người Công Giáo. Tôi muốn lôi cuốn 100 triệu người Công Giáo”.

Đâu là các thách đố chính của Đạo Công Giáo ở Trung Hoa?

Hiển nhiên, ưu tiên mục vụ cao nhất cho Đạo Công Giáo ở Trung Hoa ngày nay là vượt qua cảnh chia rẽ giữa Giáo Hội được chính phủ chấp nhận và Giáo Hội hầm trú. Một số người Công Giáo chấp nhận việc giám sát của nhà nước, cho dù đa số những người này làm thế không hẳn vì hào hứng trước dự án của người Cộng Sản muốn có một giáo hội “tự quản, tự tài trợ, tự truyền bá”, mà chỉ vì đây là một chiến lược tốt nhất để sống còn. Nhiều người Công Giáo khác đơn giản bác bỏ giải pháp này vì lòng trung thành không thể lay chuyển đối với vị giáo hoàng thân yêu của họ; họ thường coi các người Công Giáo của “giáo hội mở cửa” này là những người thỏa hiệp. Trong các hình thức cực đoan nhất, sự chia rẽ này đôi khi trở thành bạo động. Năm 1992, một linh mục “cởi mở” ở Henan bị hạ sát bởi một chủng sinh bất mãn vì cho rằng mình không được thụ phong chỉ vì có liên hệ với giáo hội không chính thức. Linh mục này chết trong Thánh Lễ khi uống chiếc chén đầy thuốc độc. Những năm gần đây, đã có nhiều cố gắng hàn gắn các chia rẽ này. Người ta ước lượng rằng 90 phần trăm các giám mục được tấn phong không có phép của Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu và nhận được sự chấp nhận của Vatican.

Thế nhưng, sự đe doạ bị chính phủ bách hại và xách nhiễu vẫn còn đó ở đầu hế kỷ 21. Xin đơn cử một trường hợp: đầu tháng Bẩy năm 2012, Cha Joseph Zhao Hong-chun, giám quản giáo phận Harbin, bị cảnh sát câu lưu để tránh việc ngài có thể vận động sự chống đối chống lại việc tấn phong tân giám mục Harbin, một cuộc tấn phong bất hợp pháp, do nhà nước dàn dựng. Ngài bị giữ 3 ngày và chỉ được thả sau khi việc tấn phong này diễn ra. Cũng gần thời gian này, Giám Mục phụ tá của Thượng Hải, Thaddeus Ma Daqin, bị giam tại nhà trong một chủng viện sau khi ngài công khai tuyên bố bỏ Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa do chính phủ kiểm soát ngay trong thánh lễ tấn phong ngài ngày 7 tháng Bẩy có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng.

Một phần vì các tranh chấp kinh niên giữa giáo hội và nhà nước này, Đạo Công Giáo ở Trung Hoa cũng gặp nhiều chuyện đau đầu về hạ tầng cơ sở của Giáo Hội. Theo một cuộc phân tích năm 2005 của Nữ Tu Betty Ann Maheu của Dòng Maryknoll, có 6,000 nhà thờ Công Giáo tại Trung Hoa nhưng chỉ có 3,000 linh mục; điều này có nghĩa phân nửa nhà thờ Công Giáo trong nước không có linh mục trú sở. Nữ tu Maheu cho rằng đầu thập niên 1980, có sự nở rộ ơn kêu gọi, nhưng ngày nay, con số ơn gọi đang xuống dốc vì các cơ hội kinh tế phát triển hiện đang làm cho việc tuyển dụng và giữ người trở nên khó khăn hơn.

Trung Hoa hiện có 110 giáo phận Công Giáo và 114 giám mục hoạt động; nghĩa là trên lý thuyết, phần lớn các giáo phận đều có giám mục. Tuy nhiên, có tới hàng tá giám mục đang bị cầm tù, giam giữ tại nhà hay bị quản chế nghiêm ngặt. Đối với các vị không bị các giới hạn này, nhưng vì đã đăng ký với chính phủ, nên người ta nhất quyết hoài nghi tính hợp pháp của các vị. Vì các căng thẳng kinh niên giữa Trung Hoa và Vatican, các giáo phận đôi khi trống ngôi một thời gian dài. Một số các giám mục trẻ tuổi nhất trên thế giới ngày nay là ở Trung Hoa, nhiều vị được tấn phong lúc mới ở đầu tuổi 30, một phần vì sợ không có cơ hội đề cử một vị khác khi cần.

Còn tiếp