Những bài học cần phải rút kinh nghiệm từ Động Đất và Sóng Thần

Roma, ngày 25/1/05 (Zenit). Thiên tai thảm khốc xẩy ra vào ngày 26/12/2004 ghi nhận ba bài học chính sau đây: Sự mỏng dòn yếu đuối của con người, đòi hỏi phải liên đới và sự cần thiết phải hoán cải. Đó là tóm tắt ý chính của một đề tài đã được đăng tải trong tờ báo Ý “La Civiltà Cattolica“.

“Thiên Chúa ở đâu lúc đó?“: đó là vấn nạn thường được nêu lên ở khắp mọi nơi trên thế giới sau thiên tai sóng thần tàn phá với những hậu quả khủng khiếp khiến cho hàng trăm ngàn nạn nhân bị thảm sát. Vấn nạn trên còn đưa đến nhiều cuộc tranh luận gắt gao. Chính vì thế mà tờ báo “La Civiltà Cattolica“ do dòng Tên chủ trương đã ghi lại những suy tư này trong một đề tài phát hành vào ngày 25/1/ 2005 vừa qua.

“Điều tiên quyết phải xác định rằng: thực là một sai lầm khi cho rằng thiên tai khủng khiếp này là một hình phạt của Thiên Chúa đối với tội lỗi của nhân loại“.

“Hiển nhiên, suy tưởng này sẽ đặt lại tất cả mặc khải về chính Thiên Chúa đã được Đức Giêsu Kitô mặc khải trong Tin Mừng Cứu Độ. Thiên Chúa là một người Cha luôn săn sóc con cái của mình và tha thứ tội lỗi cho họ. Đặc biệt, Thiên Chúa chăm sóc những người khó nghèo và những người bé mọn. Ngài chẳng hề bao giờ bỏ rơi bất cứ ai gặp hoạn nạn“.

“Sự Quan Phòng của Ngài đã biểu lộ thực sự rõ ràng ngay trong chính những hoàn cảnh đau thương và thảm khốc nhất, chẳng hạn như trong thiên tai khủng khiếp vừa qua, Thiên Chúa cũng ra tay can thiệp để biến đổi ngay cả sự dữ gây ra do ác tâm và thiếu cẩn trọng khôn ngoan của con người trở thành tốt hảo cho nhân loại“.

“Ngài can thiệp cách nào, đối với chúng ta vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng chính vì Thiên Chúa là Đấng thiện hảo, nên chúng ta phải chân nhận rằng Thiên Chúa không thể để biến cố đau thương và thảm khốc này xẩy ra, nếu mà Ngài không thể can thiệp hoặc không muốn biến cải sự dữ thành sự lành đem lại lợi ích cho con người“.

"Chính vì Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực, khiến chúng ta phải tin rằng sự Quan Phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa đối với những người bị khổ nhục, những người cùng khốn và những trẻ em vô tội càng phải lớn lao hơn. Chắc chắn Thiên Chúa rất gần gũi và đã đón nhận từng em bé trong các trẻ em bị nạn trong thiên tai vừa qua vào Nước của Ngài“.

Sau đó, tác giả đã kết luận bài viết bằng những bài học mà con người có thể rút tỉa được từ thảm nạn vừa trải qua. Trước tiên, thảm nạn phải nhắc nhớ chúng ta đến sự mỏng dòn yếu đuối của cuộc sống con người trên trái đất“. Nhờ ý thức này con người có thể cưỡng lại được cám dỗ tự cho mình là toàn năng - đó vẫn là một suy diễn “mà một số người vẫn xác tín cho rằng con người với những khả năng thần sầu của mình qua những phát minh về khoa học đã thực hiện được, con người có thể bá chủ được những quyền lực của sự dữ và mọi tai biến đang đe dọa những tiện nghi, sức khỏe và đời sống của họ“-

Bài học thứ hai mà tờ báo lâu đời nhất của Ý nhấn mạnh có thể rút ra từ trận thiên tai là “Lời mời gọi phải liên đới với nhau“, chính vì “vấn đề thiết yếu vẫn là việc kiến thiết lại những miền đã bị sóng thần tàn phá“-

Tờ báo cũng than phiền rằng “Khoa học và Kỹ Thuật“ đã không nhất thiết nhắm đến mục tiêu liên đới này: “Chỉ cần nghĩ đến những món tiền khổng lồ nhẽ ra phải dành để mua những lương thực và nuôi nấng hàng triệu người đang bị đe dọa chết đói, cũng như để cứu chữa cho biết bao nhiêu bệnh tật như bệnh liệt kháng, đang đe dọa hủy diệt cả lục địa châu Phi. Trước những sự kiện hiển nhiên như vậy mà người ta vẫn sử dụng tiền bạc để phát triển và chế tạo các vũ khí khủng khiếp và giết người, mặc dù kho vũ khí nguyên tử khổng lồ hiện nay đã có khả năng tàn phá địa cầu này nhiều lần“.

Chính vì vậy mà cần phải rút lấy bài học thứ ba từ thiên tai: đó là lời mời gọi phải “hoán cải“. Tác giả đã trích dẫn Lời của Chúa Giêsu nhân khi Ngài đề cập đến biến cố tháp Si-lô bị sập trong Tin Mừng“.