Chương mười: Khủng hoảng và tai tiếng

Nếu một chuyên viên thượng thặng về quản trị mà tiến hành một cuộc nghiên cứu tiếp thị về Giáo Hội Công Giáo, chỉ dựa vào các bài báo, các sách vở bình dân và các cuốn phim của Holywood mà thôi nhằm có được một cảm thức nào đó đối với sản phẩm cốt lõi của Giáo Hội, thì kết luận của họ rất có thể là: Đạo Công Giáo không hoạt động để cứu linh hồn người ta mà chỉ để tạo ra tai tiếng. Từ các giáo hoàng thuộc gia đình Borgia tới Ngân Hàng Vatican, từ các tiêu chuẩn luân lý tồi tệ của hàng giáo sĩ vào lúc xẩy ra cuộc Cải Cách của Thệ Phản tới các tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em thời nay, chưa bao giờ có giai đoạn nào trong lịch sử Giáo Hội mà lại không có những lúc lỡ nhịp nổi tiếng. Một số các vụ này trầm trọng đến chết người, các vụ khác thì bị cường điệu hóa hay bị trích dẫn ra ngoài bối cảnh, nhưng tất cả đều đã trở thành một phần của gánh nặng hành lý mà Giáo Hội cứ thế phải mang trong các thế kỷ qua.

Nhìn quanh, điều xem ra rõ ràng là khuynh hướng của Giáo Hội trong việc lôi cuốn cả tai tiếng lẫn khủng hoảng ít khi giảm đi cùng với dòng thời gian. Việc công chúng soi mói các định chế nhiều hơn, cộng với chu kỳ tin tức nhanh hơn, làm cho các tai tiếng lan nhanh như vi khuẩn chỉ trong vòng nháy mắt, thật ít cơ hội cho các giới chức giập tắt ngọn lửa trước khi nó lan đi. Thành thử, ở đầu thế kỷ 21, các cuộc khủng hoảng và tai tiếng là đặc điểm thường hằng trong sinh hoạt Công Giáo giống như các bí tích và năm phụng vụ. Chương này tập trung vào ba cuộc khủng hoảng lớn mà hiện Giáo Hội Công Giáo đang gặp phải (xin xem chương trước về các tai tiếng tài chánh):

• Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em;
• Các căng thẳng sâu xa về phụ nữ;
• Sự chia rẽ xấu xa và phổ biến trong Giáo Hội, thường được mô tả như là hình thức độc hại của “chủ nghĩa bộ lạc”.

Tai tiếng và khủng hoảng có chi khác nhau?

Người ta quen dùng các hạn từ “tai tiếng” và “khủng hoảng” thay thế lẫn cho nhau, nhưng thực ra, chúng khác nhau. Theo thông tục, “tai tiếng” là hoàn cảnh trong đó một định chế hay một cá nhân nổi bật nào đó, bị khám phá làm một điều gì đó cách bất hợp pháp, giả hình, vô luân hay hoàn toàn ngu đần. Giáo huấn Công Giáo truyền thống có một cái hiểu hơi khác một chút, khi định nghĩa “tai tiếng” (scandal) là tác phong có thể lôi kéo người khác phạm tội, cho dù tự nó, nó không nhất thiết là điều sai. Tùy theo hoàn cảnh, một linh mục nhậu vài ly tại một nơi công cộng khi ăn uống với bạn bè có thể bị coi là “gây tai tiếng” vì có nguy cơ khuyến khích việc say sưa dù ngài rất tỉnh táo. Dù có sắc thái khác nhau như thế, nhưng cả hai nghĩa đều nói lên ý tưởng về một tác phong không hay hoặc gây bối rối.

Mặt khác, “khủng hoảng” được tạo ra khi một lực lượng mới nổi lên hoặc ở bên trong hoặc ở bên ngoài Giáo Hội, đôi khi không do lỗi của chính nó, nhưng đem lại một đe dọa hay thách thức mới có tính quan trọng. Thí dụ, việc Đức chiếm đóng Rôma năm 1943 tạo nên cuộc khủng hoảng cho Tòa Thánh vì có lời đồn cho rằng binh lính Quốc Xã sẽ tấn công nơi này và bắt giam Đức Giáo Hoàng. Đức Piô XII đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch để tiếp tục cai quản nếu việc đó diễn ra. Một thí dụ khác, việc ra đời của các tân kỹ thuật sinh học trong mấy thập niên gần đây, đặc biệt đem lại viễn ảnh sinh ra con người cách vô tính, đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trí thức khi Giáo Hội cố gắng đem giáo huấn luân lý truyền thống của mình gây ảnh hưởng lên cảnh vực khoa học đang thay đổi nhanh chóng. Trong cả hai trường hợp, bạn không thể đổi lỗi cho Giáo Hội Công Giáo đã tạo ra các hoàn cảnh ấy.

Nhưng cứ sự thường, một tai tiếng rất có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng. Cuộc cải cách của Thệ Phản ở thế kỷ 16 chắc chắn đã tạo ra cả một thử thách to lớn cho Đạo Công Giáo. Giáo Hội mất một nửa Âu Châu, nhưng cuộc thách thức của Luther cũng sản sinh ra nhiều năng lực mới mẻ và mạnh mẽ nơi Phong Trào Phản Cải Cách. Một phần, vì điều bị Luther và những người theo ông phản đối là một số tai tiếng lớn ở cuối thời trung cổ, trong đó, có cảnh vô luân của hàng giáo sĩ (say sưa, cờ bạc, ăn mặc lòe loẹt, và nàng hầu), nạn buôn bán chức vụ (ban phát chức vụ trong Giáo Hội để lấy tiền) và việc bán ân xá (chứng thực được giảm thời gian trong luyện ngục ở đời sau, hoặc cho mình hoặc cho bạn bè và người thân). Đến thời Luther, thị trường ân xá đã trở thành trơ tráo đến độ đã thực sự tạo ra cả một bài thơ quảng cáo đầu tiên trong lịch sử. Một vị giảng thuyết Dòng Đa Minh người Đức, tên là Johann Tetzel, đi hết thị trấn này đến thị trấn kia để chào bán ân xá bằng cách hò rằng “khi đồng tiền kho bạc leng keng, linh hồn Luyện Ngục tùng xeng nhẩy mừng!” Không có những tai tiếng như thế, cuộc khủng hoảng do Phong Trào Cải Cách Thệ Phản đặt ra chắc chắn sẽ không lớn lao đến vậy.

Đâu là một số tai tiếng gần đây trong Giáo Hội Công Giáo?

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và đội ngũ của ngài ở Vatican đã phải đối phó một cách bất công, quá phần đóng góp của các ngài vào cuộc khủng hoảng. Thực vậy, năm 2011, các nhà báo nổi tiếng của Ý là Andrea Tornielli và Paolo Rodari xuất bản một cuốn sách dầy 300 trang, cung cấp tài liệu cho một số tình tiết có tiếng hồi đó về triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô. Đó là:

Cuộc khủng hoảng lớn lao về việc lạm dụng tình dục, nổ ra tại Hoa Kỳ năm 2002 rồi diễn ra ở khắp Âu Châu năm 2010. Đợt khủng hoảng thứ hai này khiến người ta xem xét lại thành tích bản thân của chính Đức Bênêđíctô về vấn đề này lúc ngài còn là Tổng Giám Mục của Munich hồi thập niên 1970, trong đó, một linh mục ấu dâm thoát qua kẻ hở rồi tiếp tục lạm dụng các trẻ em khác.

Bài diễn văn hồi tháng Chín năm 2006 của Đức Bênêđíctô XVI tại Regensburg, Đức, tức bài diễn văn đã làm nổ ra cuộc phản đối của người Hồi Giáo vì đã liên kết Muhammad với bạo lực. Kết quả của cơn giận này là việc đặt bom lửa trong các nhà thờ Kitô Giáo tại West Bank và Gaza Strip và việc bắn chết một nữ tu người Ý ở Mogadishu, Somalia.

Việc bổ nhiệm, và sau đó, nhanh chóng bị thất sủng, vị tân Tổng Giám Mục của Warsaw, người bị khám phá là có mối liên hệ mờ ám với mật vụ thời Xô Viết. Vị tân Tổng Giám Mục này được cử nhiệm ngày 6 tháng Mười Hai năm 2006, và phải từ bỏ chức vụ ngày 5 tháng Giêng năm 2007, sau khi bị tố cáo làm điểm chỉ viên cho chế độ Xô Viết.

Việc cử nhiệm hồi tháng Giêng năm 2009 vị tân giám mục cho giáo phận Linz, Áo; vị này chưa kịp được tấn phong đã phải từ chức giữa lúc có cuộc tranh cãi quốc tế liên quan tới việc ngài tin rằng cơn bão Katrina là hình phạt của Thiên Chúa đối với sự đồi trụy của New Orleans, còn Harry Potter thì thực hành việc thờ Satan. Vị đáng lý ra làm giám mục này không ra đi một cách âm thầm, trái lại, công khai phàn nàn rằng việc mình ra đi là một chiến thắng đối với “các linh mục cấp tiến chuyên sống với các nàng hầu”.

Quyết định của Đức Bênêđíctô năm 2007 nhằm phục hồi Thánh Lễ cũ bằng tiếng La Tinh, trong đó, có lời cầu nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh gây tranh cãi vì đã cầu cho người Do Thái ăn năn trở lại. Cuối cùng, Vatican phải duyệt lại lời kinh để làm vừa lòng người Do Thái, nêu lên vấn nạn tại sao một ai đó không nghĩ tới việc làm việc đó trước khi cơn bão nổ ra.

Bãi bỏ vạ tuyệt thông cho 4 giám mục duy truyền thống năm 2009, kể cả vị lên tiếng bác bỏ việc Quốc Xã sử dụng phòng hơi ngạt và cho rằng không có chứng cớ lịch sử nào cho thấy Adolf Hitler chịu trách nhiệm sát hại 6 triệu người Do Thái. Một lần nữa, Vatican cho rằng mình không biết gì về quá khứ của vị giám mục trước khi nổ ra cuộc tranh cãi, mặc dù chỉ cần dành 5 phút rà Google là đủ thấy rõ hồ sơ của vị này.

Các nhận định của Đức Bênêđíctô XVI trên chuyến bay tới Châu Phi năm 2009, cho rằng bao cao su làm cho vấn nạn AIDS ra tệ hơn. Trong số nhiều hậu quả khác, các nhận định của ngài đã đem đến việc lần đầu tiên trong lịch sử có lời phản đối chính thức của quốc hội một quốc gia ở Âu Châu (Bỉ), trong khi chính phủ Tây Ban cho không vận một triệu bao cao su qua Châu Phi để phản đối.

Các cuộc tranh chấp công khai giữa các Hồng Y, mà nổi tiếng hơn cả là Đức Hồng Y Christoph Schonborn của Vienna, Áo, và Đức Hồng Y Angelo Sodano của Ý, lúc đó là Quốc Vụ Khanh dưới thời Đức Gioan Phaolô II. Sau khi hai vị công khai cãi vã nhau về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, Đức Bênêđíctô XVI phải tổ chức một cuộc gặp gỡ để hoà giải.

Đấy mới chỉ là một số tình tiết cho thấy sự việc không êm xuôi, chứ bảng liệt kê này không hề đầy đủ. Các tác giả đáng lý ra còn phải kể đến các tình tiết thảm hại hơn như cuộc tông du Ba Tây năm 2007 của Đức Bênêđíctô, trong đó, xem ra ngài đưa ra ý kiến cho rằng người bản địa nên biết ơn các nhà khai hoang người Âu Châu của họ; hay phản ứng ngược của người Do Thái và người Công Giáo có tinh thần cải cách chống lại sắc lệnh năm 2009 của Đức Bênêđíctô nhằm thừa nhận các nhân đức anh hùng của Đức Piô XII, do đó, làm cho việc phong thánh của vị giáo hoàng thời chiến này gần hơn một bước; và cả “vụ Boffo” đầy kỳ lạ vào năm 2010, liên quan tới các lời tố cáo cho rằng các tùy viên cao cấp của Đức Giáo Hoàng đã tạo ra các hồ sơ giả của cảnh sát để cho rằng Dino Boffo, chủ bút nổi tiếng của một tờ báo Công Giáo Ý, từng xách nhiễu người bạn gái của một gã mà ông ta muốn lăng nhăng về đồng tính. (Có lý thuyết cho rằng Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, tùy viên hàng đầu của Đức Giáo Hoàng, không thích đường lối phê phán của Boffo đối với thủ tướng Ý lúc đó là Silvio Berlusconi, người lúc ấy đang bị tai tiếng đi lại với một gái gọi vị thành niên).

Với thời gian, mộ số vụ tai tiếng trên sẽ loãng dần trong ký ức người ta. Hiện nay, cả những người quen quan tâm đến tình hình của Giáo Hội cũng khó nhớ được tên của cả Đức Tổng Giám Mục Ba Lan đã nhắc trên đây (Stanislaw Wielgus) lẫn vị người Áo súyt nữa làm giáo phẩm (Gerhard Wagner). Các vụ khác sẽ mãi mãi là những vết nhơ khó xóa mờ trong các sử sách Giáo Hội, nhất là cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, mỗi vụ việc đều minh họa sự khôn ngoan trong nhận xét của cố thủ tướng Anh, Harold Macmillan; ông này cho rằng: lực lượng đáng sợ nhất trong chính trị là “các biến cố”, tức những khai triển không ngờ xẩy đến, đã làm tiêu tan mọi ưu tiên của nhà lãnh đạo. Không ai, kể cả các vị giáo hoàng, có thể tránh khỏi định luật này của Macmillan.

Còn tiếp