CÁC TỤC LỆ DÂN GIAN về LỄ GIÁNG SINH

Ngày sinh nhật của thần linh và vua chúa là ngày lễ lớn của các dân ngoại. Trong những ngày này, họ có tục lệ đốt đèn sáng choang và trang hoàng nhà cửa bằng cành lá xanh tươi, vì họ cho đó là biểu hiện của thần linh và tượng trưng cho sự vĩnh cửu.

Người công giáo Âu-châu lấy tục lệ này áp dụng cho Chúa Giê-su vào ngày 25-12, vì Người là ánh sáng chân thật bắt đầu le lói ở Bê-lem, rồi sau đó chiếu soi cho tất cả những ai mở mắt chào đời. Các đèn nến trang hoàng cây Sinh nhật và những thứ đèn khác trong dịp này đều có nghĩa là Chúa Cứu Thế mới sinh là ánh sáng trần gian.

1. Ngày trước lễ Giáng sinh.

Nhiều gia đình bên Âu-châu trước đây mừng lễ vào chiều ngày 24-12. Ban tối có một bữa ăn đặc biệt gồm những món thổ sản, mà cá là chính, vì còn phải ăn chay. Ăn xong mọi người họp nhau mừng lễ bên cây Sinh nhật cho tới trước nửa đêm, sau đó cả nhà đi lễ, trừ trẻ con. Tuy là ngày chay, nhưng một năm mới có một lần, nên bữa tối được ăn nhiều hơn những ngày khác, và từ lúc mặt trời lặn thì không phải giữ chay nữa, tuy vẫn còn kiêng thịt. Cả gia đình hội họp trong một phòng trang hoàng rực rỡ, có để sẵn cây Sinh nhật và các thứ quà tặng. Một hồi chuông nổi lên. Mọi người trong nhà ai mở phòng người nấy bước vào phòng họp. Các trẻ con tưởng rằng Chúa Giê-su Hài Đồng và các thiên thần đã trang hoàng cây Sinh nhật và mang quà đến. Mọi người quỳ hay đứng bên hang đá; hang đá được đặt dưới hay gần cây Sinh nhật, cầu nguyện và hát các bài ca Giáng sinh. Rồi mọi người chúc mừng nhau và mở các gói quà. Bên các nước Đông Âu thì lại để rơm dưới khăn trải bàn, và cho trẻ con ngủ trên rơm hay cỏ khô trong đêm Giáng sinh, để nhớ đến Chúa Hài dồng đã nằm trên rơm ở Bê-lem.

2. Đêm Giáng sinh.

Từ xa xưa, người ta gọi đêm Giáng sinh là “Đêm thánh”. Truyền thống từ thời Trung cổ mặc cho đêm này một vẻ trang trọng và nhân ái lạ lùng. Đêm nay dân quê từ các làng trên núi, tay cầm đèn, đổ dồn về nhà thờ họ rực sáng dưới chân đồi. Trước lễ Nửa đêm, người ta rung một hồi chuông dài. Ở Áo, Đức và nhiều nước Đông Âu có các ban nhạc nhỏ đứng trên tháp nhà thờ chơi các bài nhạc Giáng sinh vào trước lễ Nửa đêm. Người Pháp thì có tục lệ họp gia đình bạn bè sau lễ Nửa đêm để ăn mừng. Bên Tây ban nha, sau lễ Nửa đêm, dân chúng ra đường, mang đèn đuốc, trống, đàn chơi rộn rã chúc mừng nhau.

3. Ngày Giáng sinh

Dân chúng trang hoàng nhà cửa bên trong cũng như bên ngoài bằng các thứ lá cây xanh và hoa tùy mùa. Ngoài cây Sinh nhật và hang đá, còn có các thứ đèn nến làm cho bầu khí gia đình thật tưng bừng, ấm cúng. Bữa trưa ngày Giáng sinh là bữa ăn chính rất đặc biệt; mọi người trong nhà đều phải có mặt đông đủ. Có một thói quen từ thời Trung cổ là để thức ăn ở ngoài trời cho chim đến ăn; bò lừa thì cho ăn cỏ gấp đôi trong suốt tuần Sinh nhật. Trong những thế kỷ trước, bò, ngựa được nghỉ không phải làm việc trong tuần Bát Nhật. Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di khuyên các chủ trại nên cho bò lừa ăn thêm cỏ và được nghỉ ngơi trong dịp này, để kính Chúa Hài đồng đã sinh ra nằm giữa chiên lừa. Thánh nhân nói rằng mọi người ai nấy đều mừng lễ Giáng sinh. Các vật không biết nói cũng mừng lễ, nhưng chúng không có cách nào để vui mừng hơn là được nghỉ ngơi và được ăn khá hơn.

4. Cây Sinh nhật

Tục lệ có ở bên Đức tại miền tả ngạn sông Ranh (Rhein) vào thế kỷ XVI và XVII. Ban đầu cây Sinh nhật là một cây thông có treo những trái táo. Sau này mới treo thêm đèn và sao. Cây thông treo táo gợi ý cho ta nhớ đến cây “biết lành, biết dữ” trong vườn Địa đàng; còn cây có đèn sao nhắc cho chúng ta nhớ rằng Đức Giê-su Ki-tô là ánh sáng cứu đời. Từ đầu thế kỷ XIX, tục lệ này lan khắp nước Đức rồi sang Pháp và các nước lân cận. Cây Sinh nhật là một biểu hiện, một lời nhắc nhở rằng Đức Ki-tô là cây hằng sống, là ánh sáng trần gian. Các thứ đèn và dây kim tuyến trang hoàng trên cây có ý chỉ các nhân đức và vinh quang của Người. Cây luôn luôn xanh nhằm nói đến sự trường tồn vĩnh cửu của Người.

5. Quà Sinh nhật

Vào dịp Giáng sinh, người ta thường có thói quen tặng quà cho nhau, đặc biệt là cho các trẻ em, dựa vào lời Tin Mừng :“Tất cả những gì anh em làm cho kẻ bé mọn nhất là làm cho Thầy.” (Mt 25,40) Vì thế, trẻ con là vua trong dịp lễ Giáng sinh. Ngoài ra, tục lệ tặng quà này còn phát xuất từ chính lễ Giáng sinh; Đức Ki-tô giáng trần là một tặng phẩm vô cùng cao quí Thiên Chúa ban cho loài người, nên loài người bắt chước gương cao quí của Người mà ăn ở tử tế và quảng đại với nhau qua những lời cầu chúc, thiệp mừng và các món quà.

Trên đây là một ít tục lệ về lễ Giáng sinh tại một số nước Công giáo bên Âu-châu trong những năm về trước. Có tục lệ đã mai một, nhưng có những tục lệ vẫn còn sống mạnh mẽ và phổ cập khắp nơi như đèn sao, hang đá, máng cỏ, cây thông, thiệp mừng. Những tục lệ đó đều có một lịch sử và một ý nghĩa. Nhân dịp mỗi năm mừng lễ Giáng sinh, thiết tưởng người Công giáo chúng ta cũng nên biết ngọn nguồn và nhất là sống ý nghĩa của những tục lệ đó.