Sau khi tới Ai Cập sáng nay, thứ Sáu, 28 tháng Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo chính phủ, xã hội và tôn giáo Ai Cập vào buổi chiều.



Trong bài diễn văn này, Đức Giáo Hoàng khuyến khích các vị dựa vào thiên tài Ai Cập để vun sới hòa bình.

Ngài cho rằng các mục tiêu sẽ trở thành hiện thực “nếu mọi người sẵn lòng, cùng nhau, biến lời nói thành hành động, biến các khát vọng chân chính thành các cam kết, các luật đã viết thành các luật được chấp hành, bằng cách dựa vào thiên tài thiên phú của nhân dân Ai Cập”.

Theo ngài, các hành vi bạo lực đã gây nên không biết bao nhiêu đau khổ bất công cho rất nhiều gia đình. Đức Giáo Hoàng cũng nhớ đến mọi cá nhân, trong mấy năm gần đây, đã hiến mạng sống mình để bảo vệ Ai Cập, trong đó có thanh thiếu niên, thành viên các lực lượng vũ trang và cảnh sát, các công dân Kitô hữu Coptic và mọi “nạn nhân vô danh của nhiều hình thức cực đoan khủng bố”.

Sau đây là bản dịch bài diễn văn của Đức Phanxicô, dựa vào bản tiếng Anh của Toà Thánh:

Thưa Tổng Thống,

Qúy Thành Viên Chính Phủ và Quốc Hội,

Qúy Đại Sứ và Thành Viên Ngoại Giao Đoàn,

Thưa Qúy Bà và Qúy Ông,

As-salamu alaykum! Chúc qúy vị bình an!

Thưa Tổng Thống, tôi xin cám ơn ngài về những lời chào đón thân tình của ngài và lời mời nhân ái của ngài để tôi tới thăm xứ sở qúy yêu của ngài. Tôi còn nhiều kỷ niệm sống động về chuyến viếng thăm Rôma của ngài hồi tháng Mười Một năm 2014, cuộc gặp gỡ huynh đệ của tôi với Đức Giáo Hoàng Tawadros II năm 2013, và cuộc gặp gỡ vào năm ngoái với Đại Imam của Đại Học Al-Azhar, Tiến Sĩ Ahmad Al-Tayyib.

Tôi sung sướng có mặt ở đây, tại Ai Cập, một lãnh thổ của nền văn minh cổ xưa và rất cao quý; mà chúng ta vẫn còn ca ngợi các vết tích của nó ngay cả bây giờ; trong vẻ lộng lẫy huy hoàng của chúng, các vết tích này xem ra vẫn đứng vững với thời gian trôi qua. Lãnh thổ này có nhiều ý nghĩa đối với lịch sử nhân loại và đối với truyền thống Giáo Hội, không những chỉ vì quá khứ ngời sáng của nó, quá khứ của các Pharaô, quá khứ của người Copt và người Hồi Giáo, mà còn vì quá nhiều Tổ Phụ đã sống ở Ai Cập hay băng qua nó. Thực vậy, Ai Cập năng được nhắc tới trong Thánh Kinh. Trên lãnh thổ này, Thiên Chúa đã lên tiếng và “mạc khải thánh danh Người cho Môsê” (Gioan Phaolô II, Lễ Nghinh Đón, 24 tháng Hai năm 2000: Insegnamenti XXIII, 1 [2000], 248), và trên Núi Sinai, Người đã trao cho dân Người và toàn thể nhân loại Mười Giới Răn. Trên lãnh thổ Ai Cập, Thánh Gia của Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse đã tìm được nơi nương náu và lòng hiếu khách.

Lòng hiếu khách đầy đại lượng từng được tỏ bày cách nay hơn 2000 năm vẫn còn trong ký ức tập thể của nhân loại và là nguồn ơn phúc dồi dào tiếp tục khai triển. Kết quả là Ai Cập trở thành lãnh thổ mà tất cả chúng ta, cách nào đó, cảm thấy như là của riêng mình! Như qúy vị từng nói “Misr um al-dunya” – “Ai Cập là mẹ thế giới”. Cả ngày nay nữa, lãnh thổ này vẫn đang chào đón hàng triệu người tỵ nạn từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Sudan, Eritrea, Syria và Iraq, những người tỵ nạn mà qúy vị đã có nhiều cố gắng đáng khen nhằm hội nhập họ vào xã hội Ai Cập.

Nhờ lịch sử và địa điểm địa dư đặc thù của nó, Ai Cập có một vai trò độc đáo để đóng tại Trung Đông và nơi các quốc gia đang đi tìm giải pháp cho các vấn đề cấp bách và phức tạp mà nay cần được trực diện ngõ hầu tránh được sự lan tràn tệ hơn của bạo lực. Tôi muốn nói tới bạo lực mù quáng và dã man do nhiều nhân tố khác nhau gây ra: tham vọng quyền lực, buôn bán vũ khí, các nan đề xã hội trầm trọng và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo chuyên sử dụng Thánh Danh Thiên Chúa để thi hành các tàn bạo và bất công chưa từng thấy.

Số phận và vai trò trên của Ai Cập cũng là lý do khiến người ta kêu gọi một Ai Cập nơi không ai thiếu bánh ăn, tự do và công bằng xã hội. Chắc chắn, mục tiêu này sẽ trở thành thực tại nếu mọi người sẵn lòng, cùng nhau, biến lời nói thành hành động, biến các khát vọng chân chính thành các cam kết, các luật đã viết thành các luật được chấp hành, bằng cách dựa vào thiên tài thiên phú của nhân dân Ai Cập.

Như thế, Ai Cập có một nhiệm vụ đặc thù là tăng cường và củng cố hòa bình khu vực bất chấp nó đang bị tấn công trên chính lãnh thổ mình bởi các hành vi bạo lực vô nghĩa. Các hành vi bạo lực như thế đang gây ra nhiều đau khổ bất công cho biết bao gia đình, mà một số đang hiện diện với chúng ta hôm nay, những gia đình đang than khóc cho con trai con gái của mình.

Tôi cũng nghĩ cách riêng đến mọi cá nhân, trong mấy năm gần đây, đã hiến mạng sống mình để bảo vệ Ai Cập, trong đó có thanh thiếu niên, thành viên các lực lượng vũ trang và cảnh sát, các công dân Kitô hữu Coptic và mọi nạn nhân vô danh của nhiều hình thức cực đoan khủng bố. Tôi cũng nghĩ đến những vụ sát nhân và đe dọa khiến các Kitô hữu phải ồ ạt ra khỏi vùng Bắc Sinai. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với các nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo và đối với mọi người đã đón tiếp và trợ giúp những người từng chịu rất nhiều đau khổ lớn lao này. Tôi cũng nghĩ đến nạn nhân các vụ tấn công vào các nhà thờ Coptic, cả tháng Mười Hai lẫn gần đây ở Tanta và Alexandria. Với các thành viên của gia đình họ, và với mọi người dân Ai Cập, Tôi xin gửi lời chia buồn và cầu nguyện tận đáy lòng tôi xin Chúa ban cho họ được mau chóng chữa lành các vết thương.

Thưa Tổng Thống, Qúy Bà và Qúy Ông,

Tôi chỉ có thể khuyến khích các cố gắng anh hùng mà qúy vị đang đưa ra để hoàn tất một số chương trình quốc gia và nhiều sáng kiến xây dựng hòa bình, cả ở trong nước lẫn ở ngoại quốc, nhằm phát triển trong thịnh vượng và hòa bình mà nhân dân hằng mong muốn và xứng đáng được hưởng.

Phát triển, thịnh vượng và hòa bình là những thiện ích trọng yếu đáng được mọi hy sinh. Chúng cũng là các mục tiêu đòi phải làm việc hăng hái, xác tín và dấn thân, lên kế hoạch thỏa đáng và, trên hết, tuyệt đối tôn trọng các nhân quyền bất khả nhượng như quyền bình đẳng giữa mọi công dân, quyền tự do tôn giáo và quyền tự do phát biểu, không phân biệt (xem Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền; Hiến Pháp Ai Cập năm 2014, chương 3). Chúng cũng là các mục tiêu đòi phải đặc biệt xem xét vai trò phụ nữ, thanh thiếu niên, người nghèo và người bệnh. Sau cùng, phát triển đích thực được đo bằng việc quan tâm tới con người nhân bản, họ mới là tâm điểm của mọi phát triển: quan tâm đến việc giáo dục, y tế và phẩm giá của họ. Sự cao cả của bất cứ quốc gia nào cũng được tỏ bày trong việc chăm sóc hữu hiệu cho các thành phần yếu kém nhất của xã hộ: phụ nữ, trẻ em, người cao niên, người bệnh, người tàn tật và các nhóm thiểu số, kẻo bất cứ con người nào hay nhóm xã hội nào cũng có thể bị loại trừ hay bị đẩy qua bên lề.

Trong tình thế mỏng manh và phức tạp của thế giới ngày nay, tình thế mà tôi vốn mô tả như "một thế chiến đang diễn ra từng mảng", cần phải tuyên bố rõ ràng rằng không một xã hội văn minh nào có thể được xây dựng mà không cần bác bỏ mọi ý thức hệ của sự ác, của bạo lực và chủ nghĩa cực đoan, với tham vọng dẹp bỏ người khác và tiêu trừ tính đa dạng bằng cách thao túng và tục hóa Thánh Danh Thiên Chúa. Thưa Tổng Thống, ngài từng nói về điều này luôn và trong những dịp khác nhau, một cách rõ ràng đáng được chú ý và đánh giá cao.

Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải dạy dỗ các thế hệ đang tới rằng Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời và đất, không cần được bảo vệ bởi con người; quả thực, chính Người là Đấng bảo vệ họ. Người không bao giờ muốn cái chết của con cái Người, mà là sự sống và hạnh phúc của họ. Người không thể yêu cầu, cũng không thể biện minh cho bạo lực; thực vậy, Người căm ghét và bác bỏ bạo lực ("Thiên Chúa. .. ghét người yêu bạo lực"): Thánh Vịnh 11: 5). Thiên Chúa đích thực mời gọi yêu thương vô điều kiện, tha thứ nhưng không, thương xót, tuyệt đối tôn trọng mọi sự sống, và tình huynh đệ giữa các con cái Người, bất kể là người tin hay người không tin.

Nghĩa vụ của chúng ta là cùng nhau tuyên bố rằng lịch sử không tha thứ cho những người giảng dạy công lý, nhưng sau đó thực hành bất công. Lịch sử không tha thứ cho những người nói về bình đẳng, nhưng sau đó loại bỏ những người khác với mình. Nhiệm vụ của chúng ta là phơi bày những người rao bán ảo tưởng về cuộc sống đời sau, những người rao giảng hận thù hòng cướp mất của người đơn thành cuộc sống hiện tại của họ và quyền họ được sống một cách có nhân phẩm và bóc lột người khác bằng cách lấy mất khả năng lựa chọn tự do và tin một cách có trách nhiệm của họ. Nhiệm vụ của chúng ta là tháo bỏ các ý tưởng chết người và các ý thức hệ cực đoan, những thứ chuyên duy trì tính bất tương hợp giữa đức tin đích thực và bạo lực, giữa Thiên Chúa và các hành động giết người.

Thay vào đó, lịch sử luôn tôn vinh những người nam nữ của hòa bình, những người can đảm và bất bạo động đang cố gắng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn: "Phúc cho những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa" (Mt 5,9).

Ai Cập, thời tổ phụ Giuse, đã cứu các dân tộc khác khỏi nạn đói (xem Sáng Thế 47:57); ngày nay, nó đang được mời gọi cứu khu vực thân yêu này khỏi nạn đói tình yêu và tình huynh đệ. Nó được mời gọi lên án và đánh bại mọi bạo lực và chủ nghĩa khủng bố. Nó được mời gọi đổ lúa hạt hòa bình trên mọi trái tim khát khao chung sống hoà bình, nhân dụng xứng đáng và giáo dục nhân ái. Ai Cập, trong việc xây dựng hòa bình và đồng thời đánh bại khủng bố, được mời gọi chứng minh rằng "al-din lillah wal watan liljami" - tôn giáo thuộc về Thiên Chúa và quốc gia thuộc về mọi người ", như khẩu hiệu của cuộc Cách Mạng ngày 23 tháng 7 năm 1952 đã tuyên bố. Ai Cập được mời gọi chứng minh rằng có thể tin và sống hòa hợp với người khác, chia sẻ với họ các giá trị căn bản của con người và tôn trọng tự do và đức tin của mọi người (xem Hiến Pháp Ai Cập năm 2014, Điều 5). Ai Cập có một vai trò đặc biệt trong khía cạnh này, để vùng này, cái nôi của ba tôn giáo lớn, có thể và thực sự bừng dậy từ đêm dài thống khổ, và một lần nữa tỏa sáng các giá trị tối cao của công lý và tình huynh đệ vốn là nền tảng vững chắc và là con đường cần thiết tiến tới hòa bình (xem Thông Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2014, 4). Từ các quốc gia vĩ đại, người ta không thể chờ mong ít hơn!

Năm nay đánh dấu 70 năm liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Ả Rập Ai Cập, vốn là một trong các quốc gia Ả Rập đầu tiên thiết lập mối liên hệ loại này. Những mối liên hệ này luôn có đặc điểm là tình bạn, lòng qúy trọng và hợp tác hỗ tương. Tôi hy vọng rằng chuyến thăm của tôi có thể giúp củng cố và tăng cường chúng.

Hòa bình là một món quà của Thiên Chúa, nhưng cũng là công trình của con người. Nó là một thiện ích cần được xây dựng và bảo vệ, bằng cách tôn trọng nguyên tắc duy trì sức mạnh của luật pháp chứ không phải là luật của sức mạnh (xem Thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2017, 1). Chúc hòa bình cho đất nước yêu quý này! Hòa bình cho toàn vùng này, và đặc biệt cho Palestine và Israel, cho Syria, cho Libya, Yemen, cho Iraq, cho Nam Sudan. Hòa bình cho mọi người có thiện chí!

Thưa Tổng Thống, Quý Bà và Qúy Ông, Tôi muốn âu yếm và bằng cái ôm của người cha chào đón mọi người Ai Cập đang hiện diện một cách đầy biểu tượng tại hội trường này. Tôi cũng chào đón con cái nam nữ Kitô hữu của tôi, và các anh chị em sống tại đất nước này: người Chính Thống Coptic, người Byzantines Hy Lạp, người Chính thống Armenia, Tin lành và Công Giáo. Nguyện xin Thánh Máccô, người rao giảng Tin Mừng trên mảnh đất này, canh chừng qúy vị và giúp mọi người chúng ta xây dựng và đạt được sự hợp nhất mà Chúa của chúng ta rất muốn (xem Ga 17: 20-23). Sự có mặt của qúy vị trên đất nước này, đất nước của qúy vị, không phải là mới hay tình cờ, mà là một phần cổ xưa và không thể tách rời của lịch sử Ai Cập. Qúy vị là một phần cấu tạo ra đất nước này, và qua nhiều thế kỷ, qúy vị đã phát triển một loại tương quan độc đáo, một thứ cộng sinh đặc biệt, có thể dùng làm điển hình cho các quốc gia khác. Qúy vị đã chứng tỏ và tiếp tục chứng tỏ rằng ta có thể sống với nhau trong sự tôn trọng và công bằng hỗ tương, bằng cách, trong dị biệt, tìm thấy nguồn phong phú chứ không bao giờ là động cơ cho xung đột (xem Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia In Medio Oriente, 24 và 25).

Cảm ơn qúy vị về sự chào đón nồng nhiệt. Tôi xin Đấng Toàn Năng và Thiên Chúa Độc Nhất đổ đầy mọi người dân Ai Cập các ơn phúc của Người. Nguyện xin Người ban hòa bình và thịnh vượng, tiến bộ và công lý cho Ai Cập, và chúc lành mọi con cái của Ai Cập!

"Phúc cho Ai Cập, dân Ta". Chúa nói thế trong Sách Isaia (19:25).

Shukran wa tahya misr! Cảm ơn Qúy Vị và Ai Cập muôn năm!