chuyến hành hương lộ đức 300 người khuyết tật cho thấy tiềm năng phát triển của Giáo Hội pháp

Theo lịch sử nước Pháp, vào lễ Giáng sinh năm 498, vua Clovis chịu phép thánh tẩy tại Thánh đường Reims. Trong bài diễn văn nói về sứ mệnh nước Pháp, đọc ngày 14/02/1841 tại Nhà thờ chính tòa Paris, linh mục Henri-Dominique Lacordaire cho rằng nước Pháp là trưởng nữ của Giáo Hội. Danh hiệu này vốn có từ triều đại Charles VIII. Trong khuôn khổ nghiên cứu xã hội học, Viện Quốc gia Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế của Pháp, viết tắt INSEE, cho biết vào năm 1972, 87% người Pháp là Công Giáo. Năm 2009 giảm xuống 64%. Theo Jean Sévillia, vào năm 2015, chỉ còn 3 triệu người Pháp giữ đạo đều đặn, trên tổng số 47 triệu người đã chịu phép thánh tẩy. Giáo Hội Pháp gồm 104 giáo phận. Nhiều giáo phận tập họp thành 15 tổng giáo phận. Vị tổng giám mục Lyon có danh hiệu thượng giáo chủ Pháp quốc (Primat des Gaules). Với các chỉ số trên đây, liệu nước Pháp có còn là trưởng nữ của Giáo Hội ? Chuyến hành hương mùa chay năm nay dành cho 300 người khuyết tật tại Lộ Đức đã mang lại một số chỉ dẫn soi sáng thêm cho vấn nạn vẫn còn bỏ ngỏ này.
Tấm hình trên đây nói lên Giáo Hội nuớc Pháp còn là Giáo Hội Bác ái, hướng về những người khuyết tật, với nhiều xe kéo màu xanh dương để dọc theo hang đá. Trên hang có thánh tượng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, minh chứng câu Ad Jesum per Mariam, được nói đến trong cuốn Traité de la vraie dévotion của Louis-Marie Grignion de Montfort. Trên hang đá là ngôi đại thánh đường, hai bên tiền sảnh biểu tượng cánh tay Thánh Mẫu dẫn đưa đoàn con cái lên với Chúa. Đền thánh xây trên hang đá thể hiện trọn vẹn ý nghĩa Tin mừng theo thánh Matthêu : Tu es Petrus, et super hanc petram aedificabo Ecclesiam meam (Mt 18-19) (Này con là đá, trên viên đá́ này Cha xây Giáo Hội muôn đời kiên trung).

Trong cuộc hành hương 300 người khuyết tật, số thiện nguyện lên tới 500 người. Họ là các linh mục, bác sĩ, y tá, sinh viên y khoa và nhiều phân khoa khác, tận hiến trong hiệp hội ABIIF. Trong số này, nhiều người là con cháu quý tộc. Họ hết lòng chăm sóc các bệnh nhân, đút từng miếng ăn, tắm rửa và giúp đỡ trong đời sống thiêng liêng. Thánh lễ được linh mục hội ABIIF cử hành trong mỗi toa tầu, cả chuyến đi lẫn chuyến về, cùng với thánh lễ mỗi ngày tại thánh địa Lộ Đức, lần chuỗi trước hang đá, rước kiệu Thánh thể, cử hành bí tích bệnh nhân trong thánh đường Bernadette. Trước khi cử hành nghi thức xức dầu, khoảng 100 nữ y tá mặc áo choàng trắng, sắp hàng đôi, tiến lên cung thánh, rước ngọn nến lớn màu hồng có ghi tên thánh bổn mạng của từng bệnh nhân. Mai này, bấy nhiêu tên từng chịu nhiều khổ đau nơi trần thế, sẽ được ghi trên nước trời.

Có thấy tận mắt các sinh viên nam nữ và các y tá hết lòng chăm lo cho các bệnh nhân, kéo xe, gần giống như xe kéo ở Hà Nội trước năm 1954, ta mới cảm nhận được sức sống mãnh liệt của Giáo Hội Pháp. Ngoài chiều dọc siêu nhiên của cây thánh giá nối liến trời đất còn là chiều ngang nhân sinh, thể hiện trọn vẹn đức mến : ‘‘Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. (...) Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.’’(1 Cr 13, 4-13).

‘‘Đức mến không bao giờ mất được’’. Và một Hội thánh biết thực thi đức mến cũng không bao mai một. Trong số những người thiện nguyện có rất nhiều con cháu quý tộc. Họ không chỉ xuất thân từ danh gia vọng tộc (familles subsistantes de la noblesse française), mà còn thực hiện những hoài bão cao quý (nobles aspirations). Trong số này có Charles de Vaublanc. Anh là chắt của bá tước Vincent-Marie Vinot de Vaublanc (1756-1845), Thượng thư bộ Lại (ministre de l’Intérieur) dưới triều vua Louis XVIII, người có công tổ chức lại Hàn lâm viện Pháp. Một nữ quý tộc khác thuộc dòng họ Rothschild nổi tiếng, chủ nhân thương hiệu ‘‘Campagne Barons de Rothschild’’, và nhiều người khác nữa cũng là những người kéo xe, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc các bệnh nhân với tấm lòng vị tha.
v
Sáng thứ năm 06/04, Mục vụ Bệnh nhân Tổng giáo phận Paris và Hiệp hội ABIIF cử hành trọng thể thánh lễ từ biệt, trước hang đá Đức Mẹ. Anh Paul Gallavardin đưa cho tôi mảnh giấy và cây bút Bic. Tôi viết vội bài thơ tiếng Pháp, đọc trong nghi thức tạ ơn (cérémonie d’action de grâce) như sau :

Prière pour un pèlerin

Je suis un pèlerin
arrivant à Lourdes d’un bon matin.
X
Dès le premier jour
je ne suis plus sourd
en entendant un écho
venant de la montagne lointaine
couverte de la neige
qu’on sait :
en toute immaculée :
IMMACULÉE CONCEPTION
réflétant, avec beaucoup d’émotion
le sermont que Jésus nous a enseigné
sur une montagne vénérée.
X
Enfin, le brouillard du dernier jour ?
« Il nous faut révéler (1) à notre tour
l’Hymne de saint Paul :
CHARITÉ (2)
dans l’après-pèlerinage bien médité. »
Amen

Ecrit devant la Grotte le 06/04/2017

---
(1) révération (ἀποκάλυψις) : action de découvrir.
(2) 1 Co 13,1-13.

Chuyển thể lục bát sau khi về đến Paris :

Suối thiêng Lộ Đức nước trong
Ngày đầu tuyết trắng trên non cuối trời
Thôi đừng câm nín một đời
Non cao tuyết trắng nắng soi vẹn tuyền
Tuyết là tà áo trinh nguyên
Thánh danh Vô Nhiễm Tội Truyền tổ tông
Non cao Bài giảng kính tôn
Giêsu truyền dạy phúc ơn thế trần
Một tuần Lộ Đức qua nhanh
Sáng nay sương giáng tơ mành vấn vương
Ai ơi thu vén màn sương
Thực thi Đức Mến tình thương Phaolồ.

Paris, Tuần Thánh 2017
Lê Đình Thông