(Vatican 13/11/2004). Vài thời điểm mà các khía cạnh tiêu cực của toàn cầu hóa đang ảnh hưởng đến Phi Châu “nhiệm vụ của Giáo Hội là phải toàn cầu hóa tình liên đới”. Đức Tổng Giám Mục John Onaiyekan của tổng giáo phận Abuja, Nigeria đã nhận xét như trên tại công nghị “Hiệp Thông và Liên Đới giữa Phi Châu và Âu Châu” tổ chức tại Rôma từ 10 đến 13/11/2004.

Đức Tổng Giám Mục John Onaiyekan
Từ ngày 10 đến ngày 13/11/2004, khoảng 150 Giám Mục và đại diện các tổ chức quốc tế từ 62 nước thuộc hai lục địa đã họp công nghị đầu tiên giữa Hội Đồng Giám Mục Âu Châu (CCEE) và Hội Đồng Giám Mục Phi Châu và Madagascar (SECAM) để suy tư và thảo luận về đề tài “Hiệp thông và liên đới giữa Phi Châu và Âu Châu”. Phiên họp này được bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và rất nhiều các cơ quan trợ giúp cho Phi Châu bảo trợ.

Đức Cha Onaiyekan, chủ tịch SECAM, ghi nhận: “Hiện tượng phát triển mạnh của Giáo Hội trong 40 năm qua tại Phi Châu là do hồng ân của Thiên Chúa, do sự dấn thân và sự tận tụy của chính anh chị em Phi Châu, nhưng cũng còn do sự nâng đỡ và trợ giúp thường xuyên của các giáo hội lâu đời bên ngoài Phi Châu, đặc biệt là từ Âu Châu”.

Và mặc dù “trong một thời gian dài, mối quan hệ giữa Giáo Hội tại Âu Châu và tại Phi Châu chủ yếu là người cho và kẻ nhận, một thời đại mới đã phát sinh trong đó có một nhu cầu gia tăng cho một quan hệ mới xây dựng trên sự tin cậy lẫn nhau, hiệp thông và liên đới”.

Đức Cha Onaiyekan nhận xét tiếp rằng “Từ Công Đồng Vatican II, Giáo Hội tại Phi Châu đã dần dà tiến đến vị trí của một Giáo Hội trưởng thành giữa các Giáo Hội chị em trên thế giới”. Đức Cha ghi nhận Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu diễn ra vào năm 1994 là “một khúc quanh cho sự phát triển gần đây của chúng tôi” và đã phản ánh “nhu cầu cho một sự suy tư lớn hơn về Giáo Hội tại Phi Châu trong bối cảnh Giáo Hội trên thế giới”.

Tuy nhiên, “những vấn đề của Phi Châu không thể giải quyết một mình bởi Phi Châu”.

Trong số những thách đố mà Phi Châu ngày nay phải đối phó, Đức Cha Onaiyekan nêu ra hiện tượng toàn cầu hóa trong đó Phi Châu lãnh đủ các “khía cạnh tiêu cực”. Liên quan đến vấn đề này, Đức Cha cảnh giác rằng “nhiệm vụ của Giáo Hội là toàn cầu hóa tình liên đới, và qua đó, bảo đảm rằng toàn thế giới, trong đó có Phi Châu được chia sẻ những ơn lành của một thế giới đoàn kết hơn, tử tế và chia sẻ với nhau hơn”.

Đức Cha cho biết thêm ý muốn hiệp thông và liên đới với Giáo Hội tại Phi Châu đã dẫn đến việc ban hành tại Mỹ Châu một thư mục vụ nhan đề “Lời mời gọi liên đới với Phi Châu”. “Sau cuộc họp chung này giữa Phi Châu và Âu Châu, chúng tôi trông đợi một cuộc họp khác giữa các Giám Mục Phi Châu và Mỹ Châu”.