Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC nói, “Hoán cải là học làm việc tốt cụ thể chứ không chỉ là nói xuông”.

2- Mùa Chay, giáo lý hợp thời trang và việc xưng tội.

3- ĐTC nói, ngài luôn bình an dù là một người có tội.

4- Đối với tín hữu, Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đơn giản và có lòng thương xót.

5- Phỏng vấn ĐC Munib Younan chủ tịch Liên Hiệp Luther thế giới.

6- Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của Giáo Hội.

7- Tổ chức OICS trực thuộc LHQ mạnh mẽ lên án chiến dịch bài trừ ma túy do tổng thống Philippines phát động.

8- Bangladesh: hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm - đã có 80.000 nạn nhân cần cứu trợ khẩn cấp.

9- Thế giới có thể học được gì qua các nhân chứng Kitô hữu Ai Cập?

10- Phái đoàn Liên Hiệp Đại Học Công Giáo Quốc Tế thăm Học Viện Công Giáo Việt Nam.

11- Thánh Ca Mùa Chay: Thập Giá Tiếng Nói Tình Yêu.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- ĐTC nói, “Hoán cải là học làm việc tốt cụ thể chứ không chỉ là nói xuông”

Xa tránh điều ác, học làm điều thiện và tiến gần đến Thiên Chúa. Đó là hành trình hoán cải của Mùa Chay. Đó là cuộc hoán cải với những hành động cụ thể chứ không chỉ nói xuông. ĐTC chia sẻ như thế trong Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, ngày thứ Ba, 14-3-2017. ĐTC nói:

“Xa tránh điều ác và học làm điều thiện, đó là cả một hành trình. Chúng ta đừng ở mãi trong những điều xấu xa, nhưng hãy dần xa lánh những gì độc hại cho linh hồn. Từ đó, điều ác ngày càng nhỏ lại, và chúng ta dần học làm điều thiện. Thật không dễ để làm điều thiện. Chúng ta phải học để làm điều thiện… Hoán cải là cả một hành trình. Đó là hành trình để rời xa cái xấu và học lấy cái tốt.”

ĐTC nói thêm, chúng ta cũng phải “Học làm điều tốt cụ thể chứ không chỉ nói xuông… Để học làm điều thiện, bạn cần khiêm tốn. Và khi ấy, học làm từng việc thiện cụ thể. Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa nói tới nhiều điều cụ thể cần làm. Đó là: hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp người bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh đỡ người góa bụa… Bạn cần học làm điều tốt cụ thể, chứ không chỉ có nói. Nếu không có những gì là cụ thể, thì đó không phải là hoán cải.

ĐTC cũng khuyên mọi người cần thức tỉnh và khiêm tốn đón nhận sự đỡ nâng của Chúa để được thứ tha. Bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia tiếp tục với lời mời gọi của Chúa. Lời gọi mời hoán cải, lời kêu gọi ra khỏi sự gian ác và học làm điều tốt lành. Chúa nói: Nào, đứng dậy, hãy đến và chúng ta sẽ cùng nhau tranh tụng, cùng nhau thảo luận, cùng nhau tiến bước. Chúng ta có thể nói: Nhưng con có rất nhiều tội lỗi… Chúa sẽ nói: Đừng lo, dù tội lỗi ngươi đỏ tựa vải điều, thì cũng sẽ nên trắng như tuyết.

Và ĐTC kết luận: “Như thế, chìa khóa cho cuộc hoán cải của Mùa Chay chính là: xa lánh sự ác, tập làm việc thiện, đứng dậy và cùng đi với Chúa. Khi ấy, mọi tội lỗi của chúng ta sẽ được thứ tha.”

- Mùa Chay, giáo lý hợp thời trang và việc xưng tội.

Một trong các mục đích của Năm Thương Xót do ĐTC Phanxicô khởi xướng là cổ vũ tín hữu chạy tới với Lòng Thương Xót hải hà của Thiên Chúa Nhập Thể tại tòa giải tội, đúng nghĩa là Tòa Thương Xót. Tuy nhiên, tòa ấy đã bị lạm dụng và hiểu lầm một cách hết sức tệ hại bởi não trạng hiện đại. Một trong những lạm dụng ấy là người ta dùng nó làm khí cụ tấn Công Giáo Hội, biến Giáo Hội thành một thứ pháo đài bao che tội lỗi ấu dâm. Quyền lực trần thế đang tìm đủ cách để phá đổ Tòa Thương Xót này bằng cách soi mói, buộc các thừa tác viên của Giáo Hội phải nói ra những thổ lộ tâm tình sâu kín nhất của những tâm hồn đau khổ đi tìm sự an ủi của Lòng Thương Xót Chúa. Nhưng ấn tòa giải tội rộng đến nỗi linh mục không buộc phải xác nhận mình có giải tội cho một người nào đó hay không, huống chi là nội dung cuộc xưng tội.

Tòa Thương Xót cũng thường bị hiểu lầm. LM Dwight Longenecker, một cựu mục sư Anh Giáo, ngày 6 tháng Ba vừa qua, có viết một bài về sự hiểu lầm tai hại này, trong đó ngài cho rằng, một trong các lý do khiến ít người Công Giáo đi xưng tội là họ thực sự không nghĩ họ làm gì ra tội cả. Cha không trách tín hữu vì họ đã bị phỉnh lừa lâu nay bởi “60 năm giáo lý kiểu nựng chó con và mèo con”. Đây là một nền giáo lý, trong đó, không ai được dạy về tội lỗi, mà toàn nói tới yêu thương, nắng hồng và con cái Thiên Chúa, để họ cảm thấy mình hay, mình tốt, đáng yêu. Nền giáo lý trên được tăng cường bởi một thứ tâm lý học làm vui lòng người trong đó, mọi người đều tốt lành cả… Một số linh mục cũng mềm lòng vốn quen với ý niệm cho rằng mình không nên nói đến tội lỗi kẻo làm người ta có mặc cảm tội lỗi và điều này chẳng hay ho chi. Thành thử, tín hữu ... không những không biết về tội lỗi mà còn về cả trách nhiệm bản thân và việc cần phải chọn lựa nữa. Nếu không có tội, thì đâu cần phải chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu làm chi!

Bởi thế, Mùa Chay năm nay, Cha Longenecker dựa vào bức tranh hỏa ngục của Dante để nói về bản chất của tội, chiều sâu của tội và cái tinh vi của tội. Theo Cha, Dante đã dẫn ta tới hỏa ngục để học về tội: tội không chỉ có nghĩa các điều xấu đã làm mà còn là các điều tốt không làm nữa. Không làm điều xấu đã đành là được rồi, nhưng không làm điều tốt có đáng lên thiên đàng không? Nói đến tội làm người ta khó chịu, có mặc cảm tội lỗi hoặc làm họ sợ phải nghĩ tới thiên đàng. Nhưng, Cha Longenecker kết luận, chẳng thà sợ mà nghĩ tới thiên đàng còn hơn như bồ hóng trong hỏa ngục!

- ĐTC nói ngài luôn bình an dù là một người có tội.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của tạp chí Đức Die Zeit trước khi ngài tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay, ĐTC Phanxicô nói ngài luôn bình an dù là một người có tội. Khi được hỏi về các cuộc tấn công đích danh đối với ngài gần đây, ĐTC Phanxicô cho hay: “Từ lúc tôi được bầu làm giáo hoàng đến nay, tôi chưa bao giờ mất cảm thức bình an. Tôi hiểu một số người có thể không thích lối hành động của tôi, tôi còn biện minh cho họ nữa vì có rất nhiều lối suy nghĩ; thậm chí còn được phép, hợp nhân bản và ngay cả phong phú nữa”.

Về các bích chương phản đối ngài thiếu lòng thương xót và ấn bản giả của tờ L’Osservatore Romano mới đây, ĐTC Phanxicô cho biết ngài thấy ấn bản giả không phong phú chút nào, nhưng các bích chương phản đối thì có. Ngài nói: “Tiếng địa phương Romanesco trong các bích chương ấy quả tuyệt diệu!”, chắc chắn do một người có học thức cao viết.

Nhân dịp này, ngài thổ lộ: ngày nào ngài cũng đọc kinh Ông Thánh Thomas More, xin được ơn biết hài hước. Ngài bảo: “Chúa chưa lấy mất sự bình an của tôi, và Người ban cho tôi đủ tính hài hước”. Và cũng như trước đây, ngài thú nhận mình là người có tội và có những khoảnh khắc ngài nổi điên với Chúa Giêsu hoặc nói rằng ngài không hiểu tại sao một điều gì đó lại xẩy ra, kể cả những điều chính ngài làm.

- Đối với tín hữu, Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đơn giản và có lòng thương xót.

Ngày 13 tháng 3, 2017 là tròn 4 năm Đức Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng. Vị Giáo hoàng “đến từ cùng tận của thế giới” đã chiếm được trái tim của các tín hữu khi nói về lòng thương xót và chú ý đến những người cùng đinh nhất. Nhà báo Michele Raviart đã phỏng vấn một số tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật ngày 12 tháng ba vừa qua về những kỉ niệm và ấn tượng họ có về ĐGH Phanxicô. Một tín hữu nói: “ĐGH đến từ nơi rất xa, từ miền đất xa xôi ở Argentina. Rồi tên của ngài, cách đặc biệt, gợi nhớ đến thánh Phanxicô. Điều đầu tiên mà tôi thích, đó là ngài muốn đến ở nhà Santa Marta thay vì ở trong dinh tông tòa như các vị Giáo hoàng tiền nhiệm, đó là một điều thật đẹp. Ngài là một Giáo hoàng tốt lành, nhắc tôi hơi nhớ đến ĐGH Gioan XXIII.”

Nhiều tín hữu nói rằng: “Ngài là một người vĩ đại …”, “Lòng thương xót của Đức Giáo Hoàng đối với tất cả, không có sự phân biệt”, và “Lòng tốt lành của Đức Giáo Hoàng đã đánh động họ. Ngài sẽ để cho các người trẻ, 100 năm nữa, một cử chỉ không thể lấp đầy.” Một tín hữu đã tâm sự, “Nhìn thấy ngài sử dụng một chiếc xe hơi nhỏ rẻ tiền, thấy sự đơn giản của ngài, tôi nghĩ đó là điều hoàn toàn đẹp nhất đối với tôi, ngài thực sự là một người của gia đình.” Khi ký giả Raviart hỏi các tín hữu mong ước điều gì trong thời gian còn lại của triều Giáo hoàng của Đức Phanxicô, câu trả lời gần như đồng nhất là họ mong là triều đại Giáo hoàng của ngài kéo dài thật lâu để ngài tiếp tục truyền bá ý tưởng về tình huynh đệ, và dân chúng hiểu là ngài mong có sự tốt lành trên thế giới và sự giản đơn. Một tín hữu biểu lộ sự yêu mến ĐGH một cách mạnh mẽ: “Cầu mong ngài không đi xa, không bao giờ, không bao giờ! ĐGH này sẽ sống 1000 năm!”

Đức Phanxicô cũng cho hay ngài không cảm thấy ngài là “một người đặc biệt” và các chờ mong người ta đặt lên ngài, có hơi cường điệu hóa, quả không công bằng đối với ngài. Ngài bảo: “tôi không phải là người tồi, không, nhưng tôi là một người làm điều mình có thể làm… Được hỏi ngài có sợ làm ngã lòng các vị ở trong Giáo Triều với những lời lẽ như trên hay không, nếu các vị này cần có một người cha hoàn hảo, Đức Phanxicô trả lời: không, không có chuyện người cha hoàn hảo, vì chỉ có một người cha hoàn hảo mà thôi, đó là Thiên Chúa.

- Phỏng vấn ĐC Munib Younan chủ tịch Liên Hiệp Luther thế giới.

Trong mấy ngày đầu tháng ba này, Đức Cha Munib Younan, Giám mục của Giáo Hội Luther Giordania và Thánh Địa, kiêm chủ tịch Liên Hiệp Luther thế giới, đã có mặt tại Firenze, trung bắc Italia, để tham dự đại hội về đề tài “Đọc hiểu trở lại cuộc Cải Cách”. Nhân dịp này Đức Cha đã dành cho phóng viên Riccardo Burigana một bài phỏng vấn về cuộc đối thoại đại kết. Trong cuộc phỏng vấn này, khi được hỏi cuộc đối thoại đại kết diễn tả điều gì đối với Liên Hiệp Luther thế giới.

Đức Cha Younan trả lời: “Đối với tín hữu Luther, đại kết là trung tâm cuộc sống đức tin, chính vì thế Liên Hiệp đã thăng tiến cuộc đối thoại song phương với Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội chính thống, các Giáo Hội cải cách, Giáo Hội anh giáo, và các cuộc nói chuyện với các anh em Pentecostal và Baptist, cũng như thăng tiến một lộ trình sám hối với anh em Menonít. Tuy nhiên, đại kết không phải chỉ là một việc đối chiếu thần học để hiểu xem phải thắng vượt các chia rẽ như thế nào. Nó … phải đi sâu vào kinh nghiệm cuộc sống thường ngày của từng kitô hữu… Tinh thần cuộc gặp gỡ tại Lund có thể giúp các tín hữu kitô khám phá ra rằng đại kết có nghĩa là cùng nhau sống Chúa Kitô để cùng nhau đương đầu với các thách đố chung cho mọi kitô hữu.

Trả lời một câu hỏi khác về các liên lạc giữa Liên Hiệp Luther và Giáo Hội Công Giáo sau cuộc gặp gỡ tại Lund, ngài cho biết tài liệu “Từ xung khắc tới hiệp thông“ đã được soạn thảo, đề ra 5 điểm hướng dẫn con đường đại kết, khởi hành từ việc thừa nhận phép rửa duy nhất trong Chúa Kitô… Từ 50 năm qua, các tín hữu Công Giáo và Luther đã bắt đầu cuộc đối thoại đại kết … Giờ đây điều quan trọng là cuộc đối thoại này không chỉ được sống tại Roma hay tại Genève thôi, mà phải đi tới với mọi cộng đoàn địa phương. Được hỏi về sự dấn thân của Đức Thánh Cha Phanxicô và sự liên lụy cá nhân của ngài trong phong trào đại kết, ngài đáp:

“Truớc hết, tôi tin rằng thật là quan trọng nhắc lại rằng Đức Gioan XXIII, với Công Đồng Chung Vatican II, đã mở ra một mùa mới được các vị kế nhiệm tiếp tục. Tôi đã có niềm vui được gặp gỡ Đức Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI cũng như ĐGH Phanxicô, sống kinh nghiệm những gì các vị có trong tim, không phải chỉ có con đường đại kết mà cả việc thăng tiến đối thoại với tất cả mọi người. ĐGH Phanxicô, người anh em của tôi trong Chúa Kitô, nhắc nhở rằng khi cùng tiến bước các kitô hữu mạnh mẽ hơn trong việc loan báo Chúa Kitô. Đối thoại là tương lai. ĐTC Phanxicô đã hiểu điều này, ngài thực thi và nhập thể nó. Trong đối thoại và với đối thoại, các kitô hữu được mời gọi cùng nhau sống hoà bình, công bằng, cứu vãn thụ tạo và yêu thương.

- Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của Giáo Hội.

Manila – Hôm thứ hai, 6-3-2017, chính quyền tổng thống Duterte đã thông báo chương trình đánh thuế các trường tôn giáo. Pantaleon Alvarez, chủ tịch Hạ viện, người đã miêu tả các Giám mục như “một đám giả hình”, nói rằng các trường của Giáo Hội nên bị đánh thuế để gia tăng thu nhập của chính quyền.

Đáp lại ý kiến của ông Alvarez, Đức Cha Pablo David của Kalookan nói rằng Giáo Hội sẽ không điều hành các trường học nếu chính quyền cung cấp chất lượng giáo dục tương xứng, đặc biệt là ở các trường tiểu học và trung học. Ngài nói: “Thực tế là chính quyền không thể. Ở trong Giáo Hội, chúng tôi luôn nghĩ là chúng tôi đang giúp cho chính quyền qua việc đem lại nền giáo dục chất lượng ở bất cứ nơi nào mà nhà nước không thể làm.” Đức Cha lưu ý là sự thất bại này có thể thấy nơi các trường công lập chật chội cũng như trong sự tồn đọng rất nhiều trong việc xây cất lớp học và tình trạng thiếu giáo viên. Theo Đức Cha, nguồn lực của chính phủ vẫn không đủ để cung cấp một nền giáo dục xứng hợp cho người dân.

Theo nhiều nhà phân tích chính trị, chính sách đánh thuế là hành động trả thì của chính quyền chống lại các giám mục. Trong nhiều tháng qua, Giáo Hội đã lên tiếng phê bình chống lại cuộc chiến ma túy và việc giết người không xét xử của tổng thống Duterte và là đối thủ quyết liệt của việc tái lập án tử hình.

- Tổ chức OICS trực thuộc LHQ mạnh mẽ lên án chiến dịch bài trừ ma túy do tổng thống Philippines phát động.

Từ Vienne, thủ đô nước Áo, ngày 2 tháng 3 vừa qua, tổ chức kiểm soát ma túy quốc tế, gọi tắt là OICS, trực thuộc LHQ đã mạnh mẽ lên án chiến dịch bài trừ ma túy ngoài vòng pháp luật do tổng thống Philippines phát động. Chỉ trong vài tháng, cuộc chiến chống ma túy tại Philippines đã gây ra hàng ngàn nạn nhân. Nhiều người bị hành hung hay sát hại chỉ vì bị nghi ngờ là dính líu đến ma túy. Tổng thống Rodrigo Duterte khích lệ những vụ sát hại sơ sài không cần xét xử này. Cảnh sát Phi cho biết đã bắn hạ 2.500 người buôn bán hay xử dụng ma túy và 4000 người khác thì bị giết trong những hoàn cảnh không được sáng tỏ.

Tổ chức kiểm soát tình hình ma túy quốc tế OICS có trụ sở tại Vienne, trong quá khứ, đã từng kêu gọi chính quyền Phi ngưng ngay các chiến dịch ngoài vòng pháp luật này. Trong phúc trình công bố hôm 2.tháng ba vừa qua, OICS cứng rắn tái lên án một lần nữa mọi hành động nhắm vi phạm các quyền con người và chà đạp nhân phẩm cách trầm trọng như thế.

Tuy không đả động đến dự định của tổng thống Phi muốn tái lập án tử hình cho những kẻ phạm tội buôn bán ma túy, phúc trình của tổ chức OICS khích lệ các quốc gia còn án tử hình hãy hủy bỏ án này đối với những tội phạm liên quan đến ma túy. Philippines đã xóa bỏ án tử hình cách đây 11 năm. Các đảng phái đối lập tại Philippine chống lại việc tái lập án tử hình vì trong những điều kiện tham nhũng thối nát tại nước này hiện nay, có nguy cơ nhiều người vô tội có thể bị kết án tử hình.

- Tích Lan: hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm - đã có 80.000 nạn nhân.

Khoảng một triệu người đang cần thực phẩm và hàng chục ngàn người đang cần cứu trợ một cách khẩn cấp vì nạn hạn hán nghiêm trọng ở Sri Lanka, Bangladesh. Đó là tóm lược cuả những lời báo động từ các tuyên bố của chính phủ Sri Lanka và cuả Liên Hiệp Quốc.

Trong năm vừa qua, đất nước này đã phải đối mặt với một nạn hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Trong một báo cáo gần đây, Trung tâm quản lý thiên tai cho biết đã có tới một triệu 200 ngàn người bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Khoảng 900,000 cần thực phẩm cấp bách, trong số này, khoảng 80.000 cần cứu trợ khẩn cấp.

Hạn hán ảnh hưởng đến 23 huyện trong tổng số 25 huyện cuả quốc gia. Theo ước tính thì một phần ba dân số đang gặp phải khó khăn về nguồn nước. Chính phủ đã phải bắt đầu phân phối nước đến 180 ngàn gia đình kể từ ngày 2 tháng ba.

- Thế giới có thể học được gì qua các nhân chứng Kitô hữu Ai Cập?

Các lãnh đạo của Giáo Hội Chính Thống Coptic ở Anh đã nói rằng, mặc dù các tín hữu Ai Cập là nạn nhân của nạn quấy nhiễu và bạo lực, họ đã sẵn sàng tha thứ theo một tiêu chuẩn Tin Mừng mà mọi người nên bắt chước. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài EWTN, Giám mục Anba Angealos, Giám mục tổng quyền của Giáo Hội Chính Thống Giáo Coptic ở Anh đã nhắc lại rằng các tín hữu Ai cập luôn trung thành với lý tưởng hòa bình và tha thứ… ĐGM nói rằng “Tôi cảm thấy tự hào về cách sống chứng nhân và gương mẫu của họ. Họ đã là một gương sống động cho chúng ta noi theo.

Chỉ trong 3 tháng gần đây thôi đã có trên 40 tín hữu bị giết, bao gồm vụ đánh bom ở nhà thờ Chính Tòa Thánh Mác-Cô của Giáo Hội Chính Thống ở Cairo vào tháng 12 đã làm thiệt mạng 29 người. Nhóm nhà nước Hồi Giáo ở khu vực Sina Ai Cập, đã nhắm mục tiêu vào các tín hữu ở đây nhằm đuổi họ ra khỏi khu vực này. Cuộc tấn công vào Al Arixh, một thành phố trong vùng Sinai đã làm cho 7 người chết và hằng trăm người đã phải sơ tán. Cuộc sống ở Ai Cập không dễ dàng chút nào cho các tín hữu Coptic, những người đã gắn bó trong cộng đồng Thánh Mác-Cô, vị tông đồ đầu tiên truyền đạo tại vùng này.
Các tín hữu ở đây chiếm 15% dân số Ai Cập, nhất là các tín hữu ở vùng nông thôn. Họ thường bị đối xử như công dân hạng hai, là nạn nhân của phân biệt chủng tộc và bạo lực. Nhà thờ của họ bị tấn công. Giám Mục Angaelos nhận xét, chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đã có những biểu hiện tích cực, nhưng hệ thống luật pháp và lực lượng anh ninh trật tự địa phương không đủ mạnh để có thể ngăn chặn tội ác và bắt giữ các thủ phạm.

- Phái đoàn Liên Hiệp Đại Học Công Giáo Quốc Tế thăm Học Viện Công Giáo Việt Nam.

Thứ Sáu ngày 3 tháng ba, 2017, Giáo sư François Mabille, Tổng Thư ký Liên hiệp Đại học Công Giáo Quốc tế (International Federation of Catholic Universities, gọi tắt là IFCU) và Cô Monserrat Alom, Trưởng Ban Dự Án của IFCU, đã đến thăm Học Viện Công Giáo Việt Nam. Ngay buổi sáng khi vừa đến Việt Nam, Giáo sư Tổng Thư Ký và vị Trưởng Ban Dự Án của IFCU đã thăm Cơ sở của Học Viện Công Giáo Việt Nam và buổi chiều có cuộc gặp gỡ chân thành và cởi mở với Đức Cha Viện trưởng Giuse Đinh Đức Đạo, Đức Cha Phụ tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn Giuse Đỗ Mạnh Hùng, và cha Vinh Sơn Nguyễn Cao Dũng Tổng Thư Ký của Học viện.

Giáo sư Mabille cho biết mục đích của chuyến thăm là để IFCU hiểu thêm những khó khăn và những nhu cầu cụ thể của Học Viện Công Giáo Việt Nam; đồng thời, tìm cách hỗ trợ cho Học viện trong giai đoạn khởi đầu còn nhiều khó khăn. Theo Giáo sư Mabille, IFCU sẽ có những giúp đỡ cụ thể cho Học viện về giáo viên giảng dạy ngôn ngữ, bước đầu là bộ môn Tiếng Anh và sách cho thư viện online, cũng như giúp thực hiện các nghiên cứu khoa học phục vụ cho mục vụ giáo dục và giới trẻ.

Liên hiệp Đại học Công Giáo Quốc tế, thành lập năm 1924 và hiện có hơn 221 thành viên bao gồm đại học và học viện Công Giáo trên toàn thế giới, có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức giáo dục Đại học Công Giáo, nghiên cứu và hành động cho sự phát triển tri thức, xây dựng xã hội và con người toàn diện. IFCU được Liên Hiệp Quốc công nhận như tổ chức Quốc tế Phi Chính phủ vào năm 1952.

Và để kết thúc kết thúc chương trình Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý khán thính giả một bản thánh ca mang tâm tình mùa Chay, viết về cuộc khổ nạn mà Chúa đã đi qua để minh chứng tình yêu trọn vẹn của Ngài đối với nhân loại. Bài thánh ca này mang tựa đề Thập Giá Tiếng Nói Tình Yêu của nhạc sĩ Đinh Công Huỳnh, hòa âm bởi nhạc sĩ Quang Phúc, được trình bày qua tiếng hát ca sĩ Đình Trinh. Chúng tôi kính mời quý vị cùng nghe!