(Vatican 2/11/2004). Giáo Hội Công Giáo tại Ấn Độ tiếp tục làm chứng tá cho Đức Kitô bất chấp những hành động khủng bố của người Ấn Giáo. Đức Hồng Y Telesphore Toppo đã cho biết như trên trong cuộc viếng thăm thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Đức Hồng Y Telesphore Toppo, Tổng Giám Mục Ranchi, đồng thời là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn đưa ra một nhận xét có tính chất tổng kết lịch sử: “Các phong trào cực đoan Ấn Giáo luôn luôn là một vấn nạn”.

“Các màn bạo lực của các phần tử cực đoan Ấn Giáo trong các khu vực bất thường như tại Kerala chứng tỏ sự tồn tại của những thế lực chống lại Giáo Hội Công Giáo. Nhưng chúng tôi không sợ. Những màn bạo lực khiến chúng tôi cẩn thận và thận trọng hơn nhưng chúng cũng tăng cường đức tin và chứng tá cuộc sống của chúng tôi. Đó là dấu chỉ chứng tỏ rằng cộng đoàn Công Giáo sống động và năng nổ và sự hiện diện của chúng tôi cũng như chứng tá của chúng tôi là hữu hình”.

Bình luận về tình hình xã hội và tôn giáo của Ấn vài tháng sau khi có chính quyền mới lãnh đạo bởi đảng Quốc Đại, Đức Hồng Y cho biết: “Chính quyền mới mang lại những thay đổi, và đó là dân chủ. Nhưng những đổi thay không xảy ra một sớm một chiều: chúng cần có thời gian”.

”Đảng quốc gia Ấn Giáo Baratiya Janata nắm quyền trong 6 năm. Di sản của thời gian cầm quyền này sẽ còn lưu lại thời gian nữa nhưng với đảng Quốc Đại lãnh đạo quốc gia, chúng tôi hy vọng một sự đổi thay trong não trạng. Cuộc bầu cử vừa qua là một thành công cho dân chủ và sự khoan dung và chúng tôi tin là chính quyền mới sẽ hoạt động để loại trừ những vấn đề lớn đang gây nhức nhối cho Ấn Độ, đó là: nghèo đó, dốt nát, và tình trạng bấp bênh về chăm sóc y tế”

”Tuy nhiên chúng ta cần nhớ rằng Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn và đó là quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới. Nền dân chủ hoạt động. Đó là điều an ủi và chúng tôi nhìn về tương lai với niềm lạc quan và trong tư cách những người tín hữu Công Giáo Ấn Độ, chúng tôi sẵn sàng đóng góp phần mình cho thiện ích quốc gia”.

“Giáo Hội tại Ấn thường bị nhìn bới thành kiến nghi kỵ và các công việc xã hội bác ái thường bị xem là để chiêu dụ tín đồ”.

Để vượt qua thành kiến sai lầm này, “Giáo Hội địa phương cần chứng yỏ khuôn mặt đích thực của mình trước công chúng. Đó là lý do tại sao việc Giáo Hội dấn thân trên cánh đồng truyền thông là rất quan trọng. Thiên Chúa là nhà truyền thông đầu tiên. Ngài truyền thông cho nhân loại khi sai Con Một Ngài đến trong thế gian. Ngày nay Giáo Hội được mời gọi để tiếp tục sứ mạng truyền thông Tin Mừng”.

“Trên phương diện này, chúng tôi cần phải cải thiện, chúng tôi cần hiện diện nhiều hơn trong các bang của Ấn để sự thật được lướt thắng và làm cho mọi người biết đến các hoạt động của Giáo Hội trên phương diện giáo dục, y tế và phát triển”.