Như đã thưa, Mùa Giáng Sinh năm nay, các ký giả Công Giáo đề cập nhiều tới các nghệ sĩ. Hôm qua, chúng tôi đã cho đăng tải một chương trình của Đài CBS nói về Ca Đoàn Sistine. Hôm nay, xin trích dịch một bài khác của Sean Salai, chủ bút một trang mạng của các tu sĩ Dòng Tên trẻ viết về một loại âm nhạc mà ông gọi là âm nhạc bí tích của nữ nghệ sĩ Công Giáo Alanna Boudreau.

Alanna Boudreau là một nhạc sĩ hiện sống với chồng là Kevin Mahon ở Cortland, N.Y. Các bài ca của cô bao gồm "Heart of the World" (Trái Tim Thế Giới), sáng tác sau khi đọc cuốn sách cùng tên của thần học gia Hans Urs von Balthasar và "Dappled Things" (Các Điều Có Đốm Sáng), dựa trên bài thơ “Pied Beauty” (Vẻ Đẹp Muôn Mầu) của Gerard Manley Hopkins, Dòng Tên.

Âm nhạc bí tích

Cô cho hay âm nhạc của cô không hẳn là âm nhạc Kitô Giáo vì cô không muốn người ta mong đợi ở đó các đặc tính như phụng vụ và thờ phượng. Dù là một người Công Giáo ngoan đạo, âm nhạc của cô không có âm sắc minh nhiên Kitô Giáo. Nó có các yếu tố mà người ta có thể gọi là “óc tưởng tượng bí tích” theo nghĩa: đức tin thông tri cho cách nhìn thực tại của tác giả và ý nghĩa của việc triển nở như một con người nhân bản. Các bài ca do cô sáng tác chủ yếu đề cập tới mối liên hệ và câu hỏi lớn liệu tôi có liên hệ gì với những sự việc trong đời vốn đem lại ý nghĩa và mục tiêu hay chăng. Nói một cách cụ thể, các bài ca này dựa trên các biến cố và các con người thực sự trong lịch sử đời sống của tác giả, và phản ảnh cái nắm bắt nội tâm của tác giả đối với các tâm tư như thân mật, vỡ mộng, tha thứ, lừa đảo, hòa giải, dễ bị thương tổn, hối tiếc và đổi mới.

Cô năng đọc các vần thơ của Thi Sĩ Dòng Tên Hopkins ngay từ lúc còn nhỏ: anh chị em cô vốn được học tại nhà và căn nhà này tràn ngập vô vàn các tác phẩm thi ca, nhiều cuốn long cả bìa. Cô bị thôi miên bởi cách dùng chữ của Hopkins và thường đọc to các vần thơ của nhà thơ này chỉ để thưởng thức niềm vui do cái mỹ miều của âm thanh (phonaesthetics) tạo ra. Một hôm, sau buổi kinh thần vụ, cô lật lật bài thơ ở cuối sách và đột nhiên cầm lấy chiếc guitar và bắt đầu hát bài thơ ấy. Cô đã lấy bài “Pied Beauty” đặt thành âm nhạc như thế.

Cô hy vọng rằng khi người nghe nghe âm nhạc của cô, họ có thể nhận ra rằng bất cứ trải nghiệm nào họ có thể có đều không xa lạ với người khác và họ không nên rơi vào sự dối trá cho rằng họ cô lập, không thể chấp nhận được hay không thể đạt được niềm vui và sự bình an.

Tương giao giữa âm nhạc và đời sống cầu nguyện

Về sự tương giao hay giao thoa giữa âm nhạc và đời sống cầu nguyện, cô cho hay trong lúc cầu nguyện, cô thường đọc một điều gì đó được cô chú ý và ở lại với cô sau đó. Thành quả của sự ngẫm nghĩ này thường xuất hiện trong âm nhạc của cô có khi cả mấy tháng, thậm chí, mấy năm sau. Cô cũng thấy cùng một chuyển động nội tâm buộc cô phải cầu nguyện đã thúc đẩy cô ngồi xuống, cầm guitar, và sáng tác nhạc.

Đức tin Công Giáo lẽ dĩ nhiên đi vào âm nhạc của cô. Cô cho rằng đức tin này đầy huyền nhiệm, tương phản và nghịch lý. Nó có tín lý vững chắc liên quan tới tính mục tiêu của đau khổ, và nó cung hiến cho ta cái hiểu sâu sắc về dục tính và căn tính con người (cảm ơn Chúa vì Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và những ai trước ngài đã đặt cơ sở). Cô cũng thấy các khía cạnh của đức tin này đầy tính ủi an, thách thức, soi sáng và đáng để khám phá: các khám phá này thường xuất hiện thành lời ca của cô.

Về các ơn ích của việc vừa là người Công Giáo vừa là một nhạc sĩ, cô cho rằng một trong các ơn ích này là có được một trí tưởng tượng sống động để làm việc, cũng như một niềm khao khát sâu xa đối với tính hợp lý và tính ý hướng. “Chúng ta có một truyền thống hết sức phong phú để rút tỉa: rất nhiều nghệ thuật, văn chương, âm nhạc và tính nhân bản”.

Cô cho rằng một trong các thách thức lớn nhất vốn là việc xem xem người ta thường mưu toan ra sao trong việc quá linh thiêng hóa sự vật. Thí dụ, mới đây cô đọc được một bài báo trong đó, tác giả lấy một bài hát của cô rồi giải thích một cách quá theo Kitô Giáo đến nỗi kết cục nghe như nó ướt át và không thành thực. Cô cho rằng lần đầu tiên xẩy ra như thế, và điều ấy làm cô bối rối và thất vọng.

Diễn trình sáng tác

Cô sáng tác về các mối liên hệ nhân bản: chúng rối rắm, đủ sắc thái, bỏ ngỏ, hết sức trục trặc và tha thiết mong được hoàn hảo, dù là vẫn đang ở bên này của thiên đàng. Không phải bài hát nào cũng phải nói về thần học hợp nhất ngôi vị (hypostatic union) mới được kể là tốt hay có ý nghĩa. Là các Kitô hữu, “chúng ta được kêu gọi không khoan nhượng trong việc đề cao chân lý, nhưng chúng ta không được kêu gọi để xấc xược hiển nhiên đến độ quên cả ý nghĩa của việc phải liên hệ với người khác như những con người. Rao Tin Mừng từ sân thượng chỉ hữu hiệu bao lâu bạn biết đánh giá sự kiện này: Thiên Chúa yêu các con người trong cả những khía cạnh tinh tế của nhân cách họ, tại cả những nơi không ngăn nắp, hiển nhiên, đo lường được hay sẵn sàng thay đổi.

Về diễn trình sáng tác, cô cho hay: “tôi nghĩ nó bắt đầu với những gì tôi đã ‘cho vào bụng’! Tôi đọc hàng tấn và lắng nghe rất nhiều âm nhạc. Như một qui luật, tôi tránh xa “Top 40” (40 bài ca hay tác giả hàng đầu); tôi rất thích nghĩ rằng tôi không thích những giai điệu ngọt xớt kiểu nhạc pop kẹo cao xu, tôi không thế! Vì nhạc bình dân hiện nay sao mà thiếu đầu óc đến thế, nó đi vào tâm trí và âm thầm bơm vào thứ sứ điệp chỉ biết đến mình và tiện lợi cho mình. Do đó, tôi cố gắng bám vào thứ âm nhạc hơi hơi, có thể nói như thế, thận trọng một chút, loại âm nhạc mô tả chính xác hơn toàn bộ hiện hữu con người. Các sách tôi đọc cũng thế.

“Một cách đặc trưng, diễn trình soạn nhạc thường diễn ra trong những lúc yên tĩnh, khi không có quá nhiều sinh hoạt diễn ra ở bên ngoài. Lúc ấy, tôi cảm thấy một sự yên tĩnh thúc giục tôi ngồi xuống, một mình với chiếc guitar (hay chiếc piano), và rồi tôi bắt đầu chơi một giai điệu hay ngâm nga một điều gì đó trên phím đàn. Trong giây lát, lời ca và giai điệu bắt đầu cùng một lúc ào tới. Giàn giáo chính (tức ý tưởng chủ chốt và cấu trúc bài ca) xuất hiện sau đó chừng 15-20 phút. Đôi khi tôi trở lại và thay đổi các bài ca, sửa lại lời, sửa lại cách đặt câu… nhưng tôi cố gắng không đụng đến chúng quá nhiều một khi chúng đã được soạn xong. Chúng xuất hiện như những tác phẩm trọn vẹn, không biết từ đâu xuất hiện, đột nhiên và sáng tạo rơi xuống. Khi tôi hợp tác soạn các bài ca với người khác trong những khung cảnh có xếp đặt, phương thức thông thường của tôi là bộc phát và để tự do tuôn chẩy. Rồi cảm hứng bỗng biến mất, và tôi tự hỏi liệu nó có trở lại hay không”.

Ơn gọi trong Giáo Hội

Về ơn gọi và tâm tư thoải mái trong Giáo Hội Công Giáo, Boudreau thổ lộ rằng cô luôn khao khát cuộc sống hôn nhân, được làm vợ, làm mẹ, trở thành trái tim của một gia đình. Lúc còn học trung học và đại học, có lúc cô cũng đã tìm hiểu đời sống tu sĩ, nhưng suy nghĩ của cô luôn quay trở lại với cuộc sống hôn nhân trần thế.

“Và thế là tôi luôn cởi mở đối với việc hẹn hò và các mối liên hệ suốt thời gian học đại học và sau đó, dù cũng như trong bất cứ ơn gọi nào, vẫn có những lúc không điều gì xem ra êm xuôi cả, và tôi cảm thấy như mình chờ đợi quá lâu trong trạng huống nắm trái tim trong tay. Phải đợi tới 2 năm sau ngày tốt nghiệp đại học và khá nhiều liều luợng nhức tim, người hiện là chồng tôi và tôi mới bắt đầu hẹn hò đi lại, dù đã biết nhau từ hồi còn ở đại học. Thực sự khó có thể nói rằng tôi “đã tìm” được ơn gọi của mình; hình như không phải Kevin đang đứng đợi sau phiến đá để tôi tìm ra chàng, cũng không phải tôi đã vật lộn lâu nay không biết kết cục mình sẽ kết hôn hay làm nữ tu! Đúng hơn, đây giống như một cuộc thức tỉnh nhiều hơn, một việc nhận ra điều gì đó đúng và thích đáng, và các câu hỏi ngoại vi vốn lên đặc điểm cho đời tôi cho tới lúc chúng rơi rụng khi Kevin và tôi bắt đầu hẹn hò. Thánh Lễ, bất kể tôi đang ở đâu trên Quả Địa Cầu vào một lúc nào đó, luôn làm tôi cảm thấy thoải mái như ở trong nhà. Thánh Thể lên cơ sở cho tôi".

Boudreau thổ lộ thêm rằng “Tôi đã nhắc tới ngài trước đây, nhưng Thánh Gioan Phaolô II luôn là một trong những vị anh hùng của tôi. Gương sáng của ngài, sự ấm áp của ngài, lối sống của ngài, các trước tác của ngài và sự lôi cuốn của ngài đối với tuổi trẻ ảnh hưởng tới đời tôi hơn hẳn bất cứ nhân vật Công Giáo nào khác. Thánh Têrêxa thành Avila cũng là một nguồn cảm hứng: tôi trân quí tính thực tiễn và trung thực thiêng liêng của ngài”.

Ngoài ra cô còn kể các nhân vật Công Giáo khác như “Caryll Houselander, Edith Stein và Alice Von Hildebrand vốn gây cảm hứng cho tôi như những phụ nữ thông minh, trung trinh, biết sử dụng tài năng của mình làm vinh danh Thiên Chúa và thăng tiến con người. Chồng tôi cảm hứng khiến tôi sống quảng đại, mềm mỏng và nhất quán hơn; gương nhân đức của chàng mời gọi tôi tiếp tục tiến tới. Cha linh hướng của tôi, Cha John Nepil, bằng chức linh mục, đã gây cảm hứng để tôi sống ơn gọi hôn nhân của tôi bằng cả con người của mình”.

Hành trình tâm linh

Nhân dịp này, cô thuật lại hành trình tâm linh của cô. “Lúc còn nhỏ, tình yêu tôi dành cho Chúa Giêsu rất mạnh mẽ, không thắc mắc và rất đơn thành. Mỗi tuần, khi tôi còn rất nhỏ, mẹ tôi thường đem tôi đi chầu Mình Thánh, và dầu, vào lúc đó, tôi chưa suy niệm gì về mầu nhiệm biến thể hay ưu tư về một số nan đề hóc búa thuộc nhận thức luận, tôi vẫn xúc động sâu xa qua việc cảm nhận được sự hiện diện (của Chúa) trong lúc thờ lạy, và tôi tiến tới chỗ hiểu rằng Chúa đang chờ đợi tôi trong thinh lặng, Người triệt để sẵn sàng có đó, và sự bình an cùng thanh tĩnh Người dâng hiến quả là phản đề cho sự náo động của trần gian (và của chính những ham muốn ồn ào trong tôi).

“Khi khôn lớn hơn, có rất nhiều khoảnh khắc (và mùa) trong đó đức tin của tôi bị thử thách và thử nghiệm: vấn đề sự ác đụng đến đời sống của bất cứ ai theo một mức độ nào đó, và khi chúng ta bị quật ngã đến vỡ mộng và đau đớn tê dại, thì khó có thể ‘cảm thấy’ mình còn đủ đức tin. Hơn nữa, việc xuất hiện của Kỹ Thuật cộng với các khám phá to lớn trong lãnh vực khoa học đã khiến cho xã hội ta coi tôn giáo và việc sùng kính là lỗi thời hoặc, tệ hơn, không còn liên hệ gì nữa. Là một người thích suy nghĩ qua sự vật và khát khao sự trung thực bản thân và tri thức, tôi không khỏi không chịu ảnh hưởng của các phong trào đang diễn ra chung quanh mình: nhưng tôi cũng không bị chúng thuyết phục để tin rằng cộng lại chúng đã biến cuộc đời thành một tương hợp tình cờ, một tụ hội may mắn các nguyên tử không một đường bay vĩnh cửu.

“Với tôi, hình như việc tin vào sự vô nghĩa của mọi vật thể khó nhá hơn là tin vào Thiên Chúa, nhất là khi tôi nhìn lại đời mình, một đời từng được gìn giữ, nâng cao, đổi mới và được phú ban cho cả một tính chuyên biệt và quan phòng đến phải lưu ý. Tôi đã gặp gỡ Chúa Giêsu và tôi không thể quên được Người hoặc tình yêu của Người. Nếu tôi phải bỏ đức tin của mình, thì cuộc chiến đấu để trốn chạy tình yêu của Chúa Kitô hẳn phải kiệt sức hết sức và, cuối cùng, vô ích. Người ta không thể ‘cởi bỏ việc gặp gỡ’ Chúa Kitô, Đấng, theo lời Đức Gioan Phaolô II, vốn là ‘việc bác bỏ sự cô đơn một cách sống động’”.

Các bản nhạc của Boudreau có thể tìm thấy tại trang mạng www.alannaboudreaumusic.com. Cô cũng có một blog tại www.alannaboudreau.wordpress.com.