Tông thư "Mane Nobiscum Domine" (Bánh Chúa ban cho chúng ta) của Đức Gioan Phaolô II

Vatican ngày 8/10, Đức Hồng Y Francis Arinze, chủ tịch Uỷ Ban Phụng Tự và Bí Tích của Tòa Thánh đã công bố Tông Thư "Mane Nobiscum Domine" của ĐTC. Tông thư được viết bằng tiếng Ý và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Ngày 10/6/2004 khi cử hành trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Đền thờ thánh Gioan Lateranô, ĐTC đã công bố Năm Thánh Thể cho toàn thể Giáo Hội, năm Thánh Thể được bắt đầu từ tháng 10/2004 và kết thúc vào tháng 10/2005. Hôm nay ĐTC cho công bố một Tông thư sâu sắc "Mane Nobiscum Domine," để hướng dẫn và giúp mọi thành phần trong Giáo Hội kín múc được những lợi ích to lớn trong Năm Thánh Thể này.

Tông thư gồm phần Nhập đề, tiếp theo là 4 chương và Kết luận.

****************

Nhập Đề

Trong phần nhập đề ĐTC tập trung vào hoạt cảnh Tin mừng hai môn đệ trên đường Emmaus để triển khai chủ đề của toàn Tông thư. Sau khi đưa ra lý do tại sao có Năm Thánh Thể, như sự tiếp nối dư âm của Thánh Công Đồng Vaticanô II và Đại Năm Thánh 2000 (Chương 1), ĐTC tập trung vào Mầu Nhiệm Thánh Thể như là mầu nhiệm của sự sáng (Chương 2); Thánh Thể, nguồn và sự biểu tỏ hiệp thông (Chương 3); và cuối cùng Thánh Thể, chân lý nền tảng lý của truyền giáo (Chương 4).

Năm Thánh Thể mời gọi Giáo Hội đặc biệt sống mầu nhiệm của Thánh Thể. Chúa Giêsu tiếp tục đồng hành với chúng ta và đưa dẫn chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, soi dẫn chúng ta thấu triệt ý nghĩa thâm thúy của Thánh Kinh. Cao điểm của phút giây gặp gỡ là lúc Chúa Giêsu bẻ “bánh sự sống” cho chúng ta.

Rất nhiều lần dưới triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Ngài đã mời gọi Giáo hội suy niệm về Thánh Thể qua các lời giảng dậy của các Giáo phụ, của các Công đồng và của các Vị tiền nhiệm của Ngài. Năm ngoái ĐTC đã công bố Thông điệp "Ecclesia de Eucharistia." Chủ đề này lại được quảng diễn trong Tông thư này.

ĐTC đề cập tới hai biến cố quan trọng đánh dấu khởi điểm và kết thúc Năm Thánh Thể là Đại hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 48 diễn ra tại Guadalajara (Mexico), từ 10-17/10 và Hội Đồng Giám mục lần thứ 11 sẽ được nhóm họp tại Roma từ ngày 2-29/10/2005. Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ tổ chức tại thành phố Cologne từ 16-21/8/2005 cũng diễn ra trong Năm Thánh Thể.

ĐTC trao phó mọi việc trong Năm Thánh Thể dưới sự chăm lo mục vụ của các Giám mục. Chiều sâu của Mầu Nhiệm Thánh Thể không chỉ được đưa vào các kế hoạch mục vụ của từng Giáo Hội địa phương, của các giáo phận mà còn được tỏa sáng cho mọi người. Mầu nhiệm Thánh Thể là căn rễ, là nền tảng và bí quyết đời nội tâm của mỗi người môn đệ Chúa Giêsu cũng như của từng thành viên trong Giáo Hội địa phương. Cho nên chiều kích Thánh Thể phải bàng bạc trong mọi sáng kiến và kế hoạch mục vụ.

Chương 1: Dư âm của Thánh Công Đồng Vaticanô II và Năm Thánh 2000

ĐTC nhấn mạnh Năm Thánh Thể tập trung vào Chúa Giêsu Kitô và chiêm ngắm diện mạo của Ngài, một diện mạo được Công đồng Vatican II nhấn mạnh. Một diện mạo mà tất cả mọi nỗ lực truyền giáo và mục vụ của Giáo hội đều tập trung vào. Trong Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, không chỉ mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa cho chúng ta mà còn mặc khải mầu nhiệm nhân thế cho chúng ta nữa.

Đức Gioan Phaolô II đã khai triển chủ đề này trong Thông điệp thứ nhất "Redemptor Hominis" của Ngài. Vào năm 1994, Ngài lại nhắc đến trong Thông điệp "Tertio Millennio Adveniente", một thông điệp sửa soạn Giáo Hội bước vào kỷ nguyên ba ngàn trong năm Đại Thánh 2000. Trong Thông điệp này ĐTC nói Năm Thánh là một năm Thánh Thể kéo dài (số 55). Chủ đề Thánh Thể tiếp tục được đề cập tới trong các văn kiện "Dies Domini" nhất là trong "Novo Millennio Ineunte," trong nhiều văn kiện viết cho kỷ nguyên ba ngàn, trong Tông thư về Kinh Mân Côi "Rosarium Virginis Mariae," mà năm Mân Côi được khởi xướng từ ngày 16/10/2003 tới nay. Vào mùa xuân năm đó ĐTC công bố một Thông điệp tuyệt tác về Thánh Thể "Ecclesia de Eucharistia," được ký vào Thứ Năm Tuần Thánh trong Thánh lễ Tiệc Ly ngày 17/4/2003.

Chương 2: Thánh Thể, Mầu Nhiệm Sự Sáng

Thánh Thể được gọi là mầu nhiệm Sự Sáng vì nhiều lý do. Trước tiên Chúa Giêsu tự xưng Ngài "Sự sáng của trần gian" (John 8:12). Trong tăm tối của niềm tin, Thánh Thể đã trở thành ánh sáng dẫn đưa người Kitô hữu đi vào thâm sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh Thể đã và đang nuôi dưỡng các môn đệ Chúa qua hai bàn tiệc: bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Bánh sự sống. Trong phần đầu của Thánh Lễ, Sách Thánh được công bố hầu soi dẫn tâm tư và đốt lòng chúng ta sốt mến đi vào bàn tiệc Thánh Thể. Bài giảng giúp ta thấu triệt lời Chúa và đem Lời Chúa áp dụng vào cuộc sống. Chắc chắn Thánh Thể cũng có những dấu chỉ mở lòng tín hữu như hai môn đệ trên đường Emmaus để nhận ra Chúa Giêsu như lúc Người bẻ bánh.

Thánh Thể là một yến tiệc, nhưng trước tiên là một yến tiệc hiến tế: Chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.

Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu Kitô hiện diện thật sự. Mầu nhiệm này là mầu nhiệm trọng đại nhất của niềm tin như luật phụng vụ đề cập tới. Năm Thánh Thể là thời gian để tìm hiểu cặn kẽ hơn về luật phụng tự "Institutio Generalis," được in trong Sách lễ Roma ấn bản mới. Có thế Năm Thánh Thể mới mang lại hoa trái dồi dào cho tín hữu.

Cách thức cử hành Thánh Thể phải được sốt sắng cử hành với trọn tâm tình ý thức Chúa Giêsu Kitô đang hiện diện. Những lúc thinh lặng trong thánh lễ không được bỏ qua. Những lúc ngắm nhìn Chúa đang hiện diện trong nhà tạm để nói lên lòng yêu mến của chúng ta với Chúa. Tại các giáo xứ cũng như các cộng đoàn tu sĩ cần được tổ chức những giờ chầu Thánh Thể ngoài Thánh lễ. Việc sửa soạn, chiêm ngắm và suy niệm Thánh Kinh, ngắm suy về Chúa Kitô là những việc có thể làm trong những giờ chầu. Việc kiệu Thánh Thể cũng được khuyến khích như một việc làm tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Thánh Thể Chúa.

Chương 3: Thánh Thể, nguồn biểu tỏ của sự thông hiệp

Các môn đệ trên đường Emmaus đã mời Chúa lưu lại “với” các ông (Luca 24:29). Chúa không những lưu lại mà còn thể hiện việc lớn lao hơn là trao hiến chính Ngài qua Thánh Thể để ở “trong” các ông: "Hãy ở lại trong Thầy cũng như Thầy ở trong các con" (Gioan 15:4). Hiệp thông Thánh Thể tức là chia sẻ thâm sâu giữa Chúa Kitô với người lãnh nhận Thánh Thể. Thánh Phaolô đã đề cập tới trong thư gửi tín hữu thành Corintô: "Vì chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta chia sẻ trong cùng một Tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể." (1 Corintô10:17).

Thánh Thể cũng diễn tả sự hiệp thông trong Giáo Hội và mời gọi mọi tín hữu san sẻ của cải vật chất cũng như thiêng liêng. Sư hiệp thông này được biểu tỏ cách đặc biệt khi Giám mục cùng các linh m?c và giáo dân cử hành Thánh Thể trong nhà thờ tòa chính tòa của giáo phận để nói lên sự hiệp thông của Dân Thánh Chúa.

Các giáo xư nên cử hành Thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần cách đặc biệt trong suốt Năm Thánh Thể này.

Chương 4: Thánh Thể, Chân lý nền tảng và mục tiêu của truyền giáo.

Sau khi nhận ra Chúa, hai môn đệ trên đường Emmaus đã trỗi dậy lên đường trở lại Giêrusalem tức khắc để chia sẻ niềm vui với các tông đồ và các môn sinh khác. (Luca 24:33). Gặp gỡ Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể thúc đẩy Giáo Hội cũng như mỗi người tín hữu chúng ta ra đi làm chứng tá Tin Mừng Chúa. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa và chớ sao nhãng việc tỏ bày đức tin của chúng ta cho người đời. Thánh Thể Chúa kiết liên mọi người trong tình huynh đệ, biến chúng ta thành khí cụ hòa giải hòa hợp và hòa bình cũng như chia sẻ với những người túng thiếu.

Năm Thánh Thể mời gọi các giáo phận cũng như các đoàn thể trong các giáo xứ hãy quan tâm tới những người nghèo khổ, ốm đau bệnh tật trong xã hội, đặc biệt tại các nước đang phát triển; tới những người gìa cả, những người cô thế cô thân, những người thất nghiệp và tỵ nạn... Mức độ bác ái chính là thước đo của đời sống Bí tích Thánh Thể của chúng ta.

Kết luận

ĐTC cầu nguyện cho Năm Thánh Thể sẽ trở thành cơ hội qúi báu cho tất cả mọi người đạt tới một ý thức và hiểu biết mới mẻ về kho tàng vô song Chúa đã để lại cho Giáo Hội.

Dù Ủy Ban Phụng Vụ và Bí tích đề nghị những chương trình và kế hoạch nhưng ĐTC kêu mời các vị chủ chăn của các Giáo Hội địa phương hãy có những sáng kiến thích hợp cho hoàn cảnh và nơi chốn của các ngài, theo nhu cầu và lợi ích của đoàn chiên các ngài trông coi.

Chắc chắn các thánh lễ ngày Chúa Nhật và các giờ chầu Thánh Thể cần phải được chú ý đặc biệt.

Đức Gioan Phaolô II kêu gọi mọi thành phần trong Giáo Hội - các Giám mục, linh mục, thừa tác viên, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân đặc biệt giới trẻ hãy làm hết khả năng của mình để Năm Thánh Thể được thành qủa. ĐTC cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương của chúng ta, giúp mỗi người chúng ta học đòi được sự thông hiệp của Mẹ với Con của Mẹ trong mầu nhiệm Bí tích cực thánh này.

Trong khi Giáo Hội sửa soạn khai mạc Năm Thánh Thể, bức Tông thư sâu sắc "Mane Nobiscum Domine," này được ĐTC ký ngày 7/10/2004 sẽ trở thành ánh sáng soi dẫn chúng ta, trở thành ngôi sao hướng đạo chúng ta, trở thành nguồn khích lệ và dìu dắt chúng ta trên bước đường hành trình dương thế của mỗi người.