CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN C
  • Lc 17,11-19
I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1) Ý CHÍNH : Bài Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần :

Phần I : Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã chữa cho mười người phong cùi được khỏi do lòng tin của họ được biểu lộ qua lời cầu xin và thái độ vâng lời Người dạy.

Phần II : Trong 10 người được khỏi bệnh chỉ có một người Samari là trở lại tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Đức Giêsu. Người đã trách những kẻ còn lại như sau : “Thế còn chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” Sau đó Người cho người này về và còn cho biết : “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

2) CHÚ THÍCH :
  • Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong cùi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng : “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi !” (Lc 17,11-13) :
+ Trên đường lên Giêrusalem : Đây là lần thứ ba thánh Luca nói tới việc Đức Giêsu đi lên Giêrusalem (Lc 9,51; 13,32). Thành Giêrusalem là đích điểm của cuộc hành trình, và cũng là nơi kết thúc cuộc đời của Đức Giêsu trước khi Tin Mừng được rao giảng đi khắp thế giới (x. Lc 24,47).

+ Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê : Để lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã đi qua đồng bằng sông Giođan và Giêricô (x. Lc 18,35).

+ Người vào một làng kia thì có mười người phong cùi đón gặp Người : Đức Giêsu chưa vào làng, thì có mười người phong cùi đã đón gặp Người. Để tránh cho nhiều người khỏi bị ô uế, Luật Môsê buộc những người cùi phải sống cách xa chỗ ở của dân chúng (x. Lv 13,46).

+ Họ dừng lại đằng xa : Đối với người Do thái, thì bệnh cùi không những là bệnh đáng ghê sợ về thể xác, mà còn là hình phạt mà Đức Chúa dành cho những tội nhân (x. Đnl 28,27). Thời xưa khi khoa học chưa tiến bộ, nên khi thấy một số triệu chứng nghi ngờ trên da bệnh nhân, các tư tế dễ qui cho người ta bị mắc bệnh này (x. Lv 13,9-17). Người mắc bệnh phong cùi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và khi thấy người lành đến gần thì phải kêu lên “Ô uế ! Ô uế !” cho người ta tránh xa (x. Lv 13,45).

+ “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi !” : Chữ “Thầy” ở đây bày tỏ một lòng tin tưởng sâu xa. Chữ này chỉ thấy trong Tin Mừng Luca và do các môn đệ xử dụng (x. Lc 5,5; 8,24-45; 9,33.49). Trong câu này là trường hợp duy nhất tước hiệu Thầy do các người phong cùi dùng. Họ không những coi Đức Giêsu là một Ráp-bi, mà còn là Đấng quyền năng giàu lòng nhân ái mà họ từng nghe biết.
  • Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ : “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Đang khi đi thì họ đã được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari (Lc 17,14-16) :
+ “ Hãy đi trình diện với các tư tế” : Khi ra lệnh cho các người cùi đi trình diện với các tư tế, Đức Giêsu đã gián tiếp chữa bệnh dựa vào lòng tin của các bệnh nhân. Sau đó, nhờ vâng lời Đức Giêsu là đến với các tư tế để họ chứng nhận cho mình đã khỏi bệnh (x. Lv 13,49). Quả thật, khi đi đường thì họ thấy mình được lành sạch. Qua phép lạ này, Đức Giêsu đã chứng tỏ Người vừa là Đấng quyền năng, lại vừa trung thành giữ Lề Luật (x. Lv 14,2-3).

+ lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa : Luca thích ghi nhận thái độ của người nhận được phép lạ là tôn vinh Đức Chúa (x. Lc 5,25-26; 7,16; 13,13; 17,15.18; 18,43; 19,37).

+ Anh ta lại là người Samari : Người Do thái coi người Samari là hạng người đáng khinh. Thế mà người Samari này lại tỏ lòng biết ơn bằng việc quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Qua đó ta hiểu rằng Đức Giêsu đến là để cứu chuộc mọi người, không phân biệt Do thái với dân ngoại.
  • Đức Giêsu mới nói : “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” Rồi người nói với anh ta : “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,17-19) :
+ “Không phải cả mười người đều được sạch sao ?” : Đức Giêsu đón chờ tất cả 10 người đều quay trở lại. Nhưng chỉ có người Samari là bày tỏ lòng biết ơn bằng cách trở lại tôn vinh Thiên Chúa qua Chúa Giêsu. Chín người kia là người Do thái đã không trở lại cám ơn, có lẽ họ nghĩ rằng mình là dân Do thái được ưu tuyển, nên có quyền đòi Chúa phải ban ơn mà họ không cần phải cám ơn Người.

+ “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” : Đức Giêsu ưu ái cách riêng với người Samari ngoại đạo, vì anh đã bày tỏ lòng biết ơn. Người cho biết : ơn cứu độ được ban cho người ta không căn cứ trên nguồn gốc Do thái hay dân ngoại, nhưng căn cứ trên lòng tin. Một lòng tin thực sự phải được biểu lộ không những bằng lời xin ơn, mà còn bằng việc biết ơn Chúa và tôn vinh Người khi được ơn Chúa ban.

II. HỌC SỐNG LỜI CHÚA :

CHỦ ĐỀ 1 : TÔN VINH CHÚA : BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI NHẬN ƠN

1) LỜI CHÚA : “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ? “ (Lc 17,17-18).

2) CÂU CHUYỆN 1 :

- TÔN VINH CHÚA BẰNG NHỮNG BÀI THƠ SIÊU THOÁT :

HÀN MẶC TỬ sinh năm 1912, bị mắc bệnh phong cùi và chết khi mới được 28 xuân xanh. Tuy không được Chúa cho khỏi bệnh phong cùi về mặt thể xác, nhưng ông lại được ơn có một đức tin lạ lùng, biểu lộ bằng những vần thơ siêu thoát thánh thiện. Nhà thơ Chế lan Viên đã hết lời ca ngợi ông như sau : “Hàn Mặc Tử là đỉnh cao chói lòa trong văn học đầu thế kỷ, thậm chí của các thế kỷ”. Hàn Mặc Tử chói lòa bằng những vần thơ như sau : “Ave Maria linh hồn tôi ớn lạnh. Run như run thần tử thấy long nhan. Run như run hơi thở chạm tơ vàng. Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến”. Nhạc sư Hải Linh đã phổ nhạc bài thơ trên với cung điệu thần nhạc đầy ơn phúc.

Ơn phúc của Hàn Mặc Tử không phải là được khỏi bệnh phần xác, nhưng ơn phúc ông được là trở nên một nhà thơ của Nước Trời. Chính đức tin của Hàn Mặc Tử cũng đã chữa thân xác nặng trĩu đau khổ bằng những bài thơ tuyệt diệu, cảm tạ tôn vinh Mẹ Chúa Thiên Đình. Đức tin của ông đã làm dịu đi đôi bàn tay đang bị gậm nhấm, quên đi đôi mắt đã bị mù lòa, để tâm tư lắng đọng trong dòng nước ơn thánh, cho hồn bay bổng, lặng nghe trời giải nghĩa thế nào là tình yêu : “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, Để nghe dưới đáy nước hồ reo, Để nghe tơ liễu rung trong gió, Để nghe trời giải nghĩa chữ yêu”.

Đức tin của Hàn Mặc Tử đã giải thoát tâm hồn ông khỏi cảnh cô đơn đày đọa, để hòa nhập vào thần nhạc sáng hơn trăng, ngợp trong vạn ánh hào quang ngời chói : “Hồn tôi bay tới bao giờ mới đậu, Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang”.

- TÔN VINH CHÚA BẰNG HÀNH ĐỘNG QUÊN MÌNH PHỤC VỤ THA NHÂN :Trong một chuyến bay từ Rôma về Nữu Ước, Tổng Giám Mục Phun-tơn Sin (FULTON SHEEN) đang chăm chú nhìn cô tiếp viên hàng không xinh đẹp đang đi lại phục vụ hành khách. Thấy cử chỉ lạ lùng của vị Giám Mục, cô tiếp viên mạnh dạn đến gần và hỏi : “Thưa Đức Cha, có chuyện gì mà Đức Cha lại nhìn con như thế ? Vị Tổng Giám Mục mỉm cười đáp : “Vì đôi mắt của con đẹp lắm ! Con phải cám ơn Chúa thật nhiều, vì Người đã ban cho con có đôi mắt đẹp như thế”. Cô tiếp viên hỏi : “Vậy con phải làm gì để cám ơn Chúa đây ?” Bấy giờ vị Tổng Giám Mục nhìn thẳng vào mặt cô và nói : “Con ơi, Chúa đã lấy tất cả cái đẹp của nhiều người phong cùi ở trại cùi Di Linh Việt Nam mà tặng cho con đấy. Nếu con muốn cám ơn Chúa thì hãy mau đến nơi đó mà phục vụ những bệnh nhân cùi đang đau khổ kia. Sau đó một thời gian, người ta thấy một chị nữ tu có khuôn mặt xinh đẹp đang tận tụy rửa sạch và băng bó các vết thương lở loét cho các người cùi tại trại cùi Di Linh. Người nữ tu đó không ai khác hơn là cô tiếp viên hàng không đã nói chuyện với Tổng Giám Mục Phun-tơn Sin cách đó ít lâu. Cô đã vâng lời dâng hiến cuộc đời để đến nơi hẻo lánh phục vụ những bệnh nhân cùi.

3) SUY NIỆM :

- Mười người phong cùi đón gặp Đức Giêsu. Họ chỉ dám đứng xa và nài xin Người thương xót. Đức Giêsu không chữa cho họ ngay để thử thách lòng tin của họ. Người bảo họ hãy đi trình diện với tư tế như thể họ đã được khỏi bệnh rồi. Mười người phong này đã vâng lời Người lên đường. Trên đường đi, tất cả bọn đều đã được khỏi bệnh. Sau đó 9 người Do thái không còn nhớ tới Đức Giêsu nữa. Riêng người Samari thi quay trở lại để tỏ lòng biết ơn Người. Anh ta tôn vinh quyền năng Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Đức Giêsu.

- Đức Giêsu ngạc nhiên hỏi : “Thế còn chín người kia đâu ?”. Khi hỏi như vậy, không phải Người muốn đòi được cám ơn, nhưng Người mong họ quay lại gặp Người để ban cho họ đức tin là ơn đáng quí hơn ơn được khỏi bệnh.

- Thế thì chín người kia đâu ? Nhóm 10 người được chia thành hai nhóm nhỏ : Nhóm một người Samari biết cám ơn và nhóm chín người Do thái vô ơn. Mỗi người chúng ta hãy tự xét mình : Tôi thuộc nhóm nào trong hai nhóm trên ? Có khi tôi thuộc nhóm chín người khi không biết cám ơn Chúa. Không cám ơn vì đã quá quen, đến độ coi ơn đó chỉ là một điều tự nhiên, không cần phải quan tâm để cám ơn.

- Thật ra biết ơn phải là tâm tình chủ yếu chi phối lời cầu nguyện và cuộc sống của chúng ta. Toàn bộ cuộc đời chúng ta là một chuỗi những hồng ân và chúng ta phải sống cuộc đời mình như một lời tạ ơn không ngừng. Tạ ơn là thấy được Tình Thương của Chúa ấp ủ và quyết tâm làm mọi sự để đáp lại Tình Thương đó. Chúng ta đã nhận được biết bao ơn Chúa ban, qua những người xa lạ hay thân quen. Cuộc đời của ta là một quà tặng của Thiên Chúa. Ước gì nó trở thành quà tặng mà chúng ta sẵn sàng chia sẻ cho mọi người.

4) THẢO LUẬN :

- Theo bạn, tại sao ngày nay nhiều bạn trẻ vẫn thường tỏ ra vô ơn đối với cha mẹ, thầy cô…là những người đã làm ơn cho mình ?

- Có khi nào bạn tạ ơn Chúa vì những khó khăn và những vấp ngã trong cuộc sống không ? Bạn có cảm thấy những điều rủi ro thất bại trong đời bạn có thể là những hồng ân do Chúa gửi đến mà bạn phải cám ơn Người hay không ?

CHỦ ĐỀ II : GIÁO DỤC LÒNG BIẾT ƠN

1) CÂU CHUYỆN 1 : NHIỆM VỤ CỦA CHA MẸ LÀ PHẢI DẠY CON BIẾT ƠN.

Một hôm có người hỏi đùa một người dân sống ở miền Nam Hoa Kỳ rằng : “Miền Nam bắt đầu từ đâu vậy ?” Ong ta kiêu hãnh trả lời : “Từ chỗ mà bạn gặp thấy những đứa trẻ luôn tỏ ra lễ phép để trả lời bạn bằng câu nói này : ‘Thưa ông vâng ạ ! Thưa bà không ạ !’…” Tuy nhiên, phẩm chất con người không liên quan đến nơi chốn. Nhiều trẻ em ở các nơi khác cũng có thể trả lời cách lễ phép như vậy. Trẻ em học được cách ăn nói lễ phép chủ yếu là do cha mẹ chúng dạy dỗ chúng hay không. Bạn sẽ hài lòng khi một ngày nào đó đứa con của bạn nói với bạn rằng : “Con cám ơn ba má vì đã dạy con biết nói hai tiếng ‘cám ơn’!”

2) CÂU CHUYỆN 2 : PHẢI BIẾT NÓI LỜI CÁM ƠN MỖI KHI ĐƯỢC GIÚP ĐỠ.

Một cậu bé đang ngồi ở hàng ghế đầu trên xe buýt. Em thấy một ông cụ già run run bước lên xe và sau đó đảo mắt qua các hàng ghế để tìm ghế ngồi. Nhưng lúc đó trên xe đã chật không còn một chỗ trống. Em cảm thấy thương cụ già phải đứng, nên đã tự động đứng dậy nhường ghế cho cụ. Ong cụ tươi nét mặt và ung dung ngồi xuống mà không nói một lời nào. Cậu bé đã được cha mẹ dạy phải cám ơn khi ai đó làm ơn cho mình, thấy cụ già không biết cám ơn thì cảm thấy bực mình. Cậu nói với cụ già rằng : “Thưa cụ, cụ vừa nói điều gì vậy ?” Cụ già đáp : “Không. Ta không nói gì cả”. Bấy giờ cậu bé liền nói như để nhắc nhở ông cụ rằng : “Vậy mà cháu cứ tưởng cụ đã nói với cháu hai tiếng ‘cám ơn’ chứ”.

2) CÂU CHUYỆN 3 : ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ PHẢI TẠ ƠN CHÚA.

BAI-ƠN ĐEN (Byron Dell) kể lại câu chuyện liên quan đến ông hồi còn nhỏ như sau : “Tôi đã lớn lên tại một nông tại miền Nê-bát-ca (Nebraska). Khi lên tám tuổi, tôi có nuôi một con ngựa nhỏ tên là Phít-ki (Frisky). Một buổi sáng kia, khi tôi đang ngồi trên lưng con ngựa thân yêu và tiến đến gần mấy con bò cái đang ăn cỏ, thì bổng nhiên chú ngựa con tôi đang cưỡi nổi hứng lên và vùng chạy như điên mà tôi không sao ghìm cương cho nó đứng lại được. Mấy lần tôi sắp bị té lăn xuống đất, nhưng may sao tôi đã kịp gượng ngồi lại được trên yên ngựa. Ba tôi cùng mấy người giúp việc vội vàng leo lên ngựa đuổi theo tôi. Sau mấy cấy số băng rừng lội suối, cuối cùng ba tôi cũng đã bắt kịp tôi. Ba tôi bỏ ngựa của mình và nhảy sang ngồi sau lưng tôi. Ong nắm chặt giây cương và bắt nó dừng lại. Sau đó ba tôi bồng tôi sang ngồi trên yên ngựa của ông và dắt con ngựa của tôi chạy theo phía sau. Nó ngoan ngoản theo chân con ngựa con ngựa của chúng tôi quay về nông trại. Tối hôm đó, ba tôi theo tôi đã lên tận giường tôi trên gác. Ong yêu cầu tôi cùng ông quì trên sàn cạnh giường để tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho tôi an toàn. Ong đọc to một lời cầu tự phát để cảm tạ ơn Chúa thay cho tôi”.

Biến cố ấy xảy ra cách đây đã 55 năm. Thế mà Bai-ơn vẫn không bao giờ quên được. Nó làm cho ông cảm thấy xúc động và cảm phục ba ông nhiều hơn. Nhất là biến cố đó đã dạy cho Bai-ơn bài học về lòng biết ơn đối với Chúa. Từ ngày ấy, mỗi tối trước khi đi ngủ, ông đều quì bên giường đọc ít kinh và thưa với Chúa bằng một lời cầu nguyện tự phát để cám ơn Người đã ban các ơn hồn xác cho ông trong một ngày đã qua.

II. HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU

1) LẠY CHÚA GIÊSU, Thánh Inhaxiô đã nói : “Tội lớn nhất nơi con người là tội vô ơn”. Hôm nay, Chúa dạy chúng con bài học phải biết cám ơn Chúa. Cám ơn Chúa như người cùi Samari biết quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa sau khi thấy mình được lành sạch. Con phải cám ơn Chúa vì đó là điều mang lại lợi ích cho con, như lời kinh tiền tụng trong thánh lễ : Việc tạ ơn không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại lợi ích cho phần rỗi đời đời của con.

LẠY CHÚA. Chúa đã ban cho con biết bao hồng ân mà nhiều khi con không ý thức đó là một ơn : Có lẽ ít khi nào con tạ ơn Chúa vì con đã được làm người và được làm con cái Chúa : Có lẽ chưa khi nào con tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho con khí trời để thở, vũ trụ thiên nhiên tươi đẹp để con được sống vui tươi. Cũng ít khi nào con tạ ơn Chúa vì con được Chúa ban ơn mạnh khỏe, thân xác lành lặn, tâm hồn bình an…Quả thực, đó là những ơn to lớn mà con cứ tưởng là chuyện tự nhiên, nên con đã vô ơn với Chúa. Xin Chúa cho con luôn biết nhận ra những ơn lành Chúa đã thương ban và không ngừng dâng lời cảm tạ tri ân.
  • X) Hiệp cùng Mẹ Maria. - Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2) LẠY MẸ MARIA, nhiều lần con đã chạy đến với Mẹ để nhờ Mẹ tạ ơn Chúa cho con sau những lần con được như ý như được thi đậu, buôn bán có lời, khỏi một cơn bệnh liệt giường…Con đem tới nhà thờ một bó hoa, xin một thánh lễ, và yên tâm là mình đã tạ ơn Chúa. Nhưng thật ra Chúa đâu cần những bó bông của con, cũng như đâu cần lễ tế chiên bò của dân Do thái khi xưa. Chỉ những việc làm theo Thánh ý Chúa mới là của lễ đích thực làm đẹp lòng Chúa. Chúa muốn việc tạ ơn của con phải kéo dài trong đời sống của con, trong cách ăn nết ở theo lời Chúa dạy. Xin Mẹ giúp con luôn sống xứng đáng với tình thương của Chúa bằng một đời sống tốt lành, yêu thương và phục vụ.

LẠY MẸ, Xin dạy con biết dâng lời cảm tạ tri ân Chúa, vì những ơn lành Chúa đã thương ban. Mỗi khi con gặp một điều trái ý, hay khi con cầu xin một điều tốt mà Chúa vẫn ngoảnh mặt làm ngơ không chấp nhận, xin Mẹ giúp con nhận ra thánh ý Chúa, nhận ra tình thương của Chúa luôn bao bọc đời con. Xin cho con ý thức rằng : sở dĩ Chúa không ban theo ý con xin, là vì những điều đó có hại cho phần rỗi đời đời của con. Xin cho con luôn vững tin vào tình thương của Chúa, dù con không hiểu hết những gì Chúa đã làm cho con. Xin cho đời con trở thành một bài ca cảm tạ ngơi khen và tri ân Chúa không ngừng, vì Chúa đã làm những điều trọng đại nơi con, như Mẹ đã làm xưa.
  • X) Hiệp cùng Mẹ Maria. - Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Trích Hiệp Sống Lời Chúa