KHÁT VỌNG BÌNH AN MÙA GIÁNG SINH

Mỗi lần đón mừng Lễ Sinh Nhật Chúa Giêsu, kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh, không chỉ người Công Giáo mà gần như toàn thể nhân loại vui mừng. Cho dù người ta không tin vào Đấng Thiên Sai, thì họ vẫn cảm được sự bình an mà Người mang đến cho thế gian này nếu họ sống theo đúng ánh sao lương tâm.

Trên thế giới vẫn còn một vài nước vì không có thiện cảm với Kitô giáo nên không cho dân chúng nghỉ Lễ Giáng Sinh như quốc lễ, nhưng người dân không vì thế mà không coi trọng việc mừng Lễ Giáng Sinh. Không có một nhân vật nào dù vĩ đại thật sự (xin nhấn mạnh: dù vĩ đại thật sự) hay được tán dương đúng mà có thể được mừng Sinh Nhật như người ta mừng Sinh Nhật Đức Giêsu.

Ngày 25/11 vừa qua, Fidel Castro của Cuba được gọi ra khỏi thế gian là nơi ông đã dùng hết khả năng của mình để loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lòng con người ở quê hương ông. Khi ông chết đi, có người vui kẻ tiếc. Nhưng có lẽ điều ông làm chúng ta nhớ là năm 1998 ông đã vâng nghe Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mà cho dân Cuba mừng Lễ Giáng Sinh sau 38 năm gián đoạn (từ 1969-1998 nước Cuba không mừng Giáng Sinh như quốc lễ).

Radio Vatican lúc bấy giờ cho biết: "Phát ngôn viên của Hội Ðồng Giám Mục Cuba, Orlando Marquez, tuyên bố: Hôm nay là một ngày vui mừng cho các tín hữu và cho tất cả dân tộc Cuba vì được lấy lại truyền thống từ bao thế kỷ, một truyền thống đã không bao giờ xóa bỏ trong tâm hồn người dân".

Truyền thống đó chắc chắn đem lại sự an lành cho dân, qua niềm vui mà họ diễn tả. Không chỉ một dân tộc, mà mọi dân nước cho đến “khắp cùng bờ cõi đất” đều cảm thấy an lành khi Tin Mừng bình an được thiên thần loan báo đêm Giáng Sinh đang tỏa lan ra khắp muôn nơi.

Khi suy nghĩ về niềm vui và bình an của Đêm Giáng Sinh và khi gửi những lời chúc Giáng Sinh cho người thân yêu, chắc chắc nhiều người cảm thấy lòng ray rứt khôn nguôi khi nghĩ đến những thảm cảnh đang xảy ra trong xã hội chung quanh mình.

Nạn nhân của ô nhiễm biển còn đang than khóc. Nhân tai lũ lụt miền Trung cứ liên tục xảy ra, không có dấu hiệu ngừng lại. Người chết, của cải tiêu tan, màn trời chiếu đất, mà dường như chẳng ai có trách nhiệm giải quyết vấn đề. Người nghèo, thất nghiệp vẫn tràn lan.

Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2016 đã tóm tắt các vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay:

“Nhìn vào tình hình đất nước hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta không thể không có những băn khoăn, lo lắng. Làm sao không âu lo trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ! Làm sao vui được trước sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, vốn từ lâu đã được coi là quốc nạn nhưng đến nay vẫn không hề suy giảm! Làm sao không lo lắng trước tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại các tỉnh Tây nguyên, thảm hoạ môi trường biển tại miền Trung! Đó là chưa kể đến mối đe doạ hằng ngày từ các thực phẩm bẩn và độc hại, có thể ngay trong các quầy hàng và trên bàn ăn của mỗi gia đình!” (số 2).

Chưa hết, về tinh thần và đời sống tôn giáo, ý kiến của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong buổi gặp mặt với ông thủ tướng đáng cho chúng ta suy nghĩ:

“Ngay trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, chúng tôi lấy làm tiếc khi phải nói rằng có nhiều nhu cầu trong sinh hoạt tôn giáo của người dân chưa được bộ luật này quan tâm và đáp ứng đúng mức, dù đã được đề xuất. Hơn nữa, còn có thể nói bộ luật này có những bước thụt lùi so với những Dự thảo trước đây, ví dụ về việc tham gia của các tổ chức tôn giáo vào lĩnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội (x. Dự thảo 5). Tất cả phản ánh một cách nhìn xem ra còn nhiều nghi ngại của Chính quyền đối với các tôn giáo, và chúng tôi hi vọng cách nhìn này sẽ được thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn trong tương lai. Chúng tôi cũng không tránh né vấn đề khi nhìn nhận rằng trong thời gian qua, đã có những căng thẳng giữa Chính quyền địa phương và một số cộng đoàn tín hữu Công Giáo nơi này, nơi khác”. (Website HĐGMVN).

Đọc lại “bức tranh” ít sắc màu tươi vui ấy, có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi “Bình an phúc lành của Chúa Giáng Sinh ở đâu trên đất nước này”. Câu trả lời được tìm thấy ngay trong Tin Mừng. Lúc bấy giờ các mục đồng vẫn chăn chiên, các đạo sĩ vẫn làm công việc của họ là theo ánh sao trời, và thậm chí những người chủ quán trọ trong vùng vẫn đón khách theo phong cách của họ.

Vậy thì ai đón nhận được Mùa Giáng Sinh an lành đầu tiên ấy? Thưa dĩ nhiên là Mẹ thánh và Cha nuôi của Đấng Cứu Thế và những người nhìn theo ánh sao, là những người chăn chiên chăn bò ngoài đồng vắng… Nói chung, là những người biết nhìn ra dấu chỉ thời đại mà các ngôn sứ đã loan báo từ rất xa xưa.

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là có an bình thật sự trên quê hương Việt Nam chưa? Câu trả lời không làm chúng ta vui. Giáo huấn xã hội của Hội Thánh Công Giáo xác định “Hoà bình không phải chỉ là không có chiến tranh, cũng không phải hạ thấp xuống tới mức chỉ là giữ cho các bên thù địch nhau cân bằng về quyền lực; mà đúng hơn, hoà bình được xây dựng trên việc hiểu đúng con người và đòi phải thiết lập được một trật tự dựa trên nền tảng công lý và bác ái” (số 494).

Đọc lại thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và nhìn vào thực trạng xã hội, người Công Giáo Việt Nam vẫn còn thao thức với những mơ ước của mình.

Trên các trang mạng xã hội và các website trong những ngày Đại Lễ vừa qua loan truyền một video clip về sự việc xảy ra ở một giáo điểm miền núi thuộc Giáo phận Hưng Hoá. Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám Mục phụ tá Giáo phận đến dâng Thánh Lễ mừng Giáng Sinh cho giáo dân người H’Mông.

Một hoạt động tôn giáo đơn giản và đương nhiên như thế lại bị cấm cách sách nhiễu bởi những anh cán bộ cấp nhỏ. Ở đây chúng tôi không có ý phân tích những anh công an đó tự ý quấy rối hay có lệnh từ ai, mà chỉ nhìn vào sự việc.

Trong một đất nước mà tự do tôn giáo được ghi trong hiến pháp, thì việc các linh mục dâng Thánh Lễ cho giáo dân là điều bình thường. Huống chi trong trường hợp này là một Giám Mục đến dâng Thánh Lễ, mà là Lễ Giáng Sinh, lại bị cấm cách. Hơn nữa, Toà Giám Mục đã có văn bản gửi cấp trên của những anh cán bộ đó.

Xin hãy nhớ rằng các Đức Giám Mục là những vị lãnh đạo cao nhất ở Giáo Hội địa phương là giáo phận, không có bổn phận phải giao tiếp với cấp chính quyền quận huyện hay phường xã. Đó là nói về mặt ngoại giao, chứ thật ra các ngài có một chỗ đứng biệt lập, chỗ đứng của hàng tư tế, ngôn sứ và vương giả mà không có quyền hành nào của thế gian có thể chi phối.

Trong video clip, Đức Cha Anphong bình tĩnh và nhã nhặn nhưng cứng rắn trả lời những yêu sách, đã cho chúng ta thấy được sứ mạng của Giáo Hội là ở đâu và như thế nào.

Dĩ nhiên khi những hình ảnh ấy được đưa lên Internet thì thiên hạ biết nhiều hơn về Giáo Hội, thiên hạ có dịp so sánh, đối chiếu và nhận ra đâu là “ánh sao” của thời đại. Chúng tôi chợt nhớ lời Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh khi ngài bị cấm dâng Thánh Lễ Giáng Sinh cho một cộng đoàn người dân tộc thiểu số ở Tây nguyên mấy năm trước: “Nếu các anh để tôi dâng Thánh Lễ thì chỉ có một nhóm 20-30 người nghe tôi giảng, nhưng rồi họ cũng không nhớ hết. Còn bây giờ, các anh cấm tôi dâng Lễ, thì cả thế giới nghe tôi nói”.

Ngày Đại Lễ Giáng Sinh đã đi qua nhưng Hồng ân Giáng Sinh mà Thiên Chúa đem đến cho nhân loại vẫn mãi mãi ghi đậm dấu ấn trên cuộc đời này. Phúc cho ai đón nhận Tin Mừng Giáng Sinh. Còn những người cố tình chống lại Thiên Chúa vẫn mãi đơn độc đón nhận nguy cơ cho chính mình, mãi đơn độc giơ chân đạp mũi nhọn. Chúng ta cùng cầu xin cho họ được mở bừng mắt nhìn thấy ánh sao dẫn đường. Ánh sao ấy lấp lánh mời gọi, khi có thiện chí thì con người sẽ nhận ra tỏ tường.

Gioan Lê Quang Vinh