NGÀN ĐỜI CHÚA VẪN YÊU

(Nói chuyện với các nữ tu dòng Kín Phú Cường)

Ngày lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ, chúng ta tuyên xưng Vương quyền tuyệt đối thống trị bằng lòng xót thương của Thiên Chúa. Nhất là ngày lễ Chúa là Vua lại đặt trong bối cảnh của ngày kết thúc năm Thánh Lòng Chúa thương xót, càng là dịp để ta sốt sắng chiêm ngắm quyền bính của tình yêu tuyệt đối, không bao giờ loại trừ ai, không bao giờ chất chứa lòng thù hận của Đấng là tình yêu (x.1Ga 4, 8).

Từ Cựu sang Tân Ước, không có trang nào của Thánh Kinh không minh chứng cho loài người thấy tình yêu của Thiên Chúa. Khởi đi từ tạo dựng, tình yêu ngút ngàn, tình yêu đến rốt ráo, đến kỳ cùng ấy đã được thể hiện cách ngoạn mục.

Thiên Chúa không tạo dựng loài người như tạo dựng bất kỳ loài nào. Đối với mọi loài, Người tạo dựng quá dễ dàng, chỉ cần “Thiên Chúa phán…(mọi vật) liền có…” (St 1, 1tt).

Nhưng khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa lại cho phép nó mang chính hình ảnh của Người, được làm bá chủ muôn loài. Vì thế, Thiên Chúa không “phán”, “liền có” nữa. “Tâm trạng” của Thiên Chúa được Thánh Kinh diễn tả thật cảm động. Thiên Chúa như nghĩ ngợi lắm, cân nhắc lắm. Người như đặt vào công trình tạo dựng cuối cùng này tất cả trách nhiệm, tất cả chiều sâu suy tư, tất cả nỗi niềm.

Thiên Chúa như tự nói đi nói lại với mình nhiều lần: “Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất’. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ…” (St 1, 26-28).

Đến khi con người bội phản, thay vì hủy diệt, Thiên Chúa, với lòng yêu thương sâu sắc, đã quyết định trao ban ơn cứu chuộc: “Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31, 3). Hay:“Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,l0).

Con Một của Thiên Chúa là chính ơn cứu chuộc, là bằng chứng về sự sống, để nhân loại tiếp tục được sống. Đó là một tình yêu dâng cao ngút ngàn, lên đến đỉnh điểm khi Người quyết hiến trao Con Một cho trần thế.

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã một lòng xót thương. Đến muôn đời Thiên Chúa vẫn thủy chung thương xót. Người không bao giờ thay lòng đổi dạ trong tình yêu tuyệt đối ấy.

Ban Con Một là một quyết định không thể tả, không còn quyết định nào bằng.“Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8, 32a), thì Thiên Chúa còn tiếc gì với chúng ta. “Một khi Người đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8, 32b).

Bởi vậy, khi công bố về tình yêu cao dâng đến vô bờ của Thiên Chúa, Chúa Kitô đã nói bằng những lời thắm thía: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…”. Cũng như khi chúng ta diễn tả: “Tôi vui đến nỗi tôi đã….”. Liên từ “đến nỗi” là liên từ diễn tả sự vỡ òa, diễn tả sức mạnh lan tràn, diễn tả nỗi niềm lớn hơn điều mà mình có thể nói ra, có thể bộc lộ. Nó diễn tả sự lớn lao hơn nhiều, mà giới hạn của ngôn từ đã không thể cho biết hết.

Hành động hiến trao Con Một là hành động quá đỗi, không gì bằng, không còn gì khác hơn, không thể có gì thay thế. Thiên Chúa đã yêu bằng một tình yêu nhiệm mầu: “Để cứu đầy tớ, Chúa đã nộp chính Con yêu” (Exsultet). Đó là một tình yêu “đụng trần”, một tình yêu đã đến mức tận cùng

Bởi Thiên Chúa, từ ngàn xưa, đã không bao giờ rút lại tình yêu thương xót của Người, vì thế, Chúa Kitô, Đấng là Thiên Chúa làm người đã thể hiện mọi nơi, mọi thời tình yêu thương xót không mệt mỏi ấy.

Nhiều lần, Tin Mừng cho thấy Chúa Kitô tỏ lòng thương xót như thế. Người mời gọi kẻ nhọc nhằn hãy đến để được Người sớt chia ưu tư, thống khổ của họ: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho” (Mt 11, 28).

Chúa nhìn thấy sự đói của những người theo Chúa. Đã hơn một lần, Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ (x.Mt 14, 13–21; Mt 15, 32-39; Ga 6, 1-15).

Chúa xót xa trước những cảnh đời sống trong bệnh tật. Người chữa lành cho họ, như đã từng chữa lành cho người phụ nữ bệnh loạn huyết mười hai năm (x. Mt 9, 20-22), chữa người mù từ thuở mới sinh (x.Ga 9, 1-41)…

Chúa xót xa trước giọt nước mắt đớn đau của người mẹ khóc con, của người chị khóc em, như trường hợp Chúa cho đứa con của bà góa thành Naim hay cho Lazarô sống lại (x.Lc 7,11-17; Ga 11, 1-45)…

Người đã từng chạnh lòng trước bệnh tật đớn đau của đầy tớ ông đội trưởng (x. Mt 8, 5-13), hay cái chết của con gái ông trưởng hội đường (x. Mc 5, 21-43)…

Chúa đã lập tức chữa lành cho tên lính bị thánh Phêrô chém đứt tai mà không cần bất cứ một điều kiện nào, dù lúc đó, Chúa đang bị người ta lên án và sẽ giết chết Chúa ngay sau đó (x.Ga 18, 10-11).

Đến giây phút cuối đời, lúc mà Chúa phải chết thảm trên thánh giá, Chúa vẫn đầy lòng xót thương đối với người trộm cùng bị đóng đinh với Chúa. Chúa hứa ban nước thiên đàng cho anh (x.Lc 23, 39-43 )…

Chúng ta không thể kể hết những lần Chúa tỏ tình yêu xót thương đối với con người. Đặc biệt cả cuộc đời, từ vâng lệnh Chúa Cha, nhập thể, sống nơi trần gian, chết cay đắng, sống lại vinh quang, vinh thăng trên trời… đều là tình thương tự nguyện của Chúa Ngôi Hai dành cho chúng ta, một tình thương không thể chứa đựng nơi mọi mỹ từ của loài người, khi phải diễn tả tình thương ấy.

Tình yêu dẫn đến cái chết cho người mình yêu đã lớn. Một tình yêu tự nguyện ném mình vào cái chết càng lớn lao khôn xiết. Dù vâng lệnh Thánh ý tuyệt đối, Chúa Giêsu Kitô vẫn thể hiện mạnh mẽ chính tình yêu của chính bản thân Người cho trần thế chúng ta: Chúa tự nguyện đến cùng trong sự tự hiến chính mình:

“Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là lệnh của Chúa Cha mà tôi đã nhận được” (Ga 10, 17-18).

Vì lòng xót thương, trên thánh giá, lời Chúa Kitô “xin Cha tha cho chúng…” (Lc 23, 34), đâu chỉ là lời dành cho những kẻ đang đùng đùng sát khí dưới chân thánh giá.

Nếu nhập thể là để cứu độ, và bây giờ, vinh thăng trên trời, ngự bên hữu Chúa Cha là để chuyển cầu cho ta, để đưa ơn cứu độ của ta đạt đến vĩnh cửu, thì lời “xin Cha tha cho chúng” là, và phải là lời muôn đời Chúa Kitô chuyển cầu cho tất cả chúng ta.

Vì tình yêu thương xót, Chúa Kitô đã trút bỏ hoàn toàn. Trút bỏ cả cuộc đời, trút bỏ cả mạng sống vẫn chưa làm đủ. Đến lúc trao hơi thở sau hết, lại còn tiếp tục trao dâng cả đến giọt máu cuối cùng, khi “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34).

Trái Tim mở ra là để nhân loại hạnh phúc ngụp lặn trong biển tình yêu vời vợi ấy. Dòng máu cứu chuộc trở thành nguồn sự sống và sức sống cho tất cả mọi người thiết tha tìm đến. Trái Tim của Thiên Chúa làm người không đòi cho mình bất cứ điều gì, bây giờ lại thuộc về chúng ta tất cả. Chúa thương xót chúng ta.

Chúng ta quá đỗi hạnh phúc vì tình yêu thương xót, Chúa Kitô dành cho chúng ta. Chính nhờ tình yêu thương xót, Người là trạng sư tuyệt đối, đời đời trước tòa Thiên Chúa.

Nhưng khi tôn vinh lòng thương xót của Chúa Kitô, thì không chỉ dừng lại nơi một mình Chúa Kitô mà thôi. Tất cả những gì được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, đều là mạc khải đến vô cùng tình yêu thương xót của Thiên Chúa.

Vì thế, nơi Trái Tim Chúa Kitô chất chứa tình yêu, một trái tim bằng xương bằng thịt đã bị đả thương và mở toan ra, không chỉ cho thấy sự mạnh mẽ, dữ dội của tình yêu nơi Chúa Kitô dành cho loài người.

Hình ảnh Trái Tim rướm máu và hừng hực lửa, gợi lại cho chúng ta lời tiên tri Hôsê từ xa xưa: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11, 8).

Lòng Thiên Chúa chứa đầy yêu thương. Thiên Chúa đã yêu. Mãi mãi cứ yêu. Ngàn đời tình yêu Thiên Chúa vẫn không cùng. Vì thế, Trái Tim Chúa Kitô vừa khắc sâu tình yêu của Thiên Chúa, vừa bộc lộ đến vô cùng tình yêu chan chứa, chứa đầy trong Trái Tim Thiên Chúa.

Làm sao có thể nói hết tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của Chúa Kitô. Chỉ xin được nhìn ngắm bài học của lòng thương xót ấy, để chúng ta cũng sống tình người bằng lòng bác ái, vị tha, đón nhận, cảm thông… giữa người cho nhau, vì nhau trong cõi đời này…

Vô vàn những lần Thiên Chúa thể hiện Người là Đấng đầy lòng xót thương. Trọn cả dòng lịch sử cứu độ, là trọn cả dòng lịch sử khắc ghi đậm nét tình yêu thương hãi hà của Thiên Chúa.

Đó là một tình yêu ngàn đời không đủ lời chúc tụng. Đó là một tình yêu núi không thể đo, biển không thể lường. Đó là một tình yêu, dù giàu sức tưởng tượng, cũng không thể tưởng nghĩ.

Đó là một tình yêu dũng mãnh, bền bỉ, trung thành, bao dung, đầy ắp, vời vợi, đằm thắm, trào tràn, cuồn cuộn, dịu ngọt, luôn luôn trao ban, luôn luôn đi bước trước, luôn luôn tín thành, luôn luôn hiến dâng…

Mừng lễ Chúa Kitô là vua toàn cõi vũ trụ trong ngày Hội Thánh kết thúc năm Thánh lòng Chúa thương xót, chúng ta hãy đến thờ lại tôn thờ, suy phục quyền bính của Thiên Chúa chúng ta.

Hãy bắt chước Thiên Chúa mà sống tình yêu suốt đời để nói với mọi người, mọi thế hệ về một tình yêu thương xót không hề vơi cạn, không hề suy suyễn, một tình yêu thánh thiêng như cụ thể và nguyên vẹn cho tất cả những ai tìm đến lưu trú.

Hãy thốt lên, hãy nguyện cầu suốt đời với Thiên Chúa, với Người Con Một của Người rằng: LẠY CHÚA, CON TÍN THÁC VÀO CHÚA.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG