THƯỢNG ĐẾ XÓT THƯƠNG

(Góc nhỏ suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 24 TN C : Lc 15,1-32)

Tin rằng “Thượng Đế là Một Đấng Từ Bi giàu lòng thương xót” mãi mãi vẫn là một thách đố, một “chuyện khó chấp nhận” đối với tâm thức của một số đông người, nhất là những người đã hơn một lần bị vùi dập dưới sức nặng của đau thương, tai họa, khổ sầu…Bằng chứng là có một lần kia, tôi đã đọc thấy 4 câu thơ ai oán của một người Cha ghi dưới bức chân dung của đứa con bảy tuổi tên Ái vừa mới qua đời :

Ái ăn đâu ? Ái ở đâu ?

Để thương để nhớ để u sầu!

Trời Già độc địa làm chi bấy !

Nở bắt con tôi bảy tuổi đầu !

Vâng, trong ý nghĩ, trong con mắt của người Cha vừa gánh chịu nổi đau mất đứa con yêu bảy tuổi đầu, thì “Ông Trời”, “Thượng Đế” chỉ còn là một “Ông Trời già độc địa”, một Thượng đế không công bằng, một Đấng Tạo Hóa “lòng chai dạ đá” đã vô tâm cắt đứt mạng sống của một đứa em thơ vừa lên bảy tuổi, một tuổi đời trắng trong, vô tội…Và cũng đã có không biết bao nhiêu “tín hữu” cựu trào, ngoan đạo bị mất niềm tin, thất vọng về “Vị Thượng Đế của mình” khi phải đối diện với những oái ăm, bi đát mà cả “lý trí cũng như con tim” không thể lý giải được nguyên do. Thượng Đế của những tín hữu nầy nếu không trở thành một thần tượng xa lạ trên mây trời, thì cũng chỉ là một Thượng đế của kinh hoàng sợ hải như lời than vãn của ông Gióp lúc bị thử thách đau thương :

“Nầy có sang Đông, tôi sẽ chẳng thấy Người,

Đi sang Đoài, cũng không gặp được.

Tôi lên Bắc tìm Người cũng không gặp thấy,

Có xuống Nam Người cũng biệt tăm…” (G 23, 8-9)

“Vì thế, trước nhan Người, tôi đâm sợ hãi,

Chỉ nghĩ đến Người là đã khiếp kinh.

Thiên Chúa làm cho tôi nhát đảm,

Đấng Toàn Năng làm cho tôi phải kinh hoàng…” (G 23, 15-16)

Thế nhưng, cái “sợi chỉ đỏ xuyên suốt chân lý về Thiên Chúa” được chính Ngài mặc khải qua Thánh Kinh lại là “Một Thiên Chúa yêu thương”, “Một Đấng Thượng Đế giàu lòng thương xót”. Để cho con người mày mò học biết và cảm nhận chân lý cao siêu này, Thiên Chúa quả đã thực dày công và kiên nhẫn. Cả một chuổi dài lịch sử của dân tộc Ít-ra-en chưa đủ, cho dù Ngài đã thể hiện không biết bao nhiêu biến cố và kỳ công. Trích đoạn sách Xuất Hành của Bài Đọc I, Chúa Nhật 24 TN C, là một trong muôn vàn những cách mặc khải của Thiên Chúa trong Cựu ước về chân dung đích thực của Ngài : Nhờ lời can gián và cầu khẩn của Mô-sê, Vị Lãnh đạo sát cánh cùng Dân Chúa trên từng cây số lữ hành về đất hứa, Thiên Chúa đã “nguôi giận” và tha thứ cho tội bất trung, mê tín của dân, dám đúc hình bò thờ lạy thay vì trung tín với Giao ước…Trình thuật của sách “Xuất Hành” về biến cố “Bò Vàng” nầy đã nêu bật “hình tượng Môsê một Vị Trung Gian đầy ấn tượng” như một tiên báo rõ nét vai trò của “Vị Trung Gian Giao Uớc Mới, Đức Giêsu Kitô, dám đứng ra lấy máu mình để chuộc tội cho “bàn dân thiên hạ”…..Lòng khoan dung tha thứ, chậm bất bình và rất mực yêu thương của Thiên Chúa còn được tái diễn hoài hoài không phải chỉ ở giữa lòng lịch sử của dân Ít-ra-en, không phải chỉ trong một thời gian nhất định…mà cho muôn thế hệ loài người ở khắp muôn nơi và mọi miền thế giới. Và cũng chính để cho nhân loại xác tín chân lý nầy, Thiên Chúa “đã sai Người Con Một nhập thể và cắm lều ở giữa chúng ta”.

Thật vậy, với Đức Giês-Kitô, con người từ đây có thể “rờ đụng” được một Thiên Chúa là Cha yêu thương, có thể cảm nhận được một Thượng Đế gần gũi biết “cảm thương” và giàu lòng lân tuất, có thể tiếp cận, ngỏ lời, van xin một “Ông Trời” biết lắng nghe và quan tâm đến từng hơi thở và nhịp đập của trái tim con người. Chân lý nầy đã được Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Mục vụ “Vui Mừng và hy vọng” xác quyết bằng những lời sau :

“Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Ngài đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi”. (G.S 22)

Nhập thể làm người để con người nhận ra Thiên Chúa, gặp gỡ Thiên Chúa, đó chính là sứ vụ của Ngôi Hai, là trọng tâm của chương trình cứu rỗi, là tiêu đích của “Lời mặc khải. Kể từ khi có tiếng khóc oa oa của Em bé Giêsu nơi hang lừa máng cỏ ở giữa đám mục đồng cù bơ cù bất tại Bêlem, kể từ lúc có người tử tội Giêsu bị đóng đinh trên đồi canvê vào chiều thứ Sáu giữa hai người trộm cướp…Thượng Đế không còn là một “Ông Trời Già” xa tít trên các tầng mây để chỉ biết “hù dọa”, đe phạt hay “bắt” con “bắt” cháu ngang ngược dã man…mà là một Thiên Chúa là Tình yêu, một Tình yêu khoan dung tha thữ, một tình yêu thông cảm quảng đại, một tình yêu rộng mở trao ban, một tình yêu cho đi và tận hiến.

Vâng, Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa “không nỡ lòng nhìn thằng vào đôi mắt thẹn thùng, hổ thẹn, mặc cảm của người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình”…Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa sẵn sàng để cho cô gái làng chơi Maria Mác-da-la nhỏ những giọt nước mắt hối cãi ăn năn trên chân mình mà làm lại cuộc đời…Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa vẫn đưa mắt nhân từ “nhìn lại” để mở đường cho bao nhiêu Phêrô biết sám hối ăn năn sau những lần bội phản….Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là một Thiên Chúa biết thổn thức trước cái chết của người bạn Ladarô, biết cảm thông nổi xót xa đau đớn của người mẹ góa Naim khi mất đứa con một, nổi khốn khổ của người đàn bà Canaan bị loạn huyết chỉ dám ước mơ rờ đụng tới cái gấu áo của Thầy để được khỏi….Và hôm nay, liên tiếp mấy dụ ngôn của Tin Mừng Luca, Đức Giêsu muốn tuyên cáo một cách cách dõng dạc : Thiên Chúa một người cha rất mực yêu thương sẵn sàng mở rộng vòng tay tha thứ chờ đón những đứa con hư trở về, sẵn sàng mở tiệc hoan vui để tội nhân được khoác áo mới làm lại cuộc đời trong tin yêu hy vọng…

Sống niềm tin kitô hữu là luôn trở thành “bài thuyết minh sinh động” về chân lý nền tảng đó : Thiên Chúa là tình yêu. Và những ai có tham vọng trở thành Đại Thánh nhân giữa lòng Hội Thánh thì cũng chỉ cần đạt tiêu chí “tình yêu” mà Phúc âm của Đức Kitô đã vạch lối chỉ đường đó thôi, như một Têrêsa Hài Đồng : “ Ở giữa lòng Hội Thánh, em sẽ là tình yêu”, hay như Á Thánh Anrê Phú Yên “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lây tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, chúng ta hãy đem mạng sống đáp đền mạng sống”.

Giá cao luôn được dành cho của quí. Tình yêu lớn đòi phải hy sinh nhiều. Như câu chuyện ngụ ngôn của Oscar Wide “Con chim hoạ mi và cây hoa hồng” : Để làm nên quà tặng tình yêu, chim hoạ mi chấp nhận ép tim vào gai nhọn của hoa hồng để cây hoa hút máu tạo nên một cánh hoa hồng đẹp, làm quà tặng tình yêu”. Muốn sống tình yêu đó, muốn có trái tim đó, muốn rao giảng và trở thành “nhân chứng của Thiên Chúa tình yêu”chúng ta phải khiêm hạ cầu xin và không ngừng “học yêu” trong mái trường của Chúa Giê-su, mái trường “Tin Mừng”, như lời nguyện thâm thuý sau đây của Mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta :

Chúa Giê-su rất yêu mến của con

Chúa đã sinh ra với tình yêu

Chúa đã phục vụ bằng tình yêu

Và bước đi, với tình yêu

Chúa đã được tôn kính, với tình yêu

Chúa đã đau khổ và chết trong tình yêu

Và đã ra khỏi mồ với tình yêu

Con cảm tạ Chúa vì tình yêu Chúa đã cho con

Và tình yêu mà Chúa đem đến cho thế giới

Con xin Chúa hôm nay cũng như mỗi ngày,

Hãy vui lòng dạy con Tình yêu

Để con cũng vậy, con biết yêu.

Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền.