NEW DELHI, 19/07/04 - Cuộc bầu cử mới đây tại Ấn Độ cho thấy có sự "hợp nhất trong đa nguyên", khước từ chủ nghĩa quá khích và chủ trương hòa bình. Đó là lời tuyên bố của đức Hồng Y Toppo, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ.

Trong cuộc bầu cử vào cuối tháng Tư đầu tháng Năm vừa qua, đảng Quốc Đại do bà Sonia Gandhi cầm đầu cùng với các đảng nhỏ thuộc cánh tả đã đánh bại đảng Quốc Gia Ấn Giáo Bharatiya Janata (BJP). Nhân dịp này, Đức Hồng Y Toppo danh cho cơ quan Zenith cuộc phỏng vấn
:

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y: Những cuộc bầu cử vừa qua có ý nghĩa gì đối với Ấn Độ.

Trả Lời : ĐHY Toppo: Đây là một thắng lợi lớn cho nền dân chủ. Dân chúng đã hành xử trọn vẹn quyền của họ. Không ai ngờ được có sự thay đổi này. Chính quyền cũ thì cứ cầm chắc phần thắng lợi. Nhưng cử trỉ đã bác bỏ chính sách gần với chủ thuyết quá khích của họ và đã chọn tân chính phủ. Mặc dù sự kiện đã xảy ra, nhưng cựu thủ tướng Atal Bihar Vajpayee vẫn nhất mực nói mình là nhà lãnh đạo tốt.

Hỏi : Tân chính phủ phải đối phó với những thách thức chính nào?

ĐHY Toppo: Trong một quốc gia rộng lớn, đông dân, nghèo đói là một thách đố lớn lao nhất. Các thành phố chưa được trang bị những kỹ thuật tân kỳ. Đa số dân chúng còn sống ở nông thôn, trong các làng mạc, họ không được hưởng những lợi ích của sự phát triển. Chính phủ cần thiết phải đẩy mạnh công lý đối với tuyệt đại đa số dân chúng đang sinh sống trong các điều kiện nghèo khổ. Không có công lý, chúng ta sẽ không có hòa bình và nếu không có hòa bình, chúng ta sẽ không có sự phát triển thực sự. Tất cả những người đã đặt hy vọng vào đảng Quốc Đại đều mong mỏi điều đó. Dĩ nhiên chúng tôi biết muốn thực hiện phải mất hàng năm, chứ không thể tính ngày.

Hỏi: Lịch sử Ấn độ đã sang trang. Nhưng chủ thuyết quá khích Ấn giáo vẫn còn. Phải chăng đối với quốc gia còn có một yếu tố nghiêm trọng nào nữa chưa được biết đến?

ĐHY Toppo: Các đây mấy năm, chúng tôi đã nói rằng chủ thuyết quá khích là một trong những vấn đề xuất hiện đi xuất hiện lại. Bây giờ cuộc tổng tuyển cử rõ ràng đã chứng minh điều đó. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ phải cảnh giác. Nhưng tôi có cảm nghĩ rằng Ấn Độ đã bắt đầu bước sang giai đoạn mới. Xin đừng quên chuyện này là đất nước chúng tôi rất rộng, một biến cố xảy ra đã không bao giờ làm bùng phát cả Ấn Độ. Do vậy, nếu nhìn kỹ chính mình, chúng tôi không sống trong hoàn cảnh như là Iraq hay ở Sri Lanka.

Từ ngày độc lập đến nay đã hơn 50 năm, chúng tôi vẫn thống nhất và đã đi được quãng đường dài. Xét về mặt ngôn ngữ và văn hóa, chúng tôi là một thế giới nhỏ, đó là một thí dụ cho việc có thể thống nhất trong đa nguyên.

Những kẻ chủ trương quá khích đã cố gắng phủ nhận điều này, nhưng những cuộc bầu cử cho thấy dân chúng muốn có hòa bình, hòa hợp để Ấn Độ có thể trở thành một quốc gia vĩ đại. Đặc biệt hiện nay giới trẻ chiếm đại đa số thành phần dân cư tin tưởng vào những điều này.

Hỏi: Ngài có cảm nghĩ gì khi được chọn là Hồng Y đầu tiên thuộc một bộ tộc thiểu số ở Ấn Độ ?

ĐHY Toppo: Đó là điều rất ngạc nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ đến vụ việc thực tế này. Tôi không thấy đó là một vinh dự nhưng là một nhiệm vụ phục vụ Giáo Hội hoàn vũ. Đồng thời qua sự kiện này, tôi nhận ra những tiến bộ mà Giáo Hội Á Châu, ở Ấn Độ, và đặc biệt trong bộ lạc của chúng tôi đã đạt được.

Trong 120 đến 150 năm qua, Giáo Hội đã giúp chúng tôi khám phá ra nhân cách của chúng tôi, qua những công tác nâng cao nhân phẩm và giải thoát chúng tôi khỏi những điều mê tín dị đoan và những tâm tình sợ sệt trói buộc đời sống cha ông chúng tôi.

Do vậy tôi chấp nhận sự bổ nhiệm này với tâm tình khiêm tốn. Tôi cố gắng cộng tác với Đức Giáo Hoàng để thức thi những điều tốt cho Giáo Hội ở Á Châu và cả thế giới. Tôi không có chương trình của riêng tôi, nhưng tôi tìm kiếm để nhận ra chương trình của Chúa muốn thực hiện cho dân tộc tôi và thế giới

Hỏi: Hệ thống đẳng cấp còn thể hiện điều gì ở Ấn Độ ngày nay không?

ĐHY Toppo: Theo luật, hệ thống đẳng cấp đã được hủy bỏ ngay sau khi độc lập. Nhưng đẳng cấp chưa biến mất, vẫn còn là một phần của cuộc sống dân chúng. Phải cần thời gian. Chỉ khi nào có sự phát triển tinh thần mới, lúc đó hệ thống đẳng cấp mới biến mất hẳn. Ảnh hưởng văn hóa của việc toàn cầu hóa cũng xảy ra tại Ấn Độ. Điều đó cũng giúp xóa bỏ nạn đẳng cấp.

Chúng ta cũng cần phải chú ý điểm này là nếu đi sâu vào vấn đề phải chăng chủ nghĩa cá nhân của nền văn hóa mới ngày nay lại tạo ra một loại đẳng cấp khác? Tôi xác tin là chỉ có thể xóa bỏ hệ thống đẳng cấp bằng cách tuyên xưng giới răn của Chúa: là yêu thương người khác như chính mình. Đó là kinh nghiệm mà chúng tôi có trong bộ lạc. Nhờ kinh thánh chúng ta sẽ khám phá ra chúng ta được tự do.

Hỏi: Công Giáo ở Ấn Độ chiếm thiểu số, chỉ vào khoảng 1.6% nhưng họ đã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục. Vậy kết quả của nỗ lực này ra sao?

ĐHY Toppo: Chính cá nhân tôi là kết quả của hệ thống giáo dục đó. Cha mẹ tôi, tôi, cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác sẽ không biết đọc biết viết, nếu không có trường Công Giáo.

Hệ thống giáo dục đó đã đào tạo nhiều linh mục, bác sĩ, luật sư, chuyên gia. Đa số trường hợp là các người không phải Công Giáo. Đó là một đóng góp lớn cho Ấn Độ. Mọi người có thể vào trường chúng tôi để học, mọi người đều có thể nhập bệnh bệnh viện của chúng tôi. Chúng tôi phục vụ mọi người mà không chú ý họ thuộc đẳng cấp gì hay theo tôn giáo nào.

Hỏi: Việc làm này cũng thấy ở Calcutta do các chị dòng của mẹ Têrêxa?

ĐHY Toppo: Khi mẹ Têrêxa còn sống, mọi người cho rằng mẹ là vị thánh. Tôi nghĩ rằng ý nghĩa thực sự của việc đối thoại tôn giáo đã được thể hiện qua việc làm của Mẹ Têrêxa. Mẹ là người đối thoại với sự sống, phục vụ những người nghèo khổ nhất trong mọi cộng đồng.

Mẹ Têrêxa là ân sủng của Chúa ban cho thế giới và đặc biệt cho Ấn Độ. Mẹ là gương mẫu cho sự hợp nhất trong đa nguyên và ngày nay tinh thần của mẹ vẫn khởi hứng cho hàng triệu người.