Tĩnh tâm linh mục giáo phận Phú Cường Tháng 10.2016

CHUỖI MÂN CÔI VÀ ĐỜI THÁNH HIẾN

Kinh Mân Côi là lời kinh hiệu nghiệm để xin ơn, lời kinh ca tụng Đức Maria, và cùng Đức Maria tôn thờ Thiên Chúa. Đó là lời kinh được thiết lập trong Hội Thánh dựa trên Tin Mừng của Chúa Kitô.

Kinh Mân Côi cũng là lời kinh được nhiều thánh nhân, nhiều nhà giảng thuyết, nhiều vị thừa sai, nhiều dòng tu tận tình truyền bá. Đồng thời, kinh Mân Côi được chính Công đồng Vatican II giới thiệu. Đó cũng là kinh mà nhiều vị giáo hoàng thời danh tán dương, cổ võ…

Đối với người sống ơn gọi thánh hiến, bên cạnh nhiều việc đạo đức, nhiều phương thức khác nhau để thánh hóa và tự thánh hóa mình, kinh Mân Côi góp phần nuôi sống chính đời sống ơn gọi của mình.

Vì thế, những ai sống đời hiến dâng đừng chỉ dừng lại ở phương diện rao giảng về kinh Mân Côi, mời gọi mọi người hãy tìm đến kho tàng ơn Chúa nhờ suy niệm kinh Mân Côi, mà hãy là người chiêm ngắm và sống mầu nhiệm Mân Côi trước hết và trên hết anh chị em mình.

I. CHUỖI MÂN CÔI TRONG TƯƠNG QUAN VỚI TIN MỪNG.

Với những mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng mà mỗi khi ta chiêm ngắm, là chiêm ngắm chính cuộc đời Chúa Kitô. Bởi kinh Mân Côi là quyển Tin Mừng rút gọn. Quyển Tin Mừng ấy tuy đơn giản, nhưng phong phú, vì nơi đó, khi chiêm ngắm, ta bước theo Chúa Kitô từ khi Người nhập thể làm người, ra đi loan báo Tin Mừng trên mọi nẻo đường Palestina, đến hành trình đớn đau và khổ nhục tiến lên đỉnh đồi Calvariô, chịu đóng đinh, chịu chết và phục sinh vinh hiển, mở ra con đường sự sống mới cho nhân loại.

Mầu nhiệm mùa Vui diễn tả về một Thiên Chúa làm người, để con người được làm con Thiên Chúa. Đi xa hơn, mùa Vui còn cho ta khẳng định về một “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Thiên Chúa đã làm người: một chân lý tuyệt diệu, quá lớn lao vượt ra ngoài sức tưởng tượng của loài người. Bởi không thể hiểu nổi, nên khi Chúa Kitô xuất hiện, đã làm loài người ngỡ ngàng. Họ không thể tin Đấng Mêssia mà họ hằng mong chờ, nay lại cư ngụ giữa họ! Bởi thế, nhiều người không chấp nhận và không tin vào Chúa Kitô.

Mầu nhiệm sự Sáng diễng tả cuộc đời công khai của Chúa Kitô cùng những bước chân ra đi không mệt mỏi trên con đường loan báo Tin Mừng.

Sau nhiều năm sống ẩn dật, thời gian cần thiết chuẩn bị cho sứ vụ mà Thiên Chúa trao phó, Chúa Kitô loan báo ơn cứu độ đã đến bằng Lời rao giảng, bằng cuộc sống chứng tá, bằng những phép lạ Người đã thực hiện để dạy loài người về một Thiên Chúa yêu thương đến độ hạ mình phục vụ họ: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và hiến mạng sống cho loài người” (Mt 20, 28).

Mầu nhiệm mùa Thương diễn tả những giờ phút đau thương và tủi nhục của Chúa Kitô. Đó cũng là những giờ phút đấu tranh tư tưởng kịch liệt, bởi sự giằng co nội tâm khi đối diện với cuộc khổ nạn mà Người sắp đón nhận: “Lạy Cha, xin cho Con đừng uống chén này, nhưng xin đừng theo ý Con mà theo ý Cha” (Mt 26, 39).

Chúa Kitô đã chấp nhận và đi đến tận cùng con đường thập giá. Bởi đó là con đường duy nhất nối lại mối tương giao giữa nhân loại với Thiên Chúa, giữa Đấng Tạo dựng và loài thụ tạo.

Ngày xưa, Ađam phá vỡ tương giao ấy bởi sự không vâng phục, thì nay, qua cái chết của Chúa Kitô – Ađam mới, đã hàn gắn lại, để con người được hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa, sống trong tương giao tình yêu của Người.

Mầu nhiệm mùa Mừng diễn tả niềm vui khôn cùng của nhân loại một khi vững tin vào Chúa Kitô phục sinh.

Cuộc phục sinh khải hoàn ấy mở ra một viễn tượng mới: cái chết sau cuộc sống trần thế, không là một dấu chấm hết, nhưng là bệ phóng đưa ta vào vĩnh cửu, sống trong sự sống tràn đầy ánh sáng vinh quang mà Chúa Phục Sinh trao ban. Chẳng những không hữu hạn, sự sống ấy còn có chính Thiên Chúa, Nguồng Hạnh Phúc trở nên niềm hạnh phúc tuyệt đối của loài người.

Xuyên suốt những mầu nhiệm Mân Côi đầy ánh sáng Tin Mừng, ta thấy ẩn chứa dáng dấp một phụ nữ cùng song hành với Chúa Kitô trong hành trình cứu thế của Người.

Người phụ nữ ấy chính là Đức Maria, Nữ Tỳ và Người Nghèo của Thiên Chúa. Dù hai tiếng “Xin Vâng”, Đức Mẹ thốt lên trước mặt thiên thần, đã chấm dứt trong ngày truyền tin, nhưng cuộc sống Xin Vâng thì không dừng lại, mà trải dài suốt cuộc đời làm Mẹ Đấng Cứu Thế của Đức Mẹ.

Đi bên cạnh Con mình để sống một đời Xin Vâng, Đức Mẹ trở nên người mẹ thầm lặng luôn suy đi nghĩ lại mọi biến cố xảy đến cho mình (x.Lc 2, 51). Và nếu những giai đoạn cứu thế của Chúa Kitô ngày càng rõ nét theo tuổi đời của Người, thì tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ càng sáng hơn, càng quyết liệt, dần lên xa hơn.

Chẳng hạn, Đức Mẹ đã thinh lặng chấp nhận nghe Con thông báo phải “làm việc của Cha Con” sau khi vất vả đến ba ngày tìm Con thất lạc (Lc 2, 46-50). Đức Mẹ lại Xin Vâng khi dõi bước theo Con trên đường rao giảng.

Khi kết thúc những tháng năm rao giảng của Chúa Con, Đức Mẹ lại tiếp tục dõi theo từng chặng đường thánh giá nghiệt ngã, rồi đớn đau chứng kiến những tủi nhục, roi đòn, sỉ vả… mà loài người đan tâm trút lên Người Con của mình. Đức Mẹ Xin Vâng trong chết lặng nát tan cõi lòng khi chứng kiến đến giây phút sau cùng của Con trên thánh giá.

Nhưng nếu đã gắn bó với Con bao nhiêu trong đau đớn, thì tiếng Xin Vâng của Đức Mẹ càng được bù đắp cân xứng bấy nhiêu trong niềm vui chan chứa của ngày Con khải hoàn phục sinh.

Cuộc đời Xin Vâng của Đức Maria nở hoa rực rỡ trong niềm vui ơn cứu độ của Chúa Kitô. Đi bên cạnh Con mình, Đức Maria đã dâng hiến trọn vẹn để thực thi đến cùng lời thưa Xin Vâng.

2. ĐỜI DÂNG HIẾN VỚI CHUỖI MÂN CÔI.

Nhìn lại hành trình cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô qua bốn mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, chúng ta cảm nhận và hình dung đó chính là cuộc đời của mỗi linh mục .

Hơn thế, trong ơn gọi của mình, người linh mục càng biết suy niệm, thì càng nhận chân cuộc đời mình rập khuôn cuộc đời Chúa Kitô. Vì thế, mỗi chặng đường trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, dù mầu nhiệm Vui hay mầu nhiệm Sáng, dù mầu nhiệm Thương hay mầu nhiệm Mừng, đều trở thành chính sự sống của chính người linh mục.

Và nếu suy niệm tường tận, nếu chấp nhận và sống từng mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, linh mục dễ dàng nhận ra: Các mầu nhiệm không hề có ranh giới, không hề có sự phân chia rạch ròi qua từng giai đoạn của đời sống, nhưng mỗi mầu nhiệm đan xen qua mọi biến cố thăng trầm của cuộc đời người sống ơn gọi thánh hiến.

Các mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Cứu Thế, từng lúc diễn ra trong suốt hành trình cuộc đời chúng ta. Trong quá khứ, chúng ta đã từng cảm nhận, mình đã đi qua không biết bao nhiêu lần những mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng.

Giây phút hiện tại, từng khoảnh khắc của nhịp thời gian mà chúng ta sống, vẫn lại là niềm Vui, sự Sáng, nỗi Thương, sự Mừng.

Càng trải nghiệm cuộc đời, những mầu nhiệm ấy như càng sống động, càng hiển hiện trong chính sự sống và lẽ sống của chúng ta.

Chắc chắn, rồi đây trong đời sống phía trước của từng người, cũng sẽ lại diễn ra trong từng nhịp của đời thánh hiến của từng con người nơi đây, cũng lại chính là những mầu nhiệm của Con Thiên Chúa, mà mỗi người sẽ được sống, được tháp nhập, được họa lại.

Hãy đem những thăng trầm đó mà kết hợp, mà gắn chặt vào cuộc đời của Chúa Kitô, để cuộc đời từng người được lồng trong chính cuộc đời của Chúa.

Với bốn mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, không thể nói hết từng cuộc đời của từng người, tôi xin được bắt đầu bằng chính kinh nghiệm của mình, có thể là nơi bản thân, có thể là nơi người khác. Anh em, khi suy niệm hay khi đọc, có thể thay vào những kinh nghiệm ấy, bằng chính kinh nghiệm, bằng chính năm tháng ngày giờ của anh em.

1. Mùa Vui của người thánh hiến.

Nhiều lắm những lần chúng ta cảm nhận niềm vui trong những tháng năm sống đời tu của mình.

Với bản thân, chẳng hạn, tôi thấy cả bầu trời vui trong ngày mình nhận giấy đi Chủng viện. Nhất là thời gian ngay trước đó, tất cả các dòng tu, các Chủng viện đều bị đóng cửa, tu sĩ phải giải tán, bị buộc trở về nhà…, vậy mà mình là một trong những lớp người đầu, sau những ngày tháng tăm tối, được tu học, dù Chủng viện lúc bấy giờ còn vô vàn khó khăn, vẫn không ngăn nỗi niềm vui trào tràn, không chỉ nơi bản thân, mà còn nơi nhiều người có liên quan…

Không kể miền Bắc (thời gian khó khăn còn dài hơn), tại miền Nam, khoảng trên dưới ba chục năm ròng, từ sau 1975, khi mà người sống ơn gọi tu trì cứ mãi bị kỳ thị, bị nghi ngờ, thậm chí bị sách nhiễu bằng những hình thức nặng nhẹ khác nhau…, vậy mà cuối cùng, Hội Thánh tại Việt Nam vẫn giữ được ơn gọi của mình, nhiều cá nhân vẫn muốn lao vào sống đời thánh hiến, càng cho những ai yêu mến Hội Thánh, những ai có tâm hồn tha thiết với ơn gọi vui mừng lớn lao. Niềm vui như vỡ òa, như thấm đẫm…

Đàng khác, thực hiện được ơn gọi của riêng mình, ta cũng vui vì đó là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời. Bởi sau bao nhiêu vất vả lo toan, sau bao nhiêu khắc khoải đợi chờ, ta bước vào môi trường mới, bước vào cuộc sống mới với tất cả những trang bị cần thiết cho lý tưởng đời mình, cho Hội Thánh của Chúa và cho cả đồng loại xung quanh.

Biết bao nhiêu những nỗi vui mừng khác trong đời thánh hiến của ta. Đó chính là những mùa vui của người sống ơn gọi tu trì. Những mùa vui ấy cần thiết, để giờ đây, qua nó, ta tháp nhập vào mầu nhiệm Mân Côi trong chính cuộc đời trần thế của Chúa Kitô: Mầu nhiệm Năm Sự Vui.

2. Mùa Sáng trong cuộc đời người thánh hiến.

Những năm tháng tu học ở Chủng viện lặng lẽ trôi nhanh. Rời mái trường, anh em chúng tôi lần lược trở thành thầy sáu, rồi linh mục của Chúa.

Với vai trò mới, chúng tôi đặc biệt được Hội Thánh trao cho mình nhiệm vụ quản lý và phân phát kho tàng ơn Chúa cho anh chị em. Nhờ bàn tay thi hành thánh chức của mình, người linh mục đưa dẫn anh chị em về với Thiên Chúa, về với ơn cứu độ của Người.

Như vậy, trở thành linh mục, chúng tôi trở nên người bước tiếp con đường Chúa Giêsu đã đi, không phải những nẻo đường Palestina, nhưng là những nẻo đời giữa lòng cuộc sống. Đặc biệt, đối với các linh mục tại Việt Nam, những nẻo đời đó chính là quê hương Việt Nam của mình.

Và tất cả chúng ta, từng người ở đây hãy ý thức rằng: Quê hương Việt Nam còn cần nhiều linh mục nhiệt thành để loan báo Lời Chúa, cần nhiều bước chân dám dấn thân ra đi, mang Chúa đến cho mọi người.

Dọc dài của nẻo đời quê hương, biết bao nhiêu người cần sự nâng đỡ, quan tâm của những ai sống ơn gọi tu trì, dám hiến mình cho Chúa Kitô, và trao mình cho anh chị em, nhất là những anh chị em bất hạnh, túng nghèo, bệnh tật, bị đẩy ra bên ngoài cuộc sống xã hội, bị khinh miệt, bị chà đạp, bị bóc lột…

Chính họ là những nẻo đời của quê hương. Chính họ là hiện thân của Chúa Giêsu nghèo mà người linh mục và tu sĩ được mời gọi chia sớt cuộc sống với họ. Chỉ nơi họ, cùng những bổn phận mục vụ và đạo đức của mình, anh em chúng ta mới có thể làm sáng danh Chúa.

Linh mục hãy cố mà sống cho bằng được ơn gọi là hiện thân Nước Trời, hiện thực của tình Chúa, nguồn sống của lý tưởng thờ phượng, để không bao giờ có ai đến nơi linh mục hiện diện, khi ra đi phải mang theo nỗi thất vọng…

Và như thế, sống mầu nhiệm sự Sáng trong chức linh mục, là chúng ta để cho danh Chúa được cao rao, cuộc sống nhân loại được đỡ nâng.

Nếu đi ngược tất cả những điều đó, hình bóng linh mục giữa cộng đoàn nhân loại chỉ là một phản chứng, một bóng đen, tệ hơn: đó chỉ là một cách giết chết ơn gọi hiến dâng của chính bản thân người linh mục. Bởi vậy mỗi chúng ta đừng là sự tối, nhưng hãy là sự Sáng.

3. Mùa Thương thăng trầm của đời thánh hiến.

Không thiếu những lần bị hiểu lầm, bị nghi ngờ, bị chống đối từ nhiều phía, nhiều cách thức của nhiều người dành cho mỗi chúng ta. Một mình đối mặt tất cả những hoàn cảnh ấy, dễ làm người sống ơn gọi thánh hiến mệt mỏi, có khi thất vọng, muốn buông xuôi…

Nhìn lên Chúa Kitô trên thánh giá là cách tốt nhất để người linh mục khiêm nhường nhận ra căn tín ơn gọi của mình: Chúa Kitô, linh mục thượng phẩm, kiểu mẫu của mọi đời sống hiến dâng, cũng chính là Chúa Kitô của thánh giá.

Nhìn lên thánh giá, các linh mục sẽ hiểu rằng: “Tôi tớ không hơn chủ, trò không hơn Thầy” (Mt 10, 24; Lc 6, 40).

Con đường mà Chúa đã đi là con đường thánh giá. Bởi chỉ có con đường ấy mới mang lại hoa trái của ơn giải thoát và cứu độ. Chính Chúa Kitô là bài học kinh nghiệm cho từng anh em linh mục, giúp sống đời thánh hiến trong chức linh mục của mình.

Ngoài Chúa Kitô, trong khi suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, ta lại bắt gặp một khuôn mặt khả ái khác, cũng tràn đầy đắng cay, nhưng lại sáng ngời trong niềm phó thác. Khuôn mặt đó chính là Đức Maria, người Mẹ và Bà Chúa của chúng ta trong đức tin và tín thác vĩ đại.

Bởi vậy, khi phải chịu những bất trắc, những nỗi đau canh cánh bên lòng, người linh mục đừng sờn lòng nản chí, nhưng hãy tin tưởng và phó thác như Đức Maria tin tưởng và phó thác qua hai tiếng Xin Vâng trọn cuộc đời của mình.

4. Mùa Mừng trong cuộc sống thánh hiến.

Ngày chúng tôi chịu chức linh mục, nhiều người cho rằng, cuộc đời linh mục là một màu hồng xuyên suốt. Thực tình không sai. Bởi tiếp theo sau lễ phong chức là những ngày tạ ơn nhiều nơi (có người còn gọi đó là lễ Vinh quy), những lời chúc mừng, những bữa tiệc linh đình…

Rồi lại mừng bổn mạng, lại kỷ niệm chịu chức, ngân khánh, kim khánh… Kèm theo cũng lại lời chúc tụng, những món quà được biếu tặng… Đã có lúc chúng tôi tự kiêu, tự mãn vì những hình thức bên ngoài ấy…

Ngay cả sau khi làm được công trình vật chất nào, nói theo ngôn ngữ giới trẻ, cũng khiến chúng tôi “tự sướng”. Chúng tôi vui mừng như nó là thành quả của riêng mình. Gọi là vui mừng, nếu không muốn nói là kiêu ngạo với cái mà nhiều người cho là “thành công”.

Chúng tôi dễ tin mình, nhưng khó tin người. Vì thế, có quá nhiều điều, chúng tôi tự mình quyết định. Và dù không nói ra, nhưng biết đâu lại có lúc ngầm vừa ý với vài ý kiến cho rằng “ý cha là ý Chúa”…

Chúng ta, những linh mục, chỉ có thể trở nên linh mục đích thật của Chúa Kitô, khi biết sống đúng ý nghĩa mầu nhiệm mùa Mừng là hiểu thấu đáo và cố gắng hết sức để sống chính lời Chúa Kitô: “Thầy đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và hiến mạng sống cho loài người” (Mt 20, 28).

Chẳng thể nhớ nổi, bao nhiêu lần trong đời, mình lần chuỗi Mân Côi. Đã có bao giờ, ta sống trọn vẹn mầu nhiệm Mân Côi, và hướng về Chúa thực sự, thật nghiêm túc, để nên giống Chúa như Đức Maria, như Chúa muốn?

III. LỜI KẾT.

Đời sống con người là một cuộc lữ hành tìm về hạnh phúc. Cuộc lữ hành này không thực hiện bằng những bước chân, hoặc bằng những phương tiện duy chuyển, nhưng chỉ có thể thực hiện bằng những hành vi nhân linh, nghĩa là những hành vi có ý thức tự do và chọn lựa.

Là người phàm trần, bị tội lỗi đả thương nặng nề, lại bị thế giới hữu hình quyến rũ một cách mãnh liệt. Vậy làm sao ta có thể thực hiện cuộc hành trình này cho an toàn?

Thấy rõ sự yếu đuối của chúng ta, Ngôi Lời đã nhập thể nên người đồng hành và hướng đạo chúng ta. Ta chỉ có thể tìm được an toàn thực sự cho hành trình đời mình, khi dám cúi xuống để sống khiêm hạ và đón nhận mọi thánh ý Thiên Chúa như chính Ngôi Lời đã sống và nêu gương.

Ngôi Lời đã nhập thể, trở thành người lữ khách kỳ diệu, gồm thâu trong mình một cách khôn tả cả cái nhân loại, lẫn cái thần linh; cả những biến cố lịch sử và những thực tại vĩnh cửu, những bối cảnh thực tại và những mầu nhiệm, những vui sướng thật trinh trong và những đau thương thật thấm thía.

Càng kỳ diệu hơn, khi khuôn mặt của Đức Maria cứ luôn luôn được nhận ra trong mọi biến cố của Ngôi Lời. Hình như Thiên Chúa đã tiên liệu để mọi mầu nhiệm trong cuộc đời của Người Con đều cần đến sự thông hiệp chặt chẽ của Người Mẹ.

Vì thế, các mầu nhiệm của Thiên Chúa được diễn tiến nơi Chúa Kitô, đều mang hình dạng một chặng đường Thiên Chúa đã dự kiến đầy ý nghĩa trước hết cho Đức Mẹ, để rồi qua hình ảnh Đức Mẹ, như một sự báo trước và đại diện, những mầu nhiệm ấy cũng dành cho mọi người chúng ta.

Vì thế, nếu hành trình của Chúa Kitô luôn có người Mẹ hiền của Người là Đức Maria đồng hành, ước mong hành trình nơi mỗi Kitô hữu, đặc biệt là nơi các linh mục, của Chúa đây, cũng sẽ là hành trình gắn bó với Đức Maria.

Vì nếu có Đức Mẹ cùng mang vác trách nhiệm “làm linh mục cho anh chị em” (thánh Augustinô), ta sẽ can đảm hơn, bớt mệt mỏi hơn vì cảm thấy mình được nâng đỡ. Nguồn nâng đỡ đó lại chính là lời cầu bàu của Mẹ Thiên Chúa, lại không giúp ta yên tâm và bình an lắm hay sao.

Bởi đó, chuỗi Mân Côi là một trong nhiều phương thế cầu nguyện tốt để ta được gần bên Người Mẹ kính yêu của mình, giúp ta khám phá ngày càng mãnh liệt vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ cao cả và trong cuộc đời ta. Để nơi mầu nhiệm cứu độ, cùng Đức Mẹ, ta trưởng thành trong ơn Chúa. Và trong đời trần thế, mọi nơi, mọi lúc, nhất là những khi đối diện những hoàn cảnh khó khăn, lắm lúc nghiệt ngã, ta có Đức Mẹ đồng hành và ủi an.

Nguyện xin cho cuộc đời thánh hiến của mỗi chúng ta, trước là được tháp nhập vào chính cuộc đời của Chúa Kitô, để qua Người, ta học và hiểu các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng như bài học không thể thiếu trong từng ngày sống, hoạt động và phục vụ của mình.

Sau nữa, là gắn bó không ngừng với Mẹ Chúa Kitô, để cùng Người, như Người và trong Người, ta biết tin tưởng, phó thác, làm hoàn hảo mầu nhiệm thánh giá của Chúa Kitô nơi chính tâm hồn và cuộc đời hiến dâng của mình.

VẤN TÂM

Đây là giờ thinh lặng hơn lên tiếng. Cùng cảm nghiệm hành trình Vui, Sáng, Thương, Mừng của Chúa Kitô, chúng ta hãy khám phá lại chính mình để kết nối đời ta trong từng mầu nhiệm cuộc đời của Chúa.

Hãy thinh lặng để nhận ra mình, để ăn năn tội và để xin ơn được biến đổi.

Nguyện xin Đức Mẹ đồng hành cùng chúng ta trong giờ vấn tâm này. Xin Đức Mẹ là mẹ của Linh Mục Thượng Phẩm, và là mẹ của đoàn con linh mục, dạy chúng ta biết yêu những mầu nhiệm của Chúa Kitô, biết tháp nhập đời thánh hiến của chúng ta trong từng mầu nhiệm ấy.

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU

Đức Mẹ đứng bên cạnh trọn cuộc đời của Chúa Giêsu. Đức Mẹ tham dự đến cùng, tham dự trọn vẹn suốt dọc dài con đường dương thế của Chúa, từ khởi đầu làm người mãi cho đến kết thúc kiếp người ấy.

Thời khắc gây nhiều cảm xúc nhất, chấn động lòng người nhất, thiêng liêng nhất, thương đau nhất, là thời khắc một người từ giả kiếp người.

Thời khắc đầy ý nghĩa ấy của Chúa, chỉ một mình thánh Gioan khắc họa hình tượng đẹp của Đức Mẹ: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu có thân mẫu Người” (19, 25).

Cũng như đã từng tham dự trọn vẹn cuộc đời của Chúa, giờ đây, Đức Mẹ tiếp tục chứng kiến cho đến cùng, chiêm ngắm và chiến đấu cho đến cùng, khi cùng tham dự mầu nhiệm thánh giá với Chúa.

Nhất là lúc Chúa Giêsu “trao Thần Khí” (Ga 19, 30), Người gục đầu tắt thở, còn hơn đứng cạnh cuộc đời, Đức Mẹ, vì tình yêu làm mẹ, chắc chắn nhói đau tận hồn.

Chưa hết, Đức Mẹ tiếp tục hiện diện chứng kiến đến cùng mũi giáo sắc nhọn lạnh lùng, vô cảm xuyên thấu trái tim Chúa Giêsu. Trong nỗi đau hơn cả nỗi đau này, gợi lại lời tiên tri của cụ Simeon: Mũi giáo đâm thấu trái tim Chúa, cũng là mũi giáo đâm nát tâm hồn Đức Mẹ (x.Lc 2, 35).

Nhìn hình tượng Đức Mẹ đứng cạnh cái chết của Chúa, với tôi, đó là biểu tượng để nhắn gởi bản thân: Hãy chuẩn bị hành trang cho giờ chết của mình được chết bên Đức Mẹ, chết trong tay Đức Mẹ.

Suy tưởng như trên càng được củng cố bởi những lần nghiền ngẫm phần cuối của kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử”, cùng nhiều giáo huấn khác của Hội Thánh về việc “xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ” (suy gẫm thứ tư của mầu nhiệm Mừng).

Trải nghiệm cuộc đời, không ít lần cho ta thấm thía: đời ta mong manh, cuộc sống ta dòn mỏng. Cách duy nhất, là phó thác vào Thiên Chúa, đặt vào bàn tay Thiên Chúa mọi công trình, mọi việc làm và cả cuộc đời, mới là cách hay nhất để tồn tại, và tồn tại trong Thiên Chúa đời đời.

Cùng với lòng tín thác nơi Chúa, theo gương Chúa Giêsu, anh em linh mục hãy níu lấy Đức Mẹ, xin Đức Mẹ đồng hành cùng mình suốt mọi chặng đường đời.

Đặc biệt, hãy nài xin Đức Mẹ hiện diện trong giờ phút thương đau nhất, kinh hoàng nhất, gây sợ hãi nhất, đó là giờ phút ly biệt trần thế.

Xin Đức Mẹ hãy tiếp tục yêu thương đỡ nâng, dắt dìu, hướng dẫn từng người trình diện trước Đấng là con của Đức Mẹ và là Quan Án của mọi người.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG