SỰ THẤT BẠI CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

Ngày 28.09.2016, trong buổi tiếp kiến chung, Ðức Thánh Cha nói: « Một lần nữa, tôi nghĩ đến nước Syria yêu quí và tang thương. Tôi vẫn nhận các tin tức bi thảm về số phận dân chúng tại Aleppo, và tôi muốn liên kết với họ trong đau khổ, qua kinh nguyện và sự gần gũi tinh thần. Tôi đau buồn và lo âu sâu xa vì những gì đang xảy ra tại nơi bị tàn phá này, và tôi lập lại với tất cả mọi người lời kêu gọi hãy hết sức dấn thân trong việc bảo vệ các thường dân như một nghĩa vụ bó buộc và cấp thiết. Tôi kêu gọi lương tâm của những người gây ra các cuộc dội bom và pháo kích, họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa! ».

Hôm sau, ngày 29.09.2016, trước 80 người thuộc 40 tổ chức từ thiện Công Giáo quốc tế và các tham dự viên khác tại khóa họp thứ 5 do Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Ðồng Tâm), triệu tập ở Roma, để kiểm điểm tình hình và đẩy mạnh công cuộc cứu trợ các nạn nhân tại Syria và Irak, Ðức Thánh Cha nói : « Mặc dù nhiều cố gắng đã được thực hiện trong các lãnh vực khác nhau, lý lẽ của võ khí và đàn áp, những lợi lộc đen tối và bạo lực tiếp tục tàn phá hai nước ấy và cho đến nay, người ta không biết chấm dứt những đau khổ làm kiệt quệ và những vi phạm liên tục chống lại các nhân quyền. Các hậu quả thê thảm của cuộc khủng hoảng ấy hiện nay trở nên rõ rệt, vượt lên trên các biên cương của vùng ấy. Hiện tượng di cư trầm trọng là biểu tượng tình trạng ấy… Bạo lực sinh ra bạo lực và chúng ta có cảm tưởng đang bị cuốn vào cái vòng bất lực và ù lỳ bất động mà dường như không có lối thoát. Sự ác đang vây hãm lương tâm và ý chí như vậy chúng ta cần đặt câu hỏi. Tại sao họ tiếp tục theo đuổi những lạm quyền, trả đũa và bạo lực, dù có những thiệt hại lớn lao cho con người, cho tài sản và môi trường như thế? Chúng ta hãy nghĩ đến vụ tấn công mới đây chống lại đoàn xe cứu trợ nhân đạo Liên hiệp quốc. Trước cảnh đau thương đó, Người ca ngợi hoạt động của ‘những người dấn thân giúp đỡ các nạn nhân và bảo tồn phẩm giá của họ, công việc ấy chắc chắn là một phản ảnh Lòng Thương xót của Thiên Chúa’.

Trong khuôn khổ bài này, chúng ta sẽ xem qua Huấn quyền Công Giáo về Cộng đồng Quốc tế, Tổ chức Liên hiệp quốc và sự thất bại của tổ chức này tại Việt Nam và Syria.

I.- CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ THEO HUẤN QUYỀN Công Giáo.

Chương 9 Tóm lược Học thuyết xã hội Giáo Hội Công Giáo. Các số trong bài là những số thứ tự trong bản tóm lược này, dùng để đối chiếu với những hành động của Cộng đồng thế giới và các cường quốc nhân danh ‘tự do’ và ‘vì nhân quyền’… Câu hỏi có thể đặt ra cho những người thuộc thế hệ ‘baby boom’: ‘An ninh hiện nay được bảo đảm hơn tình trạng đó trong những thập niên 1950 – 1960?’

a. Sự thống nhất gia đình nhân loại.

428. Thánh Kinh tường thuật công trình tạo dựng đã làm rõ sự thống nhất của gia đình nhân loại và đã dạy rằng Thiên Chúa là Chúa tể lịch sử lẫn vũ trụ. Các việc Ngài làm liên hệ đến thế giới và gia đình nhân loại, đối tượng mà công trình tạo dựng của Thiên Chúa nhắm tới. Khi tạo dựng con người theo hình ảnh của mình và giống mình (x. St 1,26-27), Ngài đã ban cho họ phẩm giá độc nhất, sẽ trải qua mọi thế hệ (x. St 5) và trên khắp địa cầu (x. St 10). Sách Sáng Thế cho thấy họ không được tạo dựng để sống cô lập mà sống trong một khung cảnh mà một phần là những không gian sống bảo đảm cho họ được tự do (thửa vườn), có nhiều loại có thể làm lương thực (cây trong vườn), được lao động (canh tác vườn) và trên hết là đời sống cộng đồng (được ban cho có người giống mình) (x. St 2,8-24).

429. Sau sự tàn phá do lụt đại hồng thủy, Thiên Chúa ký kết giao ước với Noê (x. St 9,1-17), và qua ông, Ngài ký kết với toàn thể nhân loại, cho thấy Ngài muốn gìn giữ cho cộng đồng con người phúc lành đông con cháu, có nhiệm vụ khuất phục tạo vật và gìn giữ phẩm giá tuyệt đối cùng tính bất khả xâm phạm của sự sống, là những đặc điểm cuộc tạo dựng đầu tiên. Sách Sáng Thế tố giác việc họ không chấp nhận thân phận thụ tạo của mình, qua đoạn kể về tháp Babel (x. St 11,1-9). Theo kế hoạch Thiên Chúa, mọi dân tộc lẽ ra đều có ‘cùng một ngôn ngữ và cùng một tiếng nói’ (x. St 11,1), nhưng họ đã bị chia năm xẻ bảy và quay lưng lại với Đấng Tạo Hoá (x. St 11,4).

430. Giao ước Chúa thiết lập với Abraham, người được chọn làm ‘cha nhiều dân tộc’ (St 17,4), đã mở đường cho gia đình nhân loại quay về với Đấng Tạo Hoa. Lịch sử cứu độ đã đưa dân Israel tới chỗ tin tưởng rằng Ngài chỉ hoạt động trong lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, dần dần người ta xác tín rằng Thiên Chúa cũng hành động nơi các dân tộc khác nữa (x. Is 19,18-25).

b. Đức Giêsu Kitô, nguyên mẫu và nền tảng của nhân loại mới

431. Trong Người, ‘hình ảnh thật sự giống Thiên Chúa’ (2 Cr 4,4), tức con người tìm được sự trọn vẹn của mình. Trong lời chứng tình yêu cuối cùng mà Đức Kitô đã làm hiện rõ nơi thập giá, mọi hàng rào thù địch đã bị phá đổ hoàn toàn (x. Ep 2,12-18), và những ai sống đời sống mới trong Người, thì mọi khác biệt về chủng tộc và văn hoá không còn là nguyên nhân gây ra chia rẽ nữa (x. Rm 10,12; Gl 3,26-28; Cl 3,11). Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội nhận ra kế hoạch thống nhất của Thiên Chúa là kế hoạch bao gồm toàn thể nhân loại (x. Cv 17,26), nhằm quy tụ lại tất cả mọi thụ tạo đã bị chia rẽ và phân tán trong mầu nhiệm cứu độ sẽ diễn ra trong triều đại Người (x. Ep 1,8-10). Ngày lễ Ngũ Tuần, khi mầu nhiệm Chúa Phục Sinh được loan báo cho các dân tộc khác nhau nhưng ai nấy đều hiểu điều đó bằng ngôn ngữ của mình (x. Cv 2,6). Giáo Hội, gia đình nhân loại được khôi phục lại sự thống nhất và nhìn ra sự phong phú của những điểm dị biệt nơi mình, hầu có thể đạt tới ‘mức thống nhất trọn vẹn trong Đức Kitô’.

c. Thiên chức phổ quát của Kitô giáo

432. Thông điệp Kitô giáo có một cái nhìn chung về cuộc sống con người và các dân tộc toàn cầu, tạo nên sự thống nhất gia đình nhân loại. Ðó là kết quả ‘mô hình thống nhất tối cao, phản ánh đời sống thâm sâu Thiên Chúa Ba Ngôi,… mà Kitô hữu gọi là sự ‘hiệp thông’; đó là sự hoàn thành sức mạnh đạo đức và văn hoá của tự do. Họ tự nguyện cộng tác với nhau do ý thức rằng ‘mình là những phần tử sống động của toàn thể gia đình nhân loại’, như sự hợp nhất do Ðấng Tạo Hoá muốn vì ‘mọi thành viên của gia đình ấy đều là những con người bình đẳng với nhau nhờ phẩm giá tự nhiên. Từ đó, có nhu cầu đẩy mạnh, trong khả năng có thể, công ích cho toàn cầu, cũng là công ích của toàn thể gia đình nhân loại’.

1./ CÁC QUY TẮC CĂN BẢN CỦA CỘNG ÐỒNG QUỐC TẾ

a. Cộng đồng quốc tế và các giá trị.

433. Lấy con người làm trọng tâm và thiết lập các mối quan hệ giữa họ với nhau, giữa các dân tộc với nhau theo khuynh hướng tự nhiên, đó chính là những yếu tố căn bản cần thiết để xây dựng một cộng đồng quốc tế đích thực, bảo đảm hữu hiệu cho có công ích toàn cầu. Dù là khát vọng phổ biến khắp nơi, nhưng việc thống nhất gia đình nhân loại vẫn chưa thực hiện được, do những trở ngại xuất phát từ các ý thức hệ duy vật và duy dân tộc, là những ý thức hệ trái với các giá trị con người. Sự sống chung giữa các dân tộc được xây dựng trên các giá trị từng làm nền tảng để xây dựng các mối quan hệ giữa người với người: đó là sự thật, công lý, liên đới tích cực và tự do.

434. Luật quốc tế bảo đảm cho trật tự quốc tế, tức cho việc chung sống của các cộng đồng chính trị, vừa tìm cách đẩy mạnh công ích các công dân nước mình vừa cùng cố gắng bảo đảm công ích mọi dân tộc, vì ý thức rằng không thể tách rời công ích một quốc gia với công ích của toàn thể gia đình nhân loại. Cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý xây dựng trên chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không có những ràng buộc lệ thuộc làm mất đi hay hạn chế sự độc lập của mỗi quốc gia.

435. Huấn Quyền nhìn nhận tầm quan trọng của chủ quyền mỗi quốc gia, được hiểu như biểu hiện sự tự do cần có để điều khiển các quan hệ giữa các nước với nhau, biểu trưng cho chủ thể tính mỗi quốc gia, theo nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá. Văn hoá gìn giữ bản sắc một dân tộc, biểu lộ và phát huy chủ quyền thiêng liêng dân tộc ấy. Tuy nhiên, đó không phải là một quyền tuyệt đối. Các quốc gia có thể tự nguyện từ khước thi hành một số quyền nào đó vì công ích, do ý thức rằng tất cả các quốc gia đều làm nên ‘một gia đình’, trong đó phải ưu tiên cho sự tin tưởng, nâng đỡ và tôn trọng nhau. Sự kiện đáng tiếc hiện nay là chưa có một thoả ước quốc tế nào bàn tới ‘các quyền của các quốc gia’ một cách thích đáng, và để chuẩn bị cho thoả ước ấy, rất nên bàn tới các vấn đề công lý và tự do trong thế giới hiện nay.

b. Các quan hệ phải được xây dựng trên sự hài hòa giữa trật tự pháp lý và trật tự luân lý.

436. Để tạo ra và củng cố một trật tự quốc tế bảo đảm có được các quan hệ hòa bình giữa các dân tộc với nhau, luật luân lý từng điều khiển đời sống con người cũng phải điều hoà các quan hệ giữa các quốc gia: ‘Sự tuân giữ luật luân lý cần phải được ghi nhận và xúc tiến nhờ công luận của mọi dân tộc và mọi nước cách đồng tâm nhất trí đến nỗi không ai dám xét lại hay giảm nhẹ sức ràng buộc của luật luân lý ấy’. Luật luân lý phổ quát, được ghi khắc nơi tâm hồn con người, hữu hiệu và là một biểu hiện sống động của lương tri được chia sẻ của nhân loại, một ‘quy tắc thành văn’ để chúng ta dựa vào đó mà xây dựng tương lai thế giới.

437. Mọi người cùng tôn trọng các nguyên tắc ẩn đằng sau ‘cấu trúc pháp lý phù hợp với trật tự luân lý’, điều kiện cần thiết để đời sống quốc tế được ổn định. Việc tìm kiếm sự ổn định như thế, đã dẫn đến việc soạn thảo dần một loại ‘quyền của các quốc gia’, có thể được coi là ‘tiền thân của luật quốc tế’, dựa trên luật tự nhiên, đã nêu ra ‘các nguyên tắc phổ quát, có trước và ở trên luật riêng mỗi quốc gia’, như sự duy nhất của nhân loại, phẩm giá bình đẳng của mọi dân tộc, không lấy chiến tranh làm phương thế giải quyết các tranh chấp, phải cộng tác với nhau để đạt công ích và cần phải trung tín với những thoả ước đã ký kết. Nguyên tắc này cần được đặc biệt nhấn mạnh để tránh ‘bị cám dỗ sử dụng luật của sức mạnh thay vì nhờ tới sức mạnh của luật’.

438. Để giải quyết những căng thẳng giữa các cộng đồng chính trị khác nhau mà có thể làm phương hại đến sự ổn định của các quốc gia và an ninh thế giới, cần phải sử dụng các luật chung khi tham gia thương thảo, đồng thời dứt khoát gạt bỏ ý nghĩ có thể tìm được công lý bằng cách sử dụng chiến tranh. Không những hiến chương Liên hiệp quốc gạt bỏ việc sử dụng chiến tranh, mà còn phản đối việc đe doạ sử dụng vũ lực. Trong Thế Chiến Thứ Hai, Huấn Quyeàn không ngừng đề cao những nhân tố cần thiết để xây dựng một trật tự thế giới mới: quyền tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ mỗi quốc gia, bảo vệ quyền các sắc tộc thiểu số, chia sẻ công bằng các nguồn lợi của trái đất, loại bỏ chiến tranh và giải trừ quân bị, trung tín với các thoả ước đã ký kết và chấm dứt việc bách hại tôn giáo.

439. Để củng cố thế ưu việt của luật pháp, nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau là vô cùng quan trọng. Do đó, cần phải tái lập các phương thế mang tính quy phạm để giải quyết các tranh cãi cách hoà bình, cũng như để củng cố phạm vi và sức mạnh ràng buộc của các phương thế ấy. Các tiến trình thương thuyết, làm trung gian, hoà giải và trọng tài phải được hỗ trợ bằng việc lập ra ‘một quyền bính pháp lý thật hữu hiệu trong thế giới hoà bình’. Chỉ khi tiến theo chiều hướng này thì cộng đồng quốc tế mới là một cấu trúc để giải quyết các cuộc xung đột cách hoà bình. ‘Luật quốc tế phải bảo đảm rằng từ nay luật của kẻ mạnh hơn không còn chiếm ưu thế nữa.

2./ TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ.

a. Giá trị của các tổ chức quốc tế.

440. Giáo Hội đồng hành trong tiến trình thành lập một ‘cộng đồng quốc tế’ đích thực, đã có một hướng đi rõ rệt khi Liên hiệp quốc được thành lập năm 1945. Tổ chức này ‘đã đóng góp đáng kể vào việc đẩy mạnh sự tôn trọng phẩm giá con người, sự tự do của các dân tộc và những yêu cầu của sự phát triển, từ đó chuẩn bị vùng đất văn hoá và định chế để xây dựng hoà bình’. Học thuyết Xã hội Công Giáo nhìn rất tích cực vai trò các tổ chức liên chính phủ, nhưng vẫn nhắc nhở hoạt động của các cơ quan quốc tế phải đáp ứng các nhu cầu con người trong đời sống xã hội và trong các lĩnh vực quan trọng đặc biệt đối với việc chung sống hòa bình và trật tự của nhiều quốc gia và dân tộc.

441. Vì quan tâm tới việc chung sống hoà bình và trật tự trong gia đình nhân loại, nên Huấn Quyền đã phải nhấn mạnh tới nhu cầu thiết lập ‘một thẩm quyền chung mang tính quốc tế nào đó, được mọi quốc gia nhìn nhận và được trao cho quyền lực hữu hiệu, để bảo vệ an ninh nhân danh mọi quốc gia, chăm lo cho công lý và tôn trọng nhân quyền’. Xưa nay, dù mỗi thời có những quan điểm khác nhau, nhưng luôn có một nhận thức chung là cần phải có một quyền hành tương tự để giải quyết các vấn đề thế giới, phát sinh từ việc cùng nhau tìm kiếm công ích. Quyền hành chính trị thi hành ở cấp cộng đồng quốc tế ấy phải được luật pháp điều phối, nhằm phục vụ công ích và luôn tôn trọng nguyên tắc bổ trợ. ‘Quyền hành chung cộng đồng quốc tế này không được đặt ra để hạn chế phạm vi hoạt động quyền hành thuộc mỗi cộng đồng chính trị, không nhằm thay thế quyền hành của cộng đồng này.

442. Vì các vấn đề hiện nay mang tính toàn cầu, nên hơn bao giờ hết cần phải khẩn trương khởi động các hoạt động chính trị mang tính quốc tế để theo đuổi mục tiêu hoà bình và phát triển bằng cách chấp nhận những biện pháp có phối hợp với nhau. Huấn Quyền nhìn nhận sự lệ thuộc lẫn nhau giữa con người và các nước hiện đang mang chiều hướng luân lý, và là nhân tố quyết định cho các quan hệ trong thế giới về mặt kinh tế, văn hoá, chính trị và tôn giáo. Trong bối cảnh ấy, chúng ta hy vọng sẽ có một sự duyệt xét lại các tổ chức quốc tế, một tiến trình ‘đòi mọi người phải vượt qua những sự ganh đua về chính trị và phải từ bỏ mọi tham vọng muốn lèo lái các tổ chức ấy, để các tổ chức này chỉ nhắm tới công ích’ với mục đích là làm sao ‘giúp thế giới được trật tự hơn’. Cách riêng, các cơ cấu liên chính phủ phải thực hiện các chức năng của mình thật hữu hiệu, là kiểm soát và hướng dẫn trong lĩnh vực kinh tế, vì việc đạt cho được công ích đã trở thành mục tiêu vượt ra ngoài khả năng mỗi quốc gia, dù các nước ấy có thể rất trổi vượt về quyền lực, sự thịnh vượng và sức mạnh chính trị. Ngoài ra, các cơ quan quốc tế phải bảo đảm có sự bình đẳng, là nền tảng để mọi nước được quyền tham gia vào tiến trình phát triển toàn diện, nhưng vẫn tôn trọng những dị biệt chính đáng.

443. Huấn Quyền đánh giá cách tích cực các hiệp hội được hình thành trong xã hội dân sự nhằm hướng dẫn công luận nhận thức các khía cạnh khác nhau của đời sống quốc tế, chú ý đặc biệt tới việc tôn trọng các nhân quyền, như đã chứng kiến nơi ‘nhiều hiệp hội tư nhân mới được thành lập, nơi một số hiệp hội có hội viên trên toàn thế giới, chú tâm theo dõi một cách cẩn thận và khách quan đáng khen ngợi những gì đang xảy ra trên thế giới trong lĩnh vực nhạy cảm này’. Các chính phủ nên phấn khởi trước những sự dấn thân của các tổ chức đó, những tổ chức tìm cách thực hiện các lý tưởng còn tiềm ẩn của cộng đồng quốc tế, ‘nhất là qua những cử chỉ cụ thể diễn tả sự liên đới và hoà bình của nhiều cá nhân tham gia các Tổ chức Phi Chính phủ hay các Phong trào đòi Nhân quyền’.

II.- LIÊN HIỆP QUỐC.

Tổ chức quốc tế, được thành lập ngày 24.10.1945, có mục đích duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc. Hiện nay, tổ chức có 193 quốc gia thành viên.

Trụ sở Liên hiệp quốc đặt tại lãnh địa quốc tế ở thành phố New york (Hoa kỳ), gồm các cơ quan chuyên môn quyết định các vấn đề về điều hành và luật lệ. Theo hiến chương, Liên hiệp quốc có 6 cơ quan chính: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội, Ban thư ký, Tòa án Quốc tế vì Công lý, Hội đồng Ủy trị Liên hiệp quốc. Ngoài ra, một số tổ chức tiến hành quản lý các cơ quan của Hệ thống Liên hiệp quốc, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF).

Thành viên thứ 149, Việt Nam cộng sản, đã gia nhập Liên hiệp quốc ngày 20.09.1977 và đã được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Lịch sử đặc biệt đáng tiếc và thật buồn của một tiến trình nước này nộp đơn xin gia nhập Liên hiệp quốc và các cơ quan quốc tế của tổ chức này từ năm 1949 :

1./ Tại Ủy ban Kinh tế Á châu và Viễn đông (ECAFE, Economic Commission for Asia and the Far East) được thành lập để hợp tác trao đổi công nghiệp và thương mại giữa các nước trong vùng. Quốc gia Việt Nam (thủ đô : Sài gòn) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (chỉ có thủ đô Hà nội từ sau hiệp định Geneva 1954) cùng nộp đơn vào tháng 10/1949. Trong khóa họp tại Singapore từ ngày 20 đến 29.10.1949, các thành viên Pháp, Úc, Cambodge và Anh ủng hộ đơn xin của Quốc gia Việt Nam là một chính phủ hợp pháp, được thành lập qua pháp lý quốc gia. Pháp và Anh nêu các điều khoản tham chiếu của ECAFE quy định nguyên đơn chỉ có thể được xem xét khi nó đại diện cho vùng lãnh thổ bởi một Chính phủ có các quan hệ quốc tế như đúng với trường hợp Quốc gia Việt Nam. Những điều kiện này không được đáp ứng bởi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ‘chỉ ở trong rừng’…, chỉ được sự ủng hộ của Liên xô và Indonesia là chính phủ hợp pháp duy nhất của nước. Ấn độ ủng hộ cả hai lá đơn vì cả hai chính phủ trên thực tế đều nắm quyền kiểm soát kinh tế trong lãnh thổ mình. Kết quả: Quốc gia Việt Nam được 8 phiếu thuận, 1 phiếu chống, 3 phiếu trắng, được kết nạp vào ECAFE ; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được 2 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 3 phiếu trắng, nên bị loại.

2./ Gia nhập Liên hiệp quốc.

Quốc gia Việt Nam đệ đơn xin gia nhập ngày 17.12.1951. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nạp đơn ngày 27.12.1951. Hai đơn được đưa ra thảo luận trong cuộc họp Ðại Hội đồng ngày 02.09.1952 nhưng không được chấp thuận. Tại phiên họp trong các ngày 10 đến 12.09.1952, Pháp, được sự ủng hộ của Hy lạp, Hòa lan, Anh và Hoa kỳ, xác định đây là một quốc gia độc lập, tự do và có quyền tự quyết trong khối Liên hiệp Pháp, đề cử Quốc gia Việt Nam. Liên xô đề cử Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì chỉ nước này là quốc gia độc lập tự do, và là chính phủ hợp pháp duy nhất của Việt nam.

Kết quả: Tại phiên họp Ðại Hội đồng lần 603 ngày 19.09.1952, đơn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được 1 phiếu thuận và 10 phiếu chống bị loại. Trái lại, đơn của Quốc gia Việt Nam thu được 10 phiếu thuận và 1 phiếu chống vẫn bị bác do Liên xô, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, sử dụng quyền phủ quyết.

Do Quốc gia Việt Nam có số phiếu hơn 2/3 nhưng vẫn bị từ chối gia nhập Liên hiệp quốc, nên Đại hội đồng đã ra nghị quyết 620 C (VII), có nội dung như sau:

Đại Hội đồng,

Cần lưu ý rằng, ngày 19 tháng 9 năm 1952, mười thành viên của Hội đồng Bảo an ủng hộ một nghị quyết dự thảo giới thiệu kết nạp Quốc gia Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhưng đề nghị không được đưa lên Ðại hội đồng vì sự chống đối của một thành viên thường trực, xét thấy nó quan trọng cho sự phát triển của Liên Hợp Quốc rằng tất cả các quốc gia nộp đơn thỏa mãn các quy định tại Điều 4 của Điều lệ phải được thừa nhận, "

"1. Xác định rằng Quốc gia Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hoà bình đúng theo Điều 4 của Hiến chương, có khả năng và sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của mình, và do đó phải được nhận làm thành viên trong Liên hiệp quốc;

"2. Đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ lưu ý sự khẳng định này của Ðại Hội đồng đối với đơn của Quốc gia Việt Nam."

Ngày 08.10.2016, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã họp phiên khẩn cấp về tình hình Syria, lần thứ hai trong tuần này, vì có hai dự thảo nghị quyết do Pháp và Nga đệ trình. Tuy nhiên, rất tiếc vì tính cách ‘khẩn cấp, cả hai dự thảo này đều không được thông qua.

Trong dự thảo nghị quyết của mình, Pháp đề nghị lập tức chấm dứt các cuộc không kích và các chuyến bay quân sự trên vùng trời thành phố Aleppo ( Syria), đồng thời kêu gọi lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo được đến khắp Syria. Dự thảo này không được thông qua do Nga dùng quyền phủ quyết. Đây là lần thứ 5 Nga dùng quyền phủ quyết các dự thảo nghị quyết về Syria. Các lần trước, họ được Tàu cộng ủng hộ và cùng phủ quyết nhưng lần này Tàu bỏ phiếu trắng. Theo chân Nga, Venezuela đã bỏ phiếu chống và Angola bỏ phiếu trắng. 11 nước còn lại bỏ phiếu thuận.

Tiếp theo, Hội đồng Bảo an cũng bác bỏ dự thảo do Nga đệ trình, nhằm mục đích sửa đổi lệnh ngừng bắn ở Syria ngày 09.09.2016. Dự thảo này chỉ nhận được ‘phiếu thuận’ của Nga, Tàu, Venezuela và Ai cập ; Angola và Uruguay bỏ phiếu trắng và các thành viên còn lại bỏ phiếu chống.

Ðó là việc làm của những thành viên ‘bảo an’, với nhiều điều không phù hợp với Huấn Quyền xã hội Công Giáo, nhất là với số 433.

(còn tiếp)

Hà Minh Thảo