GIÁO XỨ: VINH THỦY

Giáo xứ Vinh Thủy tước hiệu Mẹ Mân Côi được hình thành từ tháng 08.1955, với khoảng 3000 giáo dân gốc giáo phận Vinh thuộc các giáo xứ: Mành Sơn, Vĩnh Yên, Tân Lập, Thuận Nghĩa, Tân Vinh, Tân Lộc (Nghệ An), và một số giáo dân tỉnh Quảng Bình di dân vào Nam sau hiệp định Geneve.

Vì kế sinh nhai, nên những năm sau đó phần lớn giáo dân lại dời đi nơi khác để làm ăn sinh sống. Đến năm 1967, gần 1000 giáo dân xứ Vinh Hưng đến tạm cư vì chiến tranh, được giáo quyền xác nhập vào giáo xứ. Từng phục vụ: cố linh mục Phanxicô Xaviê Lê Trọng Khiêm (08.1955 - 11.1965), cố linh mục Hồ Ngọc Cai (1956), cố linh mục Nguyễn Quyền (1957), linh mục Trịnh Quang Cảnh (1960); linh mục Gioan Baotixita Lê Xuân Hoa (11.1965 - 8.1973), linh mục Gioan Baotixiata Vũ Đình Hiên (8.1973- 5.1975).

Về cơ sở vật chất, song song với công tác định cư, cha xứ và giáo dân đã tiến hành làm một nhà thờ bằng gỗ, một nhà xứ và nhà trường cũng bằng các vật liệu nhẹ, tất cả đều tọa lạc trên đồi cát cao gần bờ biển. Năm 1965, được tái thiết toàn bộ bằng vật liệu nặng (khu vực này hiện nay đã bị Nhà Nước trưng dụng xây dựng khách sạn Novotel. Năm 1964, trước khi về hưu dưỡng, cố Lm. Lê Trọng Khiêm đã xây thêm một nhà thờ mới nằm sát tỉnh lộ 9 (đường Phan Thiết - Mũi Né). Từ năm 1978, nhà thờ này trở thành trung tâm sinh hoạt phụng vụ của giáo xứ.

Về tinh thần, nhờ vào lòng đạo đức căn bản lâu đời của người giáo dân, cùng với sự lãnh đạo nghiêm khắc về luân lý của các vị chủ chăn, đời sống đức tin ngày càng vững mạnh, từ đó công việc truyền giáo được triển nở một cách tốt đẹp.

Sau biến cố 1975, giáo dân tản mác với nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan, số giáo dân có lúc chỉ còn hơn 200 người. Nhờ vào công tác truyền giáo tích cực, thêm vào đó giáo dân các nơi đến định cư sinh sống, hiện nay số giáo dân đã lên đến 565 người nằm trong địa bàn rộng vào bậc nhất trong thành phố Phan Thiết. Mặc dầu số giáo dân thật khiêm tốn, nhưng với bất cứ hoàn cảnh nào, luôn luôn duy trì một Hội đồng Mục vụ 5 thành viên điều hành các hoạt động trong giáo xứ. Hiện nay, các đoàn thể như Phan Sinh Tại Thế, Các Bà Mẹ Công Giáo, Tông đồ Thiếu Nhi, cũng dần đi vào nề nếp và có chiều hướng khởi sắc, nhờ vào sự lãnh đạo của các linh mục trực tiếp cũng như gián tiếp: cha Gioan Baotixita Hoàng Văn Khanh (7.1975 - 8.1975), cha Giuse Đinh Vĩ Đại (8.1975 - 10.1978). Từ 1978 không có chủ chăn chính thức, giáo xứ được bề trên gởi giao cho cha Phó xứ Thanh Hải An phong Nguyễn Công Vinh kiêm nhiệm, đến 02.1988 cha Quản lý Tòa Giám Mục Phanxicô Xaviê Đinh Tiên Đường đặc trách, cha Giuse Nguyễn Kim Anh (11.1992 - 6.1994), cha Phêrô Nguyễn Văn Học (12.6.1994 -31.05.2002), cha JB. Hoàng Văn Khanh (01.06.2002- …).

Về cơ sở vật chất: nhà thờ được tu sửa mặt tiền, cung thánh, đồng thời xây dựng mới một nhà xứ và hội trường 2 phòng trong những năm 1991 - 1992

Với một địa bàn rộng lớn, số giáo dân chỉ chiếm 3,65% dân số, nên công tác truyền giáo được đặt lên hàng đầu. Hằng năm số người dự tòng càng tăng, điều đáng khích lệ là có nhiều hộ gia đình xin tòng giáo hoàn toàn.

Về văn hóa, khoảng 30 em đã tốt nghiệp hoặc đang theo học đại học, 98% các em đều được cha mẹ ý thức cho đến trường.

Chăm sóc người nghèo, già cả neo đơn cũng là một mục tiêu của giáo xứ, hằng năm vẫn duy trì thăm hỏi, ủy lạo bệnh nhân tại bệnh viện trong các dịp đại lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, năm vừa qua đã cộng tác với Tòa Giám Mục thực hiện được 18 ngôi nhà tình thương cho những gia đình nghèo, không phân biệt lương giáo.

Hướng về tương lai, giáo xứ vẫn đặt hai trọng tâm là chăm sóc người nghèo và công tác truyền giáo qua đời sống chứng tá và việc làm cụ thể. Về văn hóa vẫn duy trì khích lệ cổ vũ việc mở mang kiến thức cho con em như trước đây đã thực hiện là phát thưởng cho những em có thành tích cao trong học tập vào mỗi cuối niên học. Hy vọng rằng thế hệ trẻ được quan tâm chăm sóc chu đáo hôm nay, là đôi cánh đưa giáo xứ vươn lên vững mạnh hơn trong ngày mai.