Đại Lễ Các Dân Tộc tại Đại Hội Công Giáo Đức kỳ thứ 95 - Trong Giáo Hội không có ai là người “ngoại quốc“

Ulm (ngày 18/06/2004) - Vào lúc 18g00 chiều ngày thứ Sáu 18.06, hàng ngàn người thuộc đủ mọi sắc tộc đại diện cho các dân nước đang sinh sống lập nghiệp tại Đức nói chung và trong giáo phận Rottenburg-Stuttgart nói riêng như Ba Lan, Ukranie, Croat, Slowenie, Hung Gia Lợi, Albanie, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Eritria (Phi Châu) và Việt Nam… đã sốt sắng tham dự đại lễ dành cho mọi sắn dân tại thánh đường thánh Tổng Lãnh Micae. Đức Hồng Y Karl Lehmann chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã chủ tế thánh lễ long trọng này. Cùng đồng tế với Đức Hồng Y còn có ba giám mục từ Ba Lan, Ukraine và Ý, cùng với trên 50 linh mục đang phụ trách mục vụ cho các sắc dân. Về phía cộng đoàn công giáo Việt Nam có sự hiện diện một số anh chị em giáo dân vùng Nam Đức và hai linh mục: Lm. Antôn Huỳnh Văn Lộ, chủ tịch Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Đức và Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu, quản nhiệm giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong giáo phận Rottenburg-Stuttgart.

Trong bài giảng về Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Hồng Y chủ tế đã nhắc đến tình yêu của Thánh Tâm Chúa và mời gọi mọi dân tộc hãy bắt chước mẫu gương thiện hảo của tình yêu Thiên Chúa “dịu dàng và khiêm nhượng“ dành cho nhân loại. Thiên Chúa là Cha của mọi người, mọi dân tộc. Tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Trong Giáo Hội không có ai là người “ngoại quốc“, tất cả là chi thể của một Thân Thể mầu nhiệm duy nhất là chính Chúa Kitô. Hiến pháp của dân Thiên Chúa: là đức bác ái, là tình yêu thương, là hiệp nhất và chia sẻ. Ngài mời gọi các sắc dân hãy tiếp tục bảo tồn truyền thống đức tin của cha ông và tiếp tục thông truyền đức tin ấy lại cho các thế hệ tương lai.Giáo Hội Công Giáo Đức luôn mở rộng vòng tay đón tiếp các sắc dân.

Thánh lễ đã được diễn ra với đủ mọi sắc thái phong phú của mỗi dân tộc: các bài đọc, các bài thánh ca, các lời nguyện được diễn tả bằng các thứ tiếng khác nhau… Đặc sắc nhất là bài hát Halleluia trước Phúc Âm theo đúng nghi thức Lễ Nghi Công Giáo Đông Phương của Ukraine và bài hát chúc bình an đệm theo nhịp trống và vỗ tay của mọi người theo phong tục dân Eritria (Phi Châu).

Trong phần dâng của lễ và lời nguyện giáo dân, hai chị trong áo dài Việt Nam tha thướt và duyên dáng đã đại diện Cộng Đoàn CGVN tại địa phương dâng lên trên bàn thờ Quả Địa Cầu (trong đó có Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam) với lời nguyện trong tiếng mẹ đẻ sau đây:

“Chúng con xin dâng lên Chúa trên bàn thờ Quả Địa Cầu này, tượng trưng cho trái đất của chúng con, là tạo vật thiện hảo của Chúa. Chúng con nguyện cầu cho mọi người và mọi dân tộc của thế giới duy nhất này: Xin cho chúng con biết thắng vượt mọi phân rẽ và chia ly giữa các quốc gia giầu nghèo,

Xin cho chúng con biết hoạt động để chống lại những suy đồi về kinh tế và xã hội của các nước nghèo đang bị mắc nợ ngập đầu ngập cổ, hầu khai mở cho mọi người một tương lai tốt đẹp và bảo đảm hơn. Chúng con cầu xin Chúa.”

Giây phút cảm động nhất là những vòng tay liên kết của mọi sắc dân khi cùng nhau đọc kinh Lạy Cha. Ai cũng ý thức và thấm thía mối hiệp thông huynh đệ anh em một nhà, con cái một Cha trên trời, cùng một đức tin, cùng một Phép Rửa, cùng một dức ái và cùng một ơn gọi làm chứng tá cho Cha trên trời.

Sau thánh lễ hết mọi người được mời thông hiệp trong bữa tiệc huynh đệ được dọn sẵn trong hội trường rộng lớn với đủ mọi sơn hào hải vị của mọi dân tộc. Cộng đoàn giáo dân Việt Nam địa phương tại Ulm cũng đóng góp món chả giò mà người Đức gọi là “Fruehlingsrolle“ (chả giò mùa Xuân) được nhiều người chiếu cố nhất.

Đại lễ các dân tộc sẽ được nối tiếp vào chiều ngày Thứ Bẩy 19.06.2004 với các mục văn nghệ do các sắc dân trình diễn. Các bạn trẻ trong giáo xứ Việt Nam thuộc giáo phận Stuttgart cũng đóng góp màn múa lân truyền thống, diễn tả niềm vui chung với Đại Hội Công Giáo toàn quốc Đức.

(Bản tin của Nam Điền, Dân Chúa)