PARAGUAY – HỘI NGỘ CAFASA, YPACARAI LINH MỤC TRONG NĂM LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Hưởng ứng lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Paraguay cho cuộc hội ngộ linh mục toàn của các linh mục đang làm việc trong các giáo xứ trong Năm Lòng Thương Xót Chúa nhằm có thời gian chia sẻ kinh nghiệm mục vụ, phân tích những thực trạng xã hội và nói lên những thách đố, trăn trở cá nhân với các đấng bản quyền của mình. Chúng tôi sắp xếp công việc của giáo xứ và trường học với sự giúp đỡ của cha bề trên giám tỉnh dâng thánh lễ trong những ngày đi vắng để lên đường tham dự khóa thường huấn đặc biệt này.

Dù thư mời đã phát đi nhiều tháng trước cho 15 giáo phận trên toàn quốc, do công việc mục vụ giáo xứ và chi phí đi lại khá tốn kém cho những giáo phận ở xa, nên số tham dự chỉ khoảng 200 linh mục bao gồm 11 giám mục chính tòa. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham dự Cuộc Hội Ngộ Linh Mục thú vị và để lại trong tôi một kỉ niệm đẹp trong đời sống linh mục.

Cuộc hội ngộ kéo dài 5 ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu trong những ngày lạnh nhất của năm ở Nam Mỹ tại Nhà Tĩnh Tâm thuộc Dòng Don Bosco có tên gọi là CAFASA (Casa de la Familia Salesiana: Ngôi Nhà của Gia Đình Sa-lê-diên) nằm trên một ngọn đồi khá đẹp thuộc quận Ypacarai, giáp ranh với Giáo Phận Caacupe-thủ đô Tinh Thần của người Paraguay.

Trong những ngày hội ngộ này chúng tôi có dịp chia sẻ với nhau về đời sống mục vụ, những khó khăn, những thách đố trong đời tu. Chúng tôi có dịp học hỏi và đem ra áp dụng trong thực tế những Giáo Huấn gần đây của Giáo Hội qua vị đại diện của Chúa Kitô là Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi đến như Thông điệp về Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung “Laudato Sí” về môi sinh, Thông Điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót “Dives in Misericordia”, và nhất là Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương “Amoris Leiticia” về gia đình.

Ngày đầu tiên là ngày chào hỏi, làm quen giữa các anh em linh mục đến từ các giáo phận khác nhau và chia sẻ những kỷ niệm trong những năm đầu đời linh mục cũng như công việc mục vụ hiện tại. Nhóm chúng tôi có vị Tổng Giám Mục Dòng Don Bosco chia sẻ rất chân tình về ơn gọi của ngài. Ngài tâm sự rằng những năm đầu đời linh mục của ngài đầy ắp những nhiệt huyết và khi ngài nghe tin Tổng quyền của Ngài ở Roma mời gọi các linh mục trẻ từ khắp nơi lên đường đến Phi châu để truyền giáo. Ngài háo hức xin bề trên của ngài cho đi khai phá vùng đất truyền giáo Phi châu huyền bí như là người Paraguay tiên phong, nhưng khi về hỏi ý kiến của cha mẹ ruột ngài thì gặp trở ngại. Bố của ngài thì không nói gì nhưng mẹ của ngài đã ngăn cản khi thẳng thừng nói với ngài: “Con là đứa con út và khi mẹ sinh con mẹ đã 46 tuổi. Bây giờ con 36 và mẹ 82. Hãy để khi nào mẹ chết rồi con muốn đi đâu tùy ý con, nhưng bây giờ mẹ không muốn xa con”. Mãi đến 10 năm sau khi bà cụ tròn 92 tuổi thì bà mới mất, và may thay lòng nhiệt huyết truyền giáo của ngài vẫn còn khi ngài đã bước qua tuổi 46 để đến đất nước Mozambique của Phi châu thực hiện ước mơ truyền giáo trong vòng 15 năm đến khi được gọi về Paraguay làm giám mục. Hồi tưởng lại những giây phút ấy ngài nhận ra tất cả đều có sự quan phòng của Chúa và ngài luôn cúi đầu vâng phục thánh ý Chúa. Chúng tôi lần lượt được lắng nghe những linh mục lão thành, những linh mục đàn anh cũng như những linh mục nhỏ hơn mình chia sẻ những kỷ niệm vui buồn khó quên trong những năm đầu đời linh mục và cảm thấy trong mỗi người đều có sự nỗ lực và ơn Chúa giúp để sống ơn gọi tận hiến.

Các anh em linh mục cũng muốn nghe những chia sẻ của chúng tôi, một linh mục Việt Nam Á châu duy nhất trong Cuộc Hội Ngộ để xem anh hai lúa này có điều gì khác với họ. Một cách ngắn gọn và chân tình, chúng tôi chia sẻ với họ về 3 năm đầu đời linh mục của chúng tôi giống như một cuộc hành hương nay đây mai đó. Còn nhớ sau khi chịu chức linh mục, bề trên chỉ cho phép 21 ngày “vinh qui” với gia đình và người thân rồi sau đó phải tập trung về một nơi gọi là “Mission House” để chuẩn bị giấy tờ cho việc ra đi truyền giáo ở Paraguay. Tuy nhiên ngày ấy làm giấy tờ là một chuyện vô cùng khó khăn không giống như bây giờ. Vì thế, trong khi chờ đợi giấy tờ thì bề trên lại sai đi làm mục vụ bên Malaysia. Cái tết đầu đời của một linh mục lại ở bên xứ người nên vui buồn lẫn lộn. Sau khi có visa để đến Paraguay, chúng tôi lại bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha 4 tháng thì bề trên ở đây sai đi thực tập ở các giáo điểm truyền giáo xa xôi. 3 năm đầu đời linh mục là 3 năm đầy thử thách và tưởng chừng như muốn rút lui dù lòng nhiệt huyết truyền giáo vẫn có nhưng những năm ấy sao thấy thê thảm quá. Tuy nhiên, sau cơn mưa trời lại sáng. Khi mà mọi thử thách đã qua, ngôn ngữ đã nhuần nhuyễn, việc mục vụ đã quen dần thì bản thân cảm thấy bị “nghiện” sứ vụ truyền giáo. Thiết nghĩ Chúa muốn đào luyện chúng tôi thêm để chúng tôi có thể xác tín hơn về ơn gọi của mình vì người Việt Nam có câu: “Thương cho roi, cho vọt”. Kết thúc phần chia sẻ của từng người trong nhóm, chúng tôi cảm thấy gần gũi hơn và những ngày kế tiếp chúng tôi tham dự cách tích cực hơn.

Trong các bài thuyết trình thì có lẽ sôi nổi nhất vẫn là vấn đề thời sự nóng bỏng của Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương “Amoris Leiticia” về gia đình, vì chính các linh mục làm việc mục vụ ở các giáo xứ là những người gần giáo dân nhất nên cần hướng dẫn mục vụ cụ thể. Khi vị tiến sĩ về giáo luật đề cập đến vấn đề tháo gỡ hôn nhân và những trường hợp li dị rồi tái hôn của những người Công Giáo thì rất nhiều câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để giải quyết những trường hợp này. Ở Việt Nam thì một lời nói của linh mục “phán” ra thì đàn chiên nghe răm rắp vì nếu không sẽ bị cha xứ “dứt phép thông công” khi cãi lại cha dù đôi lúc cha không đúng! Ở đây thì không như thế vì rất nhiều giáo dân hiện giờ đã có bằng tiến sĩ giáo luật, phụng vụ, triết học… đang dạy ở các trường đại học Công Giáo và trong các Chủng viện nên các linh mục không phải muốn làm gì thì làm dù Paraguay là một quốc gia Công Giáo. Thật ra Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương “Amoris Leiticia” của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đưa ra với mục đích là để giúp đỡ các gia đình cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa và biết rằng tất cả đều được chào đón trong Giáo Hội. Tất cả những điều này sẽ cần đến cái mà Đức Giáo Hoàng gọi là ‘các phương pháp mục vụ mới.’ (Xc. Amoris Leititia số 199). Giáo Hội, thông qua các mục tử- là cánh tay nối dài của Chúa, phải giúp đỡ mọi gia đình, và mọi người thuộc mọi hoàn cảnh sống, với nhận thức rằng, dù bất toàn, nhưng họ được Thiên Chúa yêu thương, và có thể giúp cho những người khác cảm nhận tình yêu đó. Như thế, các mục tử phải làm sao để mọi người cảm nhận mình được chào đón trong Giáo Hội, chứ không phải là những người ngăn cản họ hay nhiều lúc vì bực mình, thành kiến và tự cho mình là người ban phát các bí tích rồi hù dọa “dứt phép thông công” đối với những thành phần “khó bảo”. Linh mục ngày nay nên bỏ cơ chế “Xin-Cho” và áp đặt người khác làm theo ý mình. Linh mục ngày nay, nói theo cách của Đức Thánh Cha Phanxicô là chủ chiên phải biết ngửi mùi chiên.

Những buổi thuyết trình thật sống động và lí thú vì chúng tôi được đối thoại trực tiếp để giải đáp những thắc mắc mục vụ. Các giám mục tham dự cũng hào hứng phát biểu và chia sẻ những trường hợp đặc biệt trong giáo phận của các ngài vì không phải hễ làm giám mục là biết tất cả.

Ngoài những buổi thuyết trình, chúng tôi cũng có những sinh hoạt như đêm văn hóa để ca hát và kể chuyện cười, tổ chức đá banh giữa các giáo phận với nhau với sự tham dự của tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác hay chức vụ. Vui nhất là lúc đá banh, mấy cha lớn tuổi và các vị tổng đại diện các giáo phận cũng tham gia trong các đội với các linh mục trẻ cũng đá rắn và hò hét hết mình vì sợ đội mình thua. Còn nhớ lúc ở chủng viện, có một nhà đào tạo nói rằng để biết tính tình của một người thì cho người đó lái xe, cho người đó ăn uống buffe hay cho người đó vào sân bóng thì sẽ bộc lộ ngay hết bản chất xấu, tốt của mình. Điều đó cũng khá đúng trong trường hợp khi đã làm linh mục. Chúng tôi cứ phì cười khi thấy một cha tổng đại diện của một giáo phận lớn khi mới nhìn vào thì ai cũng nói cha này hiền, dễ thương. Nhưng khi ngài vào sân bóng với chúng tôi, ngài chơi xấu hết cỡ và la người này, mắng người kia vì ngài sợ thua. Mà thực sự mấy cha Nam Mỹ khỏe thiệt dù ông nào ông nấy cũng mập thù lù nhưng rất có sức và chạy như điên. Mình còn trẻ so với họ mà nhiều lúc chạy không kịp với họ.

Thật tâm tình và ấm cúng khi ở bàn ăn thì không hề phân biệt chỗ nào là của giám mục, chỗ nào là của linh mục vì ai đến trước thì phải xếp hàng lấy thức ăn và muốn ngồi chỗ nào thì ngồi. Bản thân chúng tôi rất ngại khi phải ngồi với các giám mục nên sau khi lấy thức ăn thì tìm chỗ nào khuất để ăn cho tự nhiên. Vậy mà trời xui, đất khiến hay sao mà trong 5 ngày cứ xoay tua lại phải ngồi đối diện với hầu hết các giám mục tham dự, và dĩ nhiên phải nói chuyện với các ngài. Vị giám mục chủ tịch hội đồng giám mục Paraguay có hỏi chúng tôi về tình hình Giáo Hội ở Á châu, đặc biệt là Giáo Hội tại Trung Quốc, Phi Luật Tân, Nam Hàn và Việt Nam dù ngài có biết qua báo chí nhưng không được rõ lắm và ngài hỏi chúng tôi về việc bắt đạo và tự do tôn giáo ở Trung quốc và Việt Nam khi ngài thấy hình ảnh công an đàn áp người Công Giáo và triệt hạ thánh giá. Chúng tôi cũng thông tin vắn tắt để ngài hiểu thêm tình hình về tự do tôn giáo của một số quốc gia châu Á và xin ngài hiệp ý cầu nguyện thêm cho Giáo Hội Công Giáo tại các quốc gia này. Ngài có viết một câu trong cuốn sổ của chúng tôi bằng tiếng Tây Ban Nha: “Humanidad sin Divinidad (Dios) se convierte en animalidad, bestialidad y brutalidad” (tạm dịch: Nhân loại vắng bóng Thần Linh (Thiên Chúa) sẽ trở nên thú tính, cầm thú và tàn bạo). Nhân loại hiện nay cố gắng gạt bỏ Thiên Chúa ra cuộc đời họ nên họ đã chỉ biết sống cho chính mình và theo chủ nghĩa mackeno (mặc kệ nó) đang thống trị khiến con người đối xử với nhau tàn ác hơn. Chính vì điều đó mà nạn khủng bố, giết người mang rợ đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia Âu châu gần đây muốn gạt bỏ Thiên Chúa để rồi bây giờ phải nhận những hậu quả khó lườn khi những tên khủng bố nhân danh đấng Alla của họ để giết người vô tội. Các giám mục cũng cảnh báo với chúng tôi về các giáo phái mới vừa xuất hiện trong Giáo Hội và chống phá triệt để để bôi nhọ và làm hoen ố hình ành Giáo Hội mà đa phần là những người li khai, bất mãn, trong đó có các linh mục hồi tục. Hội Tam Điểm hay còn gọi là Hội Kín (Masonería) ngày càng phát triển cũng là một trở ngại lớn cho Giáo Hội Công Giáo khi rất nhiều người trong số họ đang nắm giữ quyền lực chính trị và tài chính ở đất nước nhỏ bé này và họ luôn tìm những xì-căng-đan trong hàng giáo sĩ để hạ nhục Giáo Hội. Nếu người nào yếu đức tin khi đọc các tít báo giật gân hay xem truyền hình về những tin tức đây đó về những vụ tai tiếng xảy ra trong Giáo Hội mà nguyên nhân sâu xa là do Hội Tam Điểm này đạo diễn.

5 ngày thường huấn và hội ngộ với các vị giám mục và anh em linh mục đang làm việc ở giáo xứ đã khích lệ chúng tôi rất nhiều trong sứ vụ linh mục vì biết rằng bên cạnh mình vẫn còn có những người đồng hành với sự trợ giúp của Chúa và Giáo Hội vẫn sống động dù trải qua những sóng gió. Những ngày hội ngộ như thế này làm chúng tôi nhớ lại những ngày còn ở Chủng Viện sống vui vẻ, hồn nhiên để nạp thêm năng lượng cả tinh thần lẫn thể xác để tiếp tục chiến đấu trong mặt trận truyền giáo.

Những ngày này ở đất nước Balan đang diễn ra kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XXXI với sự tham dự hàng triệu bạn trẻ khắp Năm Châu quay quần với Đức Phanxicô, vị Đại Diện Chúa Kitô ở trần gian mới thấy sức sống của Giáo Hội thật trẻ trung và lời hứa của Chúa Giêsu với vị tông đồ cả Phêrô ngày xưa vẫn ứng nghiệm: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. (Mt 16,18). Dù biết bao chuyện đã và đang xảy ra với Giáo Hội như những trận cuồng phong muốn phá nát con thuyền của Chúa, có Chúa luôn đồng hành và hướng dẫn qua những con người thánh thiện, những người thành tâm, thiện chí, con thuyền Giáo Hội chỉ bị lung lay rồi tiếp tục tiến bước.

Hôm nay Chúa Nhật 18 thường niên năm C, kết thúc tháng 7 với lễ kính thánh Ignatio Loyola, nhà sáng lập Dòng Tên. Tin Mừng Chúa Nhật này nhắc nhớ chúng ta phải biết lựa chọn đúng trong cuộc sống với Chúa và với tha nhân, đừng lo vun vén của cải trần gian nhưng hãy biết lo tích trữ kho tàng trên trời. Nngày ta chào đời với tiếng khóc oa oa và thân thể trần truồng chỉ biết bám vào vú mẹ. Rồi ngày ta rời thế giới này cũng chẳng mang theo được gì trong chiếc hòm vô tri vô giác. Thánh Ignatio Loyala một thời ngang dọc nhưng đã biết tỉnh ngộ và làm mọi sự: “Cho vinh quang cao cả nhất của Thiên Chúa”. Lạy thánh Ignatiô Loyola xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con luôn biết làm vinh danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn. Amen.

31/07/2016 – Chúa Nhật 18 Thường Niên C

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.