IV. Sứ Điệp của Chúa Giêsu về lòng thương xót của Thiên Chúa

1. Xem kìa, một đóa hồng nở mãi

Các Tin Mừng Gia Mátthêu và Luca trước khi trình bầy việc Chúa Giêsu ra hoạt động công khai và sứ điệp của Người, đã có phần nói đến tuổi thơ của Người. Có lẽ tốt hơn, nên nói tới tiền sử thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu hơn là nói tới trình thuật tuổi thơ (1). Theo viễn tượng lịch sử, trình thuật này có nhiều vấn nạn đặc biệt. Thực vậy, không giống các phần chính của cả hai Tin Mừng, nó không tường thuật các biến cố xuất phát từ các nhân chứng tận mắt. Tuy nhiên, điều cũng rõ ràng là cả hai tin mừng gia này đều không tự ý tạo ra tiền sử này. Họ viết ra câu truyện này từ một truyền thống cổ hơn mà họ có được; nói chính xác hơn, họ viết nó ra dựa vào hai truyền thống khác nhau; hai truyền thống này giống nhau ở nhiều điểm quan trọng, như việc sinh hạ đồng trinh và việc sinh hạ Chúa Giêsu tại Bêlem. Chính việc khám phá vừa rồi đã đem đến cho tiền sử này một độ khả tín có giá trị lịch sử. Trước hết, ta cần coi trọng lời khẳng định của Thánh Luca rằng ngài cẩn thận tìm tòi mọi điều để viết trọn tin mừng của ngài, kể cả tiền sử này. Ngài nhấn mạnh tính đáng tin của tin mừng do ngài soạn tác (Lc 1:2-4).

Một ít điểm nêu trên để ta thấy rõ: ta không thể mô tả tiền sử này như một tường thuật lịch sử theo nghĩa hiện đại; nhưng ta cũng không thể đơn giản cho rằng nó vô giá trị về phương diện lịch sử mà chỉ là một dã sử đạo hạnh có tính xây dựng. Đây là một loại lịch sử đặc thù. Tiền sử này là một thần học thuật truyện theo kiểu haggadah (thuật truyện vượt qua) của Do Thái (2). Theo phương thức này, Thánh Luca nhấn mạnh rằng điều ngài truyền đạt như một thần học thuật truyện đã diễn ra trong không gian và trong thời gian, tức là ở một địa điểm đặc thù, chủ yếu là Bêlem, và trong một tình thế lịch sử và chính trị cụ thể, tức, dưới thời Hoàng Đế Augustô và tổng trấn Quirinô của ông ta (Lc 2:1). Theo Thánh Mátthêu, câu truyện diễn ra thời Vua Hêrốt (Mt 2:1).

Bất cứ điều gì xẩy ra ở một địa điểm đặc thù vào một thời điểm đặc thù của lịch sử cũng đồng thời thuộc về câu truyện toàn bộ các xử lý của Thiên Chúa đối với nhân loại. Theo gia phả trong Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu thuộc về toàn bộ lịch sử cứu rỗi, khởi đầu với Ápraham (Mt 1:1-17). Trong chiều hướng này, câu đầu tiên trong Tin Mừng Mátthêu là “tường thuật gia phả Chúa Giêsu, Đấng Mêxia, con Đavít, con Ápraham”. Tin Mừng Luca trở lui xa hơn và đặt Chúa Giêsu vào lịch sử nhân loại khởi đầu với Ađam (Lc 3:23-38).

Dù đang xử lý với một biến cố phần lớn có thực trong lịch sử, biến cố này không xuất phát từ lịch sử. Theo cả hai Tin Mừng, Chúa Giêsu bước vào đời do công trình của Chúa Thánh Thần (Mt 1:20; Lc 1:35). Người xuất hiện một cách mầu nhiệm nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa; Người là Con Thiên Chúa (Lc 1:32-35). Ở đây, phép lạ thực sự không hẳn là việc sinh hạ đồng trinh; đó chỉ là dấu chỉ thể lý và, có thể nói, là cửa ngõ thần linh để bước vào lịch sử (3). Phép lạ là điều lớn lao và đáng ngạc nhiên hơn việc sinh hạ đồng trinh, đó là phép lạ Thiên Chúa xuất hiện và việc Người nhập thể. Tên “Giêsu” cho ta biết điều này: Thiên Chúa là Đấng giúp đỡ; Người là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1:23). Như thế, tiền sử này đã nhắc đến điều giả thiết phải có trong lịch sử công khai của Chúa Giêsu. Nó cho ta biết Chúa Giêsu là ai và Người từ đâu mà đến.

Nhìn một cách chi tiết vào nội dung thần học của câu truyện, ta sẽ thấy: mọi quan tâm, động lực và chủ đề chủ chốt trong lịch sử công khai của Chúa Giêsu và sứ điệp của Người đều đã được bao hàm trong nó, như khúc dạo đầu. Tiền sử này giống như một thứ tin mừng rút gọn (4). Nó hoàn toàn nằm dưới dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa. Nó hiểu lịch sử của Chúa Giêsu như việc nên trọn của lịch sử hứa hẹn và cứu rỗi trước đó (Mt 1:22). Nó thuộc lịch sử hành động thương xót (ἔλεος) của Thiên Chúa từ đời nọ tới đời kia (Lc 1:50). Như đã hứa, nay Thiên Chúa “độ trì Israel, tôi tớ Người, vì nhớ lại lòng thương xót của Người” (Lc 1:55): “Như thế, Người đã tỏ lòng thương xót từng hứa với tổ tiên ta, và đã nhớ lại giao ước thánh thiện của Người” (Lc 1:72).

Vì tình yêu thương xót của Thiên Chúa, một ánh sáng rạng rỡ từ trên cao đã viếng thăm ta ngõ hầu soi sáng cho tất cả những ai đang ngồi trong tối tăm và trong bóng tử thần (Lc 1:78tt). Câu truyện Giáng Sinh của Thánh Luca công bố việc sinh hạ của Đấng Cứu Thế, một việc sinh hạ hằng được mong chờ và hy vọng: “Hôm nay trong Thành Đavít, Đấng Cứu Thế đã được sinh ra cho các ngươi; Người là Đấng Mêxia, là Đức Chúa” (Lc 2:11).

Việc nên trọn lời hứa thiên sai đã trở thành một thực tại nơi những người vốn là miêu duệ của một dòng dõi vĩ đại, từ nhà Aaron (Lc 1:6) và Đavít (Mt 1:20; Lc 1:27; 2:4), nhưng những người này, như Giacaria và Êlisabét (Lc 1:5), Simêong và Anna (Lc 2:25-38), cũng được kể vào số những người chân chất, đạo hạnh, thầm lặng của xứ sở đang hết lòng chờ đợi sự xuất hiện của Đấng Mêxia. Do đó, câu truyện này đảo ngược mọi phạm trù nhân bản; nó tượng trưng cho việc tái đánh giá (transvaluation) mọi qui luật hiện hành thông thường của con người: một người đàn bà hiếm muộn như Êlisabét và một trinh nữ như Maria đã có thai (Lc 1:7, 34), người quyền thế bị truất ngôi, và kẻ tầm thường được nâng cao, người đói ăn được no nê phủ phê trong khi người giầu có ra về tay không (Lc 1:52tt). Do đó, câu truyện này là sự nên trọn của lịch sử Cựu Ước như Hanna, mẹ Samuel, từng ca ngợi trong bài ca tạ ơn của bà. Nó là một lịch sử trong đó, Thiên Chúa đem đến sự sống và chết chóc, tạo nên người giầu người nghèo, hạ nhục người này tôn vinh người nọ (1Sm 2:1-11). Nó dự báo Bài Giảng Trên Núi, theo đó và trái ngược với mọi luận lý thuần nhân bản, người nghèo, người khóc lóc, người vô quyền, người hay thương xót, người xây dựng hòa bình, và những ai bị bách hại đều được gọi là người có phúc (Mt 5:3-11; Lc 6:20-26).

Trong đặc điểm kỳ diệu trên, câu truyện này làm nổ tung mọi thông số vốn chỉ dành cho dân Israel, và đã tự mở tung mình ra cho toàn bộ nhân loại. Nó vượt qua Môsê, trở lui tới tận Ápraham, vốn là sự chúc phúc cho mọi dân tộc trên mặt đất (St 12:2tt) và, thực ra, nó trở lui tới tận Ađam, thủy tổ loài người. Chiều kích hoàn vũ này cũng đã được phát biểu trong câu truyện về các chiêm tinh gia từ Đông Phương, vốn tượng trưng cho lòng đạo có tính vũ trụ của người ngoại giáo (Mt 2:1-12). Nó báo trước chủ đề quán xuyến (motif) ta từng thấy trong Cựu Ước nói về cuộc lữ hành cánh chung của dân Do Thái tiến về Núi Xion (Is 2; Mk 4:1, 3; xem Mt 8:11) (5). Với việc xuất hiện của Chúa Giêsu, nền hòa bình hoàn vũ (“shalom”) mà mọi người trên thế giới được Thiên Chúa sủng ái hằng mong chờ, bắt đầu ló dạng (Lc 2:14). Cuối cùng ông già Simêong ca ngợi Thiên Chúa trong Đền Thờ:

“Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài" (Lc 2:30-32).

Tuy câu truyện Giáng Sinh thật tuyệt diệu và cảm động, nhưng nó thật ít chi tiết để người ta thơ mộng hóa về tình cảm. Thực thế, nó chỉ kể rằng Đấng Mêxia mới sinh không có chỗ trong thế giới chính dòng; Người chỉ tìm được nơi trú chân giữa những người chăn chiên bị khinh bỉ. Nó kể thêm việc Hêrốt chống đối, việc tàn sát các hài nhi ở Bêlem, việc trốn qua Ai Cập, và lời tiên tri này: Chúa Giêsu sẽ trở nên dấu hiệu của mâu thuẫn và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu trái tim mẹ Người (Lc 2:34tt). Ngay từ lúc khởi đầu, bóng thập giá đã trùm phủ câu truyện nay đang bắt đầu.

Như thế tiền sử các Tin Mừng không hề là một dã sử kiểu điền viên dân dã. Câu truyện này làm nổ tung mọi ý niệm và hoài mong thông thường: việc sinh hạ Đấng Cứu Thế từ một trinh nữ, không ở trong cung điện, mà trong một hang bò lừa, nơi trú chân giữa người nghèo, giữa các người chăn chiên bị khinh bỉ. Một điều như thế không thể tạo hoẹt được. Đó đâu phải là ngôn từ của một truyện dân dã hay một huyền thoại. Thoạt đầu là máng cỏ, kết cục là giá treo thân, “điều này lấy từ chất liệu lịch sử, chứ đâu phải chất liệu mạ vàng của dã sử yêu quí” (6). Nhưng chính trong cái nghịch lý và căng thẳng giữa tiếng hát thiên thần từ trời cao và thực tại lịch sử hung tàn này, một điều gì kỳ diệu độc đáo đã toát ra, nhất là từ câu truyện Giáng Sinh, một điều kỳ diệu luôn nâng cao tinh thần người ta và làm tâm hồn họ xúc động.

Ta chỉ có thể hiểu được câu truyện trên như một điều kỳ diệu. Trong thời kỳ tiếp liền sau Tân Ước, Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã nhận ra ý nghĩa sâu xa của câu truyện Giáng Sinh. Ngài nói rằng Chúa Giêsu Kitô xuất phát từ sự im lặng của Chúa Cha (7). Ngài trích dẫn Sách Khôn Ngoan 18:14-15: "Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu"

Thiên Chúa, Đấng rõ ràng cách biệt khỏi các loài tử sinh và là Đấng ta thường tin rằng ta chỉ có thể thờ lạy trong im lặng, đã được đánh thức giữa trời đêm trần thế và, theo thánh ý khôn dò của Thiên Chúa, đã bước ra khỏi im lặng và tự ý thông đạt với chúng ta trong Ngôi Lời vĩnh hằng đã thành xác phàm của Người, đầy ơn thánh và sự thật (Ga 1:1tt, 14). Với Meister Eckhart, huyền nhiệm học của Đức đã tiếp nhận tư tưởng này và khai triển thêm về nó (8):

Trong hơn hai ngàn năm qua, câu truyện Giáng Sinh không hề mất đi chút quyến rũ nào. Dưới hình thức bình dân hơn, câu truyện này đã khơi lên nhiều chuyện lạ tin hay không tin cho tới tận nay. Thánh Phanxicô Assidi là người đầu tiên đề xướng việc làm máng cỏ để biến tình yêu Thiên Chúa thành hữu hình, giúp ta thấy rõ tình yêu này một cách lạ thường. Cho tới nay, nhiều người, ngay cả những người đã ra xa lạ với sinh hoạt Giáo Hội, vẫn đi kính viếng hài nhi thần linh trong máng cỏ, Đấng được người ta cảm nghiệm như tia sáng yêu thương và niềm hy vọng giữa cuộc đời đen tối và lạnh lẽo.

Một khúc hát Giáng Sinh xưa từ thế kỷ 16 đã đem lại một mô tả sống động cho cái đặc điểm không thể tưởng tượng được, rất không cái nhiên chút nào của sứ điệp này: “Xem kìa, một đóa hồng nở mãi… giữa giá lạnh mùa đông, khi đêm đen đã qua một nửa”. Một đóa hồng nhỏ trong mùa đông và giữa đêm khuya, quả là việc nên trọn của lời tiên tri Isaia (11:1) rằng từ một gốc cùn, dường như đã chết và vô giá trị, một chồi non sẽ mọc lên cách lạ lùng. Ít có ai mô tả tốt hơn tính mới lạ khó tin và hết sức hấp dẫn của biến cố Giáng Sinh.

2. Tin Mừng của Chúa Giêsu về lòng thương xót của Chúa Cha

Thánh Máccô bắt đầu Tin Mừng của ngài tương tự như Thánh Mátthêu, nhưng một cách rất đáng chú ý: “Bắt đầu Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa”. Ngài cô đọng tính mới lạ và tính toàn diện đầy lý thú của tin mừng (εύαγγέλιον) trong lời tóm tắt sau đây: “Thời gian đã mãn và nước Thiên Chúa đã tới gần” (Mc 1:15) (9). Thời gian đã mãn là một ý niệm rất thịnh hành trong văn chương khải huyền buổi đầu của Do Thái. Chúa Giêsu tiếp nhận ý niệm này và đồng thời vượt qua ý niệm này. Vì Người không nói ít hơn: Nay thời gian đã tới. Khi Người xuất hiện, một khúc ngoặt lịch sử, vốn đã được tiên báo và chờ đợi, đã xẩy ra. Giờ đây, việc xuất hiện của Nước Thiên Chúa đã được hoàn tất. Nhưng việc này xẩy ra thế nào? Các chương sau đây trong Tin Mừng Máccô cho ta câu trả lời rõ ràng. Nước Thiên Chúa xuất hiện qua việc chữa lành đầy lạ lùng mọi loại bệnh nhân và qua việc khử trừ ma qủy hay các sức mạnh gây hại cho con người.

Thánh Luca đề cập đến việc trên còn rõ ràng hơn nữa. Trong Tin Mừng của ngài, tường trình về lần xuất hiện công khai đầu tiên của Chúa Giêsu tại hội đường Nadarét trong ngày Sabát đã thay thế cho lời tóm tắt của Thánh Máccô. Tại đó, Chúa Giêsu đọc lớn tiếng lời tiên tri Isaia: “Người đã xức dầu cho tôi để tôi đem tin mừng (εύαγγέλειν) đến cho người nghèo… để tôi công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19).

Đối với Thánh Luca, tin mừng của Chúa Giêsu là công bố năm hồng ân, nghĩa là năm giải phóng (Lv 25:10) người nghèo. Sau đó, Chúa Giêsu nói thêm: “Hôm nay, lời Sách Thánh này đã ứng nghiệm nơi tai các ngươi” (Lc 4: 21). Thánh Luca cũng nối kết việc làm của Chúa Giêsu với con người của Chúa. Lần này ngài làm thế một cách mạnh mẽ đến độ trong việc đồng hóa có tính cụ thể này, đặc tính khuấy động trong sứ điệp của ngài đã được nói lên.

Một tuyên bố tương tự cũng tìm thấy trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu. Khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả tới gặp Chúa Giêsu và hỏi Người xem Người có phải là Đấng sẽ đến hay không, Chúa Giêsu đã tóm lược thừa tác vụ công khai của Người bằng cách trích dẫn Tiên Tri Isaia 61:1: “Người mù nhìn thấy, người què bước đi, người cùi được sạch, người điếc nghe thấy, người chết sống lại, và người nghèo được đem đến tin mừng”. Đối với Thánh Mátthêu, các việc làm của Chúa Kitô là các việc thương xót nhằm chữa lành và giúp đỡ. Săn sóc những ai cần giúp đỡ và người nghèo, người thấp cổ bé miệng, và những người không quan trọng đối với con mắt người đời, do đó, là bản tóm lược sứ mệnh Mêxia của Chúa Giêsu (10). Chúa Giêsu cũng liên kết thừa tác vụ của Người với con người của Người: “Và phúc thay bất cứ ai không xúc phạm tới tôi” (Mt 11:5tt; Lc 7:22tt).

Điều mà cả ba bản văn Nhất Lãm có tính lên chương trình thì đều đã được diễn tả trong mối phúc thứ nhất của Bài Giảng Trên Núi: “Phúc thay ai nghèo khó trong tinh thần” (Mt 5:3; Lc 6:20). Chữ nghèo ở đây không những chỉ những người nghèo về kinh tế và xã hội, mà đúng hơn còn chỉ tất cả những ai có cõi lòng tan nát, đang thất vọng hay làm người khác thất vọng, tất cả những ai đang đứng trước mặt Thiên Chúa như những người ăn xin (11). Chúa Giêsu nói với tất cả những ai đang mang gánh nặng rằng: “Hãy đến với tôi, tất cả những ai đang kiệt sức và mang gánh nặng, và tôi sẽ làm họ được thảnh thơi. Hãy mang lấy ách của tôi và học hỏi nơi tôi; vì tôi dịu dàng và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:28tt).

Chúa Giêsu không những chỉ công bố sứ điệp thương xót của Cha Người, chính Người còn sống sứ điệp ấy nữa. Những gì Chúa Giêsu công bố, Người đều mang ra sống cả. Người phục vụ người bệnh và những ai bị ma qủy ám hại. Người có thể nói về chính Người rằng “Tôi dịu dàng và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29). Người xúc động vì cảm thương (σπλαγχνισθεὶς) khi gặp một người cùi (Mc 1:41) hay chứng kiến sự sầu khổ của bà mẹ mất đứa con trai duy nhất (Lc 7:13). Người cảm thương [Mitleid] những người bệnh hoạn (Mt 14:14) và những người đói ăn (Mt 15:32). Người cảm thương khi thấy 2 người mù xin Người thương xót [Erbarmen] (Mt 20:34), và Người cảm thương những ai như chiên không có người chăn (Mc 6:34).Tại mộ bạn Người là Ladarô, Người run rẩy trong lòng và bật khóc (Ga 11:35, 38). Trong bài diễn văn rất long trọng về việc Phán Xét Sau Cùng, Người đồng hóa mình với người nghèo, người đói khát, người khốn cùng, và người bị bách hại (Mt 25:31-46) (12). Hết lần này tới lần khác, Người gặp những người kêu lớn tiếng “Xin thương xót tôi” Hay “xin thương xót chúng tôi” (Mt 9:27; Mc 10:47tt vá v.v…). Ngay trên thập giá, Người còn ân xá cho tên ăn trộm biết ăn năn và cầu nguyện cho những người đã đem Người tới thập giá (Lc 23:34-43).

Điều mới lạ trong sứ điệp của Chúa Giêsu và phân biệt nó với Cựu Ước là: Người công bố lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người một cách hết sức cơ bản. Chúa Giêsu mở toang đường dẫn tới Thiên Chúa không phải chỉ cho một số ít người công chính, mà là cho mọi người. Trong Nước Thiên Chúa, có chỗ cho mọi người; không ai bị loại ra ngoài cả. Cuối cùng, Thiên Chúa đã thu hồi cơn thịnh nộ của Người và đã mở hết cỡ tình yêu và lòng thương xót của Người ra (13).

Người tội lỗi là những người được Chúa Giêsu ngỏ lời một cách đặc biệt; họ là những người nghèo về thiêng liêng. Không như các biệt phái và luật sĩ, Chúa Giêsu không giữ khoảng cách đối với họ. Người ăn uống với họ (Mc 2:13-17 và v.v…). Người được coi như bằng hữu của những người thu thuế và tội lỗi (Lc 7:34). Tại nhà của người biệt phái Simong, Người tỏ lòng thương xót đối với một gái điếm, rất nổi tiếng trong thành (Lc 7:3-50). Một điều tương tự như thế cũng đã xẩy ra cho người thu thuế tên Giakêu, mà Người tới thăm nhà (Lc 19:1-10). Khi người biệt phái tấn công, Người trả lời họ: “Tôi đến không kêu gọi người chính trực mà là người có tội ăn năn” (Lc 5:32; xem 19:10). Chúa Giêsu kể cho họ dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế, cả hai cùng đến Đền Thờ cầu nguyện. Không phải người biệt phái, người huênh hoang vì việc tốt mình làm, ra về được công chính hóa, mà đúng hơn, người thu thuế, người chỉ biết đấm ngực và cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi” (Lc 18:9-14).

Sứ điệp về Thiên Chúa như Cha chúng ta chiếm tâm điểm sứ điệp của Chúa Giêsu (14). Cách Chúa Giêsu thưa với Thiên Chúa “Ba ơi” (Mc 14:36) quả đã được Kitô Giáo sơ khai ghi tạc. Sự kiện cách xưng hô này được giữ nguyên văn Aramaic trong ngữ cảnh Hy Lạp (Rm 8:15; Gl 4:6) đủ chứng tỏ rằng ngay từ buổi sơ khai, cách thân thưa với Thiên Chúa như thế đã được coi là đặc điểm của Chúa Giêsu và của các Kitô hữu. Do đó, Kinh Lạy Cha, mà Chúa Giêsu từng dạy chúng ta cầu nguyện để đáp lại lời yêu cầu của các môn đệ Người (Mt 6:9; Lc 11:2) đã rất chính đáng trở thành lời cầu nguyện nổi tiếng nhất và được phổ biến rộng rãi nhất của Kitô Giáo. Nó nói lên cốt lõi thâm sâu nhất của cái hiểu của ta về Thiên Chúa và về mối liên hệ của ta với Thiên Chúa. Nó cho ta hay: ta đang ở trong một mối liên hệ bản thân với một Ngài thần thánh, Đấng biết rõ ta, nghe tiếng ta, chịu đựng ta, và yêu thương ta.

Chúa Giêsu nói thêm rằng ta không nên sử dụng những lời lẽ lớn lao khi cầu nguyện vì Cha ta biết rõ ta cần gì (Mt 6:8). Ta có thể đặt mọi lo lắng của ta nơi Người. Người chăm sóc chim trời và hoa cỏ ngoài đồng ra sao, Người còn biết các con người nhân bản chúng ta cần gì hơn thế nhiều (Mt 6:25-34). Người chăm sóc các con chim sẻ; Người còn đếm cả các sợi tóc trên đầu ta (Mt 10 (Mt :2tt). Người là Cha ta và Người là Cha mọi con người nhân bản. Tất cả đều là con cái Người, tất cả đều là các con trai con gái của Người. Người để mặt trời chiếu sáng cả người xấu lẫn người tốt và Người để mưa đổ xuống cả người công chính lẫn người bất chính (Mt 5:45). Cha chúng ta ở trên trời (Mt 5:16; 18:10, 14, 32 tt) không xa cách ta; Người là Cha của cả trời lẫn đất (Mt 11:25; xem 6:10). Cuộc sống trên đất của ta được Cha duy nhất của ta ở trên trời điều hướng. Ta có thể khám phá ra bàn tay của Cha ở trong mọi sự, ta biết: với Người ta được an toàn trong mọi tình huống, và ta có thể trông cậy nơi Người như Cha chúng ta trong mọi thiếu thốn. Như thế, ta không sống trong một vũ trụ không biên cương, không xúc cảm và không cha. Ta không phải là sản phẩm của một ngẫu nhiên hay sản phẩm của một biến hóa vô nghĩa và vô hướng.

Thánh Sử Luca thu sứ điệp của Chúa Giêsu lại với nhau trong một tóm lược ngắn gọn. Ở chỗ Thánh Mátthêu nói đến sự hoàn thiện của Thiên Chúa (Mt 5:48), thì Thánh Luca nói tới lòng thương xót của Người (Lc 6:36). Như thế, đối với Thánh Luca, lòng thương xót chính là sự hoàn thiện trong yếu tính của Thiên Chúa. Người không kết án; đúng hơn, Người ân xá, Người chu cấp và ban phát hồng ân với một đấu đong tốt, súc tích, đẫy đà và đầy tràn. Có thể nói, lòng thương xót của Thiên Chúa có tính siêu tỷ lệ (superproportional). Vượt mọi thước đo (15).

Kỳ Sau: Một người cha hay thương xót trong các dụ ngôn
__________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
(1) Như Joachim Gnilka đã nhận xét rất đúng trong Das Matthausevangelium (Freiburg i. Br.: Herder, 1986) 1f.
(2) Đây không phải là chỗ để thảo luận một cách chi tiết văn thể của các trình thuật tuổi thơ và vấn đề lịch sử tính của chúng. Tôi dựa vào công trình của Heinz Schurmann, người đã loại bỏ lối giải thích coi chúng như dã sử và là những câu truyện để nâng cao đạo đức mà thôi. Thay vào đó, ông nói tới lối văn thuật sự đối ứng (homologous narrative), như lối văn tìm thấy trong haggadah của Do Thái về sau (đúng hơn: Do Thái trước đó). Với cách nhìn này, không có gì đã được định trước liên quan tới tính chất lịch sử của các trình thuật. Xem Schurmann, Das Lukasevanvgelium, (Freiburg i.Br.: Herder, 1969), 18-25.
(3) Chúng ta không thể và cũng không cần đi vào chi tiết của vấn đề này ở đây. Tôi đã phát biểu ý nghĩ của mình về vấn đề này trong Jesus Christ, bản dịch của V. Green (New York: Paulist Press, 1977), 251 và trolng Katholische Kirche: Wesen-Wirklichkeit-Sendung (Freiburg i. Br.: Herder, 2011), 219. Về cuộc thảo luận có tính giải thích, xem Gnilka, Das Matthausevangelium, 22-33; G.L. Muller, “jungfrauengeburt”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, do Walter Kasper và nhiều người khác hiệu đính (Freiburg: Herder, 1993-2001) 5:1090-95.
(4) Ulrich Luz, Matthew 1-7: A Commentary, bản dịch của James E. Crouch (Minneapolis, MN: Fortress, 2007), 72-73; Gnilka, Das Matthausevangelium, 1.
(5) Xem Gnilka, Das Matthausevangelium, 33-37. Về ý nghĩa Giáo Hội học của đoạn này, xem Kasper, Katholische Kirche, 131-33.
(6) Ernst Bloch, The Principle of Hope, bản dịch của Neville Plaice, Stephen Plaice và Paul Knight, 3 cuốn (Cambrodge, MA: MIT, 1986) 3:1256.
(7) Thánh Inhaxiô thành Antiốc, “Epistle to the Magnesians”, 8, 23.
(8) A.M. Haas, “Im Schweigen Gott zur Sprache bringen” trong Gott denkenund bezeugen, do George Augustin và Klaus Kramer hiệu đính (Freiburg i.B.: Herder, 2008) 344-55.
(9) Rudolf Pesch, Das Markusevangelium (Freiburg i.B.: Herder, 1976) 100-4; Joachim Gnilka, Das Evangelium nach Markus ,(Zurich: Benzinger Verlag, 1978)64-69.
(10) Gnilka, Das Matthausevangelium, 409f; Ulrich Luz, Matthew 8-20: A Commentary, bản dịch của James E. Crouch (Minneapolis: Fortress, 2001), 52-58.
(11) Schurmann, Das Lukasevangelium, 231; Luz, Matthew 1-7, 190-93.
(12). Các song đối Do Thái trong Paul Billerbeck và Hermann Lebrecht Struck hiệu đính, Kommentar zum Neuen Testament aus Talmud und Midrasch (Munich: C.H. Beck, 1985-89), IV/1: 559-610.
(13) Ulrich Wilckens, Theologie des Neuen Testaments, Bd. II/1 (Neukirchen: Neukirchener Verlag, 2007), 190-95.
(14) G. Schrenk, “πατήρ”, Theologisches Wonterbuch zum Neuen Testament, do Gerard Kittell và nhiều người khác hiệu đính (Stuttgart: Kohlhammer, 1949-79), 5:984-86; Joachim Jeremias, Abba: Studien zur neutestamentlichen Theologie und Zeitgeschichte (Gottingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 1966). Đức Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh rất nhiều tới tính trung tâm của sứ điệp Chúa Giêsu về Thiên Chúa như Cha, và nhất là về Thiên Chúa như “Cha của Người”. Xem Jesus of Nazareth: From the Baptism to the Transfiguration, bản dịch của Adrian J. Walker (New York: Doubleday, 2007), 135-42.
(15) Schurmann, Das Lukasevangelium, 358-65.