NẺO ĐƯỜNG HIỆP NHẤT

Hôm nay tại Đà nẵng, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân nhậm chức Giám Mục chính toà, ba ngày sau khi Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri nhậm chức Giám Mục chính toà Lạng Sơn – Cao Bằng.

Cuộc sống Giáo Hội tại Việt nam lại bình lặng đi tới, giống như con tàu tiếp tục lao đi trên đại dương, sau những biến cố đầy niềm vui sứ vụ. Nói “giống như con tàu” là không chính xác. Thật ra không phải “giống như”, mà Giáo Hội chính là con tàu đưa dân Chúa lướt đi. Thánh Tôma Aquinas viết trong Tổng Luận thần học: “Bí tích thật sự thống nhất toàn thân thể nhiệm mầu, nếu không thì sẽ không có ơn cứu độ; con người không có ơn cứu độ ngoài Giáo Hội, cũng như vào thời đại hồng thủy, không một ai ngoài con tàu của Noê – ám chỉ về Giáo Hội, theo 1P 3,20-21, được cứu sống”.

Mùa Chay năm nay người tín hữu giáo dân tại Việt nam, đặc biệt ở hai giáo phận Đà nẵng và Lạng sơn – Cao bằng, sống trong tâm trạng chờ đợi vị chủ chăn mới cho hai giáo phận. Những tin tức trao đổi, những lời hỏi han và nhất là việc nhắc nhau cầu nguyện cho hai giáo phận và hai vị tân Giám mục chính toà, tràn ngập trên các trang mạng và trong những lúc hàn huyên tâm sự giữa những người con cái Chúa và Hội Thánh.

Nhà thờ Chính toà và toà Giám Mục Đà nẵng nằm giữa lòng phố thị đông đúc. Nhà thờ Chính toà và toà Giám mục Lạng sơn Cao Bằng cũng giữa lòng thành phố nhưng là phố núi, trầm mặc. Tuy nhiên, có một điểm chung giữa hai nơi, đó là vẻ trầm lắng chiêm niệm dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu.

Khi theo chân Đức Cha Giuse về Lạng sơn Cao Bằng, lòng tôi cảm thấy bồi hồi. Nhưng những dịp như thế này là cơ hội để dân Chúa nhìn thấy sự can thiệp của Thiên Chúa vào dòng lịch sử Cứu độ và nhìn thấy sự hiệp nhất cũng như việc ra đi rao giảng của mọi thành phần dân thánh.

Cách đây gần hai năm, trong bài giảng Thánh Lễ nhậm chức Giám mục Chính toà Mỹ tho, Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Khảm xác quyết: “Chắc chắn Đức Giêsu Phục sinh không muốn chúng ta hiện diện ở đây như là một Giáo Hội co cụm trong sợ hãi. Ngài muốn chúng ta hiện diện như một Giáo Hội mở ra, một Giáo Hội lên đường cho sứ vụ. Sứ vụ đó là sứ vụ phổ quát của Giáo Hội toàn cầu và chúng ta có trách nhiệm thi hành sứ vụ phổ quát ấy trong Giáo Hội địa phương của mình… trong sự hiệp thông chặt chẽ với Giáo Hội toàn cầu và với Đức Thánh Cha Phanxicô, đấng kế vị thánh Phêrô”.

Trong Thánh Lễ hôm ấy có sự hiện diện của hai Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri và Giuse Đặng Đức Ngân. Và bây giờ hai Đức Cha cùng với Hội Thánh tại Việt Nam “lên đường cho sứ vụ” như Đức Cha Phêrô nói.

Là người tín hữu giáo dân trong lòng Hội Thánh và chứng kiến nhiều đại lễ liên quan đến sứ vụ Giám mục trong vòng vài năm qua, chúng ta thấy lòng mình ấm nóng lên cùng với Hội Thánh là Mẹ của mình.

Có lẽ ít có giai đoạn nào trong lịch sử Giáo Hội tại Việt nam chứng kiến nhiều đại lễ tấn phong Giám mục, nhậm chức Giám mục Chính toà như thời gian qua. Vào thời buổi này, Thiên Chúa muốn dạy dỗ chúng ta thêm về mầu nhiệm Giáo Hội và sứ vụ, củng cố lòng tin yêu của chúng ta đối với Mẹ Giáo Hội, đồng thời cho chúng ta ý thức hơn về vai trò của mình trong Giáo Hội.

Khi suy tư về sứ vụ mục tử, ít nhiều chúng ta có thể nhớ lại thời các Thủ Lãnh trong dân Israel. Trong thời kỳ đó, dân Israel thua kém dân ngoại (dân Canaan và Philitinh) về nhiều mặt. Do đó việc họ bất trung với Thiên Chúa, chạy theo các thần của dân ngoại là điều có thể hiểu được. Nhưng qua các thủ lãnh, Thiên Chúa không ngừng dạy dỗ và huấn luyện dân Ngài, để cuối cùng họ được cứu và được giải thoát.

Ngày hôm nay, Giáo Hội xem ra chỉ là cộng đoàn nhỏ bé giữa chư dân. Nhưng sức mạnh của dân thánh không ở nơi chính mình, mà là nơi Thiên Chúa “là núi đá cho tôi ẩn mình”. Trên đường từ Hà nội đi Lạng sơn, nhìn những ngọn núi sừng sững, trùng điệp, lòng tôi bỗng nhớ lời Thánh Vịnh 18: “Lạy CHÚA là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ con”.

Chúa sai các vị mục tử đến giữa dân Ngài, dạy dỗ, huấn luyện và dẫn dân đến “đồng cỏ xanh, dòng suối mát” (x.TV 23). Tin tưởng vào các mục tử là dấu chỉ tin tưởng vào Chúa Giêsu, vị Mục tử tối cao. Lắng nghe các mục tử chính là lắng nghe Đấng đã sai các ngài đến với dân. Cầu nguyện cho các ngài là gắn bó với vị Mục tử tối cao.

Một cách cụ thể, đây là dịp để chúng ta, đoàn dân Chúa, hâm nóng lại những tâm tình mà chính Chúa Giêsu gửi gắm cho Giáo Hội trước khi Người lên Trời. Những tâm tình đó, Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hoá, trong bài Bài giảng Lễ nhận sứ vụ của Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, được trích dẫn sau đây:

“Trong đêm Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ điều cần thiết nhất : HIỆP NHẤT. Bốn lần trong đoạn văn Tin Mừng vừa nghe, Chúa Giêsu xin cho các môn đệ được nên một : “UT SINT UNUM”.

“Hiệp nhất là điều kiện sống còn của mọi cơ cấu, thể chế. Cơ cấu nhỏ nhất như gia đình, giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em ruột với nhau ; có cấu lớn như Giáo Hội, giáo phận, giáo xứ, giữa người lãnh đạo và các tín hữu. Thiếu nó, mọi cơ cấu sẽ tan nát, đổ vỡ.”

“Xin anh chị em cũng nỗ lực thực hiện 3 điều trên đây : - Hiệp nhất với Chúa; - Gắn bó với nhau, và - Cầu nguyện cho giám mục của anh chị em. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói: “Giáo Hội không thể không có giám mục. Vì vậy, tất cả chúng ta phải cầu nguyện cho các giám mục của chúng ta. Đó là nghĩa vụ của tình yêu, nghĩa vụ của con cái đối với Cha, là nghĩa vụ của anh em để giáo phận được hiệp nhất trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô sống lại và hiện đang sống”.

Gioan Lê Quang Vinh