Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha kêu gọi lạc quyên cho Ukraine

Tình hình dân chúng tại Ukarine ngày càng bi thảm khiến Đức Thánh Cha phải lên tiếng kêu gọi lạc quyên trong các nhà thờ ở Âu Châu vào Chúa Nhật 24-4 tới đây để cứu trợ.

Ngoài ra, một sứ điệp liên đới của Đức Thánh Cha cũng được Đức TGM Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukarine, mang đến và công bố trong thánh lễ Chúa Nhật phục sinh cử hành tại miền Donetsk ở mạn đông Ukarine.

Trong số những người cần được trợ giúp có 800 ngàn người sống dọc theo con đường phân chia khu vực do chính phủ Ukarine kiểm soát và 2 triệu 700 ngàn người trong những vùng ở ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Có nửa triệu người rất cần được trợ giúp về lương thực.

Nhu cầu trong lãnh vực y tế cũng rất lớn, nhất là các phụ nữ có thai và sinh con, trong khi nguy cơ lan tràn bệnh Sida và lao phổi rất trầm trọng, thiếu thuốc mê và insulin cho người bị bệnh tiểu đường. Nhiều cuộc giải phẫu được thực hiện mà không có thuốc mê.

1 triệu 300 ngàn người có nguy cơ không được nước trong lành để uống, trong khi khí đốt và điện thường bị cúp. 2 triệu 300 ngàn người thiếu thuốc men và săn sóc y tế. Có 200 ngàn trẻ em tị nạn trong những vùng ở Ukarine ngoài khu vực có xung đột.

Các tín hữu Công Giáo chiếm 10% dân số ở Cộng hòa Ukarine, và tuy là thiểu số bé nhỏ trong những vùng xung đột, họ có những cơ cấu hiệu năng và động viên để trợ giúp những người túng thiếu.

Trưa Chúa Nhật 3 tháng 4, vào cuối thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các dân tộc đang khao khát sự hòa giải và hòa bình hơn ai khác, nhất là những người đang chịu hậu quả của bạo lực ở Ukarine: những người ở lại trong những vùng bị xáo trộn vì các hành vi thù nghịch làm cho nhiều ngàn người chết và hơn 1 triệu người phải đi lánh nạn vì tình trạng trầm trọng kéo dài. Trong số những người bị liên hệ có những người già và trẻ em. Đức Thánh Cha nói:

“Ngoài việc liên lỷ nghĩ đến họ và tháp tùng họ bằng lời cầu nguyện, tôi cảm thấy cần quyết định cổ võ một sự trợ giúp nhân đạo cho họ. Với mục đích ấy, sẽ có một cuộc lạc quyên đặc biệt trong tất cả các nhà thờ Công Giáo ở Âu Châu Chúa Nhật 24-4 tới đây. Tôi mời gọi tất cả các tín hữu hiệp với sáng kiến này với sự đóng góp quảng đại. Cử chỉ bác ái này không những thoa dịu những đau khổ về vật chất, nhưng còn muốn bày tỏ sự gần gủi và liên đới của tôi và của toàn thể Giáo Hội. Tôi nồng nhiệt cầu mong cử chỉ này có thể mau lẹ thăng tiến hòa bình và tôn trọng công pháp ở phần đất đã bị thử thách đau thương rất nhiều như thế”.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, là cơ quan bác ái của Đức Thánh Cha, sẽ phối hợp và quản lý ngân khoản lạc quyên được để giúp đỡ dân chúng và người tị nạn Ukarine.

2. Đức Thánh Cha gặp gỡ lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Piô X

Hôm 1 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với Giám mục Bernard Fellay, là nhà lãnh đạo của Huynh Đoàn Thánh Piô X, trong một cuộc thảo luận “thân mật” về triển vọng huynh đoàn quay lại với Giáo Hội Công Giáo.

Huynh Đoàn Thánh Piô X đã tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo vì những bất đồng liên quan đến quan điểm về tự do tôn giáo và đại kết, và việc cử hành thánh lễ theo Phụng Vụ Tridentinô vào năm 1988. Lúc đó, Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre đã tấn phong giám mục cho 4 linh mục mà không được Tòa Thánh chuẩn y. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ra vạ tuyệt thông cho Đức Cha Lefebvre và 4 vị được tấn phong trái phép.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông vào năm 2009, nhưng các giám mục và linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X vẫn bị đình chỉ chức vụ. Cuộc đàm phán về triển vọng huynh đoàn quay lại với Giáo Hội Công Giáo gặp bế tắc vào năm 2012, nhưng các cuộc thảo luận không chính thức vẫn tiếp tục.

Đức Thánh Cha Phanxicô trước đây chưa từng có cuộc thảo luận nào với Giám mục Fellay, ngoại trừ một vài lần chào hỏi phớt qua. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Huynh Đoàn Thánh Piô X nói rằng chính Đức Giáo Hoàng “đã muốn có một cuộc gặp riêng và không chính thức, không có những hình thức của một buổi tiếp kiến chính thức.”

Tuyen bố của Huynh Đoàn Thánh Piô X nói Đức Thánh Cha đã nói chuyện với Đức Giám Mục Fellay trong khoảng 40 phút. Tình trạng giáo luật của Huynh Đoàn Thánh Piô X “không được trực tiếp đề cập,”, nhưng Đức Giáo Hoàng và Đức Giám Mục Fellay đồng ý rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra “không hấp tấp.”

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố chỉ vài ngày trước cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, Giám mục Fellay nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đang lo lắng giải quyết các vấn đề của Huynh Đoàn Thánh Piô X, vì Đức Giáo Hoàng có một mối quan tâm đặc biệt cho “bất cứ vấn đề gì đang ngoài lề.”

Ngày hôm sau, tức là ngày 02 tháng 4, Giám mục Fellay cũng gặp Đức Tổng Giám mục Guido Pozzo, thư ký của Ủy ban Ecclesia Dei, để tiếp tục đàm phán.

3. Cuộc gặp gỡ giữa Hội Đồng Giám Mục Ấn và Bộ Ngoại Giao về số phận cha Tom Uzhunnalil

Một quan chức chính phủ Ấn Độ đã bảo đảm với các giám mục Công Giáo Ấn là Cha Tom Uzhunnalil, một linh mục Ấn Độ bị bắt cóc tại Yemen vào ngày 04 tháng 3, vẫn còn sống.

Một phái đoàn từ Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã có cuộc gặp gỡ với Sushma Swaraj, bộ trưởng ngoại giao của Ấn, để thảo luận về mối quan tâm của các ngài cho số phận của Cha Uzhunnalil, “đặc biệt là bây giờ, khi những tin đồn khủng khiếp đang được lan truyền.” Vị bộ trưởng chính phủ “bảo đảm dứt khoát với phái đoàn rằng cha Tom Uzhunnalil đang được an toàn”. Báo cáo của Hội Đồng Giám Mục Ấn cho biết như trên.

Ông Swaraj từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào về cuộc đàm phán giữa chính phủ Ấn Độ và những kẻ bắt giữ ngài. Tin đồn lưu hành tuần trước cho biết bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tiếp cận các quan chức Ấn Độ, tìm kiếm một khoản tiền chuộc lớn cho việc trả tự do cho vị giáo sĩ của dòng Salesian. Swaraj không bình luận gì về những tin đồn, nhưng cho biết nhiệm vụ của mình là làm việc để bảo đảm việc trả tự do cho Cha Uzhunnalil.

4. Chiếc tàu đầu tiên của di dân bị trục xuất đến Thổ Nhĩ Kỳ

Bất chấp những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và những người tranh đấu cho quyền tị nạn tại Âu Châu, sáng thứ Hai 4 tháng 4, một chiếc thuyền đã xuất hiện trên đường chân trời ở Thổ Nhĩ Kỳ từ hòn đảo Lesbos của Hy Lạp. Trên tàu là nhóm đầu tiên những người di cư và tị nạn bị trả lại theo một sau thỏa thuận của Liên Hiệp Âu Châu bắt đầu có hiệu quả từ thứ Hai 4 Tháng 4.

Khoảng 130 người nhập cư bị tống lên xe bus tại Hy Lạp vào lúc tảng sáng, nơi họ bị đưa lên hai con tàu để buộc quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo kế hoạch, Ankara sẽ nhận lại tất cả những người di cư và tị nạn, trong đó có cả người Syria, đã vào Hy Lạp trái phép sau ngày 20 tháng 3. Những người di cư bị trục xuất hôm thứ Hai chủ yếu đến từ Bangladesh và Pakistan, và chưa kịp nộp đơn xin tị nạn.

Ewa Moncure là người phát ngôn cho cơ quan biên giới Liên Hiệp Âu Châu gọi tắt là Frontex nói: “Các thủ tục đã diễn ra rất thanh thản, không có xô xát, mọi thứ đều rất có trật tự. Những người di cư đã được đưa lên xe buýt, và được đưa đến các bến cảng.”

Đáp lại việc Thổ Nhĩ Kỳ nhận lại những người di cư và tị nạn, Liên Hiệp Âu Châu sẽ thưởng cho Thổ Nhĩ Kỳ 3.6 tỷ Mỹ Kim, và cho phép công dân Thổ Nhĩ Kỳ được miễn thị thực nhập cảnh khi du lịch Âu Châu, và hứa sẽ nhận hàng ngàn người Syria vào Liên Hiệp Âu Châu.

Làn sóng không kiểm soát được những người chạy trốn chiến tranh đã mang vào Âu Châu hơn một triệu người qua ngã Hy Lạp vào năm 2015.

Tuy nhiên, thành công của kế hoạch trục xuất này vẫn bấp bênh như thường. Ngay khi những người bị trục xuất đầu tiên bị đưa lên tàu quay lại Thổ Nhĩ Kỳ, hôm thứ Hai 4/4, lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang vất vả ngăn chặn hàng trăm người đang cố gắng để vượt biển sang Lesbos.

5. Tiếp viên hàng không là Kitô hữu từ chối không mang khăn choàng Hồi Giáo

Sau khi Pháp và Iran thiết lập lại quan hệ ngoại giao, ngày 17/04/2016 tới, tuyến hàng không Paris-Teheran sẽ được nối trở lại sau 8 năm gián đoạn. Tuy nhiên, một quyết định của hãng hàng không Air France khiến các nghiệp đoàn nhân viên hàng không nổi giận. Nhiều nữ tiếp viên của hãng này không chấp nhận phải mang khăn choàng của đạo Hồi khi tới Iran.

Hôm 02 tháng Tư, ông Christophe Pillet, đại diện của nghiệp đoàn hàng không Pháp cho AFP biết, ban giám đốc Air France đã gửi đi một thông điệp nội bộ, yêu cầu các nhân viên nữ phải ăn mặc theo những tiêu chuẩn của phụ nữ Hồi Giáo. Vị đại diện nói trên cho biết trong suốt những ngày qua, nghiệp đoàn nhận được nhiều cú điện thoại của nữ tiếp viên, phàn nàn về quyết định mới của ban giám đốc.

Quyết định của ban giám đốc Air France bị lên án là xâm phạm quyền tự do cá nhân, tự do tư tưởng và tôn giáo. Trong cuộc họp ngày thứ Sáu, 01 tháng Tư, nghiệp đoàn đã yêu cầu ban lãnh đạo Air France dựa trên sự tham gia tự nguyện của tiếp viên chứ không bắt buộc, tuy nhiên ban giám đốc không chấp nhận.

Theo ban giám đốc, quy định của Air France buộc tiếp viên phải mang khăn choàng không phải là mới. Quy định này đã được áp dụng trong trường hợp quá cảnh tại Ả Rập Xê Út, và tại Iran 8 năm về trước.

6. Chiến tranh bùng nổ giữa Azerbaijan và Armenia

Trong khi cuộc xung đột tại Ukarine chưa có dấu hiệu kế thúc, những trận đánh đẫm máu giữa hai nước cộng hòa Azerbaijan và Armenia đã bùng lên trong đêm mùng 01 và suốt ngày 02 tháng 04, gây tử vong cho 30 binh sĩ đôi bên.

Các quan sát viên lo ngại chiến tranh bùng nổ như cách nay 23 năm. Tổng thống Nga Putin kêu gọi “ngưng bắn tức khắc”. Trong khi Washington cũng như Liên Hiệp Châu Âu thúc giục Bakou và Erevan tránh dùng vũ lực.

Thời Liên Xô, vùng Thượng Karabakh gồm 11,400 km vuông là một vùng cao nguyên thuộc lãnh thổ Azerbaijan, nhưng đa số dân cư là người Armenia. Sau cuộc chiến từ 1984 đến 1994, Armenia chinh phục vùng đất này. Lệnh hưu chiến có hiệu lực từ ngày 12/05/1994 nhờ nỗ lực hòa giải của Mạc Tư Khoa.

Erevan tố cáo Azerbaijan đem xe tăng tấn công trước. Ngược lại, Bakou cho rằng chỉ đáp trả hành động khiêu khích của Armenia.

Cường độ trận chiến gây ngạc nhiên, cho dù từ những năm gần đây, tình hình khu giới tuyến rất căng thẳng. Trong khi đó thì Bakou và Erevan chạy đua vũ trang một cách nguy hiểm, nhất là để phục vụ nhu cầu chính trị nội bộ.

Theo thông tin mới nhất, Azerbaijan đã đơn phương loan báo ngưng bắn, nhưng với điều kiện quân Armenia phải chấm dứt “khiêu khích” và “trả lại các lãnh thổ chiếm đóng”. Ngược lại phía Armenia tuyên bố có thể đối phó với mọi cuộc tấn công.

7. Sân bay quốc tế Bruxelles được mở cửa trở lại

Mười hai ngày sau vụ khủng bố đẫm máu tại sân bay quốc tế Bruxelles và một nhà ga xe điện ngầm ở thủ đô Bỉ, khiến 32 người chết, sân bay Zavantem-Bruxelles đã được chính thức mở cửa lại một phần vào ngày 03 tháng Tư, trong không khí cảnh giác cao độ. Theo cơ quan phụ trách sân bay, việc mở cửa lại là một dấu hiệu trước hết mang tính biểu tượng, cho thấy người dân Bỉ không khuất phục.

Ngày mở cửa trở lại đầu tiên của sân bay Zavantem- Bruxelles mang tính chất biểu tượng, bởi chỉ có ba chuyến bay cất cánh. Mỗi chuyến bay cách nhau nhiều giờ đồng hồ, để có nhiều thời gian hơn cho việc tiếp nhận hành khách tại ga mới.

Hệ thống đón hành khách hiện nay chỉ cho phép tiếp nhận 800 người/giờ. Việc sân bay trở lại hoạt động bình thường với số lượng chuyến bay như trước, sẽ không thể diễn ra trước mùa hè này. Con số 800 hành khách một giờ tương đương với 20% khả năng tiếp nhận hành khách thường lệ.

8. Vụ Panama Papers: Nhiều nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải ngồi tù, nhiều chính quyền sẽ sụp đổ hàng loạt trong thời gian tới

Một nguồn tin ẩn danh đã cung cấp cho tờ Süddeutsche Zeitung vào tháng 8 năm 2015 và sau đó cho Tổ Hợp Các Ký Giả Điều Tra Quốc Tế (International Consortium of Investigative Journalists -ICIJ) có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ 11.5 triệu tài liệu mật của công ty luật Mossack Fonseca lên đến 2,6 terabyte dữ liệu.

Những tài liệu này cho thấy các hoạt động tài chính bí mật và bất hợp pháp của các nhà lãnh đạo đương chức của năm quốc gia là Á Căn Đình, Iceland, Saudi Arabia, Ukraine và United Arab Emirates - cũng như các quan chức chính phủ, những người thân và cộng sự viên gần gũi của những người đứng đầu các chính quyền khác nhau của hơn 40 quốc gia khác, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Pakistan, Nga, Nam Phi, Tây Ban Nha, Syria và Vương quốc Anh.

Các tập tin bị rò rỉ cũng giúp xác định sự tham gia vào các hoạt động tài chính bất hợp pháp của 61 thành viên gia đình và cộng sự viên của các Thủ tướng, các Chủ tịch và các vị vua, trong đó có người anh rể của lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình của Trung Quốc, cha của Thủ tướng Anh David Cameron, con trai của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, các con của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, và “nhà thầu ưa thích” của Tổng thống Mễ Tây Cơ Enrique Peña Nieto.

Vụ “siêu leak”, được gọi là “Panama Papers”, này đang làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình tại nhiều nước trên thế giới. Những người biểu tình giận giữ kêu gọi các nhà lãnh đạo có liên quan phải từ chức và các cuộc điều tra phải được tiến hành để truy tố những kẻ phạm pháp.

Mossack Fonseca là một công ty luật và là một tổ hợp dịch vụ của Panama được thành lập vào năm 1977 bởi Jürgen Mossack và Ramon Fonseca. Các dịch vụ của Mossack Fonseca bao gồm giúp thành lập, chia nhỏ, nhập lại các công ty ở hải ngoại, quản lý các công ty ở nước ngoài và cung cấp dịch vụ quản lý tài sản. Công ty có hơn 500 nhân viên tại hơn 40 văn phòng trên toàn thế giới. Mossack Fonseca là đại diện pháp luật của hơn 300,000 công ty.

Tờ The Guardian mô tả Mossack Fonseca và là công ty luật lớn thứ tư trên thế giới. Nó làm việc với các tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, chẳng hạn như Deutsche Bank, HSBC, Societe Generale, Credit Suisse, UBS, ngân hàng Commerzbank và Nordea.

Trước khi xảy ra vụ rò rỉ “Panama Papers”, Mossack Fonseca đã được mô tả bởi các nhà kinh tế như một công ty “kín tiếng” nhất trong ngành công nghiệp tài chính.

Một bài viết trên trang web của Australian Broadcasting Corporation (ABC) giải thích phương thức hoạt động của Mossack Fonseca như sau:

“Sử dụng các vỏ bọc phức tạp của các cấu trúc công ty và tín dụng, Mossack Fonseca giúp khách hàng của mình có thể hoạt động đằng sau một bức tường bí mật gần như bất khả xâm phạm. Thành công của Mossack Fonseca dựa trên một mạng lưới toàn cầu các mạng lưới kế toán và các ngân hàng có uy tín đang thuê công ty luật này quản lý tài chính cho những khách hàng giàu có của họ. Ngân hàng là kẻ giật dây lớn đằng sau việc tạo ra các công ty hoàn toàn không để lại dấu vết gì trong lãnh vực thuế má.

Phần lớn công việc của công ty này có vẻ hoàn toàn hợp pháp và lành mạnh. Nhưng các tài liệu đầu tiên bị rò rỉ cho chúng ta một cái nhìn chi tiết hoạt động bên trong của nó, cho thấy có quá nhiều thứ có thể gian trá”.

Theo tờ The Guardian, tên của tổng thống Nga Vladimir Putin “không xuất hiện trong bất kỳ hồ sơ nào”, nhưng tờ báo xuất bản một danh sách dài “những người bạn thời thơ ấu của ông Putin và những đồng đội cũ”, bao gồm cả tỷ phú xây dựng Arkady và Boris Rotenberg, nhạc sĩ chuyên nghiệp Sergei Roldugin, và tài phiệt Alisher Usmanov.