LOAN BÁO LỜI

Chúa Thánh Thần, tác nhân chính của việc Phúc âm hóa


Bài giảng thứ ba Mùa Chay của cha Raniero Cantalamessa, Ofmcap

Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục và kết những suy tư của chúng ta về hiến chế Dei verbum, Lời Chúa. Trong lần cuối, tôi đã nói về lectio divina, một lối đọc Kinh Thánh giúp cho sự trưởng thành cá nhân. Theo lược đồ Kinh Thánh được thánh Giacôbê phác thảo, chúng ta đã phân biệt tuần tự ba bước: đón nhận Lời, suy niệm Lời và thực hành Lời.

Còn có một bước thứ tư nữa, đó là bước mà hôm nay tôi muốn suy tư: là loan báo Lời. Dei verbum nói vắn tắt về vị trí ưu tiên mà Lời Chúa phải có trong việc rao giảng của Giáo Hội (x. DV s. 24), nhưng tài liệu này không có trực tiếp tập trung về việc rao giảng Lời, nên Công Đồng đã dành một tài liệu riêng biệt cho chủ đề này, “Ad gentes divinitus” (Về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội).

Sau tài liệu Công Đồng này, đề tài truyền giáo được lấy lại và cập nhật bởi Chân phước Phaolô VI trong Evangelii nuntiandi, bởi thánh Gioan Phaolô II trong Redemptoris missio, và bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Evangelii gaudium. Từ quan điểm huấn quyền và thực hành, vì thế, mọi sự đã được nói hết cả rồi, và đã nói ở một mức độ cao nhất của huấn quyền. Có lẽ sẽ là ngớ ngẫn đối với tôi để nghĩ rằng tôi có thể thêm vào đó bất cứ điều gì nữa. Tuy nhiên, điều mà tôi có thể làm, cho phù hợp với đường hướng của những suy niệm này, đó là tập trung một số những khía cạnh tu đức quan trọng liên quan đến đề tài này. Để làm được điều đó, tôi sẽ bắt đầu với lời quả quyết thường được Chân phước Phaolô VI lặp đi lặp lại: “Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc phúc âm hóa”.[1]

1- Phương tiện là sứ điệp

Nếu tôi muốn chia sẻ một vài thông tin, những câu hỏi đầu tiên tôi tự hỏi là: “Làm sao tôi sẽ chuyển thông nó? trên báo? trên radio? trên truyền hình? Phương tiện trở thành rất quan trọng mà khoa học hiện đại của truyền thông xã hội đã đưa ra khẩu hiệu: “Phương tiện là sứ điệp”.[2] Bây giờ, phương tiện tự nhiên đầu tiên nào được dùng để chuyển tải một lời nói? Đó là hơi thở, một luồng khí, âm thanh của một giọng. Như thế để nói được, hơi thở của tôi sự dụng lời được hình thành trong tâm trí tôi và nó mang lời đến với tai của người nghe. Mọi phương tiện khác của truyền thông chỉ làm cho mạnh thêm và khuếch đại phương tiện đầu tiên này của hơi thở và âm thanh. Sau đó những lời được viết ra và mang một âm thanh sống động, bởi vì, những vần chữ aphabét chỉ là những biểu tượng đại điện cho những âm thanh.

Lời Chúa cũng tuân theo quy luật này. Lời Chúa được chuyển tải nhờ hơi thở. Và hởi thở hay ruah của Chúa theo Kinh Thánh là gì hay là ai? Chúng ta biết đó là ai rồi: đó là Chúa Thánh Thần! Có thể hơi thở tôi làm sống động lời của người khác, hay hơi thở của người khác làm sống động những lời tôi chăng? Không, lời tôi không thể được phát âm mà không phải nhờ hơi thở tôi và lời của người khác không thể được phát âm nhờ hơi thở tôi. Một cách tương tự mà người ta hiểu, Lời Chúa không thể có sức sống động nếu không phải nhờ hơi thở của Chúa, chính là Chúa Thánh Thần.

Đây là chân lý rất đơn sơ và gần như là hiển nhiên, nhưng nó cũng rất quan trọng. Đó là quy luật nền tảng cho mọi công loan báo và phúc âm hóa. Thông tin con người được chuyển tải nơi con người, hoặc qua radio, cáp, internet, vệ tinh, v.v... Thông tin thần linh, bởi vì thuộc về thần linh, được chuyển tải nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa thánh Thần là phương tiện đích thật, chính yếu của việc truyền thông, nếu không có Người, người ta không hiểu được sứ điệp bên trong qua những lớp bọc nhân loại. Lời Chúa là “Thần Khí và sự sống” (Ga 6,63), và vì thế chúng không thể truyền đạt và đón nhận mà không ở “trong Thánh Thần”.

Quy luật nền tảng này là điều mà chúng ta thấy được thực hiện cách cụ thể trong lịch sử cứu độ. Khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng “với sức mạnh của Thánh Thần’ (Lc 4,14 tt). Chính Người đã tuyên bố rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Người xức dầu cho tôi để tôi đi loan báo tin mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18). Khi hiện ra với các tông đồ trong phòng tiệc ly vào chiều Phục sinh, Người nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con! Khi Người nói điều đó, Người thổi hơi và phán bảo họ: ‘Anh em hãy nhận lãnh Chúa Thánh Thần’” (Ga 20,21-22). Khi chỉ thị cho các tông đồ đi khắp thế gian, Chúa Giêsu cũng ban cho họ những phương tiện để hoàn tất sứ vụ này – đó chính là Chúa Thánh Thần – và Người ban Chúa Thánh Thần cách rất ý nghĩa, qua dấu chỉ Người thổi hơi vào họ.

Theo thánh Maccô và Matthêu, lời cuối cùng Chúa Giêsu nói với các tông đồ trước khi về trời là “Hãy đi!”: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15; Mt 28,19). Tuy nhiên, theo thánh Luca, lệnh truyền cuối cùng của Chúa Giêsu xem ra có sự mâu thuẫn: Hãy ở lại! Hãy lưu lại!: “Còn nh em, hãy ở lại trong thành cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống” (Lc 24,49).

Dĩ nhiên không có sự trái ngược nào ở đây; nhưng chỉ muốn nói là “hãy đi khắp thế gian nhưng đừng đi khi chưa đón nhận Chúa thánh Thần”.

Toàn bộ trình thuật về Lễ Hiện Xuống được dùng để làm sáng tỏ chân lý này. Chúa Thánh Thần đến và lúc đó Phêrô và các tông đồ khác bắt đầu lớn tiêng rao giảng về Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại, lời rao giảng của họ đã có sự đánh động và sức mạnh lạ thường, khiến 3,000 người cảm thấy trái tim họ bị tan nát. Khi xuống trên các tông đồ, Chúa Thánh Thần tác động trong họ, làm cho họ nhận thấy có một nhu cầu không thể chống lại được là loan báo Tin Mừng.

Thánh Phaolô còn đi xa hơn khi khẳng định rằng không có Chúa Thánh Thần thì không còn quan trọng nữa để loan báo “Chúa Giêsu là Chúa” (1 Cr 12,3), theo Tân Ước, Người là khởi đầu và là tóm kết của mọi công cuộc loan báo Kitô Giáo. Như thánh Phêrô định nghĩa người tông đồ là “những người loan báo Tin Mừng cho anh em nhờ Chúa Thánh Thần” (1 Pr 1,12). Những lời “Tin Mừng” hay Phúc Âm xác định nội dung rao giảng và “nhờ Chúa Thánh Thần” xác định ý nghĩa hay phương pháp của việc rao giảng.

2- Lời và hành động

Điều đầu tiên cần tránh khi chúng ta nói về việc phúc âm hóa là nghĩ rằng nó đồng nghĩa với việc rao giảng và như thể nó chỉ được dành riêng cho một nhóm riêng biệt thuộc các Kitô hữu. Khi đề cập về bản chất của mạc khải, Dei verbum nói rằng:

“Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó”.[3]

Lời quả quyết này quy chiếu trực tiếp lời của thánh Grêgôriô Cả: “Chúa chúng ta và Đấng Cứu Độ dạy dỗ chúng ta có khi bằng Lời Người và có khi bằng công trình Người” (aliquando nos sermonibus, aliquando vero operibus admonet).[4]

Đây là quy luật áp dụng cho mạc khải từ khởi đầu và cũng áp dụng cho cả lúc đi rao giảng. Nói cách khác, chúng ta không chỉ phúc âm hóa bằng lời nói, nhưng trước hết bằng hành động và cuộc sống, không phải bằng những gì chúng ta nói, nhưng bằng việc chúng ta làm và sống như thế nào.

Một thời Marshall McLuhan giải thích rất ý nghĩa đối với chúng ta châm ngôn sống của ông: “Phương tiện là sứ điệp”. Ông nói rằng chỉ trong Chúa Kitô không có “khoảng cách hay phân biệt giữa phương tiện và sứ điệp: đây là một trường hợp mà chúng ta có thể nói rằng phương tiện và sứ điệp đã hoàn toàn nên một và đồng nhất”.[5] Một sự đồng nhất hoàn toàn như thế giữa sứ giả và sứ điệp chỉ có thể tìm thấy trong Đức Kitô mà thôi, nhưng theo một nghĩa loại suy, sự đồng nhất này cũng cần phải hiện thực nơi những ai đi loan báo Tin Mừng. Ở đây, sứ giả không phải là sứ điệp. Tuy nhiên, nếu những người rao giảng đã hiến dâng hoàn toàn đời sống mình cho Chúa Kitô, nên họ có thể nói như thánh Phaolô: “Không phải tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), khi đó có thể nói mà không sợ sai về họ rằng phương tiện là sứ điệp, đời sống của họ thực sự là sứ điệp.

Có một câu nói trong tiếng Anh mang một ý nghĩa rất đặc biệt để áp dụng cho việc phúc âm hóa: “Actions speak louder than words” (những hành động có âm vang hơn những lời nói). Lời của Đức Phaolô VI quả quyết trong Evangelii nuntiandi thường hay được nhắc lại: “Con người ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu con người lắng nghe các thầy dạy, bởi vì họ là những chứng nhân”.[6]

Một trong những nhà triết gia luân lý nổi tiếng của thế kỷ qua (tên ông không cần nói) một chiều nọ ở trong một nơi và chung sống với người không được giáo dục nhiều. Một người bạn hỏi ông rằng làm sao ông có thể hòa giải giữa điều ông sống với điều ông viết trong sách, ông trả lời cách bình thản với người đó rằng: “Bạn có bao giờ thấy một bảng chỉ đường hướng dẫn hướng đi không?” Đó là một câu trả lời rất thông minh, nhưng cũng là một sự tự kết án mình. Con người thường cho mình là người đưa ra những “những biển báo” chỉ đường cho người khác, nhưng chính họ lại không có bước đi một bước nào cả.

Tôi có thể cho một mẫu gương tốt về sự hiệu quả của chứng tá từ dòng tu mà tôi thuộc về. Sự cống hiến lớn, dù rất âm thần và kín đáo, mà Dòng Capuchinô đã làm cho việc phúc âm hóa trong năm thế kỷ qua của lịch sự hội Dòng, tôi cho rằng, không phải là những bài giảng thuyết hay của những nhà giảng thuyết chuyên nghiệp nhưng là những việc làm của nhóm “những anh em giáo dân”: họ là những người gác cổng đơn sơ và ít học của tu viện hay dòng khất thực.

Toàn bộ số người tái khám phá đức tin và giữ đạo nhờ sự gặp gỡ với họ. Trong số đó, Chân phước Nicôla thành Gesturi, là người rất ít nói nên người ta gọi ngài là “Thầy thinh lặng” và khi ở Sardinia, lúc 58 tuổi trước khi thầy qua đời, Dòng Capuchinô được đồng hoá với thầy Nicôla thành Gesturi, hay với thầy Ignatius thành Laconi, một thầy dòng khất thực thánh thiện khác trong quá khứ. Họ thực hiện những lời thánh Phanxicô Assisi mà một ngày nọ ngài gửi cho những nhà giảng thuyết sống giữa những anh em ngài: “Tại sao các anh lại khoe khoang về những người trở lại, các anh hãy biết rằng những anh em hèn mọn của tôi đã hoán cải họ bằng chính lời cầu nguyện của mình đó”.[7]

Lần kia trong một cuộc đối thoại đại kết, có một người anh em thuộc phong trào Hiện xuống – ông không có tranh luận nhưng có gắng để hiểu – hỏi tôi sao những người Công Giáo gọi Đức Maria là “ngôi sao của phúc âm hóa”. Đây cũng là một cơ hội cho tôi để suy tư về tựa đề này mà Đức Phaolô VI gán cho Đức Maria khi kết thúc Evangelii nuntiandi. Tôi giải thích bằng kết luận rằng Đức Maria là ngôi sao của việc phúc âm hóa bởi vì ngài đã mang Ngôi Lời nhập thể và mang Người (cả cách thể lý) cho toàn thế giới! Mẹ không bao giờ giảng, Mẹ chỉ nói đôi câu, nhưng Mẹ là người tràn đầy Chúa Giêsu, và bất cứ nơi đâu Mẹ đến, Mẹ đều mang hương thơm sự hiện diện của Chúa, như Gioan Tẩy Giả đã cảm nghiệm cả khi còn ở trong dạ mẹ mình. Ai có thể phủ nhận rằng Đức Mẹ ở Guadalupe có một vai trò nền tảng trong cuộc phúc âm hóa và đức tin của dân tộc Mexicô đó sao?

Khi giảng ở đây trong Curia, tôi nghĩ rằng sẽ rất phù hợp đối với tôi là nói lên sự đóng góp mà những ai đã dùng phần lớn thời gian của mình ở trong một bàn giấy hoặc làm việc với những tổ chức hoàn toàn khác nhau để có thể công hiến – và quả thật đã có những cống hiến – cho công cuộc phúc âm hóa. Nếu chúng ta đón nhận công việc của mình như là sự phục vụ cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội, ước gì chúng ta luôn canh tân ý hướng này và không chỉ quan tâm trong lòng như một nghề nghiệp, mà hơn thế như là một nhân viên khiêm tốn của một Bộ để đóng góp cho việc phúc âm hóa hơn cả một nhà giảng thuyết chuyên nghiệp tìm kiếm sự hài lòng con người hơn là hài lòng Thiên Chúa.

3- Làm sao để trở thành những người rao giảng đích thực

Nếu bổn phận phúc âm hóa là dành cho mọi người, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu những nền tảng và điều kiện nào phải có đối với người thực sự muốn trở thành những người rao giảng. Điều kiện đầu tiên là lời đề nghị mà Chúa đã nói với Abraham: “Hãy rời quê hương anh và hãy ra đi” (x. St 12,1). Không có sứ vụ hoặc sai đi nếu trước đó không có sự từ bỏ. Chúng ta thường nói về một Giáo Hội “đi ra ngoài”. Chúng ta cần rời bỏ cửa đầu tiên để đi ra không phải là cửa của Giáo Hội, của cộng đoàn, của cơ quan, hoặc cửa nhà thánh; mà đó là cửa của cái “Tôi” chúng ta.

Chúa Giêsu còn đòi hỏi hơn lời mời gọi của Abraham khi có một người đến xin Người cộng tác trong việc loan báo Nước Trời: “Anh hãy đi, ra khỏi cái tôi của anh và hãy bỏ mình. Bây giờ mọi điều của anh là thuộc về tôi. Đời sống của anh đang thay đổi, khuôn mặt của Tôi đang trở thành mặt của anh. Không phải anh sống nữa, nhưng Tôi sống trong anh”. Đây là con đường duy nhất để chiến thắng những tính hư tật xấu như ghen ghét, ganh tị, sợ hãi, hiềm thù, buồn chán, và ác cảm ... chúng chứa đầy trong tâm hồn của những cái tôi già cỗi – tắt một lời chúng ta cần được “tắm mình” Tin Mừng và để loan tỏa hương thơm của Tin Mừng.

Kinh Thánh cho chúng ta một hình ảnh khác chứa đựng sự thật còn hơn cả những khảo luận mục vụ về việc loan báo Tin Mừng: đó là hình ảnh ăn một cuốn sách, như chúng ta đọc trong sách tiên tri Êdêkiel:

“Tôi nhìn, thì kìa có bàn tay đưa về phía tôi, bàn tay đó cầm một cuộn sách rồi mở ra trước mặt tôi; sách được viết cả mặt trong lẫn mặt ngoài, trong đó có viết những khúc ai ca, những lời than vãn và những câu nguyền rủa. Đức Chúa phán với tôi: ‘Hỡi con người, thấy gì, cứ việc ăn! Hãy ăn cuộn sách này rồi đi nói với nhà Israel’. Tôi mở miệng ra, và Người cho tôi ăn cuộn sách ấy. Người lại phán với tôi: ‘Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây’.Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật trong miệng tôi” (Ed 2,9 – 3,1-3; x. Rev. 10,8-10).

Có một sự khác biệt lớn lao giữa Lời Chúa chỉ đơn thuần được nghiên cứu rồi đưa ra loan báo và Lời Chúa trước hết được “ăn” và được đồng hóa. Trong trường hợp thứ nhất, người ta xem người rao giảng giống như một người nói với một cuốn sách đã in, nhưng ông không thành công trong việc lay động tâm hồn người nghe bởi vì chỉ những gì đến từ trái tim lay động trái tim. Khi sử dụng lại hình ảnh trong Êdekien, tác giả sách Khải Huyền đem lại cho chúng ta một sự thay đổi nhỏ nhưng rất ý nghĩa. Ngài nói rằng cuốn sách mà ngài nuốt vào thì rất ngọt như mật ong trên miệng, nhưng sau đó ngài cảm thấy đắng trong lòng (x. Kh 10,10). Vâng bởi vì trước khi Lời đánh động người nghe, nó phải đánh động người giảng, chỉ cho họ thấy tội của họ và thúc đẩy họ hoán cải.

Điều này không thể thực hiện ngày một ngày hai. Tuy nhiên, có một điều có thể hôm nay, là chấp nhận đi theo cái nhìn này, thực hiện một quyết định cách kiên định, với tất cả những gì chúng ta có thể, là không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho Chúa (x. Rm 14,7-9). Tất cả điều này không thể thực hiện đơn thuần như là kết quả của sự cố gắng hy sinh con người; đó cũng là một công trình của ân sủng, là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Trong phụng vụ, chúng ta cầu nguyện ở Kinh Nguyện Thánh Thể IV: “Chúng con phải sống không cho chính mình nhưng cho Đấng đã chết và chổi dậy vì chúng con, Ngài đã sai Chúa Thánh Thần đến từ Ngài, lạy Cha, như là hoa quả đầu mùa cho những kẻ tin”.

Thật là đơn giản để làm sao chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần theo cái nhìn phúc âm hóa. Chúng ta chỉ cần xem Chúa Giêsu đã đón nhận Chúa Thánh Thần và Giáo Hội đã đón nhận Người trong ngày Lễ Hiện Xuống như thế nào. Luca miêu tả biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa thế này: “Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa và Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người” (Lc 3,21-22). Đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã mở rộng cửa trời và sai Chúa Thánh Thần xuống, điều tương tự như thế đã xảy ra đối với các tông đồ. Chúa Thánh Thần xuống trên các tông đồ trong ngày lễ Hiện Xuống khi họ một lòng một ý cầu nguyện (Cv 1,14).

Sự cố gắng dấn thân canh tân truyền giáo cho thấy hai nguy hiểm chính. Một là sự ù lì, lười biếng, không làm gì và để cho người khác làm mọi sự. Thứ đến là để cho mình cuốn theo lối duy hoạt động nhân loại, vô bổ và trống rỗng dẫn đến hậu quả là đánh mất dần dần nguồn mạch dồi dào của Lời và những hiệu quả của Lời. Như thế là để cho mình cuốn theo một sự thất bại.

Càng gia tăng hoạt động thì càng phải gia tăng cầu nguyện. Ai đó có thể phản đối và cho rằng như thế là ngớ ngẩn bởi vì chỉ có chừng đó thời gian thôi. Điều đó đúng, nhưng Người có thể hóa bánh ra nhiều, lại không thể hóa thời gian ra nhiều được sao?

Ngoài ra, đây cũng là điều mà Chúa luôn thực hiện và điều mà chúng ta kinh nghiệm mỗi ngày: sau khi đã cầu nguyện, chúng ta làm chính những công việc đó với một nữa thời gian thôi.

Ai đó cũng có thể nói: “Nhưng làm sao chúng ta có thể ở lại cách thản nhiên trong cầu nguyện mà không chạy đi khi ngôi nhà đang cháy?” Điều đó cũng là rất đúng. Nhưng hãy tưởng tượng cảnh này: một nhóm người cứu hỏa nghe còi báo động xông lên với còi báo động đến chổ hỏa hoạn. Tuy nhiên, khi tới nơi đó, người ta phát hiện ra rằng họ không mang một giọt nước nào trong thùng cả. Điều này cũng giống như khi chúng ta đi loan báo mà không cầu nguyện. Không phải là vì thiếu lời nói; nhưng ngược lại là thiếu người cầu nguyện hơn là thiếu người nói, họ là những lời rỗng tuếch mà không thuyết phục được ai cả.

4- Phúc âm hóa và lòng thương xót

Bên cạnh lời cầu nguyện, có một con đường khác để đón nhận Chúa Thánh Thần đó là có ý hướng ngay lành. Ý hướng của một người khi rao giảng Đức Kitô có thể mang nhiều lý do khác nhau. Thánh Phaolô liệt kê một số lý do trong Thư gửi tín hữu Philiphê: rao giảng vì lợi ích của mình, qua sự ganh tị, tranh chấp, phe nhóm và tranh dành nhau (x. Pl 1,15-17). Nguyên nhân duy nhất bao gồm mọi nguyên khác đó chính là thiếu đức mến. Thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có được các thứ tiếng của loài người và các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng (1 Cr 13,1).

Kinh nghiệm làm cho tôi khám phá một điều: người ta có thể loan bao Chúa Giêsu Kitô vì những lý do họ có mà rất ít thấy hoặc không có một chút đức mến nào cả. Người ta có thể loan báo Chúa bằng việc giúp trở lại đạo, gia tăng con số các thành viên, hay hợp pháp hóa một nhà thờ nhỏ bé của họ, đặc biệt là thành lập nhà thờ... Người ta có thể loan báo Người – khi áp dụng cách máy móc câu của Lời Chúa là mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất (x. Mc 13,10) – bằng cách gia nhập nhiều thành viên ưu tuyển và thôi thúc Chúa trở lại

Một số những lý do này không phải là xấu. Nhưng nếu chúng chỉ làm như thế, thì chưa đủ. Chúng ta còn thiếu đức mến chân thật và lòng thương cảm đối với con người vì đức mến là linh hồn của Tin Mừng. Tin Mừng của tình yêu chỉ có thể được loan báo qua đức mến. Nếu chúng ta không cố gắng yêu mến con người mà chúng ta phục vụ, những lời nói sẽ dễ dàng biến đổi thành những hòn đá trong tay chúng ta để làm thương tổn họ và người nghe cần phải tránh xa, giống như người ta phải dùng ô dù bảo vệ khi có mưa đá.

Tôi luôn ghi nhớ bài học mà Kinh Thánh dạy chúng ta cách mặc nhiên qua câu chuyện của Giona. Giona bị Chúa ép buộc phải đi rao giảng cho thành Ninivê. Nhưng những người Nivivê là kẻ thù của Israel, vì thế, Giona không có lòng yêu thương họ. Ông tỏ ra vui mừng và hài lòng khi ông có thể lớn tiếng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá hủy!” (Gn 3,4). Cảnh tượng về sự hủy diệt này không làm ông buồn phiền gì cả. Tuy nhiên, những người dân thành Ninivê hối cải và Chúa đã tha thứ cho họ thoát khỏi hình phạt. Ở điểm này, Giona trải qua một cuộc khủng hoảng. Chúa nói với ông: “Ngươi thương hai cây thầu dầu mà người đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên... Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Nivinê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4,10-11). Chúa đã cố gắng nhiều để thay đổi ông, người rao giảng, hơn là thay đổi tất cả dân thành Nivinê.

Phải có lòng yêu thương đối với con người, nhưng cũng vậy và trên hết phải có lòng yêu mến Chúa Giêsu. Tình yêu của Chúa Kitô hẳn phải thúc bách chúng ta. “Con có yêu thầy không?” Chúa Giêsu hỏi Phêrô. “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (x. Ga 21,15 tt). Chăn dắt và rao giảng phải phát xuất từ tình yêu chân thật dành cho Chúa Kitô. Chúng ta cần yêu mến Chúa Giêsu bởi vì chỉ có người ở trong tình yêu với Chúa Giêsu mới có thể loan báo Chúa cho thế giới với một xác tín sâu sắc. Người say mê rao giảng chỉ những điều mà họ sống trong tình yêu.

Việc loan báo Tin Mừng phải thực hiện bằng đời sống hơn là bằng lời nói. Chúng ta không chỉ dâng lên cho Chúa Giêsu vinh quang nhưng chúng ta còn dâng cho Người niềm vui. Quả thật “niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và trọn cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu”,[8] cũng thế, một người đi rao giảng Tin Mừng cũng phải đổ tràn đầy niềm vui vào tâm hồn của Chúa Giêsu. Ý nghĩa của niềm vui và niềm hạnh phúc mà một người kinh nghiệm khi chợt nhiên nhận thấy một người khuyết tật được phục hồi sức sống vì không thể đi lại hoặc bị bại liệt, đó là một dấu chỉ nhỏ bé của niềm vui mà Chúa Kitô trải nghiệm khi Người nhận thấy Chúa Thánh Thần đem lại sự sống cho bộ phần nào đó đã chết trong thân thể Người.

Đây cũng là điều Kinh Thánh nói mà trước đây tôi không có chú ý như bây giờ: “Sứ giả trung tín với kẻ sai mình đi đáng quý như tuyết mát ngày mùa: người đó làm vững lòng ông chủ” (Cn 25,13). Hình ảnh sức nóng và sự mát mẻ trong ngày mùa làm chúng ta nghĩ đến tiếng kêu của Chúa Giêsu trên thập giá: “Ta khát!” Người là “thợ gặt” vĩ đại khát các linh hồn, chúng ta được mời gọi hãy can đảm dấn thân phục vụ cách khiêm tốn và tận tụy cho Tin Mừng. Nguyện xin Chúa Thánh Thần, “tác nhân chính của việc phúc âm hóa”, làm cho chúng con biết dâng lên Chúa Giêsu niềm vui này qua lời nói và công việc chúng con, theo đặc sủng và bổn phận mà mỗi người chúng ta đảm nhận trong Giáo Hội.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển dịch từ https://zenit.org/articles/father-cantalamessas-3rd-lent-homily-2016-3/

[1] Blessed Paul VI, Evangelii nuntiandi, n. 75, December 8, 1975. All papal quotes are taken from the Vatican website.

[2] The slogan is from Marshall McLuhan, Understanding Media: The Extensions of Man(New York: McGraw Hill, 1964). This is the title for chapter 1, p. 7.

[3] DV 2.

[4] Gregory the Great, “Homily on the Pastoral Office” [Homily 17 on the Gospels], trans. Patrick Boyle (New York: Benziger Brothers, 1908), p. 1.

[5] Marshall McLuhan, The Medium and the Light: Reflections on Religion, eds. Eric McLuhan and Jacek Szklarek (Eugene, OR: Wipf and Stock 1999), p. 103.

[6] Evangelii nuntiandi, n. 41.

[7] Thomas Celano, The Second Life of St. Francis, in The Lives of St. Francis of Assisi, 123, 164, trans. A. G. Ferrers Howell (London: Methuen, 1908), p. 295; see also FF, 749.

[8] Pope Francis, Evangelii guadium, n. 1.