Những ngày đầu năm 2016, Religion News Service nhắc tới chuyến viếng thăm Mễ Tây Cơ của Đức Phanxicô bằng một câu truyện dí dỏm: Giữa lúc Đức Phanxicô đang thăm hỏi công chúng tại công trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, thì có tiếng hô to từ đám đông: “Thưa Đức Giáo Hoàng! Chúng con đang đợi Đức Giáo Hoàng tại Mễ Tây Cơ! Mễ Tây Cơ đó, thưa Đức Giáo Hoàng!” Nói đoạn người này càng hô to hơn nữa: “Xin nghinh đón Đức Giáo Hoàng tới Mễ Tây Cơ vào tháng Hai!” Nhanh như chớp, vị lãnh đạo của 1.2 tỷ người Công Giáo đáp lại tức khắc “với rượu ổi tequila chứ?”, “Vâng, nhiều lắm!”

Không phải vị lãnh đạo này ưa chè chén. Hãng thông tấn trên cho hay: ngài sống khổ hạnh, không ưa thù tiếp và những bữa ăn chính thức. Tinh thần hòa đồng, vui với cái vui của thiên hạ mới là điều chính của ngài.

Trong chuyến đi sắp tới, ngài sẽ cử hành Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe tại Mexico City, thăm một bệnh viện nhi khoa và gặp cộng đồng người bản địa ở San Cristobal de Las Casas, Nam Mễ Tây Cơ. Nhưng địa điểm ngài thăm viếng sẽ được nhiều người chú ý hơn cả có thể là Ciudad Juarez giáp với Hoa Kỳ, vì đây là điểm nóng nhất trong cuộc tranh luận về di trú tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, cư dân Ciudad Juarez đã và đang chịu cảnh bạo lực tồi tệ nhất của cuộc chiến tranh dài giữa các tổ hợp ma túy và nhà nước, từng khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Chia sẻ cuộc sống của người dân Mễ Tây Cơ và gần gũi Đức Mẹ Guadalupe

Một tháng trước chuyến tông du, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Mễ Tây Cơ cho hay: Đức Phanxicô muốn “chia sẻ cuộc sống của người dân Mễ Tây Cơ và được gần gũi Đức Mẹ Guadalupe”.

Trong một cuộc phỏng vấn của Đài Phát Thanh Mễ Tây Cơ, Noticias MVS, Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre thảo luận các lý do của chuyến viếng thăm và cho thấy rất có thể có nhiều bất ngờ.

Tuy nhiên, theo ngài: “Đức Giáo Hoàng không có ý định giải quyết các vấn đề đang ảnh hưởng tới mọi người dân Mễ Tây Cơ, làm cho cuộc sống họ trở nên dễ dàng hơn. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nói lên điều này. Đó là trách nhiệm của mọi người, cả các nhà chính trị lẫn những người không phải là chính trị gia”.

Nhưng Đức Giáo Hoàng rất muốn “dự phần vào thực tại của người dân… Ngài muốn một cuộc gặp gỡ đơn giản, cởi mở. Ngài biết rất rõ sự nhiệt tình của người Mễ Tây Cơ. Ngài rất tự nhiên thanh thoát và chắc chắn ngài sẽ dành cho chúng ta một ít ngạc nhiên tuy ta không biết là điều gì. Nên dành chỗ đón chờ những bất ngờ này”.

Về việc Đức Phanxicô thăm vùng biên giới Mỹ Mễ, Đức Khâm Sứ cho hay: “Đây không phải là lần đầu tiên một vị giáo hoàng tới một vùng biên giới hay đề cập tới những vấn đề có ảnh hưởng tới người Mễ Tây Cơ. Đức Thánh Cha muốn thăm nước này từ biên giới này tới biên giới nọ và gặp gỡ những người đang sống qua các tình huống khó khăn. Đây là những vấn đề ảnh hưởng tới mọi người, như di dân và nghèo túng chẳng hạn”.

Vượt biên, bạo lực ma túy và Đức Mẹ Guadalupe

Tạp Chí Công Giáo America, ngày 8 tháng Hai vừa qua, nhấn mạnh tới sự kiện: cuộc thăm viếng Mễ Tây Cơ của Đức Phanxicô làm nổi bật ba quan tâm chung của người Hoa Kỳ và người Mễ Tây Cơ.

Trước nhất là di dân: Đức Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ tại Juárez, một địa điểm cực bắc Mễ Tây Cơ, chỉ cách El Paso, Texas của Hoa Kỳ, một hàng rào kẽm gai, nơi người Mễ liều chết vượt qua để tìm sự sống. Người ta còn nhớ Mùa Hè năm 2014, khi hàng chục ngàn thiếu niên Mễ Tây Cơ không người đi theo đã vượt qua hàng rào này để vào Hoa Kỳ, Tổng Thống Obama đã xin Quốc Hội cấp cho chính phủ Ông 1 tỷ dollars để giải quyết các yếu tố khiến người dân Trung Mỹ phải di cư. Kể từ ngày đó, cảm thức khẩn cấp đã giảm đi vì việc vượt biên đã chậm lại, không hẳn vì người Mễ Tây Cơ hết “cựa quậy” mà đúng hơn nhờ “viện trợ Mỹ” nhà cầm quyền Mễ Tây Cơ đã tăng cường việc chấp pháp. Việc tăng cường chấp pháp này không hẳn để ngăn chặn các di dân tuyệt vọng mà là để buộc họ phải chọn “những con đường” khác, nơi họ dễ sa vào tay các tên buôn lậu và các viên chức.

Tháng Giêng vừa qua, trong bài nói chuyện với ngoại giao đoàn tại Vatican, Đức Phanxicô từng nhấn mạnh rằng “Không hề có chỗ cho những giải pháp tự lập do các quốc gia riêng rẽ theo đuổi” khi đương đầu với những đợt di dân ồ ạt. Theo tờ America, Hoa Kỳ phải tái dấn thân vào việc 1) hợp tác với Mễ Tây Cơ để giải quyết các nguyên nhân gốc khiến người Mễ Tây Cơ phải di dân, như nghèo đói và bạo lực ở Trung Mỹ; 2) bồi đắp khả năng của Mễ Tây Cơ trong việc thẩm tra và cung cấp trợ giúp luật pháp cho người muốn di dân và 3) đào tạo nền văn hóa trọng luật nơi các định chế an ninh và tư pháp hiện đang làm việc tại biên giới.

Thứ hai là buôn lậu: Đức Phanxicô cũng sẽ tới Morelia, thủ phủ của tiểu bang Michoacán và là điểm nóng trong cuộc tranh chấp ma túy của cả lục địa. Cả hàng nhiều thập niên qua, các tổ hợp (cartel) ma túy hết sức tàn nhẫn đang sát hại lẫn nhau để giành độc quyền cung cấp ma túy cho thị trường Hoa Kỳ.

Từ năm 2002, tại Hoa Kỳ, chết vì dùng bạch phiến quá độ đã tăng gấp 4 lần: năm 2013, lên tới 8,260 vụ. Trong khi ấy, súng ống do Hoa Kỳ chế tạo đã gây ra tử vong cho khoảng 100,000 người, kể từ tháng Mười Hai năm 2006, liên quan tới các hoạt động tội ác.

Giải pháp cho tình huống trên không dễ. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài duy nhất là một nền kinh tế Mễ Tây Cơ, mạnh đủ để người trẻ không thấy ma túy là con đường duy nhất kiếm sống đối với họ, và để các viên chức thối nát tìm thấy ngả đường khác để tiến thân. Ngân khoản 300 triệu dollars hàng năm Hoa Kỳ dành cho cuộc chiến chống ma túy ở Mễ Tây Cơ liệu có đủ để nâng đỡ một nền kinh tế như thế hay không?

Thứ ba là Đức Mẹ: Lẽ dĩ nhiên, Đức Phanxicô sẽ tới Guadalupe trong tư cách “một đứa con trai nữa” để gặp “Mẹ của chúng ta” như thông điệp ngày qua của ngài gửi nhân dân Mễ Tây Cơ có nhắc tới. Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ không chỉ liên hệ với nhau vì lý do an ninh mà thôi, mà còn nối với nhau bằng sợi dây đức tin nữa. Không nhân vật nào hiện thân cho cái di sản chung này bằng Đức Mẹ Guadalupe, đấng “không những là quan thầy của Mễ Tây Cơ, mà còn là quan thầy của cả Mỹ Châu nữa” như chính Đức Phanxicô có lần đã phát biểu. Trong khi người Mễ Tây Cơ nổi tiếng về tình yêu của họ dành cho Đức Mẹ Guadalupe (cả người Mễ không Công Giáo cũng vẫn tự hào là những Guadalupanos), lòng sùng kính Đức Mẹ ở Hoa Kỳ cũng đang gia tăng tốt đẹp, theo gương anh chị em di dân của mình. Năm Thương Xót càng khiến người Công Giáo Hoa Kỳ nhìn qua biên giới bằng một con mắt khác, như chính Đức Phanxicô đã nhấn mạnh: “Ta hãy khẩn cầu Mẹ dẫn buớc chân của người dân Mỹ Châu, một dân tộc hành hương luôn nhìn lên Mẹ của lòng thương xót”.

Người Công Giáo Mễ không còn ở trong phòng để đồ

Tạp chí Công Giáo Crux, ngày 5 tháng Hai vừa qua, thì lưu ý tới hiện cảnh liên hệ giữa Nhà Nước và Giáo Hội tại Mễ Tây Cơ, một điều tạp chí này coi là mới mẻ: đó là việc bình thường hóa.

Khác với các cuộc thăm viếng trước đây của cả Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, trong đó, Nhà Nước luôn luôn có thái độ ngờ vực đối với áp lực của Giáo Hội đòi họ phải thay đổi hiến pháp quá thế tục của Quốc Gia, cuộc thăm viếng lần này của Đức Phanxicô được coi là có ích không những cho Giáo Hội mà còn cho cả xã hội Mễ Tây Cơ nữa. Dù đảng cầm quyền hiện nay PRI (Đảng Cách Mạng Định Chế) vốn là hiện thân của đảng cách nay 90 năm đã tiến hành cuộc bách hại Giáo Hội Công Giáo hết sức tàn bạo kiểu Xôviết. Cho tới năm 1992, Giáo Hội luôn bị kiểm soát gắt gao với hàng loạt các đạo luật chống giáo sĩ hết sức hà khắc, không kém gì Cuba Cộng Sản.

Cuộc họp báo hôm thứ Tư vừa qua của chính phủ Mễ Tây Cơ cho thấy một thái độ khác hẳn, khiến chính các nhà báo cũng phải ngạc nhiên. Trong cuộc họp báo này, đại diện chính phủ cho hay: Họ sẽ nghinh đón Đức Phanxicô như một người lên khuôn chính cho công luận vì sứ điệp của ngài về nghèo đói và di dân là “một khích lệ để cải thiện các chính sách công”.

Thât khác với các cuộc tông du của các vị giáo hoàng trước đây khi Nhà Nước luôn miệng nhấn mạnh rằng các vị tới đây để thăm giáo dân của các vị, chứ không hẳn quốc gia như một toàn thể, và nhắc để mọi người nhớ rằng Mễ Tây Cơ là một quốc gia vô thần, duy thế tục chính thức.

Lần này, dù vẫn nhấn mạnh tính cách mục vụ của chuyến tông du, Đức Phanxicô vẫn sẽ được Tổng Thống Mễ Tây Cơ chính thức đón tiếp tại Palacio National. Đây sẽ là một biến cố lịch sử.

Nhà Nước còn đi xa hơn bằng việc nhìn nhận rằng đa số các căn bệnh của Mễ Tây Cơ là do cuộc khủng hoảng giá trị. Họ cho rằng các giá trị sẽ không thể nào có được nếu không có “các giá trị tâm linh” và Đức Phanxicô là người lên khuôn chính của các giá trị tâm linh này.

Điều trên không lạ bao nhiêu, vì Tổng Thống Enrique Pena Nieto vốn là cựu sinh viên của Universidad Panamericana, một Đại Học do Opus Dei điều hành. Peña Nieto tuy có đức tin vững mạnh, nhưng rất thận trọng, không dám thực hành đạo công khai. Sở dĩ như thế, vì Mễ Tây Cơ vốn không phân biệt được đâu là laicismo (chủ nghĩa duy tục hiếu chiến) và đâu là laicidad (trung lập tôn kính). Như chính nhận định của phát ngôn viên chính phủ.

Với các thay đổi từ năm 1992 dưới thời Tổng Thống Carlos Salinas, người đã loại bỏ các yếu tố xúc phạm tôn giáo của Hiến Pháp 1917, và nhất là các thay đổi trong các năm 2011 và 2013, nay “chúng tôi không còn đau cái chứng Jacobin hư thối nữa, nhưng cũng chưa ngửi được mùi phòng áo lễ”. Đó là lời của phát ngôn viên Chính Phủ Mễ Tây Cơ. Ai cũng biết chủ nghĩa Jacobin là chủ nghĩa bài giáo sĩ của Cách Mạng Pháp.

Theo phát ngôn viên này, Mễ Tây Cơ hiện có “một khuôn khổ pháp luật khiến người Công Giáo không cần phải trốn tránh trong phòng để đồ nữa” và các liên hệ giữa Nhà Nước và Giáo Hội hiện được điều hòa bằng “một sự bình thường hóa có lợi cho mọi người và là điều chúng tôi muốn tiếp diễn”.