Trưa Chúa Nhật 7-2-2016, 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô đã dự buổi đọc kinh Truyền Tin với ĐTC. Ngài đặc biệt chúc mừng Tết các dân tộc tại Viễn Đông.

ĐTC cũng kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh ở Siria và tái lên án nạn buôn người.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, Chào anh chị em

Tin Mừng Chúa Nhật này kể lại - theo bản của Luca - việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên (Lc 5,1-11). Sự kiện diễn ra trong một bối cảnh đời sống thường nhật: có một vài ngư phủ bên bờ hồ Galilea, sau một đêm làm việc mà không bắt được con cá nào, lúc đó họ đang rửa và xếp lại lưới. Chúa Giêsu lên một trong những con thuyền của họ, thuyền của ông Simon, cũng gọi là Phêrô và ngài xin ông chèo ra ngoài bờ một ít và bảo ông hãy thả lưới. Simon đã biết Chúa Giêsu và cảm nghiệm quyền năng của Lời ngài, nên ông thưa với ngài: ”Thưa Thầy, chúng con đã vất vả cả đêm mà chẳng được gì, nhưng theo lời Thầy con sẽ thả lưới” (v. 5). Và niềm tin này của ông không làm thất vọng: thực vậy lưới đầy cá đến độ như muốn rách (Cf. v. 6).

Đứng trước biến cố lạ thường ấy, các ngư phủ rất sợ hãi. Simon sấp mình xuống dưới chân Chúa Giêsu và nói: ”Lạy Chúa, xin xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi” (v.8). Phép lạ ấy đã làm cho ông xác tín Chúa Giêsu không phải chỉ là một bậc thầy đáng sợ, lời Ngài là chân thực và quyền năng, nhưng Ngài còn là Chúa, là sự biểu hiện của Thiên Chúa. Và sự hiện diện gần gũi ấy khơi dậy nơi Phêrô một cảm thức về sự nhỏ bé và bất xứng của mình. Về phương diện loài người, ông nghĩ phải có một sự cách quãng giữa tội nhân và vị Thánh. Trong thực tế chính thân phận tội lỗi của ông xin Chúa đừng xa tránh ông, cũng như một thầy thuốc không thể xa tránh bệnh nhân. ”Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Simon Phêrô vừa có tính cách trấn an vừa quyết liệt: ”Đừng sợ; từ nay con sẽ là kẻ lưới người”. Và người ngư phủ xứ Galilea lại đặt niềm tín thác nơi Lời Chúa, bỏ tất cả và theo Đấng đã trở nên Thầy và Chúa của ông, cả Giacôbê và Gioan, đồng nghiệp của Phêrô cũng làm như vậy. Đây là tiêu chuẩn hướng dẫn sứ mạng của Chúa Giêsu và sứ mạng của Giáo Hội, đó là ra đi tìm kiếm, ”lưới” người, không phải để chiêu dụ tín đồ, nhưng để trả lại cho tất cả phẩm giá trọn vẹn và tự do, nhờ sự tha thứ tội lỗi. Cốt tủy của Kitô giáo là: phổ biến tình thương tái sinh và nhưng không của Thiên Chúa, với thái độ đón tiếp và từ bi đối với tất cả, để mỗi người có thể gặp được sự dịu dàng của Thiên Chúa và được sự sống sung mãn. Và ở đây, đặc biệt tôi nghĩ đến các vị giải tội: họ là những ngừơi trước tiên phải trao ban lòng thương xót của Chúa Cha, theo gương Chúa Giêsu, như hai vị thánh tu sĩ, cha Leopoldo và cha Pio đã làm.

“Tin Mừng hôm nay gọi hỏi chúng ta: chúng ta có biết thực sự tín thác nơi Lời Chúa hay không? Hoặc chúng ta để cho mình bị nản chí vì những thất bại của chúng ta? Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này chúng ta được kêu gọi củng cố những người cảm thấy mình là người tội lỗi và bất xứng trước Chúa và bị xuống tinh thần vì những lỗi lầm của mình, nói với họ những lời của Chúa Giêsu: ”Đừng sợ', lòng thương xót của Chúa Cha lớn hơn những tội lỗi của bạn! Đừng sợ! Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ngày hiểu rằng làm môn đệ của Chúa có nghĩa là bước đi theo vết mà Thầy để lại: đó là những dấu vết ơn thánh của Chúa tái sinh sự sống cho tất cả mọi người”.

Kêu gọi hòa bình cho Siria

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC tái kêu gọi hòa bình cho Siria, cho các nạn nhân chiến tranh tại nước này, và nói rằng:

”Tôi rất lo âu theo dõi số phận thê thảm của các thường dân bị kẹt trong các cuộc đụng độ dữ dội ở nước Siria yêu dấu và họ buộc lòng phải bỏ mọi sự để trốn chạy những kinh hoàng của chiến tranh. Tôi cầu mong rằng, với tình liên đới quảng đại, người ta sẽ giúp đỡ cần thiết để bảo đảm cho các nạn nhân sự sống còn và phẩm giá, đồng thời tôi kêu gọi Cộng đồng quốc tế đừng từ nan nỗ lực nào để cấp thiết đưa các phe liên hệ trở lại bàn thương thuyết. Chỉ có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột mới có thể bảo đảm một tương lai hòa giải và an bình cho đất nước yêu quí vị xâu xé ấy. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện thật nhiều cho Siria và giờ đây tất cả chúng ta cùng nhau đọc một kinh Kính Mừng”.

Ngày Sự Sống ở Italia

ĐTC nói thêm rằng: ”Anh chị em thân mến, hôm nay ở Italia là Ngày bênh vực sự sống, về đề tài ”Lòng thương xót làm triển nở sự sống”. Tôi hiệp với các GM Italia để cầu mong các giới chức chính quyền, giáo dục và xã hội tái canh tân dân thân bênh vực sự sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc tàn lụi tự nhiên. Xã hội chúng ta cần được giúp đỡ để chữa lãnh mọi cuộc tấn công sự sống, dám thực hiện một sự thay đổi nội tâm, và cũng được biểu lộ ra bên ngoài qua các công việc từ bi thương xót. Tôi chào thăm và khích lệ các giáo sư đại học Roma và những người dấn thân làm chứng cho nền văn hóa sự sống”

Chống nạn buôn người

Ngày mai là Ngày cầu nguyện và suy tư chống lại nạn buôn người, mang lại cơ hội cho mọi người giúp đỡ những người nô lệ mới ngày nay phá vỡ xiềng xích nặng nề của nạn bóc lột để phục hồi tự do và phẩm giá. Tôi đặc biệt nghĩ đến bao nhiêu người nam nữ, và bao nhiêu trẻ em! Cần phải thực hiện mọi cố gắng để bài trừ tội ác và sự ô nhục không thể dung thứ này.

Chúc Tết

Và cũng ngày mai, tại Viễn Đông và nhiều nơi trên thế giới, hằng triệu người nam nữ sẽ mừng Tết. Tôi cầu chúc tất cả cảm nghiệm được sự thanh thản và an bình trong gia đình họ là nơi đầu tiên trong đó họ sống và thông truyền các giá trị tình thương và tình huynh đệ, sống chung và chia sẻ, quan tâm và chăm sóc tha nhân. Ước gì năm mới này mang lại những hoa quả cảm thương, từ bi và liên đới. Và chúng ta hãy chào mừng những anh chị em ở Viễn Đông sẽ mừng Tết bằng một tràng pháo tay!

Trong phần chào thăm các tín hữu hành hương, ĐTC đặc biệt nhắc đến Học viện Mêhicô ở Roma cùng với những người Mêhicô khác. Ngài nói: ”Cám ơn Anh chị em nỗ lực tháp tùng bằng lời cầu nguyện cuộc tông du của tôi ở Mêhicô, mà tôi sẽ thực hiện trong vài ngày tới đây và cả cuộc gặp gở của tôi tại La Habana với người anh em yêu quí của tôi là Đức Kirill” (Thượng Phụ Chính Thống Nga).