NGHĨA TRANG THAI NHI: SỰ SỐNG PHỤC SINH TỪ NHỮNG NẤM MỘ

Sau thánh lễ Tạ Ơn tại Pleichuet, Pleiku, tôi dự định sẽ trở về Saigon. Thế nhưng khi ghé lại bến xe thì chẳng còn chuyến nào đi ngay cả mà phải chờ tận chiều tối. Tôi quyết định ở lại thành phố này sẽ ghé thăm một người quen, chị Mỹ Diễm, một người đàn bà đã 35 tuổi, mà trước đây tôi đã có dịp gặp gỡ lắng nghe chị giải bày và cảm động khi chị đã nhận được hồng ân của Chúa sắp ban cho chị một mầm sống, qua sự khấn cầu bầu của cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, một vị chân phước đã được hàng triệu người trong nước cũng như nước ngoài tím đến hành hương và xin ơn.

Qua những cảm xúc của một người ngoài công giáo nhưng đã tìm đến với ân sủng của Chúa mà tôi đã ghi lại với tựa bài:”Người đàn bà tìm về Tắc Sậy” vào cuối tháng 11 năm 2003.

Mới đây trước khi xuất hành về lại Kontum, tôi biết chị đã sanh một cháu gái cân nặng 4kg2 vào đầu tháng ba năm 2004. Nhưng chỉ sau hai tuần, cháu bé bỗng tím tái khó thở và chị đã cho cháu nhập viện. Khi trở về một mình, với đôi mắt đỏ hoe, chị nhờ tôi khấn nguyện với cha Phanxicô cùng các Đấng Thánh khác cho con chị tai qua nạn khỏi dù chị đã được người quen hướng dẫn chạy đến với thánh nử bảo trợ các bà mẹ và trẻ em. Chỉ vài ngày sau, chị gọi điện báo tin là con chị đã an lành và bày tỏ lòng tri ân đến những Đấng Thánh đã chở che đứa con quí báu của chị. Chị còn cho biết sẽ mang con trở về gia đình.

Lần theo địa chỉ tôi cũng tìm được căn nhà của cha mẹ chị Mỹ Diễm trên đường Phan đình Phùng. Pleiku bây giờ không còn “đi dăm phút đã trở về chốn cũ” nữa mà đã thay đổi gần như tòan diện. Nhưng với tôi “còn chút gì để nhớ để quên” lại chính là cái nghĩa trang có một không hai, nghĩa trang “hài nhi” mà cha Phêrô Nguyễn văn Đông, chính xứ Đức An, đã chủ trương xây dựng và đã hối thúc tôi tìm hiểu thăm viếng nếu khi có dịp.

Người em gái tên Duyến mà tôi cũng đã gặp gỡ khi chị đi thăm nuôi chị gái nằm điều trị tại Saigon, đón tiếp tôi trong sự ngạc nhiên quá bất ngờ bởi đôi chân của người khách xa xôi như tôi chỉ còn biết lết mà thôi. Khi hỏi về chị Mỹ Diễm, “người đàn bà tìm về Tắc Sậy”của tôi, người em cho biết hai mẹ con đã về thị xã Kontum lúc sáng sớm để chuẩn bị mừng đầy tháng. Cháu bé đã có tên gọi. Lê Trương Bảo Uyên. Một cái tên mỷ miều hàm chứa dấu ấn tâm linh như một báu vật thấm đậm lòng nhân từ của vị chân phước miền cực nam đất Việt. Một sự sống được phục sinh từ nấm mồ tuyệt vọng nơi người đàn bà hiếm muộn này.

Sau khi tắm rửa nghỉ ngơi do di chuyển liên tục trong hai ngày qua, tôi ngỏ ý nhờ chị chở tôi đi thăm viếng “nghĩa trang hài nhi”. Chị Duyến ngạc nhiên về địa chỉ lạ lẫm này. Từ đó tôi mới có dịp nhấn vào điểm son nơi những nấm mồ vô danh đó. Số la, trong xã hội hiện nay, những vụ phá thai mỗi ngày mỗi kinh khủng đến lúc phải”báo động đỏ” và có không ít những trẻ sơ sinh bị vứt bỏ rồi bị chết cóng lạnh nơi công cộng hay xó xỉnh nào đó, khi đất nước đang dần lao vào công cuộc tòan cầu hóa mà xu hướng thời đại đang thúc bách những nước nghèo phải cất cánh vươn lên để mong ngang tầm với thế giới.

Một thế giới đang được trần tục hóa và thờ ơ với tôn giáo. Con người được đặt vào trung tâm của thực tại thế chổ cho Thiên Chúa và cũng vì thế mà gia đình đang trải qua một cuộc khủng hỏang kinh khủng bởi con người đang lao vào lối sống ích kỷ, khát khao hưởng thụ, khoái lạc, kiêu căng...

Với suy nghĩ ”Giáo Hội chỉ tạo được uy quyền khi chúng ta chấp nhận đồng hành với những con người, nếu chúng ta quan tâm đến những nỗi thất vọng của họ, đến những vấn nạn và những nỗi ngờ vực của ho”, mà cha Đông đã nảy sinh ra phương cách tiếp cận rất riêng với những vấn nạn”hủy hoại sự sống” này bằng cách lặng lẽ âm thầm truy tìm những thai nhi, những hài nhi sơ sinh bị chính cha mẹ của chúng tiêu diệt bên lề cuộc đời ích kỷ đến tán tận lương tâm của họ, để rồi qui những mầm sống sấu số đó thành một nghĩa trang hài nhi vô danh.

Qua những nấm mộ thai, hài nhi này mà sau đó đã đánh động khá sâu lắng vào trái tim tâm hồn của những người đang phải vật lộn với cuộc sống đời thường nhưng vẫn còn nặng lòng với hồn thiêng, nên cũng đã có nhiều những bà mẹ đến xin cha Đông cho họ lập mộ để lo hương khói và cúng vái những vong hồn đáng thương này. Điểm nhấn của tôi cũng gây cho chị Duyến giây phút bồi hồi giằng co cấu xé nào đó trong tận sâu thẳm để rồi chị cũng tỏ bày mong muốn có một nấm mộ vì trước kia khi còn khá trẻ chị đã chứng kiến một thai nhi trai khã lớn của người bạn gái bị phá bỏ một cách đau xót.

Chúng tôi ra đi khi”trời thấp thật buồn”. Gặp cha Đông khi ngài chuẩn bị cử hành thánh lễ chiều, nên cha chỉ kịp cho chúng tôi biết sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay số mộ thai hài nhi vô danh của cha đã lên tới con số 2.600 mộ và gần đó có thêm 5.300 ngôi mộ của người lớn không có thân nhân cũng được cha quan tâm.

Cùng đi với chúng tôi ra thăm mộ tình cờ còn có bốn sơ khác trong đó có hai sơ từ dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán Saigon lên. Trước khi rảo bước tham quan, cả sáu chúng tôi đồng tâm đọc vài kinh trước tấm bia tưởng niệm trong đó có khắc dòng chữ thật ấn tượng và cũng thật xót xa:”Chúng con tha thứ cho cha mẹ”.

Lẫn trong những nấm mộ nho nhỏ mầu trắng không tên tuổi chúng tôi đã thấy xuất hiện rất nhiều, thật nhiều những cái tên như Nguyễn vô Danh, Trần vô Danh hoặc Phạm vô Danh cùng với tên mẹ lập mộ như Nguyễn thị A..., Trần thị B... hoặc Phạm thị C... và ngày tháng năm lập mộ.

Đặc biệt có một nấm mộ còn mới tinh với tấm bia rất nhỏ trên đó ghi Nguyễn Minh Nhật chết ngày 24/02/2004 tại chợ. Hầu như trên tất cả các nấm mộ này đều cắm những chân nhang còn xót lại chứng tỏ vong hồn của các cháu vẫn được những người sống quan tâm khấn vái.

Khi chia tay những mầm sống bị chôn vui tức tưởi đau nhức, chi Duyến đã nức nở với tôi trong ngậm ngùi thương tiếc:”Chắc chắn em sẽ phải ra đây thật nhiều lần nữa để cầu cho không còn những vong linh nhỏ bé này phải chịu số phận”bị phá hủy” tàn nhẫn nữa! Cám ơn ông cha đã cho những người sống như em đây một chút gì đó về lòng nhân ái huyền diẹu hơn!”. Và tôi tin rằng sự sống sẽ phục sinh từ những nấm mồ vô danh này!

Ngồi ghi lại những cảm xúc không thể nào phai mờ trên sau ngày Chúa sống lại, tôi cảm nhận ra Tin Mừng Phục Sinh không phải là một tin vui ồn ào kiểu khua chuông gõ mõ hay đánh trống thổi kèn. Anh sáng Phục Sinh không phải là loại ánh sáng chói lòa rực rỡ, mà chỉ như một ngọn nến thắp trong đêm tối. Bởi đây là một mầu nhiệm. Mà mầu nhiệm, nói như Gabriel Marcel, là một ngọn đèn đủ soi đường cho chúng ta đi trong đêm tối, chứ không phải để xóa sạch mọi bóng đêm và kẻ nào chỉ thích ngắm nhìn chiêm ngưỡng nó thì hoặc sẽ chẳng còn bước đi, hoặc nếu vừa đi vừa nhìn thì có thể vấp ngã...

“Lạy Chúa, năm xưa khi cùng đồng hành trong suốt cuộc hành trình trên đường Emmau, Chúa đã không trách mắng, không than phiền thái độ thờ ơ lo âu sợ hãi của các môn đệ mà Chúa chỉ tìm cách chia sẻ tâm tư để thắp sáng niềm tin từ nơi trái tim của các ngài. Xin Chúa làm bừng cháy đủ một ánh sáng để cho chúng con ngày nay đang sống trong cõi lòng khắc khoải, lạnh lùng như băng giá, vô tâm dưới đống tro tàn của bao hy vọng tưởng như đã tắt ngấm vì Chúa là Đấng Nhân Lành biết dường bao như thánh sử Matthêu đã ghi lại:”Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lắt chẳng nỡ lấy đi.” Amen, Alleluia, Alleluia, Alleluia.”

Saigon, 13/04/2004