Cứ mỗi lần có đợt khủng bố mới, người ta lại bàn tới vấn đề Hồi Giáo và phần lớn là Hồi Giáo Cực Đoan hay khía cạnh có thể lèo lái qua cực đoan của Hồi Giáo.

Nói về những độc ác của Hồi Giáo Cực Đoan, người ta hay nhắc tới những vụ chém đầu của Nhà Nước Hội Giáo Trị ở Iraq và Syria, bắt cóc rồi trình diễn các nữ sinh trong tay Boko Haram ở Nigeria, tấn công trung tâm mua sắm của Al-Shabaab ở Nairobi…Một số nhà bình luận kết án ISIS và Boko Haram nhưng đoan chắc với độc giả rằng hành động của chúng không liên hệ gì tới Hồi Giáo đích thực. Một số khác, ngược lại, quả quyết rằng ISIS và Boko Haram đại diện cho bộ mặt đích thực của Hồi Giáo.

Thực ra, nói rằng ISIS và Boko Haram không liên hệ gì tới Hồi Giáo chân chính là điều không chính xác. Trái với nhiều bác bỏ được lặp đi lặp lại của Hồi Giáo, các khía cạnh chủ chốt trong ý thức hệ của các nhóm Hồi Giáo cực đoan quả có bắt nguồn từ các bản văn và lịch sử Hồi Giáo. Al-Qaeda, ISIS, và Boko Haram đều chủ yếu bắt nguồn từ tư tưởng Wahhabi và Salafi. Đây là các truyền thống giải thích Hồi Giáo một cách cực đoan, vốn gây ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới. Các lãnh tụ thành lập ra các nhóm thánh chiến một là học trò của các học giả hàng đầu của phái Wahhabi-Salafi hai là chịu ảnh hưởng các công trình của họ.

Wahhabi và Salafi bắt nguồn từ trường phái giải thích luật một cách bảo thủ nhất là Hanbali. Trong khi những trường phái Hồi Giáo khác khuyên không nên uống rượu, thì hai trường phái này cấm dùng cả các chất kích thích khác như hút thuốc chẳng hạn. Không những khuyên ăn mặc nết na, họ còn cụ thể đòi phải mặc thứ quần áo nào, nhất là đối với phụ nữ. Phái Wahhabi nhấn mạnh tới việc phải xa tránh các thực hành văn hóa không phải của Hồi Giáo cũng như không được kết tình anh em với người không phải là Hồi Giáo, thậm chí không nên mỉm cười hay chúc lành cho họ nữa.

Kể từ khi khám phá ra nguồn dầu hỏa phong phú trong hai thập niên 1970 và 1980, Saudi Arabia, vốn theo phái Wahhabi, đã xuất cảng phái này qua nhiều vùng Phi Châu, Á Châu và cả Tây Phương bằng cách cấp học bổng và tài trợ cho nhiều đền thờ, các nhà giảng thuyết và các nhóm cực đoan. Al-Qaeda trực tiếp nẩy sinh từ Hồi Giáo Wahhabi, còn ISIS là con thừa tự của al-Qaeda, trong khi Boko Haram nằm trong mạng lưới Wahhabi-Safali tại Nigeria. Chính bối cảnh tôn giáo này đã cung cấp khuôn khổ biện minh cho bạo lực. Người thánh chiến trích dẫn thánh kinh Hồi Giáo, truyền thống tiên tri và ý kiến luật pháp để hỗ trợ các chủ trương và các hoạt động của họ. Thánh chiến chống những người không phải là Hồi Giáo và các tối hậu thư buộc người ta phải trở lại Hồi Giáo, trả thuế đặc biệt, hay bị giết quả có dựa trên luật Hồi Giáo. Điều này cũng đúng trong chiến thuật bắt phụ nữ và trẻ em làm chiến lợi phẩm, sau đó giữ họ hay bán họ làm nô lệ. Hồi Giáo cũng hứa phần thưởng và khoái lạc cho những người sẵn sàng tử vì đạo. Thành thử, quả là ngây thơ nếu không muốn nói là lừa dối khi cho rằng các nhóm như ISIS và Boko Haram không liên hệ gì tới Hồi Giáo.

Tuy nhiên, cũng lừa dối không kém khi cho rằng các nhóm thánh chiến tượng trưng cho bộ mặt thực của Hồi Giáo. Dù các chỉ dụ về luật pháp và tín lý được người thánh chiến trích dẫn quả là thành phần cấu tạo ra luật lệ Hồi Giáo, nhưng không thể chối cãi được rằng người thánh chiến đã vi phạm luật lệ này khi tự ý thi hành nó. Họ đã không đếm xỉa gì tới các điều kiện cần có mới được tuyên thánh chiến, cũng như cách điều hành nó cách thích đáng. Các vấn đề như phải nhắm nhóm nào, nhắm cách nào và nhằm mục đích gì đều là những vấn đề hết sức phức tạp và được qui định khá rõ trong các bản văn thánh có thẩm quyền. Thí dụ, cả bốn trường phái luât học của Sunni, kể cả trường phái Hanbali của Hồi Giáo Wahhabi, đều đồng ý rằng việc tuyên thánh chiến chỉ có thể được biện minh để duy trì hay mở rộng chính phủ của một nhà nước Hồi Giáo. Bởi thế, cũng giống như lý thuyết chiến tranh chính đáng của Kitô Giáo, trong đó, quyền tuyên chiến phải cẩn trọng dành cho các chính phủ; trong luật pháp Hồi Giáo, chỉ có các chính phủ Hồi Giáo hợp pháp mới có thể tuyên thánh chiến mà thôi, chứ không phải các cá nhân hay các tác nhân không phải là nhà nước. Trường hợp ngoại lệ là khi một lãnh thổ Hồi Giáo bị tấn công hay chiếm đóng bởi lực lượng thù địch, thì thánh chiến hay kháng chiến mới trở thành trách nhiệm cá nhân. Nhưng cả khi ấy, thánh chiến vẫn cần được chính thức tuyên bố bởi nhà cầm quyền hợp pháp đại diện cho dân chúng của quốc gia bị chiếm đóng. Khi tự ý tuyên bố và điều hành thánh chiến, al-Qaeda, ISIS, Boko Haram và các nhóm khác đã hành động như những kẻ tiếm quyền lạc giáo.

Còn về việc điều hành thánh chiến, các nhóm khủng bố Hồi Giáo cũng đi ngược lại mọi truyền thống chính của Hồi Giáo. Cả bốn trường phái luật học Hồi Giáo, kể cả trường phái Hanbali của Hồi Giáo Wahhabi, đều dạy rằng không được nhắm và sát hại phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, tư tế, thương nhân, nông dân, và mọi thường dân không chiến đấu trong các cuộc thánh chiến. Những nơi có giá trị kinh tế như nông trại, chợ búa, nơi thờ phượng không được tấn công. Thành thử, những vụ cố tình tấn công thường dân, sát hại các nhân vật tôn giáo, bừa bãi đặt bom ở chợ búa và dinh thự, tấn công và hủy diệt nhà thờ… do al-Qaeda, ISIS và Boko Haram tiến hành xưa nay đã vi phạm các giới hạn rõ ràng của luật lệ Hồi Giáo trong việc điều hành thánh chiến.

Một điểm chủ yếu nữa của ý thức hệ thánh chiến là việc họ bác bỏ và thường nổi loạn chống lại các chính phủ đã thành hình tại các quốc gia theo Hồi Giáo. Al-Qaeda, ISIS, và Boko Haram vốn tuyên bố rằng các chính phủ Hồi Giáo trên khắp thế giới đều phi Hồi Giáo và bất hợp pháp, và thề sẽ thay ghế các chính phủ này bằng chế độ Hồi Giáo Trị (caliphate) duy Hồi Giáo. Để đạt được mục tiêu này, họ nhắm và sát hại các thù địch Hồi Giáo của họ, biện minh hành động của họ bằng cách nại tới takfir, tức học lý có từ thế kỷ thứ 7 đặt ra các điều kiện để quyết định người Hội Giáo nào bị tuyên bố là mất đức tin và phải bị giết. Nhóm ly khai tên là Kharijites dạy rằng có thể tuyệt thông và hợp pháp hóa cuộc thánh chiến chống những người Hồi Giáo khác, kể cả các nhà cai trị Hồi Giáo, nếu họ bị phán quyết vi phạm một số tội nào đó. Nhưng ngay lúc ấy, ý tưởng này đã bị các phái khác của Hồi Giáo bác bỏ và sau này cả bốn trường phái luật học chính thống đều bác bỏ. Thực vậy, truyền thống luật pháp của Hồi Giáo minh nhiên xếp nhóm Kharijites vào hàng không có đức tin, cần chống lại và bị giết.

Như thế, truyền thống Hồi Giáo rõ ràng chống lại chủ nghĩa khủng bố của Hồi Giáo ngày nay. Cả bốn trường phái luật học thính thống của Hồi Giáo đều có những qui định rõ ràng cho thấy một cá nhân hay một nhóm Hồi Giáo nào đó không hề được quyền thay đổi chính phủ của một quốc gia Hồi Giáo bằng việc sử dụng vũ khí và bạo lực, vì cho phép điều này là mời mọc người ta gây bất ổn dân sự, gây chiến tranh tư riêng, và lạm dụng Hồi Giáo để biện minh cho các cuộc nổi loạn vì tư lợi. Các trường phái này cũng chống đối việc sát hại đồng đạo Hồi Giáo nhân danh thánh chiến. Nguyên tắc chỉ đạo là: vô chính phủ và sát hại đồng đạo Hồi Giáo tệ hại hơn là sống dưới một hệ thống bất chính.

Chính vì thế, không lạ gì khi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo khắp thế giới nhiều lần và công khai kết án al-Qaeda, IS, và Boko Haram. Họ là Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo, Đại Mufti của Saudi Arabia, Hội Đồng Ulema Nam Dương, Đại Ayatollah Naser Makarem Shirazi của Iran, Đại Imam của Đại Học Al-Azhar ở Cairo, và rất nhiều vị khác.Hai học giả Hồi Giáo hàng đâu của Pakistan, Javed Ahmad Ghamidi và Muhammad Tahir ul-Qadri, cả hai được nhiều người theo, đã viết một cuốn sách và ban hành nhiều qui định (fatwa) về ý nghĩa thánh chiến và việc điều hành nó. Cả cuốn sách lẫn các fatwa đều bài trừ chủ nghĩa khủng bố và nổi loạn bằng bạo lực, dựa vào Kinh Kôrăng, các truyền thống tiên tri, và rất nhiều tác giả thần học và luật học sáng chói của nhiều thế kỷ và thuộc nhiều trường phái khác nhau. Họ coi những nhóm thánh chiến như Kharijites là khủng bố, nổi loạn, và ly giáo. Gần đây, 126 nhân vật Hồi Giáo hàng đầu trên khắp thế giới đã ký và phổ biến một thư ngỏ thách thức căn bản Hồi Giáo của ý thức hệ ISIS.

Dù các lên án và fatwas trên ít có tác dụng đối với ban lãnh đạo của các nhóm thánh chiến trên, nhưng chúng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc bất hợp pháp hóa ý thức hệ thánh chiến và do đó, làm giảm sức lôi cuốn của nó đối với giới trẻ Hồi Giáo. Thiển nghĩ ta nên coi trọng các việc lên án và các fatwas trên và tìm mọi cách phổ biến chúng. Rất tiếc, các nhà phê bình Tây Phương thường hay làm ngơ các tiếng nói trên và đôi khi lên án toàn bộ Hồi Giáo. Nhiều người vẫn cho rằng Kinh Kôrăng dạy phải giết người.

Thiển nghĩ ta nên mạnh mẽ chống lại quan điểm coi Hồi Giáo là vấn đề, coi Kinh Kôrăng là vấn đề, coi Muhammad là vấn đề. Tố cáo Hồi Giáo như một tôn giáo thích giết người, hay Kinh Kôrăng và Muhammad như hiến pháp và điển hình của các tên khủng bố, là cung cấp lý lẽ biện hộ cho những tên cuồng tín méo mó. Việc này chỉ củng cố niềm tin sai lạc của chúng rằng chỉ có chúng mới là người Hồi Giáo đích thực. Đàng khác, việc này còn tạo sợ sệt và bất tín nơi đại đa số tín hữu Hồi Giáo vốn không hề là thánh chiến. Nếu kinh Kôrăng và Hồi Giáo là vấn đề, thì đâu là giải pháp? Ném bom vào Ka’bah ở Mecca chăng? Cấm không được đọc Kinh Kôrăng chăng?

Mà Kinh Kôrăng có là vấn đề đi chăng nữa, sự thật về đời sống tôn giáo không hề đơn giản. Đại đa số Kitô hữu và người Hồi Giáo không sống bằng sola scriptura (một mình Thánh Kinh), hay bằng một mình Kinh Kôrăng và Sunna mà thôi, dù đôi khi họ tự cho mình là như thế. Cả một mạng lưới phức tạp và luôn thay đổi bao gồm các thực tại chính trị xã hội, địa chính trị, nòi giống, sắc tộc, văn hóa, kinh tế, lịch sử và hiện sinh linh hứng cung cách để ta sống thực đức tin của mình. Đã đành các bản văn thánh của Hồi Giáo có chứa đựng các hạt giống dẫn tới bạo lực. Dưới các chính phủ tham nhũng, dốt nát, nghèo đói và áp bức đang thống trị một số nước Hồi Giáo, các hạt giống này càng tìm được đất tốt để bám rễ, mọc mầm và lớn mạnh…

Ta không hiểu được não trạng thánh chiến, chứ đừng nói tới việc tìm giải pháp đáng tin và lâu dài, nếu không coi trọng bối cảnh trên. Hiển nhiên, sự trệch hướng gây ra bởi thời hiện đại và hậu hiện đại giữ một vai trò chủ chốt. Phát triển kinh tế và việc buôn bán hoàn cầu mỗi ngày mỗi gia tăng về phim ảnh, truyền hình và các hình thức văn hóa quần chúng khác đã làm suy yếu nhiều định chế truyền thống của Hồi Giáo cũng như gây xáo trộn và mất hướng nhiều người Hồi Giáo. Chính trong bối cảnh này, các nhóm lạc giáo như Boko Haram và ISIS mới có cơ phát triển. Chúng một phần là những người nhiệt thành, một phần là quân cướp, một phần là phiêu liêu chính trị, trong các xã hội đang kinh qua các biến đổi xã hội sâu sắc.

Vậy phải nói gì về Hồi Giáo và chủ nghĩa khủng bố? Hiển nhiên là các nhóm thánh chiến trưng dẫn các bản văn Hồi Giáo chính dòng để biện minh cho các hành động của chúng. Nhưng thiển nghĩ, tự nó, trưng dẫn các bản văn Hồi Giáo không nhất thiết khiến quan điểm và hành động của một người thành Hồi Giáo được. Quân Kháng Chiến Của Chúa ở Uganda trưng dẫn Thánh Kinh, Ngành David của David Koresh (biến cố Waco), Đền Nhân Dân của Jim Jones (ở Hoa Kỳ) và nhiều thứ hệ phái sai lạc khác của Kitô Giáo cũng trưng dẫn Thánh Kinh. Nhưng điều ấy đâu có biến chúng thành Kitô Giáo.

Nhiều người coi các cố gắng nhằm phân biệt bọn thánh chiến lợi dụng các truyền thống Hồi Giáo với chính Hồi Giáo là mưu toan nhằm ngăn cản ta không bắt Hồi Giáo chịu trách nhiệm đối với các hành động của các nhóm thánh chiến. Họ cho rằng làm thế là làm nhụt việc họ chỉ trích Hồi Giáo và do đó ngăn cản họ giúp đỡ các nạn nhân của chủ nghĩa thánh chiến. Thực ra trái ngược hẳn, vì nếu chỉ trích toàn bộ Hồi Giáo dựa vào tính man rợ của các nhóm thánh chiến, thì ta phải giải thích ra sao và khuyến khích thế nào hành động của người Kurd Hồi Giáo và nhiều người Hồi Giáo khác đang kháng cự lại các nhóm thánh chiến và đang trả giá máu cao để bảo vệ các nhóm thiểu số Kitô Giáo và Yazidi ở Iraq? Họ cũng đọc một Kinh Kôrăng ấy, bước chân theo cùng một Muhammad ấy, và cũng cử hành những việc cầu nguyện hàng ngày ấy.

Nhưng có người cho rằng người Kurd được động viên bởi tinh thần quốc gia trong khi ISIS được động viên bởi Hồi Giáo. Suy nghĩ kiểu này rõ ràng thiếu cơ sở vì tại Trung Đông, làm gì có sự phân biệt giữa bản sắc tôn giáo và bản sắc sắc tộc!