Giải đáp phụng vụ: Vô danh trong tòa giải tội

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu được phép hoặc có lý do tốt nào đó để cha giải tội hỏi tên hối nhân không, trong khi việc xưng tội là vô danh, nghĩa là không phải xưng tội "mặt đối mặt"? - L. L., Washington, DC, Mỹ.


Đáp: Việc xưng tội vô danh, cùng với tòa giải tội như chúng ta biết ngày nay, nói chung là do sáng kiến của Thánh Charles Borromeo (1538-1584), Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Milan, Ý. Trước đó, cha giải tội ngồi trên một chiếc ghế và hối nhân, thường là quỳ, là rõ ràng được cha giải tội nhìn thấy.

Để đảm bảo sự khiêm tốn và kín đáo, Đức Hồng Y Borromeo qui định vào năm 1564 rằng các Tòa Giải Tội trong tổng giáo phận của ngài được đóng kín cả hai phía bằng một vách ngăn giữa hối nhân và linh mục. Nghi lễ Rôma của Đức Giáo Hoàng Phaolô V đã thông qua quy định này, giúp lan truyền việc sử dụng nó, mặc dù nó đã không trở thành một thực hành phổ quát cho đến thế kỷ XVII.

Việc xưng tội vô danh vẫn là tiêu chuẩn, mặc dù khuynh hướng hiện nay cho phép hối nhân mong muốn xưng tội mặt đối mặt với cha giải tội. Tòa Giải Tội có thể được thiết kế nhằm cho phép cả hai sự lựa chọn.

Mặc dù hối nhân có thể xin xưng tội mặt đối mặt, linh mục không bắt buộc nhượng bộ cho yêu cầu, và có thể nhấn mạnh việc sử dụng vách ngăn.

Nếu hối nhân mong muốn vô danh, linh mục nên tôn trọng mong muốn này, và trong phần lớn các tình huống, ngài không bao giờ nên có bất kỳ yêu cẩu hoặc quyền hỏi danh tánh hối nhân cả.

Ngay cả khi linh mục đã biết hối nhân trước, ngài nên thận trọng hơn để không có qui chiếu cá nhân về người đó, trừ khi hối nhân muốn tiết lộ điều gì về mình hoặc hoàn cảnh bảo đảm điều này, chẳng hạn trường hợp của một hối nhân thường xuyên được linh mục biết rõ.

Thường xuyên hơn, có thể có các tình huống, để xác định bản chất chính xác và sự nghiêm trọng của tội có liên quan, khi linh mục có thể hỏi chung chung về bậc sống của hối nhân, chẳng hạn, người đó đã kết hôn, hoặc là tu sĩ có lời khấn…

Trong một số Tòa Giải Tội, nơi mà hối nhân là hầu như không được nhìn thấy, có thể xảy ra rằng linh mục có thể hỏi một số chi tiết về tuổi tác, hoặc phái tính, để có lời khuyên đặc biệt và cụ thể dành cho hối nhân.

Một số tội trọng, chẳng hạn phá thai, cũng có thể phải chịu vạ tuyệt thông dành cho Giám mục giải hoặc trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như sự cố ý làm ô uế Bí Tích Thánh Thể, dành cho Tòa Thánh giải.

Trong các trường hợp này, cha giải tội không có thể ban xá giải ngay tức thì, hoặc chỉ với điều kiện rằng hối nhân phải xin tha vạ tuyệt thông trong vòng một tháng từ thẩm quyền cao hơn.

Vì hầu hết các hối nhân không biết thực hiện quá trình này, linh mục có thể giúp đỡ bằng cách liên hệ hoặc với Giám mục hoặc Tòa Thánh tùy theo trường hợp. Điều này linh mục sẽ thực hiện mà không nói tên của hối nhân (xem Điều 1357, Bộ Giáo luật).

Nếu hối nhân muốn giấu tên, thì người đó có thể xin một cuộc hẹn để trở lại xưng tội với củng linh mục ấy, sau một thời gian nhất định để biết lệnh phạt đã được chính thức dỡ bỏ. Nhưng trong một số trường hợp, có thể hối nhân cần tiết lộ một số dữ liệu cá nhân, để linh mục có thể thông báo cho hối nhân khi phép tha vạ đã tới. (Zenit.org 6-4-2004)

Nguyễn Trọng Đa